Tìm hiểu tư tưởng kỹ trị trong triết học tư sản hiện đại

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG KỸ TRỊ TRONG TRIẾT HỌC TƯ SẢN HIỆN ĐẠI

NGUYỄN VĂN CỪ
Học viên cao học-Trường ĐHKHXH&NV, Tp HCM
Tấn công chủ nghĩa Marx, chống phá chủ nghĩa xã hội một cách toàn diện là âm mưu lâu dài của các thế lực thù địch. Đứng trước những khó khăn của chủ nghĩa xã hội hiện nay, hơn bao giờ hết, bảo vệ chủ nghĩa Marx trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với những người Mác xít. Muốn thực hiện điều đó, trước hết chúng ta phải vạch trần bản chất phản động cùng sự ngụy biện của những học thuyết chống cộng, đồng thời tiếp tục phát triển chủ nghĩa Marx cho phù hợp với điều kiện ngày nay.

Thuyết kỹ trị hiện đại đã thổi phồng vai trò của tiến bộ khoa học –kỹ thuật, quy bản chất của xã hội vào thành quả của những tiến bộ khoa học –kỹ thuật và công nghệ để làm lu mờ những “vết loét” vô phương cứu chữa, che đậy những quan hệ bất bình đẳng, phi nhân tính của xã hội tư bản hiện đại, phủ nhận lý luận đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội của chủ nghĩa Marx. Thuyết kỹ trị đã trở thành một trong những chỗ dựa về lý luận của chiến lược diễn biến hoà bình của Mỹ nhằm tiếp tục tấn công chủ nghĩa Marx, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.

Để vạch rõ bản chất của thuyết kỹ trị, trước hết chúng ta phải đánh giá một cách đúng đắn, khách quan, không thiên lệch về vai trò của những tiến bộ khoa học –kỹ thuật và công nghệ đặc biệt đối với xã hội và con người, phân biệt tiến bộ kỹ thuật với tiến bộ xã hội. Bên cạnh việc thừa nhận tính chất phi giai cấp của những tiến bộ khoa học –kỹ thuật, chúng ta cũng cần làm rõ những âm mưu của các thế lực thù địch nhân danh “trao đổi kỹ thuật”, “chuyển giao công nghệ” để thực hiện mưu đồ chính trị chống chủ nghĩa xã hội.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một số đặc trưng chủ yếu của thuyết kỹ trị, với những mặt tích cực và hạn chế của nó, đồng thời qua đó, chứng minh rằng chủ nghĩa Marx không phải đã “lỗi thời” như lời tuyên bố của các lý luận gia tư sản.

1. Lịch sử vấn đề
Tư tưởng kỹ trị có cội nguồn lịch sử xa xưa, đặc biệt vào thế kỷ XVII-XVIII- thời đại Khai sáng, thời đại của những cuộc cách mạng tư sản -khi giai cấp tư sản đang còn là lực lượng tiến bộ đóng vai trò lãnh đạo các tầng lớp nhân dân chống lại chế độ phong kiến nói chung, ý thức hệ phong kiến lỗi thời nói riêng.

Việc đề cao vai trò của khoa học –kỹ thuật hay tri thức nói chung là sự đáp trả đối với nhà thờ Thiên chúa giáo vốn có thái độ thù địch với những tiến bộ khoa học –kỹ thuật. Các nhà triết học tiên phong của thời đại ấy đều là những nhà khoa học lừng danh (R.Descartes, G.Leibniz, I.Newton, B.Pascal…) hoặc những người am hiểu nhất định về khoa học nhất là khoa học thực nghiệm (F.Bacon, T.Hobbes, J.Locke, P.Gassendi…của thế kỷ XVII; D.Diderot, Holbach …của thế kỷ XVIII). Chính họ đã giương cao ngọn cờ đấu tranh vì những giá trị thực của con người. Đó là thời đại mà con người dần dần từ bỏ lớp vỏ thần bí, kinh viện trung cổ để hướng đến tự nhiên, khám phá những  bí mật của vũ trụ.

Phần lớn những tư tưởng không tưởng thời Phục hưng và cận đại đều quan tâm đến vai trò của khoa học –kỹ thuật đối với việc hoàn thiện con người, trong đó nổi bật nhất là tư tưởng của F.Bacon và chính ông là người đã đặt nền móng cho tư tưởng kỹ trị. Nhưng tư tưởng kỹ trị của Bacon trong thời kỳ triết học tư sản cổ điển có những ý nghĩa tiến bộ và như trên đã nêu, nó góp phần khẳng định vai trò của khoa học –kỹ thuật trong việc “làm sạch lý trí”, mở đường cho công cuộc chinh phục tự nhiên, khẳng định quyền lực của con người. Tuyên bố của Bacon “tri thức là sức mạnh” đã trở thành tuyên ngôn của thời đại.

Để biến tri thức thành sức mạnh thì trước hết, phải phê phán cách hiểu sai lầm về tri thức khoa học hay theo cách nói của F.Bacon: xua tan những ảo tưởng trong quá trình nhận thức, nhận diện và vạch trần sự bảo thủ, trì trệ của ý thức hệ phong kiến, tấn công vào uy quyền tư tưởng vốn là thế lực cản trở sự hình thành cái mới trong nhận thức của con người, thay tri thức kinh viện Trung cổ bằng tri thức mới thực sự hữu dụng, xác lập phương pháp khoa học nhằm giúp con người khám phá tự nhiên, làm chủ bản thân và xã hội.

Trong tác phẩm không tưởng “New Atlantic”, của F.Bacon đã hình dung một xã hội lý tưởng dựa trên quyền lực của tri thức, một xã hội với chế độ cộng hoà lý tưởng, con người sống hạnh phúc trên nền tảng của khoa học kỹ thuật phát triển cao. Trong xã hội đó không có các đảng phái chính trị, việc quản lý con người được thay thế bằng việc quản lý tự nhiên dưới sự lãnh đạo của tập thể các triết gia và các nhà khoa học.

Như vậy, Bacon đã tiên đoán về một xã hội mà ở đó thay vì chiến tranh xung đột là sự giao lưu tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ và suy rộng ra cả một thế giới loài người mà các dân tộc là những thành viên bình đẳng đến với nhau bằng tri thức khoa học, gạt bỏ những bất đồng về quan điểm chính trị.

Nhà tương lai học của người Mỹ A.Toffler trong bộ ba tác phẩm nổi tiếng của mình: “Cú sốc tương lai”, “Làn sóng thứ ba”, và “Thăng trầm quyền lực”, đã đánh giá hết sức xác đáng ý nghĩa lịch sử của tư tưởng F.Bacon, nhưng ông đã gạt bỏ một thực tế là: tiến bộ khoa học –kỹ thuật chỉ là một trong những tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển văn minh xã hội chứ không phải là tiêu chuẩn duy nhất, thành quả của khoa học –kỹ thuật mang lại, không phải là phương thuốc vạn năng giúp chữa lành những vết thương xã hội, vết thương trong quan hệ giữa người và người.

2.Tư tưởng kỹ trị hiện đại và những đặc trưng của nó
2.1.Tư tưởng kỹ trị hiện đại
Thuyết kỹ trị (từ tiếng Hy Lạp tèhme nghĩa là trình độ lành nghề, thủ công nghiệp và kratos là quyền lực) là khái niệm biểu thị việc thiết lập quyền lực chính trị của những chuyên gia kỹ thuật mà kết quả của nó là việc điều hành các quá trình xã hội không phải trên nền tảng lợi ích “cá nhân” của giai cấp này hay giai cấp khác, mà trên cơ sở của tri thức khoa học được các nhóm chuyên gia kỹ thuật sử dụng vì lợi ích của toàn xã hội (1, tr.497-498).

Thuyết kỹ trị hiện đại ra đời trong bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp, khi trên thế giới đang diễn ra xung đột giữa Liên Xô và Mỹ, nó góp phần không nhỏ trong cuộc chiến phá hoại tư tưởng của giai cấp tư sản vào những năm 50-60 của thế kỷ này. Những đại biểu theo xu hướng kỹ trị ở thời kỳ này như: W.Rostou, R.Aron, D.Bell, Z.Brzezinski… là những nhà chống cộng thực sự, họ xem chủ nghĩa xã hội là một hiện tượng cá biệt của sự tiến hoá xã hội, là sự cố gắng có tính cực đoan. Họ khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là chặng đường đầy sóng gió, để lại những hậu quả khôn lường mà nhân loại cần khắc phục để đi đến đích. Họ vượt qua sự “cực đoan” của chủ nghĩa xã hội bằng một phương án với tên gọi hết sức hấp dẫn: “thiên đường công nghệ”.

Những năm 50, tại Mỹ đã công bố một loạt tác phẩm đáng chú ý như: “The Stages of economic. A non –Kommunist manifesto” (Các giai đoạn của tăng trưởng kinh tế. Tuyên ngôn cộng sản) của W.Rostou (năm 1958); “The 20th century capitalist revolution” (Cách mạng Tư sản thế kỷ XX) của D.Berle (năm 1954); “The Post –Industrial society…” (Xã hội hậu công nghiệp…) của D. Bell (năm 1971); “Between two ages…” của Z. Brzezinski (năm 1970). Các học giả này đã ra sức miêu tả chủ nghĩa tư bản hiện đại như là một xã hội “đang tan biến”, “đang biến hoá” thành “xã hội không tư bản”, mà họ gọi là “xã hội công nghiệp”, “dân chủ”, “có sức tiêu dùng cao và bảo đảm cho tất cả mọi người”…Từ đó họ đi đến kết luận: chủ nghĩa Marx đã trở nên “lỗi thời”, đã bị “vượt qua”. Họ nói rằng người ta có thể thừa nhận chủ nghĩa Marx đã đúng đối với thế kỷ XIX và những niên đại đầu thế kỷ XX, nhưng làm sao chủ nghĩa Marx lại vẫn có thể đúng đối với những niên đại hiện nay được? Theo họ, điều làm cho chủ nghĩa Marx trở nên “lỗi thời” là chỗ nhân loại đã chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỷ XIX lên cuộc cách mạng khoa học –kỹ thuật đang bắt đầu diễn ra trước mắt chúng ta và đang tạo ra những biến đổi cực kỳ sâu sắc trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các học giả tư sản đó phải chăng đã nêu lên cho những người Mác-xít “chính thống, giáo điều” một bài học sinh động về phép biện chứng và tính lịch sử cụ thể của quá trình nhận thức? Thực ta đằng sau cái vẻ bề ngoài đó là sự phủ nhận những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Marx về tiến trình phát triển của lịch sử xã hội.

2.2 Đặc trưng chủ yếu của tư tưởng kỹ trị hiện đại.
Đặc trưng đầu tiên của tư tưởng kỹ trị hiện đại là sùng bái sức mạnh của khoa học –kỹ thuật, tuyệt đối hoá nó như là một công cụ hoàn thiện xã hội.

Ngày nay, không ai phủ nhận những thành quả của khoa học –kỹ thuật đã làm cho cơ cấu sản xuất có những thay đổi to lớn, mở ra những triển vọng góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội: kích thích tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống, cải thiện môi trường hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, góp phần cải thiện môi trường dịch vụ…hay theo cách nói của các học giả tư sản là “thực hiện cách mạng không cần người làm cách mạng”. Một cuộc cách mạng làm cho tiêu dùng tăng lên gấp bội, xoá bỏ sự chênh lệch về thu nhập và lối sống, thủ tiêu thái độ đối kháng đối với chế độ hiện tại.

Nếu chỉ xét vấn đề từ hiện tượng và chỉ dừng lại ở đó thôi thì có lẽ chân lý đã thuộcvề phía những học giả tư sản hiện đại. Nhưng khi đối chiếu với thực tế thì những điều nói trên chỉ là ảo tưởng, bởi vì đi đôi với những lợi ích mà việc ứng dụng những thành quả khoa học –kỹ thuật mang lại, là sự xuất hiện những bất ổn mới trong xã hội: khi năng suất lao động xã hội tăng lên thì tình trạng đắt đỏ lại tăng theo, sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập tăng lên và các khu vực nghèo đói cũng nhiều lên. Tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho việc thu xếp công ăn việc làm thiếu ổn định hơn và nạn thất nghiệp, nói như J.Derrida trong quyển “Những bóng ma của Mác” là một trong 10 vết loét của cái gọi là “trật tự thế giới mới”, là “sự trục trặc ít nhiều được tính toán một cách tài tình ấy của một thị trường mới, của những công nghệ mới, của một sự cạnh tranh toàn cầu mới, có lẽ ngày nay cần phải cho nó một cái tên mới”…Nạn thất nghiệp mới chẳng khác gì… “nạn nghèo đói mới” giống với nghèo đói” (2; tr.172)

Hơn thế nữa, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá gấp rút đã dẫn đến những cuộc khủng hoảng ở thành thị, việc phổ biến những phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ việc làm giàu cho tư nhân đã trở thành mối đe doạ đối với môi trường sống và tạo ra nạn phung phí tài nguyên thiên nhiên chưa từng thấy. Nguy cơ nghiêm trọng nhất là các tổ chức độc quyền sử dụng rộng rãi những thành tựu khoa học kỹ thuật cho các mục đích quân sự và giới cầm quyền hiếu chiến, gây ra những nguy cơ chiến tranh hạt nhân huỷ diệt toàn nhân loại.

Phần lớn những nhà tương lai học Mỹ như Z. Brzezinski, D.Bell, A.Toffler  đều nhất trí luận điểm cho rằng: cùng với sự phát triển của nền kinh tế thống nhất và khả năng điều hành đồng bộ nền sản xuất, việc cải thiện vấn đề phân phối thu nhập…thì vấn đề sở hữu không còn là vấn đề gay gắt, không còn là tiêu điểm tranh chấp và xung đột xã hội; những biến đổi to lớn trong công nghệ thông tin và tổ chức quản lý xã hội do tiến bộ khoa học kỹ thuật đem đến đã làm cho khoa học kỹ thuật trở thành tiêu điểm của sự phát triển xã hội.

Như chúng ta đều biết, chính K.Marx lần đầu tiên bằng quan điểm duy vật đã nghiên cứu xã hội một cách lịch sử -cụ thể, thông qua việc nghiên cứu một hình thái kinh tế –xã hội cụ thể –xã hội tư bản –K.Marx đã chỉ ra rằng sự phát triển của xã hội loài người từ trước đến nay là một quá trình phát triển có tính quy luật, từ thấp đến cao, là sự nối tiếp nhau theo một trật tự nhất định của các hình thái kinh tế –xã hội. Thông qua sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong đó lực lượng sản xuất giữ vai trò quyết định, quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của nó, sự thống nhất và mâu thuẫn này tự nảy sinh và được giải quyết, là động lực bên trong quyết  định sự vận động của phương thức sản xuất, cơ sở của sự phát triển của xã hội loài người. Điểm cơ bản trong tư tưởng của K.Marx là khi phân chia thành giai cấp đối kháng, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không thể tự giải quyết, tức là lực lượng sản xuất mới không tự phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, mà bao giờ cũng dẫn đến xung đột và được giải quyết thông qua cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội là quá trình thay thế hệ thống quan hệ sản xuất cũ, lỗi thời, đã trở thành lực cản và kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, bằng hệ thống quan hệ sản xuất mới phù hợp, từ đó dẫn đến thay đổi toàn bộ những quan hệ tương đương với nó. Khi nghiên cứu cụ thể về xã hội tư bản. K.Marx đã lấy chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất vốn đã quyết định quan hệ giữa người và người trong nền sản xuất nhất định, làm tiêu chuẩn khách quan để phân kỳ lịch sử xã hội. Từ đó, Marx kết luận về sự htay thế tất yếu của chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội, và sự thay thế đó chỉ có thể thực hiện bằng cuộc cách mạng xã hội do giai cấp vô sản lãnh đạo, nhằm thiết lập nền chuyên chính vô sản, rồi dùng nó làm công cụ chủ yếu để xoá bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

Khi đưa ra cái gọi là “Tuyên ngôn không cộng sản”, cái gọi là “xã hội  công nghiệp”, một xã hội không phải là cộng sản, xuất phát từ giải thích phiến diện, bóp méo về một số hiện tượng mới, có thật trong xã hội tư bản hiện đại, các nhà tư tưởng tư sản đã phủ nhận những luận điểm trên đây của chủ nghĩa Marx về sự tiến bộ trong lịch sử nhân loại, nhất là bước quá độ tất yếu hiện nay từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Điều được các học giả tư  sản đặc biệt quan tâm đối với chủ nghĩa Marx là bác bỏ tiêu chuẩn phân kỳ và quy luật khách quan của tiến trình phát triển xã hội. Họ cho rằng trong tình hình hiện nay, để hiểu một nền thị trường thì không chỉ đứng trên một quan điểm nào đó, mà phải đứng trên nhiều quan điểm. Từ cách đặt vấn đề như vậy, họ xem học thuyết hình thái kinh tế –xã hội của Marx là “lỗi thời”, không còn phù hợp. Họ cho rằng, Marx đã thiếu cơ sở khi chỉ dựa vào cái trục sở hữu về tư liệu sản xuất để phân kỳ lịch sử xã hội, và nhất là khi đem đối lập hệ thống tư bản chủ nghĩa với chế độ xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Theo họ, cần phải đứng trên một cái gì đó được coi là “chung cho mọi nền sản xuất”, đứng trên cái mà họ gọi “quan điểm kỹ thuật”, tức là xem xã hội mà người ta nghiên cứu đã dùng kỹ thuật sản xuất gì để phân loại các trình độ phát triển kinh tế và xã hội gắn liền với chung. Từ đó, họ tiếp tục chỉ trích lý luận Mác-xít về cách mạng xã hội. Với họ, tất cả mọi biến đổi, tiến bộ trong lịch sử đều được xem là kết quả của những thay đổi trong khoa học.

Chính vì thế, chúng ta cũng không lấy làm lạ khi trong quyển “Làn sóng thứ ba” A. Toffler đã chia lịch sử phát triển xã hội ra làm ba làn sóng: làn sóng của nền văn minh nông nghiệp, làn sóng của nền văn minh công nghiệp và làn sóng của nền văn minh hậu công nghiệp. Ông xem những cuộc đấu tranh, những biến động trong xã hội là do sự va chạm, sự xung đột giữa các làn sóng văn minh đó, “Từ nước này sang nước khác, sự xung đột giữa các quyền lời của làn sóng thứ nhất và làn sóng thứ hai nổ ra khắp nơi, dẫn đến khủng hoảng và biến động chính trị, đình công, bnổi loạn, đảo chính và chiến tranh” (3; tr.23). Từ đó, ông xem cuộc cách mạng tháng Mười chỉ là sự chiến thắng của nền văn minh công nghiệp gắn với kỹ thuật hiện đại, đối với nền văn minh nông nghiệp lạc hậu, chứ không phải là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp. Ông viết: “Cuộc cách mạng năm 1917 là bản dịch của Nga về cuộc nội chiến Mỹ. Nó được chiến đấu không phải chủ yếu cho chủ nghĩa cộng sản, mà là cho vấn đề công nghiệp. Khi những người Bônsêvích quét sạch những dấu vết cuối cùng của chế độ nông nô và nền quân chủ phong kiến, họ đẩy nông nghiệp ra phía sau và tăng tốc công nghiệp qui mô lớn” (4; tr.23).

Đúng là có nhiều cách khác nhau trong việc phân kỳ lịch sử xã hội. Nhưng, vấn đề là ở chỗ cách nào là khoa học nhất, toàn diện nhất, cách nào thể hiện đầy đủ và sâu sắc nhất bản chất của xã hội. Với cách phân kỳ của các học giả tư sản, ta sẽ thấy rằng các nước trên thế giới chỉ khác nhau về “trình độ phát triển sản xuất”, chứ không phải khác nhau về chế độ sở hữu và trình độ chính trị –xã hội  bắt nguồn từ đó. Với cách nhìn như vậy, họ đã xem xét sự phát triển của các lực lượng sản xuất trong một thứ chân không xã hội nào đó, ở bên ngoài những điều kiện xã hội nhất định. Như thế, một mặt họ đã quy lịch sử phát triển của xã hội loài người chỉ còn là lịch sử phát triển của kỹ thuật sản xuất. Mặt khác, khi đồng nhất tính chất của kỹ thuật sản xuất với tính chất của xã hội, họ đã cố tình che đậy mâu thuẫn cơ bản trong lòng chủ nghĩa tư bản, tức mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Họ đã bỏ qua một sự thật vô cùng quan trọng là: các quan hệ sản xuất thể hiện thành quan hệ giai cấp, mà trong các hình thái kinh tế –xã hội có giai cấp đối kháng thì giai cấp thống trị luôn chống đối kịch liệt việc cải tạo triệt để quan hệ sản xuất do sự phát triển của các lực lượng sản xuất tạo nên. Họ xoá mờ sự khác nhau căn bản giữa hai hệ thống trên thế giới: chủ nghĩa tư bản –chủ nghĩa xã hội. Nhờ thế, họ có thể bác bỏ tính quy luật lịch sử của việc chủ nghĩa tư bản tất yếu chuyển sang mặt đối lập của nó là chủ nghĩa xã hội thông qua cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, họ có thể bác bỏ mọi cuộc cách mạng xã hội để thay bằng “cách mạng kỹ thuật”, “cách mạng công nghiệp”.

Như vậy, sự khác nhau căn bản giữa cách phân kỳ xã hội theo quan điểm mác-xít và thuyết kỹ trị là ở chỗ: quan điểm Mác –xít dựa vào sự khác nhau về chất của xã hội, tức dựa vào quan hệ sản xuất –quan hệ giữa người với người trong sản xuất-không loại trừ đã chứa trong nó cả yếu tố kinh tế –kỹ thuật, bởi vì quan hệ sản xuất không tách rời mà còn phụ thuộc vào lực lượng sản xuất, mỗi quan hệ sản xuất gắn với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất đồng thời nó là yếu tố quyết định các quan hệ xã hội khác, còn thuyết kỹ trị lấy sự giống nhau về lượng, tức trình độ kỹ thuật sản xuất ở hai nền kinh tế –xã hội để xoá mờ sự khác nhau về chất, bắt nguồn tư sự khác nhau về sở hữu đối với tư liệu sản xuất của hai chế độ chính trị –xã hội. Chính vì thế, những khái niệm như “xã hội công nghiệp”, “thiên đường công nghệ” được các học giả tư sản dùng ở đây không phải là những khái niệm khoa học, nếu không nói là sự lừa dối và dối trá.

Đặc trưng thứ ba, họ cho rằng trong thời đại ngày nay, những thành tựu của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi cơ cấu xã hội, làm nảy sinh một tầng lớp giàu năng lực và biết sử dụng năng lực ấy một cách chính đáng, đó là những nhà trí thức, những người lao động trí óc nói chung.

Chủ nghĩa Marx ngay từ đầu và hiện nay vẫn khẳng định giai cấp công nhân là lực lượng trung tâm của thời đại, chỉ có giai cấp công nhân mới đủ tư cách lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản nhằm xoá bỏ chủ nghĩa tư bản xây dựng CNXH, rằng chủ nghĩa Marx chính là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân là vũ khí vật chất của chủ nghĩa Marx.

Để phủ định luận điểm trên đây của chủ nghĩa Marx, các nhà kỹ trị đã đưa ra cái gọi là “chủ nghĩa tư bản đang tan biến” để cố biện minh cho luận điểm về hiện tượng “xói mòn” trong giai cấp công nhân và “phi vô sản hoá” trong xã hội sau công nghiệp. Theo họ, giai cấp công nhân trước đây vì cùng khổ mà đứng lên đấu tranh với tư cách là cực phủ định của chủ nghĩa tư bản, nhưng ngày nay giai cấp công nhân được “xã hội công nghiệp” mang lại cuộc sống đầy đủ tiện nghi, làm cho họ cảm thấy không còn nghèo khổ. Như thế chính “xã hội công nghiệp” đã xoá dần giai cấp công nhân, làm cho chủ nghĩa marx mất đi lực lượng vật chất của nó. Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng về số lượng cũng như tốc độ đội ngũ chuyên viên khoa học –kỹ thuật khiến cho giai cấp công nhân đang nhường dần vai trò lịch sử của mình cho đội ngũ trí thức. Ngày nay, khi nói đến sự đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản là vô nghĩa, là lỗi thời, bởi vì, nhà tư bản đã không còn đóng vai trò điều khiển, chi phối sản xuất như Marx đã phân tích trước đây. Giờ đây, vai trò đó đã thuộc về lực lượng trí thức, một lực lượng không là tư sản nhưng cũng không là giai cấp công nhân.

Các học giả tư sản không phải không có lý khi khẳng định vai trò ngày càng tăng của các nhà trí thức tham gia vào quá trình điều hành, quản lý xã hội, góp phần hoạch định chiến lược phát triển xã hội. Cách mạng khoa học kỹ thuật đã kéo theo những biến đổi quan trọng trong thành phần và ranh giới giai cấp công nhân, nhưng không phải theo xu hướng mà các nhà lý luận tư sản ngộ nhận. Trong xã hội tư bản độc quyền nhà nước hiện đại và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mở rộng, quá trình vô sản hoá diễn ra đặc biệt mạnh mẽ. Chứng minh cho điều đó là tỷ trọng lao động làm thuê tăng lên đáng kể khắp nơi, vì thật ra trong xã hội tư bản, các nhà bác học, các chuyên viên kỹ thuật…cũng chỉ là người làm công, là bộ phận của giai cấp công nhân. Rõ ràng, để phụ nhận chủ nghĩa Marx, các học giả tư sản cố tình dựng lên hàng rào ngăn cách giữa những người lao động chân tay và những người lao động trí óc.

KẾT LUẬN
Đứng trước tình hình thế giới đầy biến động và phức tạp hiện nay, cuộc đấu tranh tư tưởng chẳng những không giảm đi mà còn ngày càng gay go và quyết liệt. Những người Mác-xít  cần phải không ngừng mài sắc tinh thần cảnh giác, nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch chống chủ nghĩa Mác, chống CNXH bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt.

Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội đang đứng trước những thử thách lịch sử. Trong bối cảnh đó, những giá trị khoa học của nó vẫn còn được khẳng định, đồng thời cũng qua đó, nó không ngừng được hoàn thiện và bổ sung những giá trị mới phù hợp với thời đại mới.


STUDYING THE TECHNOCRATIC THOUGHTS IN MODERN BOURGEOIS PHILOSOPHY

NGUYEN VAN CU

By studying modern technocratic thoughts and its features, the author has criticized technocratic ideology for exaggerating the role of technological and scientific advances and denying the ideology of class struggle and social revoluion of Leninnism –Marxism.
It is an urgent task for Marxists to protect Leninism –Marxism.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Triết  học phương Tây hiện đại từ điển. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
2. J.Perocida –Những bóng ma của Marx. NXB Chính trị Quốc gia. Tổng cục II Bộ Quốc phòng Hà Nội, 1994.
3. Alvin Toffler –Làn sóng thứ ba, NXB Thông tin lý luận, 1992, trang 23.
4. Alvin Toffler. Sách đã dẫn.



Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?