TS. Dương Quốc Quân - Nho, Phật, Đạo trong thời phong kiến Việt Nam

NHO, PHẬT, ĐẠO TRONG THỜI PHONG KIẾN Ở VIỆT NAM 
TS. Dương Quốc Quân

T/c Không gian và thời gian, LB Nga, số 1/2014

Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, nhưng quá trình đi vào cuộc sống người dân Việt Nam không đồng đều, có sự nhanh chậm khác nhau. Phật giáo ở Việt Nam từ thế kỷ VI – VIII đã phát triển khá mạnh. Ở các triều đại đầu tiên sau khi Việt Nam giành lại được độc lập như Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, Phật giáo được coi là quốc giáo. Trong khi đó, phải đến cuối thế kỷ XI, Nho giáo mới bắt đầu được đề cao và đến thế kỷ XV, mới thịnh đạt. Còn Đạo giáo cũng tồn tại thực tế trong xã hội Việt Nam, nhưng chủ yếu là sự ảnh hưởng đến sự mê tín trong nhân dân. 





Nho giáo ở cả Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn không phải là một hệ tư tưởng cô lập, nó cùng tồn tại với những hệ tư tưởng khác như Phật giáo, Đạo giáo, Âm dương ngũ hành, v.v…và giữa chúng luôn có sự thẩm thấu, vay mượn và dung hòa lẫn nhau. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, sự kết hợp Nho giáo với các hệ tư tưởng khác luôn lấy Nho giáo làm cơ sở; Nho giáo luôn là hệ tư tưởng chính, có vai trò chủ đạo, chi phối tất cả, xuyên suốt lịch sử. Còn ở Việt Nam, từ thế kỷ II đến thế kỷ XIV, Phật giáo là hệ tư tưởng chủ đạo; Nho giáo chỉ giữ vai trò là hệ tư tưởng chủ đạo từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. “Nếu chủ nghĩa yêu nước là cái nền, là cơ sở để người Việt Nam tiếp nhận các hệ tư tưởng và tôn giáo từ bên ngoài, thì gần hai mươi thế kỷ đầu tiên, chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước mang tính chất Phật giáo, còn chủ nghĩa yêu nước từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX là chủ nghĩa yêu nước mang tính chất Nho giáo”. Trong mỗi con người Việt Nam truyền thống, luôn tồn tại hình ảnh của đức Phật (Bụt) và đức Khổng Tử. Đức Phật to hơn nhưng mờ hơn, còn đức Khổng Tử nhỏ hơn nhưng lại rõ hơn.

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?