Cặp phạm trù Bản chất - hiện tượng

a. Khái niệm:
    - Bản chất: Phạm trù dùng để chỉ sự tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong, qui định sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng đó.

    - Hiện tượng: Phạm trù dùng để chỉ sự biểu hiện của những mặt, những mối liên hệ đó trong những điều kiện xác định.

b. Quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng
Bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan, là hai mặt vừa thống nhất, vừa đối lập với nhau.
Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng: bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của một bản chất nhất định. Không có bản chất tồn tại thuần túy tách rời hiện tượng, cũng như không có hiện tượng lại không biểu hiện của một bản chất nào đó.

Khi bản chất thay đổi thì hiện tượng cũng thay đổi theo. Khi bản chất mất đi thì hiện tượng cũng mất theo. Vì vậy, Lênin viết: “Bản chất hiện ra, còn hiện tượng có tính bản chất”.


Sự đối lập giữa bản chất và hiện tượng: Sự đối lập của mâu thuẫn biện chứng thể hiện: bản chất là cái chung, cái tất yếu, còn hiện tượng là cái riêng biệt phong phú và đa dạng. Bản chất là cái bên trong, hiện tượng là cái bên ngoài. Bản chất là cái tương đối ổn định, còn hiện tượng là cái thường xuyên biến đổi.

c. Ý nghĩa phương pháp luận
Muốn nhận thức đúng sự vật, hiện tượng thì không dừng lại ở hiện tượng bên ngoài mà phải đi vào bản chất. Phải thông qua nhiều hiện tượng khác nhau mới nhận thức đúng bản chất. Lênin viết: “tư tưởng của người ta đi sâu một cách vô hạn, từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất cấp một…đến bản chất cấp hai…”

Mặt khác, bản chất phản ánh tính tất yếu, tính qui luật nên trong nhận thức và thực tiễn cần phải căn cứ vào bản chất chư không căn cứ vào hiện tượng thì mới có thể đánh giá một cách đầy đủ, chính xác về sự vật, hiện tượng đó.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?