Triết học phát triển, một chuyên ngành cần xây dựng nghiên cứu sâu những vấn đề phát triển đương đại ở nước ta hiện nay

TS. Hồ Bá Thâm
Trưởng ban triết học, Viện nghiên cứu xã hội tp. HCM

Khoa học phát triển ngày nay không thể không bao hàm triết học phát triển, hay nói đúng hơn là dựa vào triết học phát triển. Với ý nghĩa đó trong bài này chung tôi bàn về sự cần thiết xây dựng môn triết học phát triển ở Việt Nam như một chuyên ngành để làm rõ chiều sâu của quá trình phát triển ở nước ta ngày nay.

Lịch sử phát triển của khoa học, chủ yếu là lịch sử của sự phân hóa các chuyên ngành khoa học thường là từ một khoa học cơ bản ban đầu (tất nhiên, đồng thời có cả tổng hợp, hợp ngành). Một khoa học mà không có khả năng phân hóa, không có hình thành các chuyên ngành mới thì khoa học đó không có sức sống và dễ bị ngưng trệ. Bởi vì, khoa học nào thì cũng là một quá trình nhận thức và phát triển nhận thức nơi đối tượng của nó. Mà càng nhận thức sâu, đa diện thì gặp những mặt mới, tầng nấc mới, chiều sâu mới, từ đó có thể nằm ngoài giới hạn của khoa học đang có, từ đó có sự tách ra chuyên ngành mới. Điều đó cũng phù hợp với sự tiến hóa và tồn tại của các đối tượng tự nhiên và xã hội.


Ngày nay, các khoa học cơ bản và nhiều ngành khoa học đã phân hóa từ một chuyên ngành rộng sang chuyên ngành hẹp. Có những ngành mang tính lĩnh vực, đồng đại, có những ngành mang tính chung hơn, mang tính lịch đại, tính phát triển. Khoa học kinh tế, ngoài kinh tế học chính trị, hoặc các chuyên ngành kinh tế kế hoạch, kinh tế quản trị, kinh tế công nghiệp…, thì còn xuất hiện kinh tế học phát triển (mà trước đây ta không nghĩ tới). Ngành xã hội học cũng không chỉ có xã hội học đại cương và các chuyên ngành xã hội chuyên biệt như xã hội học đô thị, xã hội học gia đình, xã hội học chính trị mà còn có xã hội học phát triển (dù môn ngành nào trong đó cũng có nghiên cứu khía cạnh phát triển). Các môn, ngành khoa học khác ngày nay cũng có tình trạng tương tự. Thực tế hiện nay, có nhiều ngành khoa học trong đó hình thành chuyên ngành khoa học phát triển thuộc hệ ngành của mình.

Trong khi đó, triết học thì ngoài những môn chuyên ngành cơ bản (chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, tức là triết học xã hội) và triết học truyền thống trong các ngành khoa học cụ thể (triết học tự nhiên, triết học đạo đức, triết học pháp quyền, triết học trong toán học, triết học vật lý), thì còn có các môn, ngành như: triết học văn hóa, triết học kinh tế, hay gần đây có cả triết học trong tin học, triết học sinh thái…. Theo thông tin mới đây, trên thế giới hiện nay có khoảng 160 chuyên ngành triết học (năm 1966 có 149 chuyên ngành hẹp; năm 1998 có 173 chuyên ngành) chứ không phải chỉ có 10 môn học chuyên ngành như ở nước ta, làm cho triết học "không theo kịp biến đổi của cuộc sống".

Rõ ràng, cần nhấn mạnh rằng, "nhu cầu hình thành những chuyên ngành hẹp mới của triết học trong hệ thống giáo dục và đào tạo đang đặt ra mà nếu không thực hiện được nó, hệ thống giáo dục và đào tạo không chỉ đáp ứng được nhiệm vụ của mình mà còn chứng tỏ không quá lạc hậu khi đặt triết học vào trào lưu chung của thế giới" . Thế nhưng lại chưa hề nói về triết học phát triển với tư cách chuyên ngành hẹp cần nghiên cứu xây dựng. Phải chăng điều này là không cần thiết? Theo chúng tôi, không chỉ là "triết lý phát triển" (như một công trình đề tài nghiên cứu gần đây) mà phải là triết học phát triển mới bao hết tầm sâu rộng và tính hệ thống của nó.

Chúng ta cần hội nhập với triết học thế giới như thế nào?

Đại hội triết học Thế giới lần thứ XXI mới đây, năm 2003, với 50 tiểu ban bàn về 50 vấn đề và chuyên ngành triết học (mà chủ đề Đại hội là Triết học đối mặt với những vấn đề thế giới) .

Nhưng trong đó không thấy nêu vấn đề Triết học phát triển, mặc dù gần đây trên thế giới đã xuất hiện Phát triển học, các khoa học phát triển.

Triết học biện chứng (chủ nghĩa duy vật biện chứng) là học thuyết về các mối liên hệ cơ bản, phổ biến và mọi sự vận động, phát triển của tất cả vạn vật và con người, vật chất và tinh thần, tức là triết học phát triển cơ bản, phổ quát nhất mà ta thường gọi là phép biện chứng duy vật. Còn triết học phát triển cụ thể đang nói ở đây là theo nghĩa hẹp, chuyên ngành hẹp, xem xét những khía cạnh cụ thể hơn của sự phát triển xã hội đương đại mà phép biện chứng chưa xem xét cụ thể về nó, hoặc ngoài phạm vi của nó. Tuy triết học phát triển có tiền đề từ phép biện chứng cơ bản ấy, và có tính xuyên suốt sự phát triển của cái vật chất và tinh thần, và trên cái nền chủ nghĩa duy vật lịch sử và nhân văn, nhưng chủ yếu xem xét ở góc nhìn phát triển xã hội cụ thể, đương đại Việt Nam.

Theo chúng tôi, có thể có và thực tế đang hình thành triết học phát triển từ những nghiên cứu cụ thể về sự phát triển xã hội đương đại, chỉ có điều là ta không chú ý hoặc ý thức học thuật không rõ mà thôi. Chẳng hạn, khi có các chuyên đề nghiên cứu về nhu cầu, lợi ích với tư cách là động lực phát triển xã hội, động lực phát triển của con người; động lực và nhịp độ phát triển kinh tế xã hội; tiềm năng và các chỉ số phát triển của con người; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, môi trường và tiến bộ xã hội; sự phát triển bền vững, v.v. Đây là những nội dung liên quan tới triết học phát triển. Điều đó không phải là suy luận lôgic hình thức mà vấn đề là ở chỗ, nó có thực thể của nó, nội dung bản thể đặc thù của nó. Do vậy, triết học phát triển ở đây ngang hàng, cùng bậc với triết học đạo đức, triết học sinh thái, triết học vật lý… nhưng lại có tính đặc biệt của lý thuyết phát triển.

Như chúng ta biết, là từ những năm giữa thế kỷ XX đến nay nhiều lý thuyết phát triển kinh tế xã hội ra đời.

Vấn đề trong triết học phát triển, tuy có tính đến sự phát triển phổ quát và trong chiều sâu của thế giới tự nhiên, nhưng mang tính vi mô, khu biệt. Do vậy, khi phân tích, chúng tôi sẽ bàn nhiều về sự phát triển trong các lĩnh vực xã hội và con người là chính. Hơn nữa, không phải là nguyên lý phát triển giữa các hình thái kinh tế xã hội (nguyên lý tổng quát), dù có liên quan, mà chủ yếu là sự phát triển trong một hình thái, sự hình thành hình thái kinh tế xã hội mới từ hình thái kinh tế xã hội cũ như thế nào. Nguyên 1ý phát triển như thế xuyên qua như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và con người. Nguyên lý đó thuộc về triết học phát triển.

Chúng tôi, trong một số bài viết đã nêu lên ý tưởng về triết học phát triển và tinh thần đó cũng đã công bố trong bài "Một số nét nổi bật của tư duy triết học Việt Nam hiện đại" hay trong công trình "Tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn". Trên quan niệm đó, chúng tôi cũng đã nghiên cứu những khía cạnh cụ thể của triết học phát triển như động lực phát triển, nhịp điệu phát triển, tiềm năng phát triển, tiến trình phát triển, phương thức phát triển, định hướng phát triển xã hội, sự phát triển người… (xem thêm 3 cuốn sách của chúng tôi là Động lực và tạo động lực phát triển xã hội (Nxb. Chính trị quốc gia, 2004; Thế giới ngày nay và phương thức phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; hoặc Đổi mới và phát triển hệ thống chính trị hiện nay, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2004). Từ đó, chúng tôi dần dần ý thức hình thành một chuyên ngành triết học phát triển, chuyên môn hóa như thế, thì càng ngày càng rõ hơn và chính xác hơn, nhất là việc xác định đối tượng, phạm vi, nội dung của nó. (Mới đây chúng tôi đã xuất bản cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh và triết học phát triển Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2008, đã trình bày toàn diện hơn vấn đề này.)

Phải chăng từ các kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học có liên quan tới vấn đề phát triển mà nó vượt ra khỏi các môn học truyền thống, chúng ta thử mạnh dạn, hệ thống lại theo một lô-gích mới. Đó cũng là một cách thức hình thành các khoa học giáp ranh, chuyên sâu, hay ít ra chưa được như thế thì cũng là tạo nên một hệ thống vấn đề cần quan tâm, khác với việc để nó tản mạn, không biết đâu mà lần. Hãy lấy Khổng Tử mà xét, ta cũng thấy chỉ khiêm tốn hệ thống hóa lại tri thức quá khứ, phân tích nó, làm sâu sắc thêm, "thuật nhi bất tác", thế mà có hệ thống tư tưởng Khổng tử. Trong lịch sử tiến hóa của khoa học và triết học có rất nhiều ví dụ như vậy ở các cấp độ khác nhau. Biết hệ thống hóa, có chủ đích, nhìn ra một hướng mới là khởi đầu của sự phát triển khoa học. Một số vấn đề phụ, không mấy quan tâm ở khoa học khác, ở những vấn đề khác có khi là vấn đề chính, mới ở khoa học này.
Khái niệm phát triển cũng có nhiều tầng, nhiều cấp độ tuỳ theo từng khoa học mà xem xét tìm ra lát cắt riêng của nó (các khoa học mà ta thấy như kinh tế học phát triển, xã hội học phát triển tập trung nghiên cứu sự phát triển kinh tế xã hội chủ yếu các nước đang phát triển là ví dụ như vậy).

Khái niệm phát triển với tư cách là một khái niệm khoa học mới được nêu ra giữa thế kỷ XX, tuy phạm trù phát triển đã có trong triết học sớm hơn nhất là trong triết học Hêghen và triết học Mác. Còn khái niệm phát triển bền vững lại còn mới hơn nữa, tức mới xuất hiện hơn ba chục năm lại đây thôi. Vấn đề phát triển trong xã hội thì đến xã hội tư bản tương đối phát triển mới được nêu ra. Trong Nho giáo và Phật giáo, hầu không có khái niệm phát triển. Nho giáo chú ý khái niệm nhân nghĩa, quan hệ ứng xử và bình trị thiên hạ. Phật giáo chú ý khái niệm nhân quả, từ bi và giải thoát. Còn Đạo Lão chú ý khái niệm đạo, phân hóa-biến đổi… Nhưng các khoa học ngày nay rất quan tâm tới khái niệm tiến hóa, phát triển và hệ vấn đề phát triển. Xã hội phương Đông trước đây phát triển rất chậm, thậm chí không phát triển, còn các xã hội phương Tây thì phát triển rất nhanh, hoặc xã hội tư bản lại phát triển nhanh hơn xã hội phong kiến rất nhiều. Hoặc có phát triển lại cũng có phản phát triển, có những mô hình phát triển có tương lai và có mô hình phát triển không có tương lai… Phát triển hay tụt hậu, có nước kém phát triển đuổi kịp các nước phát triển, còn có nước nghe ra rất khó khăn, chưa thấy hy vọng! Tại sao như vậy?

Chủ nghĩa duy vật lịch sử- triết học xã hội không có điều kiện đi sâu trả lời những câu hỏi như vậy mà nó chỉ cho chúng ta một số phương pháp luận chung mà thôi. Trả lời câu hỏi này, trước hết là thuộc về triết học phát triển, nhưng khi nó chưa hình thành thì nội dung ấy thuộc về duy vật lịch sử. Nhưng chỉ ở tầm triết học phát triển mới trả lời được đầy đủ và toàn diện hơn. Và trả lời vấn đề đó, nếu đúng, rất có ý nghĩa đôi với chúng ta hôm nay cũng như ngày mai.

Tinh thần của phạm trù phát triển trong chủ nghĩa duy vật biện chứng là sự chuyển hoá từ chất cũ lên chất mới lên trình độ cao hơn, tinh vi hơn, phong phú hơn xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại của bản thân vạn vật. Phát triển trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ yếu, là sự chuyển hóa từ hình thái kinh tế xã hội thấp lên hình thái kinh tế xã hội cao hơn, tiến bộ hơn. Còn trong triết học phát triển thì, phát triển là sự triển khai những tiềm năng của bản thân sự vật, hiện tượng, những sự thay đổi kết cấu như một tiến trình, vượt qua trở lực, đồng nhất với chính nó, nhưng khác nó, ngày càng cao hơn, tinh tế hơn về chất với tính hướng đích trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Vấn đề phát triển đang là một thách thức của xã hội ngày nay, nhất là một xã hội đang kém phát triển trong một thế giới mà sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đến chóng mặt thì việc cần làm sáng tỏ về mặt triết học là rất quan trọng và cấp bách. Dù rằng, liên quan tới phát triển xã hội, có nhiều khoa học nghiên cứu nhưng khi tiếp cận theo chiều ngang, chiều cấu trúc, đồng đại thì vấn đề phát triển chưa phải là trọng tâm của nó. Còn khi chúng ta xem xét theo lịch đại- thời gian, "chiều thẳng đứng" thì mới rõ hơn khái niệm tiến hóa, phát triển, tiến bộ. Hơn nữa mỗi lĩnh vực khoa học có thể bàn về sự phát triển ở lĩnh vực đó. Ngay lĩnh vực con người, trước đây thường nêu là xây dựng con người hay phát huy nhân tố con người nhưng gần đây đã nêu rõ vấn đề phát triển người và đến mức cụ thể là các chỉ số phát triển người. Rõ ràng, có nhiều vấn đề chung sau cấp độ duy vật lịch sử về sự phát triển xã hội và con người chưa có khoa học nào đi sâu nghiên cứu.

Nhưng chúng có thể được quy tụ về một chuyên ngành triết học, mà tạm gọi là triết học phát triển (xã hội, nhân văn). Ví dụ, có các vấn đề , nội dung phát triển, như :

1- Bản chất của phát triển và phát triển là bản chất của xã hội;
2- Mô hình, phương thức phát triển;
3- Phát triển tuần tự và phát triển quá độ và phát triển rút ngắn
4- Mục tiêu, động lực, và nhịp độ phát triển;
5- Xu hướng, chu kỳ và những mâu thuẫn cụ thể của sự phát triển;
6- Tiềm năng xã hội và con người, những vấn đề cần phát triển;
7- Lý tưởng xã hội và hiện thực phát triển;
8- Thịnh và suy, xung đột, khủng hoảng xã hội và sự đổi mới, cải cách, cải tổ;
9- Những tiền đề, nguyên nhân của sự trì trệ và của sự phát triển, giá phải trả cho phát triển, phát triển và phản phát triển, sự phát triển bền vững;
10- Xã hội truyền thống và phát triển (hiện đại hóa?), xã hội hiện đại và hậu hiện đại (Tạp chí triết học, sồ 2- 2003, tr.18-22);
11- Tiến trình và định hướng phát triển;
12- Thời và thế của sự phát triển; thời cơ, cơ hội và thách thức, nguy cơ của sự phát triển xã hội;
13-Quan hệ giữa kinh tế, xã hội văn hóa và môi trường trong phát triển bền vững;
14-Cái khách quan và cái chủ quan trong phát triển;
15-Các khả năng phát triển và dự báo sự phát triển;
16-Phát triển như một giá trị và giá trị của phát triển.

Những nội dung này nhìn chung chưa có chuyên ngành triết học hay khoa học nào bàn kỹ và thuộc chuyên ngành của mình. Dù sự chia cắt, phân hóa, phân công không mang tính tuyệt đối nhưng cần có sự phân công hay phân biệt tương đối rõ ràng khi nói về nội dung, đối tượng các môn học, các chuyên ngành khoa học cụ thể.

Một số nội dung trên đây, theo tôi nghĩ là những nội dung của triết học phát triển, nhưng không phải đề cập ở cấp độ duy vật lịch sử, tức cấp độ vĩ mô, tầm lịch sử nhân loại, mà là cấp độ vi mô, tầm từng giai đọan phát triển, từng mặt của sự phát triển, chẳng hạn, những vấn đề phát triển như thế trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Bởi vì, chuyên ngành triết học phát triển là chuyên ngành triết học ứng dụng, triết học ở tầm cụ thể. Và chính nhờ vậy mà triết học từng bước, thông qua chuyên ngành của mình gần cuộc sống, có ích cho cuộc sống rõ ràng hơn. triết học không chỉ bàn về cái chung phổ quát mà phải bàn cái chung trong cái cụ thể, thông qua cái cụ thể, điều này không dễ nhưng rất cần thiết. Và đó là thuộc đối tượng của các chuyên ngành triết học phát triển cụ thể.


Bàn về sự phát triển từng lĩnh vực cụ thể ở tầm phổ quát, mang ý nghĩa thế giới quan và phương pháp luận, phân tích cụ thể tình hình cụ thể, là thuộc về triết học phát triển. Triết học phát triển như thế là phép biện chứng ở tầm vi mô, cũng tức là vận dụng, mở rộng và phát triển phép biện chứng trong từng lĩnh vực, nhưng lại quy về một mối.

Làm được điều đó, triết học sẽ soi sáng cho khái niệm phát triển, cùng nội dung của nó trong các khoa học phát triển cụ thể khác (kinh tế học phát triển, nhân học phát triển…) trong xã hội đương đại đang phát triển. Nhưng cũng cần nói rằng, đây không phải mô tả, khảo tả cuộc sống, minh hoạ đường lối, mà là phân tích ở tầm triết học các vấn đề có tính phạm trù, nguyên lý của triết học phát triển, qua đó mà soi sáng các khía cạnh mới, làm cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế, phát triển xã hội, phát triển con người. Chẳng hạn, một trong những vấn đề khá nan giải là quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội và bảo toàn môi trường sinh thái; phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Đó cũng chính là phát triển bền vững, vấn đề mang tính toàn cầu và thời đại. Từ một vấn đề của khoa học sinh thái học đã dần dần trở thành một vấn đề của phát triển kinh tế xã hội. Và theo tôi, phát triển bền vững (lâu bền) hiện nay đã trở thành một phạm trù trung tâm của triết học phát triển. Bàn về phản phát triển và phát triển bền vững; hoặc phát triển là loại trừ hay hợp tác; hay thịnh suy, khủng hoảng và đổi mới, vv và vv…, quả là những chủ đề thú vị của triết học phát triển.

Cũng như vậy ta có thể nói về phạm trù nhu cầu, phạm trù lợi ích, nhưng không xem xét nó ở góc độ tâm lý mà góc độ động lực phát triển thì phạm trù nhu cầu, động lực phát triển, phương thức, mô hình, xu thế, nhịp độ phát triển và nhiều phạm trù khác liên quan tới các vấn đề phát triển như đã nêu ở trên là thuộc về triết học phát triển. Vấn đề xác định cho rõ các phạm trù, khái niệm của triết học phát triển và khu biệt nó ở tầm nhận thực luận là rất có ý nghĩa về mặt nhận thức và rất quan trọng nhưng phải dần dần mới rõ được.

Chuyên ngành triết học phát triển sẽ là sự tổng kết thành quả các ngành khoa học bàn về sự phát triển ở cấp độ triết học cụ thể. Và từ đó khái quát, nâng cao lên thành lý thuyết ở cả góc độ nhận thức luận và phương pháp luận cụ thể của mình.

Vấn đề triết học phát triển mới chỉ là giả thuyết và hiện tại chưa xuất hiện như một hệ thống, đúng thế, nhưng nếu vậy ta thử nêu ra cùng thảo luận xem nó có khả năng và có hiện thực không? Phải chăng chúng ta chỉ có thói quen là để các nước khác họ xây dựng còn chúng ta sẽ ứng dụng thôi. Rằng, chúng ta không có khả năng xây dựng hoặc phát triển các ngành khoa học (?!). Phải chăng có chuyện phân công tiên thiên như vậy. Thật là khiêm tốn đến mức tự ti.

Đây cũng không phải là thích nêu lên vấn đề này vấn đề nọ mà là bản thân khoa học và nhận thức cùng thực tiễn cần như vậy. Phải chăng khoa học chỉ là bình luận về các các nguyên lý có sẵn hay các quyết sách đã thông qua. Không khám phá, sáng tạo, không có hoài nghi, không có giả thuyết khoa học, không tìm những khía cạnh mới, hoặc phân tích, hoặc tổng hợp sao có khoa học và triết học, mà đạo học nữa, bây giờ cũng phải vậy.

Triết học không chỉ nảy sinh từ thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xét tới cùng mà triết học thường xuất hiện trực tiếp từ tri thức các khoa học cụ thể. Ngay như việc nêu ra vấn đề phát triển người nhưng chưa hề có bài viết nào bàn sâu rõ về phạm trù này về mặt triết học.

Do đó, chính việc làm rõ phạm trù phát triển người như là một phạm trù triết học phát triển sẽ góp phần khắc phục sự lạc hậu của tư duy lý luận triết học hiện nay. Thực tiễn đòi hỏi đường lối và lý luận phải phát triển và thực sự Đảng ta đáp ứng được cơ bản nhu cầu đó ở tầm quan điểm. Nhưng khoa học lý luận, nhất là triết học, dưới tác động của thực tiễn đó đã tự bổ sung phát triển như thế nào, mà vấn đề đang bàn ở đây là vấn đề phát triển con người? Có lẽ chúng ta quá khiêm tốn và thận trọng chứ không phải là năng lực tư duy lý luận của chúng ta quá kém! Không, sự tự ti và thói quen "ăn sẵn" trong tư duy, hoặc cả việc chuyển từ giáo điều sách vở sang khoa học, hay triết học kiểu "mì ăn liền" cũng đang làm cho khoa học lý luận luẩn quẩn và trì trệ, bất cập.

Đồng chí Hà Xuân Trường, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập tạp chí Cộng sản, trong một cuộc hội thảo khoa học gần đây nhận xét rất chí lý và rất đúng rằng: "Cái yếu kém của công tác tư tưởng, lý luận không chỉ ở phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện mà chính là sự khái quát, đi sâu vào nội dung, cấu trúc của từng lĩnh vực, từng ngành hoạt động, hệ thống hóa thành những phạm trù có sức soi sáng cho việc thực thi nhiệm vụ đề ra. Tư tưởng lý luận mà ta bàn đến thường dừng ở các quan điểm chỉ đạo, ít đi sâu vào nội dung khoa học của từng lĩnh vực" .


Xin được nói thêm, là chúng ta ít đi sâu vào học thuật nên khoa học chỉ bàng bạc bên ngoài. Sợ và lãng tránh học thuật, không chú ý nghiên cứu ở tầm cơ bản, không mạnh dạn xây dựng lý thuyết và chuyên ngành khoa học cần thiết là một sự lạc hậu về lý luận và cũng là một nguyên nhân làm cho tư tưởng, lý luận bất cập. Ví dụ, có người, khi nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hay nghe "thuyết ba đại diện"- một vấn đề thuộc về Đảng học phát triển, hay vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân tì lúng túng không biết thế nào là đúng… Không có quan niệm và phương pháp luận phát triển, cách tiếp cận phát triển cụ thể thì không tìm được lối thoát mang tính lưỡng nan như nghịch lý. Khoa học phải thiết thực nhưng không thể là "mỳ ăn liền", bỏ qua tầm lý luận cơ bản, mà phải hiểu rằng, phải qua nhiều tầng nấc tri thức, nhiều khâu mới nó mới đến được thực tiễn. Không phải nghiên cứu triết học thì nghiên cứu ở "trên trời", cao xa mà cũng chính là nghiên cứu cuộc sống nhưng ở tầng nấc sâu hơn, phổ quát hơn, xa đấy mà gần, gần mà xa.

Tất nhiên, không phải là muốn hay không muốn mà trước hết là do thực tiễn cuộc sống ở những bước ngoặt lớn đòi hỏi phải giải quyết một cách mới, mà thực tiễn lịch sử thế kỷ XX và XXI này chúng ta có những tình huống đó. Đồng thời khả năng sáng tạo của người Việt Nam là không nhỏ. Những bộ óc như Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi… trong lịch sử và những bộ óc như Hồ Chí Minh và những lãnh tụ hàng đầu của cach mạng Việt Nam, cùng với những nhà lý luận có tầm cở khác đã và đang chứng tỏ chúng ta có thể phát triển tư duy lý luận của mình lên đỉnh cao, có thể có những sáng tạo lý luận quan trọng, có ý nghĩa cơ bản và sâu sắc.

Chúng ta thường tự trách là ít có những nhà tư tưởng hay những nhà triết học nhưng nếu chỉ thích nhà triết học kiểu "mỳ ăn liền" thì làm sao có nhà triết học hay tư tưởng triết học thực thụ có giá trị lâu bền. Tất nhiên, có nhiều hướng nhưng nghiêu cứu triết học kiểu Cao Xuân Huy hay Trần Đức Thảo (hai nhà triết học lỗi lạc của nước ta cuối thế kỷ 20) là một kiểu hướng nghiên cứu cơ bản, nên có tầm xa, sâu.

Trở lại với vấn đề triết học phát triển, chúng ta thấy rằng từ khi tiến hành đổi mới tư duy đến nay vấn đề phát triển đang đặt ra cho khoa học và triết học nhiều vấn đề cần phát hiện, lý giải và khi cần phải xây dựng phạm trù, nguyên lý mới cho sự nhận thức đó. Có khá nhiều công trình và vấn đề của triết học phát triển cụ thể nhưng chúng ta không, hoặt ít khái quát, quy nó về những chuyên ngành khoa học, hoặc mở ra những chuyên ngành mới, khi chuyên ngành cũ quá chật hẹp, không còn chứa nổi nội dung mới. Chúng ta thường thỏa mãn với phổ triết học chung nhất: duy vật biện chứng hay duy vật lịch sử, không giám vượt "ra ngoài", tìm thêm phổ mới, hệ mới, giống loài mới tuy không phải đối nghịch mà phong phú hóa nó, trên cái nền, cái hướng chung. Sinh con đẻ cái, cháu chắt đầy nhà nhưng không lập cho nó gia đình riêng, sự nghiệp riêng, biên giới riêng. Khoa học, triết học cũng có vấn đề như vậy. Tư duy triết học và khoa học phương Tây không như vậy mà ngược lại. Dù là đạo học hay khoa học thì sự phân hóa như vậy trong nhận thức là chuyện bình thường, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Phân hóa (cấu trúc, chức năng, tiến trình, xu hướng) theo chiều tiến bộ, có lợi cho sự sống là bản chất của sự phát triển không chỉ trong mọi sự sống mà cả trong khoa học, đạo học và triết học.

Chúng tôi nghĩ trong nhiều chuyên ngành triết học thì chuyên ngành triết học phát triển có tầm quan trọng hàng đầu, tuy nó ra đời muộn hơn nhưng, lại có ý nghĩ xuyên suốt nhiều chuyên ngành khác, những chuyên ngành mang tính đồng đại.

Toàn bộ trí lực, tâm huyết của Đảng ta, dân tộc ta, các chuyên ngành khoa học ở nước ta bây giờ là nghiên cứu các khả năng phát triển, tìm ra động lực, mô hình, cách thức, mục tiêu, sức mạnh… để nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách nhằm phát triển đất nước lên hiện đại và chủ nghĩa xã hội bằng con đường phát triển rút ngắn, phát triển nhanh và bền vững thì vai trò của triết học phát triển rất quan trọng. Nó cần ra đời để góp phần đắc lực cho sự nghiên cứu và đóng góp đó.


Đào sâu vào những vấn đề đó, trả lới sâu sắc ở tầm lý luận những vấn đề đó, chúng ta sẽ có triết học phát triển và cần tới triết học phát triển. Phải chăng đây là một hướng nghiên cứu rất cơ bản và thiết thực, rất có triển vọng của triết học Việt Nam ngày nay mà trên một số nội dung cụ thể chúng ta đã nghiên cứu còn bây giờ cần cái nhìn hệ thống và phát triển tiếp? Tại sao không? Chuyên ngành này bao giờ thành hiện thực, nều đúng, thì điều đó phụ thuộc vào bàn tay khối óc của các nhà triết học Việt Nam hôm nay.

Nguồn Online:
 http://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/triet_hoc_phat_trien_chuyen_nganh_can_xay_dung-e.html
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?