Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954- 1975

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Nga

               Triết học hiện sinh và văn học hiện sinh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn đô thị miền Nam 1954 - 1975, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, thể loại thuận lợi nhất trong việc chuyển tải những vấn đề về thân phận con người qua những hình tượng nhân vật sinh động. Sự ảnh hưởng này đã mang lại cho văn học đô thị miền Nam một diện mạo riêng, trong đó có những bước tiến đáng được ghi nhận và cũng có không ít hạn chế. Bởi vậy, tiếp cận văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 cần có tinh thần “gạn đục khơi trong” một cách thực sự khoa học, công bằng


      1. Bối cảnh lịch sử xã hội, văn hóa của đô thị miền Nam 1954- 1975
            1.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội
         Xã hội đô thị miền Nam 1954 - 1975 vô cùng rối ren về chính trị. Trong khi miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam vẫn phải sống trong bom đạn chiến tranh, dưới sự cai trị của chính quyền Sài Gòn và chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ. Có sự giành giật gay gắt giữa chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ với chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp. Tình hình chính trị xã hội luôn luôn bất ổn. Không khí căng thẳng bao trùm. Mỹ - Diệm vừa mua chuộc vừa dùng bạo lực thủ tiêu các thế lực trong các giáo phái, phe phái chống đối chúng. Những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn ngấm ngầm phát triển. Những phong trào  đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị nổ ra liên tiếp làm chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng khủng hoảng sâu sắc. Chính quyền Sài Gòn lâm vào bị động, lúng túng. Các tướng lĩnh đầu sỏ đứng ra vận động chống Ngô Đình Diệm, bàn mưu kế lật đổ anh em Diệm, Nhu. Mỹ ủng hộ nhóm tướng lĩnh do Dương Văn Minh cầm đầu đảo chính lật đổ chế độ, giết chết anh em Ngô Đình Diệm (1/1963). Sau đó nhiều cuộc đảo chính khác liên tiếp xảy ra. Sự bất ổn về chính trị kéo theo sự bất ổn về nhiều mặt trong cuộc sống.
            Bên cạnh sự rối ren về chính trị là tình hình chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới, Mỹ ồ ạt cho đổ quân vào miền Nam. Không khí đàn áp, khủng bố bao trùm.
         Trong bối cảnh phức tạp ấy, tâm trạng chung của con người là căng thẳng, lo âu, luôn cảm thấy bất an. Nhiều cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, dân sinh, dân quyền, đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, chống sự xâm lăng của văn hóa nước ngoài, đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam... liên tiếp nổ ra.

            1.2 . Bối cảnh văn hoá
         Cùng với sự đổ quân ồ ạt của Mỹ vào miền Nam là những tư tưởng văn hóa phương Tây, văn hóa Mỹ, lối sống Tây - Mỹ cũng được du nhập nhanh chóng, tác động rõ rệt đến đời sống tư tưởng, văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975. Xã hội đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975 pha trộn nhiều nền văn hoá, cả phương Đông lẫn phương Tây, nhưng rõ rệt nhất, đậm nhất là văn hoá phương Tây và văn hoá Mỹ. Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận phê bình văn học cùng tràn vào đô thị miền Nam, cùng tồn tại, tạo nên một diện mạo văn hoá hết sức đa dạng, đời sống văn hoá vô cùng sôi động.
         Về xuất bản: đây là thời kỳ "trăm hoa đua nở" của các nhà xuất bản. Theo thống kê của Võ Phiến trong cuốn “Văn học miền Nam” thì riêng ở đô thành Sài Gòn thời kỳ này đã có cả nghìn nhà in, 150 nhà xuất bản. Việc phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật trở nên vô cùng thuận lợi. Đời sống văn học sôi động, nhu cầu thưởng thức văn học rất lớn. Có những tác phẩm, chỉ trong vòng mấy năm đã được in đến 9 lần, với số lượng hơn 100.000 bản mà vẫn không đủ cho nhu cầu bạn đọc như tiểu thuyết "Bên dòng sông Trẹm" của Dương Hà (bản in lần thứ 9 xuất bản năm 1971). Các tác phẩm văn học được xuất bản, bên cạnh những sáng tác của các tác giả đương thời có một khối lượng lớn tác phẩm của các tác giả đông, tây, kim cổ được giới thiệu, từ các nhà thơ cổ điển Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến các tác giả tiền chiến miền Bắc như Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Từ các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc đến tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung... Từ văn học Nga đến văn học Mỹ, Pháp, Anh...
         Bên cạnh việc xuất bản sách, báo chí cũng "nở rộ" không kém. Theo thống kê của Đoàn Thêm, ngay năm 1959 đã "có 15 tuần báo, 31 nguyệt san và bán nguyệt san, 32 đặc san xuất bản khá đều trong thực tế, hàng tuần hay hàng tháng, tổng cộng 78 tạp chí Việt ngữ" [34]. Đội ngũ báo chí hùng hậu ấy đã đóng góp khá đáng kể cho sự phát triển đa dạng của văn hóa, văn nghệ....
         Trong lĩnh vực triết học: nhiều nền triết học, trào lưu,  trường phái được giới thiệu, từ triết học phương Đông đến triết học phương Tây, từ triết học cổ điển đến triết học hiện đại thế kỷ XX...vv. Tuy nhiên, triết học phương tây hiện đại, đặc biệt là triết học hiện sinh được quan tâm và ưa chuộng nhất.
            Về lý luận phê bình văn học: có nhiều trường phái LLPB phương Tây được giới thiệu như chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, cấu trúc luận, hiện tượng luận... Có sự tồn tại song song nhiều khuynh hướng LLPB: LLPB chịu ảnh hưởng phương Tây, LLPB chịu ảnh hưởng quan điểm Mác - xít, LLPB chịu ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo... Sinh hoạt văn hoá vô cùng sôi động. Nhiều cuộc tranh luận, hội thảo, thảo luận về các vấn đề văn hoá được mở ra trên báo chí, được tổ chức trong các trường đại học, các tổ chức văn hoá xã hội... Những cuộc triển lãm sách báo, văn chương, hội họa, nhiếp ảnh... được tổ chức đều đặn, trong đó có triển lãm sách do các tổ chức trong nước tiến hành, có cả những triển lãm sách do các tổ chức nước ngoài đảm nhiệm.
         Dịch thuật cũng phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn này. Ngay từ năm 1957, Nguyễn Hiến Lê đã xác định "Dịch văn ngoại quốc là một việc vô cùng bổ ích. Ta có thể nhờ nó mà kiếm được cách áp dụng văn phạm của người một cách thông minh, khéo léo vào văn phạm của ta mà làm cho Việt ngữ phong phú thêm, tế nhị thêm (…) Dịch văn ngoại quốc là một cách luyện văn rất có hiệu quả: nó tập cho ta tìm tòi, cân nhắc từng chữ để diễn đúng ý của tác giả; nó lại cho ta cơ hội học được bút pháp của các văn hào trên thế giới" [12]. Nhận thức được tầm quan trọng của việc dịch sách, Nguyễn Hiến Lê còn đề nghị xây dựng chương trình dịch sách ngoại quốc một cách bài bản, công phu để có thể giới thiệu được những kiệt tác thế giới cho độc giả trong nước. [13]. Tác phẩm dịch không chỉ gói gọn trong những cuốn được xuất bản, mà còn một phần sôi động hơn rất nhiều nằm trên các báo, tạp chí. Hầu như tờ tạp chí nào cũng giới thiệu tác phẩm dịch, gồm cả truyện, thơ, kịch, những bài nghiên cứu, trao đổi, phỏng vấn các tác giả nước ngoài, triết học, lý luận, phê bình văn học...vv. Những tác giả nổi tiếng trên thế giới được lần lượt giới thiệu khiến đời sống văn học thêm phần phong phú. Sang giai đoạn 1961 - 1975, sách dịch phát triển rất mạnh, đặc biệt là sách triết học và tiểu thuyết. Nhiều tác phẩm, công trình đồ sộ được dịch sang tiếng Việt. "Thị phần sách dịch theo Võ Phiến đã có một thời vào năm 1970 chiếm đến 60% và đến năm 1972 đã lên đến 80% toàn bộ đầu sách xuất bản ở miền Nam. Theo kết quả điều tra tiến hành vào tháng 7/1976, số sách dịch của miền Nam trong 20 năm bao gồm: Đức 57 đầu sách, Ý 58, Nhật 71, Anh 97, Mỹ 273, Pháp 499, Đài Loan và Hương Cảng 358, Nga 120, còn lại những nước khác 381" [17]. Những tác giả được dịch nhiều nhất là J.P. Sartre, A. Camus, F. Sagan, P. Buck, St Exupery, E. Hemingway, Hermann Hesse, Kim Dung, Quỳnh Giao... Các dịch giả quen thuộc với bạn đọc trên các báo và tạp chí là Cô Liêu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Châu, Vũ Anh Tuấn, Vi Huyền Đắc,Quốc Dũng, Vũ Ký, Đặng Trần Huân, Phong Nhã, Hà Hữu Nguiên, Nguyễn Minh Hoàng, Trần Phong, Lương Ngọc, Nguyễn Văn Trung, Trần Hương Tử (bút danh của Trần Thái Đỉnh)...Với sách dịch, những dịch giả quen thuộc là: Bùi Giáng, Phùng Thăng, Trần Phong Giao, Hoàng Thiện Nguyễn, Mai Vi Phúc, Phạm Bích Thủy, Trần Thiện Đạo, Võ Văn Dung, Lê Thanh Hoàng, Thụ Nhân, Nguyễn Hữu Hiệu, Bửu Nghi, Từ An Tùng, Từ Huệ, Trần Công Tiến, Phạm Công Thiện, Trần Thái Đỉnh...vv
         Bên cạnh đó, các văn nhóm xuất hiện nhiều. Có thể kể đến nhóm người Việt (sau là Sáng Tạo), nhóm Quan Điểm, nhóm Văn Hóa Ngày Nay, nhóm Nhân Loại, nhóm Khởi Hành, nhóm Thời Tập, nhóm Tuổi Ngọc, nhóm Văn... Mỗi nhóm lại có riêng một tờ báo, tạp chí và  thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn học nghệ thuật như hội thảo, diễn thuyết, triển lãm...
         Trong bối cảnh văn hoá đa dạng và sôi động ấy, nổi bật lên sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây và văn hoá Mỹ  vào xã hội đô thị miền Nam, đặc biệt là ảnh hưởng của triết học hiện sinh trên tất cả mọi mặt của đời sống, từ lối sống đến học thuật, từ sáng tác đến lý luận phê bình...

(Còn nữa)

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?