Đối tượng của Mỹ học theo quan niệm hiện đại

Muôn vàn hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội và con người vốn là đối tượng tìm hiểu của các ngành khoa học khác nhau, trừu tượng cũng như cụ thể, tự nhiên cũng như xã hội và nhân văn. Tuy nhiên không hề có đối tượng chuyên biệt cho ngành khoa học này hay ngành khoa học khác. Ở đây cần lưu ý tới nhận định quan trọng sau của Viện sĩ Paplov. Trong “Các tác phẩm triết học chọn lọc”, nhà bác học nhận xét rất chí lý rằng: “Cả trong tự nhiên lẫn trong xã hội không hề có đối tượng vật lý, hóa học hay mỹ học thuần túy, nhưng mỗi đối tượng ấy lại có những thuộc tính khiến nó thu hút sự chú ý của nhà vật lý, nhà hóa học hoặc nhà nghệ sĩ. Một người xem xét nó trên phương diện vật lý, người kia trên quan điểm hóa học, còn người thứ ba trên quan điểm thẩm mỹ”. Ý kiến của Paplov có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc. Ta có thể rút ra 3 nhận xét sau qua câu nói của ông:

1. Mỗi hiện tượng và sự vật trong tự nhiên và xã hội đều có nhiều mặt khác nhau (mặt vật lý, mặt hóa học, mặt thẩm mỹ…).

2. Mỗi người (nhà vật lý, nhà hóa học, nhà nghệ sỹ…) khi tiếp cận tới muôn vật muôn loài, tùy quan điểm, mục đích của mình mà quan tâm tới mặt này hay mặt kia của sự vật và hiện tượng

3. Do mỗi chủ thể có từng đối tượng xác định mà nảy sinh ra những quan hệ không giống nhau (quan hệ vật lý, quan hệ hóa học, quan hệ thẩm mỹ…).



Các nhà sáng lập ra Chủ nghĩa Marx - Lenin cũng đưa ra những ý kiến tương tự. K. Marx từng chỉ rõ: một bộ bàn ghế kê ở nhà thì có giá trị sử dụng, đem ra chợ bán thì có giá trị hàng hóa. Bàn về giá trị của cái cốc, V. Lenin cho rằng: có khi nó được dùng không phải để uống mà lại để nhốt bướm hoặc để chặn giấy… Trên đời, rõ ràng không hề có những mối quan hệ trừu tượng, chung chung, chỉ tồn tại những mối quan hệ cụ thể, xác định. Đó là quan hệ vật chất hay quan hệ tinh thần, là quan hệ kinh tế hay quan hệ chính trị, văn hóa, đạo đức, khoa học, thẩm mỹ… Mỹ học nghiên cứu mối quan hệ thẩm mỹ của con người đối với thực tại. Đó chính là đối tượng nghiên cứu đặc thù của mỹ học.

Để hiểu vấn đề, cần phải làm sáng tỏ thế nào là mối quan hệ? và thế nào là mối quan hệ thẩm mỹ? Khi Marx cho rằng loài vật không có quan hệ, thì ông muốn khẳng định sự khác biệt giữa hai thuật ngữ liên hệ và quan hệ. Muốn tồn tại, con vật phải liên hệ với môi trường xung quanh, nhưng hoàn toàn không có chủ đích, không có ý thức. Còn con người thì khác, con người không chỉ hoạt động mà còn hành động, nghĩa là tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên theo nhu cầu và ý định của mình. Trong bộ Tư bản, khi phân biệt hoạt động của loài ong với hành động của một kiến trúc sư, Marx đã giả định có thể “con ong với những ngăn để sáp của mình còn khéo hơn một nhà kiến trúc nhiều”, nhưng thật ra hoạt động của loài ong với lao động của nhà kiến trúc sư khác nhau rất nhiều, khác nhau về nguyên tắc. Ấy là bởi, trước khi tạo ra một tòa nhà, người kiến trúc sư đã hình dung ra từ trước trong đầu mình cấu trúc, hình dáng của toà nhà phù hợp với mục đích sử dụng và mục đích thẩm mỹ. Nói khác đi, con ngươi ở đây có mối quan hệ với hoàn cảnh, trong khi loài vật mới chỉ dừng ở mối liên hệ với môi trường mà thôi. Chính nhân tố tích cực, chủ động, đã chuyển nhữngmối liên hệ thành những mối quan hệ. Nói như vậy cũng có nghĩa là không phải trong bất cứ sự tiếp xúc nào của con người cũng đều có tính mục đích, tính tự giác, nghĩa là cũng đều xác lập được mối quan hệ. Vậy nên, giữa nhiều sự vật và hiện tượng mà con người tiếp cận có những sự vật và hiện tượng đối với con người chỉ là khách thể chứ không phải là đối tượng. Chỉ có thể coi là tồn tại mối quan hệ khi chủ thể có đối tượng của mình và đối tượng có chủ thể của mình. Chúng gắn bó và ràng buộc với nhau, tồn tại bởi nhau và cho nhau.

Trong mối quan hệ thẩm mỹ cũng vậy, không thể có mối quan hệ thẩm mỹ nếu thiếu một trong hai yếu tố chủ thể thẩm mỹ hay đối tượng thẩm mỹ (đối tượng chứ không phảikhách thể như nhiều người quan niệm). Mọi ý định tách rời quan hệ chặt chẽ giữa chủ thể và đối tượng để tìm kiếm tính thẩm mỹ trong sự vật và hiện tượng đều tỏ ra siêu hình. Chẳng hạn, viên kim cương dồi dào phẩm chất thẩm mỹ kia đối với người lái buôn chỉ có giá trị hàng hóa chứ không có giá trị thẩm mỹ. Trong khi đối với một cô gái ưa trang sức thì khác, phẩm chất thẩm mỹ của viên kim cương nổi lên ở vị trí hàng đầu khiến cô gái say mê và hứng thú.

Mối quan hệ thẩm mỹ có nhiều nét không giống với các mối quan hệ khác của con người. Nó không hoàn toàn giống với các mối quan hệ kinh tế cũng như mối quan hệ chính trị, đạo đức, khoa học, tôn giáo, pháp quyền… Sự khác biệt nằm trong tính hình tượng của mối quan hệ thẩm mỹ. Trong các mối quan hệ khác, mặc dù có những đặc trưng riêng cho từng kiểu loại quan hệ nhưng tất cả vẻ cảm tính, cụ thể đều chìm đi sau những khái quát trừu tượng có tính luận lý. Mối quan hệ thẩm mỹ có một số biểu hiện không giống như thế. Bất cứ một đối tượng nào trong mối quan hệ thẩm mỹ cũng đều mang tính hình tượng. Đó chính là những yếu tố cảm tính, cụ thể của các sự vật, hiện tượng đa dạng, độc đáo trước các giác quan của con người: chủ thể thẩm mỹ đã cảm nhận trực tiếp chúng bằng hình tượng của chính chúng.

Tóm lại, mối quan hệ thẩm mỹ của con người với thực tại - đối tượng nghiên cứu riêng biệt của mỹ học, cần được quan niệm như trên. Tuy nhiên, do mối quan hệ thẩm mỹ được phản ánh trong một hình thái ý thức đặc thù là nghệ thuật và do nghệ thuật là hình thái biểu hiện tập trung và cao độ của mối quan hệ thẩm mỹ, nên mỹ học không thể không nghiên cứu nghệ thuật. Điều cần lưu ý chính là cấp độ quan tâm nghiên cứu nghệ thuật của mỹ học so với triết học và các ngành nghệ thuật học. Không xác định được điều này sẽ khó tránh khỏi sự trùng lập về cấu trúc tri thức mà không ít giáo trình mỹ học đã mắc phải.

Để nói một cách ngắn gọn, ta có thể coi toàn bộ đời sống thẩm mỹ và nghệ thuật là đối tượng nghiên cứu của mỹ học. “Toàn bộ thế giới cùng toàn bộ quá trình diễn ra trong thế giới, con người cùng tất cả nền văn hóa của con người, ở một phương diện và trong một mức độ nào đó chúng đều có giá trị đối với con người như một giống loài nghĩa là đều có giá trị thẩm mỹ, chúng đều là môi trường của các nhu cầu mỹ học, là đối tượng nghiên cứu của mỹ học” (Bôrev)1. Ở đây cần hết sức tránh nhầm lẫn hai khái niệm thẩm mỹ và mỹ học. Cũng như sự khác biệt giữa lịch sử và sử học, văn chương và văn học… thẩm mỹ hoàn toàn không phải là mỹ học. Đó là sự khác biệt giữa đối tượng và khoa học nghiên cứu đối tượng. Chúng cần được phân biệt rạch ròi và dứt khoát.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?