Sự phân kỳ của triết học phương Tây hiện đại

Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của triết học phương Tây hiện đại có thể chú ý đến mấy thời kỳ chính.

·    Thời kỳ phôi thai, (chuyển từ hình thức tư duy cổ điển sang hình thức tư duy phi cổ điển) - từ những năm 30 - 40 đến những năm 70 của thế kỷ XIX: khuynh hướng phi duy lý, thần bí, tôn giáo (A. Schopenhauer, F. Schelling, S. Kierkegaard), chủ nghĩa Kant-mới (phê phán Kant từ phía “hữu”, phục hồi tư tưởng của Kant về năng lực tiên thiên của quá trình nhận thức, luận chứng về sự đối lập khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trên cơ sở phân biệt lý trí lý luận và lý trí thực tiễn, cố gắng chứng minh tính chất mâu thuẫn và thiếu cơ sở của nhận thức “thuần túy khoa học” về các hiện tượng xã hội …), sự hình thành “con đường thứ ba” trong triết học, vượt qua các vấn đề “siêu hình” của cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm.

·    Sự hiện diện rõ nét các khuynh hướng chủ đạo - từ những năm 70 của thế kỷ XIX đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất: F. Nietzsche khai triển ý chí sinh tồn của Schopenhauer thành ý chí quyền lực, nhưng chối bỏ Thượng đế của Kierkegaard. Chủ nghĩa Kant ở Đức phát triển mạnh, trong khi ở Anh và Mỹ triết học Hegel được phục hồi với tên gọi thuyết Hegel-mới. Những mầm mống của chủ nghĩa thực dụng cũng xuất hiện. Các học thuyết tôn giáo rộ lên ở nhiều nước châu Âu, nhất là chủ nghĩa Thomas-mới và chủ nghĩa nhân vị, có cội nguồn sâu xa từ thuyết đơn tử của G. Leibniz). Hình thức thứ hai của chủ nghĩa thực chứnglà chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, hay gọi đơn giản là chủ nghĩa Mach, đã tạo ra cuộc luận chiến khá quyết liệt trong sinh hoạt tinh thần (V. I. Lenin đã phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán do nhà vật lý E. Mach và nhà tâm lý R. Avenarius sáng lập trong tác phẩm “ Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”). Tại Anh và Mỹ xuất hiện chủ nghĩa thực tại-mới (Neo-realism), quy tụ nhiều tên tuổi lớn như G. Moore, A. Whitehead, B. Russell (Anh), R. Perry (Mỹ), chủ trương đem đến cho các khái niệm phổ quát một tồn tại lý tưởng nào đó (tương tự Hegel), tìm hiểu những yếu tố trung hòa của kinh nghiệm…


·    Sự bùng nổ lần lựợt hai khuynh hướng - phi duy lý và khoa học: từ những năm cuối cùng của chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1917 - 1918) đến những năm 50 - tức kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chiến tranh ghi đậm dấu ấn của mình lên các sáng tạo văn chương, nghệ thuật, triết hoc. Hiện tượng học, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, các trào lưu triết học tôn giáo được dịp khuếch trương Ảnh hưởng đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Chủ nghĩa thực dụng rộ lên tại Mỹ vào ngững năm 30, trở thành triết học bán chính thức của lối sống Mỹ, khuynh đảo cả hệ thống giáo dục Mỹ. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học tự nhiên tạo điều kiện cho sự hưng thịnh của triết học phân tích ngôn ngữ, toán học. Tuy nhiên Ảnh hưởng của triết học phân tich - một cách gọi của chủ nghĩa thực chứng mới - được giới hạn chủ yếu trong giới trí thức, các nhà khoa học, còn Ảnh hưởng của phân tâm học và chủ nghĩa hiện sinh thì lan rộng trong nhiều tầng lớp xã hội.

·    Những tìm tòi mới: từ những năm 50 - 60 của thế kỷ XX đến nay. Đó là khoảng thời gian khá dài, song ít thấy xuất hiện những triết thuyết thực sự gây nên những bùng nổ tinh thần như trước đây. Lý do sâu xa của hiện tượng chững lại này nằm ở sự chậm thay đổi của tư duy triết học trước các biến cố diễn ra trong đời sống xã hội. Dưới tác động của những khám phá kỳ diệu trong khoa học, xu hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, nhu cầu giao lưu văn hóa, khoa học giữa các dân tộc, các nhà triết học phương Tây cố gắng tạo dựng một diện mạo triết học khác trước ít nhiều. Triết học phân tích tiếp tục phát huy tác dụng, chủ nghĩa bi quan về “thân phận con người” giảm bớt, hoặc chỉ còn mang ý nghĩa cẢnh báo. Chủ nghĩa duy lý phê phán K. Popper lấy nguyên tắc giả mạo thay nguyên tắc kiểm chứng; chủ nghĩa cấu trúc thay cho cá nhân; chú giải học triết học (Hermeneutics) tìm kiếm những ý nghĩa và những giá trị trong ngôn ngữ, trong cuộc sống lẫn trong nghiên cứu khoa học; vấn đề văn hóa ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều trường phái và cá nhân. Nhiều học thuyết bắt đầu chọn con đường chiết trung để thể hiện mình, như chủ nghĩa Freud-mới, thuyết hội tụ. Các phương án khác nhau của tương lai học, các biến tướng của chủ nghĩa hậu hiện đại gây sự chú ý của dư luận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng tinh vi.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?