Tự do và trách nhiệm cá nhân trong “Tồn tại và hư vô” của J. -P. Sartre.
“Tồn tại và hư vô” của J.-P.Sartre được công bố lần đầu tiên vào năm 1943 tại Paris. Đây là tác phẩm không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong dòng chảy của triết học hiện sinh, mà còn cho thấy rõ tư tưởng triết học hiện sinh độc đáo của J.-P.Sartre. Trong bài viết này, tác giả tập trung luận giải quan niệm của J. -P. Sartre về tự do với tư cách phương thức hiện hữu của tồn tại người và duy nhất phù hợp với tồn tại người trong mối quan hệ không thể tách rời với trách nhiệm - trách nhiệm đối với thế giới và đối với bản thân mình của con người.
Vốn là người đại diện cho phong trào cánh tả vào những năm 60 của thế kỷ XX, là người đã tuyên bố chủ nghĩa Mác là “triết học của thời đại chúng ta” , J.-P.Sartre giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của triết học phương Tây hiện đại. Đó chính là vì, trong tác phẩm Tồn tại và hư vô, ông đã đặt ra vấn đề “tự do và trách nhiệm cá nhân” một cách căn bản, hòa nhịp với lý tưởng chung của toàn bộ triết học phương Tây, bắt đầu từ thời cận đại, đặc biệt là triết học Mác. Đây chính là vấn đề mà, khi bước sang một thiên niên kỷ mới, loài người ngày càng ý thức rõ hơn và coi đó là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với số phận tiếp theo của nền văn minh nhân loại, đối với sự sống của bản thân loài người.
Tồn tại và hư vô của J.-P.Sartre được công bố lần đầu tiên vào năm 1943 tại Paris dường như cùng một lúc với vở kịch hay nhất của ông là Ruồi. Tác phẩm này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong dòng chảy của triết học hiện sinh, mà còn cho thấy rõ tư tưởng triết học hiện sinh độc đáo của Sartre. Mặc dù, cấu trúc về nội dung chung của Tồn tại và hư vô có rất nhiều điểm tương đồng với Tồn tại và thời gian của M.Heidegger, song cặp khái niệm trung tâm ở hai triết gia này lại khác nhau căn bản – “Tôi tồn tại ở đây” (“Dasein”) của Heidegger và “Tồn tại cho mình” ("L'être pour-soi") của Sartre. Sự khác nhau này là rất quan trọng, vì nó cho thấy Sartre nhấn mạnh nhiều hơn đến tính tích cực nội tâm của chủ thể.
Tính tích cực nội tâm này bắt nguồn từ chính sự đặc thù của tồn tại người (theo thuật ngữ của Sartre là “tồn tại cho mình”) mà, đến lượt mình, nó lại làm nảy sinh ra các vấn đề thuần tuý thiên về con người và hơn nữa, nó còn cho thấy sự xuất hiện của một kiểu tồn tại đặc biệt – “tồn tại người” với tư cách một sự kiện tuyệt đối, không thể giải thích được về mặt nguồn gốc lịch sử. Tính tuyệt đối và tính đặc thù của kiểu tồn tại này thể hiện ra ở chỗ, chỉ có sự xuất hiện của nó mới buộc “tồn tại tự nó”, lần đầu tiên, phải tập hợp lại dưới dạng thế giới, một thế giới hiện hữu, hiện diện chỉ nhờ “tồn tại cho mình” với tư cách “hư vô”.