Bước đầu tìm hiểu phương pháp nghiên cứu của tương lai học



Lê Thị Tuyết*
Dương Quốc Quân**
Tạp chí Giáo dục lý luận, số 7+8 (184+185/2012), tr67-68

         Từ sự phân tích vai trò của khoa học về tương lai, hay tương lai học, có thể nói rằng tương lai học không phải là trống rỗng mà đầy những giả định ẩn, chất liệu, những chất liệu mà theo J. Naix ơ bít không mang tính một chiều, mà đa chiều về lịch sử, hiện tại, tương lai. Ví dụ, nhiều người dự đoán sự sụp đổ của hệ sinh thái Trái đất trong vài thế kỷ nữa, khi xét đoán vấn đề này theo dòng lịch sử, hoặc một xã hội hỗn hợp, dựa trên những chuyển biến chính trị - xã hội qua nhiều thời đại khác nhau. Tính đa chiều còn thể hiện ở chỗ cùng một chủ đề, nhưng có nhiều cách xử lý khác nhau, nhiều phương án dự báo khác nhau, và cùng với chúng là những khuynh hướng khác nhau: sinh thái – nhân văn, kỹ trị, văn hóa – văn minh…

          Sự phân tích trên cũng cho thấy mặc dù thuật ngữ tương lai học xuất hiện khá muộn, song dự báo tương lai hiện diện ở nhiều học thuyết từ cổ đại đến hiện đại, từ Platôn, Arixtốt, đến các nhà tiên tri Palestine, các sách thánh (đạo Kitô, hồi giáo…), các nhà hoạt động tôn giáo, nhà tiên tri Nốtstơrađam mốt (Michel De Nostredame (1503-1566)… Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX những tác phẩm dự báo tương lai tạo được tiếng vang nhất định là “Nước Đức năm 2000” (1891) của G. Êrơman (G. Ermann), “Chiến tranh tương lai và hậu quả kinh tế của nó” (1897) của I. S. Bliốtkhơ (I. S. Bliocch), “Dự thảo tổ chức chính trị và kinh tế tương lai” (1899) của Môlinari (G. de Monilari), “Tiên đoán” (1901) của H. G. Huênxơ (H. G. Wells). Đó là nguồn chất liệu cần thiết cần thiết để O. Phlếchhem đưa ra thuật ngữ “tương lai học” vào năm 1943, trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II đang diễn ra khốc liệt, nhưng báo trước khả năng chiến thắng của Liên Xô và các lực lượng chống phát xít.



                Ngày nay, khi tương lai học dần dần chiếm được vị trí trong sinh hoạt học thuật, tại nhiều nước, nhất là tại Mỹ, đã hình thành các câu lạc bộ nghiên cứu tương lai, với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại. Các nhóm nghiên cứu triển khai các vấn đề theo nhu cầu xã hội và thiên hướng cá nhân. Nếu trước đây, những năm 40 của thế kỷ XX, thuật ngữ tương lai học được sử dụng trước hết vì mục đích chính trị, thì ngày nay, do tính đa nghĩa của khái niệm này, phạm vi nghiên cứu đã được mở rộng và chi tiết hóa. Do đó, việc sử dụng những thành quả của khoa học hiện đại trong mô hình hóa nghiên cứu và dự báo đã trở nên phổ biến. Các nhóm nghiên cứu tự tuyên bố về tính độc lập, thậm chí trung lập về mặt chính trị trong quá trình tìm hiểu các hiện tượng xã hội, từ đó dự báo xu hướng vận động của chúng.

                Ngoại suy (extrapolation) là một trong những phương pháp và kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất khi nghiên cứu tương lai. Khi sử dụng phương pháp này các nhà nghiên cứu chấp nhận xác suất, nghĩa là mức độ hiện thực hóa ý tưởng bị lệch đi do những biến cố không lường trước. Việc dựa vào thành quả khoa học, công nghệ hiện tại để dự báo tương lai bằng phương pháp ngoại suy có thể chỉ mang tính tâm lý, nhưng cũng có thể trở thành dự báo chính xác. Chẳng hạn vào những năm 50 của thế kỷ XX nhiều người tin rằng du lịch vũ trụ ngày nay sẽ trở nên phổ biến, nhưng trên thực tế còn xa mới kiểm chứng được niềm tin này. Nhưng dự báo về việc sử dụng máy vi tính một cách phổ biến và giá thành ngày càng rẻ lại đúng.

                Cùng với ngoại suy là phương pháp nghiên cứu định chuẩn, tức lấy một yếu tố làm khuôn mẫu chung, phổ biến để xác định các yếu tố khác. Phương pháp thử - sai cũng là một phương pháp được biến đến. Phương pháp thử - sai dựa vào khả năng “đọc” trước tình huống của các chính sách xã hội với tầm nhìn xa, từ đó điều chỉnh chiến lược, tránh rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp này ít phổ biến do tính xác suất của nó. 

                Phương pháp hình thái học (morphology) cũng được quan tâm. Phương pháp này sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ học, sinh học và một số ngành khác. Trong ngôn ngữ học, hình thái học nghiên cứu cấu trúc của dạng từ, còn trong sinh học, nó nghiên cứu hình dạng hay cấu trúc của một phần hay toàn bộ cơ thể sinh vật. Các nhà tương lai học vận dụng phương pháp này trong lĩnh vực xã hội nhằm tìm kiếm “hình mẫu” trên nền chung của những biến cố kinh tế, văn hóa, khoa học, chính trị, từ đó vạch ra xu hướng vận động của xã hội. Nhiều nhà tương lai học còn kết hợp ngoại suy với nghiên cứu định chuẩn nhằm tạo nên phương án dự báo tốt nhất.

                Bên cạnh những phương pháp nêu trên chúng ta có thể liệt kê các phương pháp nghiên cứu của tương lai học được sử dụng trong những thập niên gần đây như: 1/ phương pháp Delphi (tấn công não); 2/ phương pháp giám sát; 3/ Backcasting (sinh thái lịch sử); 4/ Dự phóng tương lai; 5/ phân tích ngược - phản chiếu; 6/ phân tích tác động qua lại; 7/ Phân tích hiệu ứng; 8/ Phân tích tâm thế xã hội và dư luận xã hội; 9/ mô phỏng và mô hình hóa; 10/ phân tích hình thái học… Kết quả của các nghiên cứu bằng các phương pháp này là sự hình thành các dự báo đi từ xu hướng lớn (megatrends, theo kiểu của J. Nai xơ bít) đến các hệ thống xã hội, từ toàn cầu đến khu vực và ngược lại. “Phân tích xu hướng”, “hệ thống kỹ thuật hướng lai”, “công nghệ dự báo” là những cụm từ thường được nhắc tới trong công trình của các nhà tương lai học phương Tây.

                Xét một cách tổng thể, tương lai học, dù đôi khi được xây dựng trên cơ sở khoa học, song không thể tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp khoa học, mà chỉ sử dụng các phương pháp ấy cho việc phác thảo tương lai, bởi lẽ dự báo tương lai thật khó được kiểm chứng bằng bất cứ phương pháp nào, ngoài việc chờ đợi tương lai. Tâm trạng chung là như vậy. Bên cạnh đó phần lớn các nhà tương lai học đều tin rằng việc dự báo tương lai học đều tin rằng việc dự báo tương lai lại có tác dụng với hành động hiện tại.

                Ngày nay, những thành quả mới của công nghệ, xu hướng kinh tế, xã hội cho phép xây dựng kịch bản, hệ thống câu hỏi thông qua các hệ nhân quả để dự báo tương lai được áp dụng ở một số nhà tương lai học. Những bài học từ quá khứ, trong đó có bài học về sự suy vong của đế quốc La Mã, hay sự biến mất của một số nền văn minh, đã thôi thúc nhiều nhà tương lai học xác định các biểu thống kê, các phương án giả định, dựa trên một số tiêu chuẩn về tính thích ứng hay không thích ứng của một nền văn minh trước những biến cố có thể xảy ra, từ đó hình thành các dự báo về số phận và triển vọng của từng khu vực, cũng như toàn thế giới.

                Một số khía cạnh của dự đoán tương lai, chẳng hạn như cơ học thiên thể, đã được phát hiện và được đánh giá cao, thậm chí cố thể được mô tả bằng mô hình toán học tương đối đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay những gì khoa học mang lại chỉ là một thiểu số đặc biệt như quá trình vật lý “dễ dàng để dự đoán”. Các lý thuyết như lý thuyết hỗn loạn, khoa học phi tuyến và lý thuyết tiến hóa theo tiêu chuẩn đã cho phép chúng ta hiểu nhiều hệ thống phức tạp. Tính phức tạp của đời sống xã hội lại càng chứng tỏ cái ngẫu nhiên cũng mang tính khách quan như cái tất yếu. Điều này khiến cho nhiều sự kiện trong tương lai không thể đoán trước, dù có sự trợ giúp của các phương tiện khoa học, công nghệ hiện đại, nghĩa là khó có thể lập trình cho tương lai.

Tài liệu tham khảo
* Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM
** Học viện Tài Chính
1. J. Derrida, những bóng ma của Mác, Nxb CTQG, H. 1994
2. T. L. Friedman, Thế giới phẳng – tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI, nxb Trẻ, 2006
3. S. Huntington, Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao động, 2005
4. J.L. Peterson, Con đường đi đến năm 2015 - Hồ sơ của tương lai, Minh Long, Vũ Thế Hùng dịch, Nxb CTQG, H. 2000
5. G. Kh. Sakhnazarov, Sự đại bại của tương lai học, Nxb Chính trị, M. 1979
6. A. Toffler, Làn sóng thứ ba, Nguyễn Văn Trung dịch, Nxb Thông tin lý luận, H. 1980
7. Tư duy lại tương lai, nhiều tác giả, Nxb Trẻ, Tp. HCM. 1996
8. J. Naisbitt, Tám xu hướng phát triển của châu Á đang làm thay đổi thế giới. Đinh Trọng Minh, Vũ Ngọc Diệp dịch, Nxb CTQG, H. 1998
9. Trang tin bách khoa toàn thư. 


Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?