Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong triết học

Từ vấn đề cơ bản của triết học, chúng ta có thể thấy trong triết học có sự phân chia thành chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.

*Chủ nghĩa duy vật là gì?
Khi một triết gia quan niệm bản chất của thế giới là vật chất, vật chất là tính thứ nhất, ý thức là tính thứ hai; vật chất là cái có trước và quyết định ý thức của con người thì triết gia đó được xem là một nhà duy vật. Học thuyết của họ được hợp thành các môn phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật.

Ba hình thức cơ bản của chủ nghĩa duy vật:
1. Chủ nghĩa duy vật chất phác: chủ nghĩa duy vật cổ đại (Hy Lạp cổ đại). Các nhà triết học thời kỳ này cho rằng thế giới hình thành từ một hoặc một số dạng vật chất cụ thể, cảm tính, tồn tại một thực thể đầu tiên. Những tư tưởng thời kỳ này mang tính trực quan, nên những kết luận của họ về thế giới còn mang tính chất ngây thơ, chất phác.

2. Chủ nghĩa duy vật siêu hình: Chủ nghĩa duy vật thời kỳ Cơ học cổ điển. Thời kỳ này chịu sự tác động mạnh mẽ của tư duy siêu hình, máy móc của Cơ học cổ điển. Do đó, theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật siêu hình, thế giới giống như một cỗ máy cơ giới khổng lồ mà mỗi bộ phận tạo nên nó luôn ở trong trạng thái biệt lập, tĩnh tại; nếu có biến đổi thì đó chỉ là sự tăng giảm đơn thuần về số lượng và do những nguyên nhân bên ngoài gây nên.

3. Chủ nghĩa duy vật biện chứng: Chủ nghĩa Mác. Sử dụng triệt để những thành tựu khoa học tự nhiên đương thời. Chủ nghĩa duy vật biện chứng được xây dựng trên cơ sở lý giải một cách khoa học về vật chất, ý thức và mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức tồn tại trong thế giới khách quan.
 
* Chủ nghĩa duy tâm là gì?
Khi một triết gia quan niệm bản chất của thế giới là ý thức, ý thức là tính thứ nhất, vật chất là tính thứ hai; ý thức là cái có trước và quyết định vật chất của con người thì triết gia đó được xem là một nhà duy tâm; học thuyết của họ hợp thành các môn phái khác nhau của chủ nghĩa duy tâm.

Hai hình thức cơ bản của chủ nghĩa duy tâm
1. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: thừa nhận tính thứ nhất của ý thức con người trong khi phủ nhận sự tồn tại khách quan của hiện thực. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan khẳng định mọi sự vật hiện tượng chỉ là "phức hợp các cảm giác" của cá nhân.

2. Chủ nghĩa duy tâm khách quan: cũng thừa nhận tính thứ nhất của tinh thần, ý thức nhưng tinh thần, ý thức ấy được quan niệm là tinh thần khách quan, ý thức khách quan có trước và tồn tại độc lập với giới tự nhiên của con người. Theo các nhà duy tâm khách quan, thực thể tinh thần, ý thức ấy chính là: "ý niệm tuyệt đối" (Platon), "tinh thần tuyệt đối" (Hegel)…
Triết học+
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?