Kierkegaard - Ông tổ của Hiện sinh hữu thần

Sau Schopenhauer và Kierkegaard, F. Nietzsche (1844 - 1900) là nhà tư tưởng có Ảnh hưởng đặc biệt đến triết học phi duy lý nói chung, triết học hiện sinh thế kỷ XX nói riêng. Có thể chia hành trình tư tưởng của Nietzsche ra ba thời kỳ. Từ 1869 đến 1876 là thời kỳ bi quan lãng mạn, được đánh dấu bằng Ảnh hưởng của Schophenhauer và Wagner. Đặc điểm của thời kỳ này là lòng tin vào giá trị thánh thiện, chủ nghĩa anh hùng và tài năng thiên phú của con người. Từ 1876 đến 1881 là thời kỳ của khuynh hướng “thực nghiệm hoài nghi”; triết gia đi tìm tự do tuyệt đối và chân lý vĩnh hằng. Từ 1882 đến cuối đời là là thời kỳ xây dựng hệ thống triết học riêng, hướng vào hiện thực, vươn tới lý tưởng Siêu nhân. 

Cốt lỏi tư tưởng của Nietzsche là hoài nghi hiện tại (chủ nghĩa hư vô), phê phán truyền thống (“triết lý cái búa”, tuyên bố “Chúa đã chết”, xác định lại những giá trị mới), và sau rốt tìm ra bản tính đích thực nơi con người, vũ trụ - ý chí quyền lực- thúc đẩy con người đi tới tương lai, cũng có nghĩa là trở về Cội nguồn vĩnh cửu. Theo Nietzsche một nền văn hóa đích thực phải trả con người về tự nhiên và nhân hóa tự nhiên, do đó ông ca ngợi các nhân vật huyền thoại Hy Lạp và những nhà triết học sơ khai, những người sống hồn nhiên, chất phác, chấp nhận sự “cô đơn trong rạng rỡ hào quang’, phê phán đạo đức học duy lý Socrates đã dùng lý trí giết chết bản năng Dionysos, làm đỗ vỡ mọi giá trị văn hóa chất phác. Nietzsche cũng phê phán châu Âu Thiên Chúa giáo và giáo lý của nó, gọi nền đạo đức đang tồn tại là sự chiếm đoạt bản tính con người, vụ lợi và phi nhân. Mọi phong trào dân chủđều học theo thứ đạo đức quần cư bản năng, xuất phát từ Thiên Chúa giáo. Tinh thần bình đẳng kiểu Thiên Chúa giáo khuyến khích nhiều cuộc cách mạng đẫm máu và đầy tội lỗi. 

Nguyên lý bao trùm của triết học Nietzsche, đề cập đến cả con người lẫn tự nhiên, là ý chí quyền lực. Nguyên lý “động” này chi phối, điều khiển sự phát triển của con người và vũ trụ. Theo Nietzsche, cuộc sống tự nó luôn khát vọng đến tối đa cảm giác quyền lực. Bản chất của thế giới là sinh tồn thông qua đấu tranh; thế giới là hiện thân của ý chí quyền lực. Cá nhân tự do và mạnh mẽ nếu nó nhận biết mình là một nhân cách. Tự do không nên hiểu theo nghĩa của Thiên Chúa giáo, cái trên thực tế là phản tự do, sự nô lệ bên trong, mà tự do theo tinh thần cổ đại và Phục hưng, tự do vừa nguyên sơ, chất phác, vừa bùng nổ mãnh liệt. 

Đằng sau lớp vỏ duy ý chí, phi duy lý của triết học Nietzsche ẩn chứa một thứ không tưởng hợp lý, ca ngợi sự thống nhất và lệ thuộc lẫn nhau giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội, xã hội và tự nhiên, sự thừa nhận tự do vĩnh hằng như cơ sở của sức mạnh tiềm tàng trong con người. 

Triết học Nietzsche, vừa là sự đảo lộn mọi giá trị, vừa kích thích con người tự vươn lên, đã đưa đến sự xuất hiện của Siêu nhân (Uebermensch) - con người siêu đẳng ở trên con người hiện tại, kết hợp những phẩm chất tuyệt vời của thần linh và những vĩ nhân trong lịch sử. Đó là con người báo hiệu một ngày mới, cũng là sự trở về Vĩnh cửu. Cách lập luận như vậy đã đưa Nietzsche đến với thuyết luân hồi mang dáng dấp của triết lý phương Đông; thế giới lặp đi lặp lại những chu kỳ, và mỗi lần như vậy con người phát hiện ra chính mình, sống lại cuộc đời của mình. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?