Thuyết trình khoa học: Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Hàn Quốc thế kỷ XVI

 Thuyết trình khoa học: Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Hàn Quốc thế kỷ XVI

Hoàng Minh Quân

Nguồn: Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Nhận lời mời của Viện Triết học, ngày 28/10/2019, GS.Yu Insun (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) đã có buổi thuyết trình khoa học với chủ đề: "Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Hàn Quốc thế kỷ XVI". Buổi thuyết trình đã nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều nhà nghiên cứu đang công tác tại Viện Triết học, cũng như một số cơ quan nghiên cứu khác.


GS. Yu Insun là một chuyên gia về lịch sử Việt Nam ở Hàn Quốc, đã có khoảng 50 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, và là tác giả của nhiều bài viết, cuốn sách về lịch sử Việt Nam. Ở Việt Nam, ông được giới nghiên cứu biết đến nhiều qua cuốn sách Luật và Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994).

Trong buổi thuyết trình, từ góc độ sử học, GS. Yu Insun đã trình bày về sự du nhập của Tống Nho vào Hàn Quốc và Việt Nam, chỉ ra những cơ sở lịch sử cho quá trình tiếp nhận Tống Nho ở hai nước, cũng như những điểm tương đồng, dị biệt của Nho học ở mỗi nước, dưới sự ảnh hưởng của Tống Nho. Theo GS. Yu Insun, Tống Nho đã cùng được du nhập vào Việt Nam và Hàn Quốc vào khoảng thế kỷ thứ XIV, ở Hàn Quốc, gắn với triều vua Trung Tuyên Vương, và ở Việt Nam, gắn với triều vua Trần Nghệ Tông. Ảnh hưởng của Tống Nho đạt đến đỉnh cao ở Việt Nam dưới thời nhà Lê, và ở Hàn Quốc dưới thời Joseon. Cả triều Lê và triều Joseon đều đã tiếp nhận Tống Nho như một ý niệm trị nước, tuy nhiên, do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt là bối cảnh chính trị, mà ảnh hưởng của học thuyết này ở mỗi nước cũng có sự khác biệt. Xét về mức độ ảnh hưởng, theo GS. Yu Insun, Ở Hàn Quốc, Tống Nho đã có được tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn so với ở Việt Nam.

Theo sự lý giải của diễn giả, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó, có một nguyên nhân liên quan đến sự hình thành của các vương triều: Những vị vua đầu triều Lê, sau Lê Thái Tổ, đều đã lên ngôi khi chưa trưởng thành, chưa có quyền lực, mà buộc phải dựa vào các võ thần vốn không có nhiểu hiểu biết về Nho giáo, trong khi ở Hàn Quốc cùng thời kỳ, triều Joseon đã được dựng lên nhờ các nho sĩ theo Tống Nho. Một nguyên nhân khác mà diễn giả chỉ ra là: trong khi Việt Nam dưới triều nhà Lê đã phải trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, không có được môi trường ổn định để phát triển học thuật, khoa cử, thì Hàn Quốc lại có được điều kiện ổn định hơn, tuy ở đây cũng có những tranh chấp đảng phái, nhưng đó hầu hết là những tranh luận trong phạm vi Nho học, giữa những phái nhà nho khác nhau.

ĐỌC TIẾP

http://philosophy.vass.gov.vn/news/Quan-ly-Khoa-hoc/Thuyet-trinh-khoa-hoc-Nho-giao-Viet-Nam-va-Nho-giao-Han-Quoc-the-ky-XVI-313.html

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?