Hoàng Ngọc Hiến - Luận bàn về những vấn đề minh triết


Hoàng Ngọc Hiến - Luận bàn về những vấn đề minh triết

Tôi bắt đầu tiểu luận này bằng những suy nghĩ có liên quan đến chủ đề minh triết của hai học giả Việt Nam: Ngô Thời Sĩ (1740-1786) và Kim Định (1914-1997)[1]

- Ngô Thời Sĩ có phân biệt “đạo lý thánh hiền” và “đạo lý đời thường”: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người”. Trên đại thể, minh triết là “đạo lý đời thường”. Đạo lý này có tính chất đời thường vì, cũng như tính Phật, nó sẵn có ở mọi người. Nói môt cách khác, ai cũng có thể có minh triết. Triết lý thì khác, triết luận đòi hỏi năng lực tư duy đặc biệt, không phải cứ muốn thì trở thành triết gia. Đời thường còn có nghĩa là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật. Trí khôn, trí tuệ, trí thức… của minh triết bao giờ cũng gắn với kinh nghiệm sống đời thường, nó vốn nảy sinh từ những kinh nghiệm này. 

Đây là một đặc tính quan trọng của minh triết. Triết lý thì khác, nó thiên về thuần lý và có xu hướng thoát ra khỏi “tính cục bộ”, “tính cụ thể” của kinh nghiệm.. Đến đây dựa vào những đặc trưng của ý thức minh triết và nhất là tư tưởng hiền minh của Ngô Thời Sĩ, tôi mạnh dạn đưa ra một định nghĩa về minh triết như sau: “Minh triết là tính sáng khôn (có khi được diễn ngôn thoáng gọn) chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thánh hiền, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời”. Dùng từ “tính sáng khôn” tôi muốn hiểu minh triết cũng như tính Phật là tính sẵn có trong lòng người, nói như Nhất Hạnh, nó là “hạt giống tốt’ vốn có ở mọi người. Cân nhắc giữa 3 từ: “trí khôn”, “sự khôn ngoan”, “tính sáng khôn”, cuối cùng tôi chọn từ “tính sáng khôn”, “tính sáng” như là một thuộc tính của “minh tâm” và Phật tính là một từ của nhà Phật được nhắc đến nhiều lần trong bài “Cư trần lạc đạo phú” nổi tiếng của Trần Nhân Tông (1258-1308)[2]. Tôi nhấn mạnh: “chủ yếu được sống và sống” bởi lẽ lẽ sống của nhà hiền triết là “sống” và “sống” minh triết chứ không phải “nói” và “nói” minh triết. Tôi nhấn mạnh thuộc tính “thiên về cảm hóa lòng người…” vì ở trạng thái nhân thế hiện nay, ở xã hội ta cũng như trên toàn thế giới, ý thức con người thiên về “phá” hơn là “xây”, những thiện chí “cảm hóa lòng người” bị “lép vế”, bị lấn át, thậm chí bị áp đảo trước những cơn cuồng nộ quở trách, chửi rủa vô tội vạ “thói đời”. Cảm hứng chủ đạo của minh triết là “xây dựng” bằng “sự cảm hóa lòng người”.

- Trong tiểu luận “Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây” (1960) của Kim Định (1915-1997) tác giả đề nghị ước lệ phân biệt 3 ý niệm: triết lý, minh triết, triết học. Cho đến nay vẫn lưu hành một thành kiến cho rằng chỉ phương Tây mới có triết lý, phương Đông có tư tưởng, có Đạo học, có minh triết… nhưng không có triết lý. Với một cách ước định riêng thuật ngữ “triết lý”, Kim Định khẳng định: có triết lý phương Tây và có triết lý phương Đông ngay từ thời cổ (cổ đại và trung đại).


Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?