Descartes và Francis Bacon: Tương đồng và khác biệt

Điểm tương đồng cơ bản về tư tưởng giữa Descartes và Bacon là cả hai ông đều thừa nhậnchân lý khách quan. Trong học thuyết về các “ngẫu tượng”, Bacon phê phán uy quyền tư tưởng như trở lực đối với sự phát triển tri thức khoa học, và khẳng định rằng “ chân lý - đứa con của thời gian, chứ không phải của uy quyền”. Trong trường hợp này, thời gian trở thành sự thẩm định tính đúng đắn (hay ngược lại) của tri thức. Descartes thì trong “Các quy tắc hướng dẫn lý trí” và bài viết ngắn “Tìm kiếm chân nhờ ánh sáng tự nhiên” nhấn mạnh sự cần thiết xác lập phương pháp khoa học, giúp con người tránh khỏi những sai lầm ngộ nhận, rơi vào tình trạng mất phương hướng hoặc thiếu tự chủ trong đánh giá vấn đề. “Để tìm kiếm chân lý về sự vật cần phải có phương pháp” - Descartes nhấn mạnh như vậy (Descartes, t. 1, 1989, tr. 85). 

Điểm tương đồng tiếp theo gắn với tinh thần hoài nghi và phê phán đối với tri thức kinh việc trung cổ và chủ nghĩa giáo điều trong khoa học. , đề cao vai trò của “ánh sáng tự nhiên của trí tuệ con người”, thứ ánh sáng mà nhờ nó chủ nghĩa phổ quát Kytô giáo bị loại trừ dần, thay thế nó là nhận thức luận khoa học, giúp con người phá vỡ các rào cản, các “vùng cấm” đối với tri thức. Triết học thực tiễn, hay triết học có định huớng thực tiễn, được cả Descartes lẫn Bacon xem như kết quả tất yếu của thời đại cải cách môi trường sinh hoạt khoa học; thời đại đã đưa triết học từ tầng cao của tính tư biện xuống mẢnh đất trần tục. 

Cả Bacon lẫn Descartes đều xem cải cách trong khoa học là điều kiện trước tiên làm lành mạnh hoá đầu óc con người, thúc đẩy tiến bộ xã hội - họ là những nhà cách mạng trong lĩnh vực tri thức, chứ không phải trong đời sống chính trị - xã hội. Huân tước Bacon từng là người đứng đầu chính phủ hoàng gia, bảo vệ nền quân chủ, bênh vực chế độ thuộc địa. Liên tưởng đến sự xâm lăng của người man di vào đế quốc La Mã, gây nên kết quả bi thảm, Bacon lo ngại những cuộc cải cách chính trị sẽ gây nên chấn động xã hội, phá vỡ cuộc sống bình yên của nhân dân. Vì thế mô hình nhà nước lý tưởng của ông về căn bản vẫn thiết kế theo hình mẫu nền quân chủ Anh (trong New Atlantis). Descartes thì hầu như tách mình ra khỏi đời sống chính trị nước Pháp. Thế nhưng, bất chấp điều đó những người đi sau vẫn xem tư tưởng của hai ông là sự báo trước những chuyển biến cách mạng ở hai nước Anh và Pháp. 

Sự khác nhau giữa Descartes và Bacon thể hiện ở lý luận nhận thức, cụ thể, ở cách hiểu về nguồn gốc và bản chất của tri thức, về phương pháp nhận thức. 


Chủ nghĩa duy lý, truyền thồng đề cao nhận thức duy lý hình thành từ rất sớm trong lịch sử, nhưng chính Decartes mới làm cho nó trở thành một trong những khuynh hướng triết học phổ biến của thế kỷ XVII. Khác với Bacon, người đề cao vai trò của kinh nghiệm, thực nghiệm, như nguồn gốc tri thức, Descartes lại thiên về quan điểm cho rằng nguồn gốc của tri thức chân thực, phân minh nằm ngay ở trí tuệ con người - một thực thể biết tư duy. Quan niệm về phương pháp của Descartes khác với Bacon ở hai điểm cơ bản: 1/ tri thức càng đạt được tính trừu tượng hóa cao, được chứng minh bằng các mệnh đề toán học và các quy tắc lôgíc càng “xa” sự vật càng đáng tin cậy, càng trở nên chân thực, vì đã loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên và thiếu tính tổng hợp của các dữ liêu do cảm giác đem đến; 2/ thực hiện phép diễn dịch (Deduction), nghĩa là từ một mệnh đề đã biết phân tích thành các yếu tố sử dụng các quy tắc của toán học và lôgíc học để làm sáng tỏ mệnh đề, đồng thời bằng con đường ấy, theo Decartes, chúng ta có thể khám phá ra những chân lý mới từ một số chân lý đã biết. Một cách vắn tắt có thể xem diễn dịch là qua trình đi từ cái chung phân tích ra những yêu tố riêng lẻ. Thực ra, mặc dù đề cao vai trò của lôgíc và toán học theo xu hướng toán học hóa tư duy, trực giác trí tuệ, song các loạt quy tắc hướng dẫn lý trí mà Decartes nêu ra vẫn cho thấy sự cần thiết của yếu tố quy nạp. Tính phiến diện trong cách hiểu về nguồn gốc tri thức và phương pháp nhận thức của Bacon và Hobbes được I. Kant khắc phục vào nửa sau thế kỷ XVIII tại Đức. 

Sự khác nhau thứ hai liên quan đến quan điểm của Bacon và Descartes về toán học trong bảng phân loại khoa học. Thực ra sự khác nhau này cũng là biểu hiện khó tránh khỏi của sự khác nhau về phương pháp. Descartes không chỉ là người mở đầu của chủ nghĩa duy lý cận đại, mà còn là một trong những người sáng lập đại số học và hình học giải tích. Bacon, ngược lại, không am hiểu nhiều về toán học, do đó xem toán học chỉ như sự bổ sung cho triết học. 


Triết học+
triethoc.info - triethoc.net

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?