Vị thế và ảnh hưởng của triết học Đêcáctơ trong lịch sử triết học
Lê Thanh Sinh
Tạp chí Triết học
Muốn hiểu rõ giá trị của triết học Đêcáctơ không gì bằng đem
học thuyết ấy đặt vào trong tiến trình chung của lịch sử triết học. Khi so sánh
nó với những hệ thống triết học khác trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại,
chúng ta sẽ thấy rõ những đóng góp và hạn chế của nó.
Nhà triết học có ảnh hưởng lớn đến R.Đêcáctơ là Arixtốt.
Chính Arixtốt đã đem lại cho ông niềm tin ở lý trí con người. Những nguyên tắc
nền tảng để xây dựng phương pháp nghiên cứu, ông cũng đã mượn của Arixtốt. Cái
vũ trụ quan trọng làm nền móng cho triết học siêu hình của ông cũng lại là một
công trình sáng tạo của Arixtốt. Chính vì vậy, khi đọc các tác phẩm của
Đêcáctơ, chúng ta cần hiểu rõ địa vị thiết yếu đặc biệt của "Nguyên tắc đồng
nhân” cái được coi là "tinh hoa" trong triết học Arixtốt, và cũng có
thể coi là “tinh hoa" của hầu hết các trường phái triết học xưa nay.
Coi vũ trụ là đồng nhất, Arixtốt đã đặt niềm tin ở lý trí
con người. Ông cho rằng một khi trời đất đã không thay đổi, hay ít ra đã có những
bản thể không thay đổi, thì do đó, con người có quyền hy vọng tìm được chân lý,
miễn là khi suy luận tránh được những sự mâu thuẫn. Để tìm được những kết quả đồng
nhất, Arixtốt đã đưa vào trong hệ thống triết học của ông phép tam đoạn luận.
Áp dụng nó vào việc nghiên cứu vũ trụ và xã hội, ông đã để lại cho đời sau những
cống hiến khoa học lớn lao.
Nhưng tiếc thay, cái "tinh hoa" quý giá do Arixtốt
truyền lại ấy chẳng bao lâu đã bị chìm đắm vì Giatô giáo. Trong hơn một nghìn
năm, Châu Âu cúi đầu phục tùng nền tư tưởng huyền bí có cội rễ trong Kinh
thánh. Những cống hiến khoa học trong triết học Arixtốt đều phải hứng chịu sự
phê phán của sức mạnh niềm tin tôn giáo. Với ý đồ xoay hẳn triết học về một hướng
khác, tôn giáo đã pha trộn học thuyết duy lý của Arixtốt với nhưng lời dạy của
Kinh thánh thành một mớ giáo lý huyền bí, viển vông, độc đoán, vừa viện đến lý
trí, vừa dựa vào lòng tin, lấy linh hồn để giảng nghĩa thân thể, lấy tinh thần
để chứng thực vật chất, nâng nguyên tắc đồng nhất và tam đoạn luận lên thành mục
đích tối cao của triết học mà không coi đó là phương pháp. Bằng cách đó, tôn
giáo đã kìm hãm tư tưởng trong giáo đường, hạ lý trí xuống thành tôi tớ cho
lòng tin mù quáng và huyền bí, đem tôn giáo vào tất cả những lĩnh vực hoạt động
của trí tuệ.
Song, đến thế kỷ XVI, các giáo lý tôn giáo ấy ngày càng ít
có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và đời sống kinh tế xã hội. Một cuộc
cách mạng lớn trong đời sống tinh thần, trong tiến trình phát triển tư tưởng
nhân loại đã diễn ra.
Phản ánh cuộc cách mạng ấy về tinh thần là phong trào mà người
ta gọi là cuộc Phục hưng. Tư tưởng bị lung lay mạnh, con người bừng tỉnh giấc
mơ phong kiến và hoảng hốt đi tìm những chân lý mới. Khoa học rời bỏ giáo đường
để tìm vào những tư gia. Các nhà thông thái đầu tiên, những ông thầy thuốc có học
đã nhận thấy không thể đem linh hồn để giảng nghĩa cho vật chất, rằng thế giới
vật chất có những quy luật riêng của nó. Không cần đến tam đoạn luận, không
dùng đến Kinh thánh, người ta mò mẫm tìm kiếm những điều bí ẩn trong tự nhiên.
Từ Car-dan, Ferrari, Neper... số học tiến hoá nhanh chóng lạ thường. Với những
phát minh khoa học mới, nhiều quan niệm trước đây bị lật nhào, chẳng hạn như
quan niệm về trái đất và bầu trời trong Kinh thánh, về cơ thể động vật, cách tổ
chức của thực vật trong sinh học. Ngay trong giáo đường cũng có sự chia rẽ. Năm
1520, giáo sĩ người Đức - Lutther đã sáng lập nên phái Giatô cải cách để chống
lại những điều phi lý của nhà thờ.
Thế kỷ XVII, trong những năm đầu tiên, người ta đã được chứng
kiến cuộc thái bình. Thái bình trở lại, thì tư tưởng con người cũng thay đổi
nhiều. Nhưng phát minh của các nhà khoa học vẫn tiếp tục nở rộ, đáng chú ý nhất
là các phát minh của Giatô. Trong bối cảnh ấy, triết học của R.Đêcáctơ đã ra đời
và phát triển. Trong hệ thống triết học Đêcáctơ, chúng ta thấy, khởi điểm của
phương pháp, cũng như của siêu hình học là niềm tin không bờ bến vào giá trị của
những khoa học. Hệ thống triết học ấy được R.Đêcáctơ triển khai theo hai khuynh
hướng: khuynh hướng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Giatô giáo và khuynh hướng chịu
ảnh hưởng của những phát minh khoa học mới.
R.Đêcáctơ được nuôi dạy trong hệ thống triết học kinh viện,
ngay từ nhỏ đã được hít thở cái siêu hình học bị pha trộn của Arixtốt, song lại
phải khép nép sống dưới bóng cây thập giá, do vậy, ông đã không dám (hay không
biết thì đúng hơn...) thoát ra khỏi hệ tư tưởng ấy. Chính vì vậy, mặc dù những
tư tưởng của ông có táo bạo đến đâu, cũng chỉ là táo bạo trong phạm vi do người
xưa đặt sẵn. Ông muốn bước sang những chân trời mới, nhưng không biết đi về hướng
nào, bởi phía nào cũng thấy bị chặn bởi nhưng lời dạy trong Kinh thánh. Và do vậy
để bảo vệ giá trị khoa học, R.Đêcáctơ chỉ còn biết tin vào Thượng đế. Đề lý giải
mọi sự thay đổi, ông viện đến nguyên tắc nhân quả - một biến thể của luật đồng
nhất. Để tìm nguyên nhân vũ trụ, ông đưa ra những ý niệm về vô hạn.
Như vậy, có thể nói, triết học của R.Đêcáctơ vừa là siêu
hình học, vừa là vật lý học. Những lập luận có tính xác thực và khoa học của
ông luôn pha lẫn với sự diễn địch trừu tượng. Vì thế đã có người coi hệ thống
triết học của ông là hệ thống đứng giữa ngã ba đường.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà trong hệ thống triết học của
R.Đêcáctơ không có những viên ngọc quý. Ngược lại, đó là một hệ thống được tạo
nên với nhiều viên ngọc quý.
Viên ngọc quý nhất trong hệ thống triết học Đêcáctơ là niềm
tin vô tận vào lý trí, khoa học và nhữngphươngpháp mới. Với niềm tin ấy, ông tỏ
rõ thái độ chán ghét những cuộc cãi vã viển vông và sai lầm của các môn phái
cũ. ông muốn triết học phải rõ ràng và xác thực. Do chưa phân biệt rõ triết học
với các khoa học khác như chúng ta ngày nay nên ông chủ trương xây dựng một
phương pháp chung cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của trí tuệ.
Thật ra, hơn hai nghìn năm về trước, Arixtốt cũng đã có niềm
tin ấy - niềm tin ở lý trí. Triết học Arixtốt là một thứ triết học duy lý với
nhiều cái hợp lý. Nhận thấy điều đó R.Đêcáctơ chủ trương đưa triết học trở về với
hệ thống triết học do Arixtốt tạo ra. Khi phê bình R.Đêcáctơ, nhà triết học Đức
- Hêgen cho rằng R.Đêcáctơ là người đã sáng lập ra nền triết học Cận đại xét về
phương diện lấy tư tưởng làm căn bản. Anh hưởng của nhà triết học này trong thời
đại của ông và trong nhưng thời đại mới là hết sức lớn lao. Ông là một bậc anh
hùng, có công xây dựng lại triết học từ đầu và đem lại cho nó một vị thế xứng
đáng, làm cho nó trớ về với vị thế ấy sau khi đã lầm lạc hàng nghìn năm đó là vị
chế của lý tính thuần tuý.
Do trình độ khoa học thời bấy giờ, R.Đêcáctơ mới chỉ nhìn thấy
vai trò của phương pháp số học. Ông đề cao tính cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng của
các lý thuyết, quy luật số học và cách thức mà nó điều khiển các con số. Và do
vậy, ông hy vọng mở rộng các lý thuyết, quy luật và phương pháp đó sang việc
nghiên cứu những hiện tượng diễn ra trong trời đất và trong tâm lý con người.
Viên ngọc quý thứ hai mà R.Đêcáctơ để lại cho đời sau là những
nguyên tắc cơ bản của phương pháp. Sau Bêcơn, R.Đêcáctơ đã tìm cách xây dựng một
hệ thống phương pháp luận mới làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học. Ông
chủ trương xây dựng môn "logic dạy cách vận dụng lý tính một cách tốt nhất
nhằm nhận thức những chân lý" mà con người còn chưa tìm ra. Đặc biệt đề
cao vai trò của lý tính, phương pháp luận của ông hướng tới hoàn thiện và phát
triển khả năng trí tuệ của con người, thúc đẩy nhận thức khoa học phát triển.
ông cho rằng một ai đó "dù đi rất chậm, nhưng nếu anh ta đi đường thẳng, vẫn
có thể vượt xa so với những ai mặc dù chạy nhưng lai không đi theo con đường thẳng
ấy".
Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp luận Đêcáctơ là : Thứ
nhất, chỉ được coi là chân lý những gì được cảm nhận một cách rõ ràng, hiển
nhiên, không chút nghi ngờ. Thứ hai khi nghiên cứu bất cứ sự vật nào cũng phải
chia nó thành các bộ phận và nhận thức các bộ phận ấy. Thứ ba, trong nhận thức
phải xuất phát từ cái đơn giản đến cái phức tạp hơn. Thứ tư, không được bỏ sót
một dữ kiện nào trong quá trình nhận thức.
Tin ở lý trí, lại biết dùng lý trí đó nên trong siêu hình học
Đêcáctơ, người ta đã tìm thấy một viên ngọc quý thứ ba - đó là quan niệm của
ông về vật chất. Ông cho rằng cái vật chất đã vượt ra ngoài phạm vi của cái tâm
lý. Song, vì chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, chưa dám và cũng không
thể bác bỏ những giáo lý trong Kinh thánh để nói rằng cái vật chất có ảnh hưởng
đến cái tinh thần, quyết định cái tinh thần, nên ông chỉ mới phân biệt linh hồn
với thể xác. ông cho rằng thế giới vật chất là một thế giới riêng biệt và nó chỉ
tuân theo những luật của vật chất, và do vậy, nhưng ai muốn nghiên cứu vũ trụ
thì cần phải rời bỏ hết những thành kiến của linh hồn. Điều đó cho thấy, cơ giới
luận theo khuynh hướng duy linh luận của R.Đêcáctơ có chứa những mầm mống duy vật,
hay ít ra cũng là một miếng đất tốt cho nhưng mầm mống ấy mọc lên.
Các nhà triết học cùng thời với R.Đêcáctơ không lầm khi nhận
định như vậy về hệ thống triết học của ông. Chẳng hạn, Pascal - một con chiên
thành kính, trọng đức tin và khinh thường lý trí, khi phê phán ông đã cho rằng
không thể tha thứ cho R.Đêcáctơ được, bởi ông ta chủ trương không cần đến Thượng
đế hích cái hích đầu tiên vào thế giới để làm cho thế giới đó xoay chuyển.
Nhân sinh quan triết học của R.Đêcáctơ cũng đượm một niềm
tin khoa học, niềm tin vào lý trí như siêu hình học của ông. Đọc lại những
phương châm hành động mà ông khuyên mọi người nên tuân theo, chúng ta thấy
không ở chỗ nào ông bàn về Thượng đế như một người có tôn giáo cả, và vì thế có
người cho rằng, Thượng đế trong quan niệm của ông là Thượng đế "vô thần".
Với R. Đêcáctơ, Thượng đế là có thực. Bới theo ông, dưới bất cứ hình thức nào,
trong mỗi con người đều luôn có ý niệm về Thượng đế. Song, Thượng đế trong quan
niệm của ông Thượng đế có trí tuệ, tượng trưng cho sự hoàn hảo và tối cao tuyệt
đối, có vai trò định hướng và đem lại niềm tin cho con người trong nhận thức,
cũng như trong mọi ước vọng. Ông coi con người như một sự liên kết nhờ Thượng đế,
ở con người, linh hồn và thể xác là hoàn toàn tách biệt, vì “bản chất của thực
thể tinh thần hoàn toàn không phụ thuộc vào cơ thể" con người.
Đọc triết học của R.Đêcáctơ, cần phải biết phân biệt những
tư tưởng cấp tiến với những tư tưởng bảo thủ, những tư tưởng khoa học với những
tư tưởng siêu hình. Nếu coi triết học của ông là một công trình sáng tạo tự
nhiên, thì khó có thể hiểu hết ý nghĩa của nó. Trái lại, phải coi triết học ấy
như là kết quả của những thay đổi lớn trong xã hội Tây âu thời Phục hưng mới thấy
được vì sao R.Đêcáctơ được coi là người "đã tạo ra một cuộc cách mạng
trong lịch sử tư tưởng triết học" Tây Âu Cận đại, một kỷ nguyên mới trong
triết học, kỷ nguyên của ánh sáng, của lý trí, của cái lý trí nhân đạo và đại đồng.
Sau R.Đêcáctơ, trong lịch sử tư tưởng Châu Âu, đã diễn ra
hai khuynh hướng: Khuynh hướng tiếp tục siêu hình học của ông và khuynh hướng
hai tiếp tục những phát kiến khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý học và sinh
lý học. Trong chủ nghĩa duy lý, khuynh hướng thứ nhất quan tâm tới việc làm nổi
bật tính chất tiên thiên của lý trí; khuynh hướng thứ hai, trái lại, chỉ chú trọng
thuyết minh rằng lý trí có giá trị. Khuynh hướng thứ nhất đi vào thế giới tinh
thần, khuynh hướng thứ hai đi sâu vào thế giới vật chất. Khuynh hướng thứ nhất
tạo ra những triết lý siêu hình của Malebransơ, Spinôda, Lépnít, khuynh hướng
thứ hai để lại dấu ấn ở hầu hết các khoa học hiện đại.
Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến khuynh hướng thứ hai, vì nó
có những kết quả dễ thấy và bền vững. Cội rễ của nó, nói cho đúng, không phải ở
triết học Đêcáctơ, mà ở cái nguồn gốc phục hưng đã nổi dậy ngay khi xã hội
phong kiến bắt đầu lung lay và nền tư tưởng đượm màu sắc tôn giáo bắt đầu đổ
nát. Những nhà triết học của thế kỷ XVII - XVIII đã tiếp tục công việc mà
R.Đêcáctơ và những nhà thông thái thời Phục hưng còn bỏ dở. Nhưng nhà triết học
Pháp - R.Đêcáctơ có công lớn vạch rõ đường lối cho những người đi sau. Ông đã
chứng thực được giá trị của khoa học và của nhưng phương pháp mà xưa kia người
ta tìm ra một cách mò mẫm. Ông đặt nhưng phương pháp ấy lên vị trí cao không
kém gì tam đoạn luận. Ông đưa những nhà triết học vào thế giới vật chất và cấm
họ không được lạc sang thế giời huyền bí nhưng viển vông của tinh thần. Ông quả
quyết rằng vũ trụ và thể xác con người chỉ là những cỗ máy tinh vi, có hoạt động
nhưng không có ý thức.
Cơ giới luận của R. Đêcáctơ là một trong nhưng nguyên nhân
chính dẫn đến chủ nghĩa duy vật máy móc trong hai thế kỷ XVIII và XIX. Những
bác sĩ kiêm triết học như Leroi, Lametri, Cabanis đã áp dụng phương pháp của R.
Đêcáctơ để nghiên cứu về thân thể. Leroi còn đám quả quyết rằng linh hồn chỉ là
một trạng thái của thân thể, còn tư tưởng cũng vận động như thế giới vật chất.
Kết quả của những cuộc tìm kiếm ấy trong giới y học đã hình thành khoa thực
nghiệm y học sau này.
Nói đúng hơn, cội nguồn của chủ nghĩa ấy không chỉ là cống
hiến khoa học trong triết học Đêcáctơ, mà còn là nhưng tư tưởng triết học của
Ph. Bêcơn - ông tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm (C.Mác).
Hai trào lưu duy vật này - một do R.Đêcáctơ khởi xướng, một
do Ph. Bêcơn đề xuất đã được dung hoà bởi nhà triết học khai sáng Pháp -
G.Ô.Lametri và sau đó được P.Hônbách kết hợp thành một. Tất cả các nhà triết học
duy vật Pháp thế kỷ XVIII như Ph.M.Vônte, Đ.Điđơrô... đã làm cho triết học Pháp
thế kỷ XVIII hoàn toàn nghiêng về phía duy vật máy móc.
Thực thế, môn đồ của R.Đêcáctơ về phương điện siêu hình,
ngoài những Giáo sĩ ở Port Royal, đáng kể ở Pháp chỉ có Malebransơ - người coi
trí tuệ con người là một phần của Thượng đế. Sau Malebransơ, triết lý siêu hình
rời đất Pháp chuyển sang Hà Lan và Đức. Spinôda và Lépnít là hai nhà triết học
nổi danh đã kéo dài cái phần huyền bí trong triết học Đêcáctơ tới Cantơ.
Với ý đồ xem xét lại các quan niệm triết học truyền thống
trên tinh thần phê phán, Cantơ cho rằng nhiệm vụ phê phán này của lý tính tư biện
thuần tuý là thay đổi phương pháp nghiên cứu trước đây trong siêu hình học. Ông
cũng cho rằng khoa học thực sự phải dựa trên nhưng tri thức tiên nghiệm với hai
đặc trưng cơ bản là phổ quát và tất yếu. Song do chưa thoát ra khỏi quan niệm
siêu hình, Cantơ coi mọi sự vật trong thế giới chỉ tồn tại dưới dạng đơn nhất
và cá biệt. Và khi đi theo khuynh hướng duy lý của R.Đêcáctơ, Cantơ đã khẳng định
vai trò đặc biệt của tri thức lý luận đối với khoa học và coi đó là nền tảng của
quá trình nhận thức chân lý.
Với quan niệm đó, khi chủ trương thực hiện "một cuộc
cách mạng .triệt để" trong siêu hình học, Cantơ "lột trần" siêu
hình học cũ và thuyết minh rằng trước khi bàn đến Thượng đế, linh hồn, vũ trụ,
người ta phải tự xem xét trí tuệ của mình xem nó hành động thế nào và có giá trị
bao nhiêu đã. Theo ông, vấn đề tri thức phải trở thành vấn đề lớn nhất của siêu
hình học. Song, khi trả lời câu hỏi này, ông lại cho rằng lý trí không có giá
trị gì hết và khi đã đưa nó lên đến nhưng chóp núi cao nhất thì ta cũng chỉ có
thể biết được những hiện tượng bề ngoài mà không thề biết được cái bên trong của
nó - "vật tự nó".
Sau Cantơ, Hêgen đã đem lý trí ra xem xét lại một lần nữa và
đi đến kết luận: Lý trí nếu cứ tuân theo quy luật đồng nhất, thì nó mới bất lực,
vì khi ấy, nó chỉ biết đến cái tĩnh. Trái lại, nếu nó không sợ những sự mâu thuẫn
mà biết suy luận một cách năng động, thì sẽ nắm được chân lý. Đánh giá cao chủ
trương xây đựng một hệ thống phương pháp luận mới, một logic học mới của
R.Đêcáctơ, Hêgen đã cố gắng xây dựng một hệ thống logic học mời trên cơ sở tiếp
thu những mặt tích cực của logic học trước đây, đồng thời khắc phục những hạn
chế của nó, xuất phát từ nhu cầu phát triển của bản thân khoa học này nhằm đem
lại cho con người cách nhìn nhận mới về bản chất của tư duy, đưa lại cho con
người một phương pháp luận triết học làm nền tảng cho mọi khoa học khác. Đó là
phép biện chứng với tư cách là học thuyết về sự phát triển.
Có thể nói, sau Cantơ, trong lịch sử tư tưởng triết học còn
nảy sinh nhiều trường phái khác, nhưng trường phái có quan hệ với triết học
Đêcáctơ, có lẽ, chỉ có triết học Hêgen. Và sau đó, khi tiếp thu những hạt nhân
hợp lý cả trong triết học Đêcáctơ lẫn trong triết học Hêgen mà không cần vin
vào một Thượng đế tối cao nào đó cũng chứng thực được giá trị của trí tuệ con
người, không quay về những học thuyết mơ hồ, huyền bí cũng giảng nghĩa được vũ
trụ, con người và xã hội đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng đã C.Mác và
Ph.Ăngghen khởi xướng - một chủ nghĩa duy vật lấy "vận động" làm gốc
và lấy những "quy luật biện chứng” làm phương pháp.
Trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học, đã có không ít
những sự phê phán nhằm vào hệ thống triết học của R.Đêcáctơ, vào siêu hình học
của ông, nhất là vào lập trương nhị nguyên luận của ông trong việc giải quyết
hàng loạt vấn đề của triết học và khoa học. Song khuynh hướng tư tưởng của ông,
từ lập trường nhị nguyên luận trong Cogito, ergo và siêu hình học đến lập trường
nhất nguyên duy vật trong vật lý học và sinh lý học, cho thấy sự trăn trở của
nhà tư tưởng Pháp vĩ đại trong việc xây dựng một hệ thống triết học và khoa học
thật sự khi mà ảnh hưởng của các thế lực tôn giáo trong xã hội vẫn còn rất mạnh.
Công lao vĩ đại của R. Đêcáctơ đặt ra hàng loạt vấn đề lý luận đối với sự phát
triển của triết học và khoa học sau này đó là điều không thể phủ nhận. Ông mãi
xứng đáng với tư cách là người "đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lịch sử
tư tưởng triết học”, Tây Âu Cận đại.
Nguồn:Tạp chí Triết học
Đánh giá bài viết?