Phạm Thị Bình - Quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về gia đình trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội

Phạm Thị Bình
Quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về gia đình trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội

Khẳng định trong quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tham gia vào mọi quá trình sản xuất và luôn chịu sự tác động trở lại của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, trong bài viết này, tác giả tập trung luận giải quan niệm của các ông về sự biến đổi và phát triển của gia đình trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại và qua đó, khẳng định chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam mới của Đảng ta là định hướng chiến lược đúng đán trong công cuộc đổi mới đất nước.

Nghiên cứu di sản lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen, chúng ta thấy, trong suốt tiến trình xây dựng quan niệm duy vật về lịch sử, bao giờ các ông cũng dựa vào những tiền đề hiện thực. Những tiền đề hiện thực này thường được các ông sử dụng với tư cách những phạm trù xuất phát để nghiên cứu, mổ xẻ các quá trình xã hội nhằm phát hiện ra các quy luật, các mâu thuẫn, các xu hướng vận động và phát triển của nó. Những tiền đề hiện thực này được biểu hiện một cách cụ thể qua các phạm trù, như phạm trù hàng hóa, phạm trù con người, phạm trù sở hữu,... Ở đây, điều đáng nói là, tất cả các phạm trù này đều có liên quan đến phạm trù gia đình. Bởi, trong quan niệm của các ông, gia đình là tế bào của xã hội, tham gia vào mọi quá trình sản xuất, từ sản xuất hàng hóa đến tiêu thụ sản phẩm; từ việc tái tạo ra con người đến việc đào tạo, bồi dưỡng con người; từ chỗ tạo ra sự khác biệt về sở hữu đến chỗ giải quyết vấn đề sở hữu. Và, ngược lại, các quá trình sản xuất, tiêu dùng, cải tiến và sử dụng công cụ lao động, giáo dục và đào tạo, v.v. đều tác động trở lại gia đình, củng cố hoặc làm biến đổi hình thức và kết cấu gia đình.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề gia đình như vậy, nên trong các tác phẩm của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sử dụng một số lượng trang sách không ít để viết, để nói về gia đình. Các ông đã xem xét gia đình với tư cách một xã hội thu nhỏ, xem xét các hình thức lịch sử của gia đình, xem xét gia đình với sự xuất hiện của sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; nghiên cứu mối quan hệ giữa gia đình và nhà nước, nghiên cứu gia đình dưới chế độ tư bản chủ nghĩa và gia đình dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tương lai. Không chỉ thế, các ông còn nghiên cứu gia đình trong quan hệ tính giao - vấn đề trong hôn nhân, và gia đình với tư cách yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất trong lịch sử phát triển xã hội.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?