Triết học nước Pháp (P2)
Henri Bergson - Phạm Quỳnh dịch
Thượng Chi văn tập - Bộ Quốc gia Giáo dục (1962)
Nguồn: http://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/triet_hoc_nuoc_phap.html
V
Triết học nước Pháp về thế kỷ thứ 19 chia ra hai phần. Một
phần mới thuật đó là chuyên chú về mặt sinh lý cùng tâm lý. Còn một phần nữa vẫn
kế thừa học thống các đời trước mà lấy vạn vật, linh tính người ta làm mục đích
cho sự tư tưởng.
Về đầu thế kỷ thứ 19, nước Pháp đã có một nhà siêu hình học
lỗi lạc nhất tự đời Descartes, cùng Malebranche đến giờ: Maine de Brian
(1766-1824). Học thuyết của ông khi mới xuất hiện không có mấy người biết,
nhưng từ đấy đến nay ảnh hưởng mỗi ngày một rộng thêm ra. Cái đường lối ông đã
mở ra có lẽ chính là đường lối của siêu hình học tất phải đi đến. Người ta thường
gọi ông là “ông Kant của nước Pháp”, nhưng tư tưởng của ông thật là trái với tư
tưởng nhà triết học Đức. Nhà triết học Đức cho rằng trí tuệ người ta không thể
tới cõi tuyệt đối; ông thì nói rằng trí tuệ người ta có thể tới được cõi tuyệt
đối được, nên lấy tuyệt đối làm mục đích cho tư tưởng mình. Như khi người ta gắng
sức làm việc gì, biết rằng mình gắng sức, biết rằng sự gắng sức ấy ở mình mà
ra, thế thì sự biết ấy không phải là sự biết thường, chính là một sự biết đặc
biệt, vì không phải biết cái hiện tượng ở ngoài là sự gắng sức, mà biết cái
chân tưởng ở trong là cái tự đó mà sinh ra gắng sức; chân tướng ấy tức Kant gọi
“bản thể” (la réalité en soi) mà nói rằng người ta không bao giờ biết được. Nói
rút lại thì siêu hình học của Maine de Brian là muốn cho trí tuệ người ta càng
ngày càng xét sâu trong cõi “nội tâm”, tất thấy càng ngày càng tự cao minh lên,
cho đến đạt tới cõi “tuyệt đối” của trời đất. Ông phát ra tư tưởng ấy, suy diễn
cho đến cùng, không phải chỉ chủ tâm lập thành một học thuyết, xây lên một cái
lâu đài lý tưởng mà thôi.
Maine de Biran (1766-1824)
Muốn nghiệm xem cái học của Maine de Biran có giống cái học
của Pascal không, thì xét ngay học thuyết của Ravais-son là người vừa tổ thuật
Pascal, vừa kế thừa Maine de Brian, lại vừa ham triết học cổ, mỹ thuật cổ của
Hi lạp, thật là một mình gồm cả tư tưởng của mấy thời đại. Xem đó thì biết các
nhà triết học Pháp, tuy mỗi người vẫn có một học thuyết riêng, nhưng không phải
là không thừa tiếp một cổ điển trong nước, kế thiệu một học thống từ xưa. Như
Descartes tuy là phản đối triết học cổ đại, nhưng chính cái học của ông vẫn có
điều độ, có trật tự, là hai đặc tính của triết học cổ Hi lạp. Ravaisson cũng là
người đã biểu dương phát triển cái phần mĩ thuật cổ điển trong triết học nước
Pháp. Chính ông này đã xướng lên một cái triết học riêng lấy bằng phàm sự vật
càng đẹp bao nhiêu càng gần với chân lý bấy nhiêu, thật là tổ thuật cái tư tưởng
mĩ thuật của người Hi-lạp đời xưa.
Đọc đến tên ông Ravaisson, không thể quên được tên ông
Lachelier; ông cũng là một nhà tư tưởng trứ danh, có ảnh hưởng trong thế kỷ thứ
19. Giữa hồi Victor Cousin (1792-1867) xướng chủ nghĩa triết trung
(éclectisme), muốn điều hòa các phái mà làm cho ngưng trệ cái nguồn tư tưởng của
nước pháp trong mấy mươi năm, nhờ có ông xuất hiện ra mà đánh thức cái hồn triết
học ở các học đường trong nước. Bài luận văn tiến sĩ của ông đề là “Bàn về căn
bản của phép qui nạp” (Sur le fondement de l’induction), thực là một bộ sách
tuyệt tác. Học thuyết của ông tuy xưng là kế thừa ông Kant, nhưng thực ra ngoài
“duy tâm luận” (idéalisme) của Kant, còn mở đường cho một “thực thể luận”
(réalisme) lối mới, hơi giống như “bản thể luận” của Maine de Brian. Lachelier
lại là một nhà dạy học có tài; đã lấy tư tưởng cao mà rèn đúc được bao nhiêu học
trò, nhờ ông sau này nổi tiếng cũng nhiều.
Boutroux thời xướng ra cái thuyết rằng phàm người ta gọi là
“phép của tạo vật” ấy cũng thuộc về “tương đối” mà thôi (contingence des lois
de la nature), không có tính cách tuyệt đối, nghĩa là không phải nhất định, tùy
sự ngẫu nhiên mà thay đổi. Một nhà số học đại danh là Henri Poincaré tuy thuyết
minh ra cách khác mà cũng kết luận như vậy. Ông nói rằng thần trí ta cứ muốn đặt
phép tắc cho vũ trụ, nhưng mà chính ta, chính cái học của ta cũng không theo được
phép tắc ấy, vì chính ta, chính cái học của ta đều không có tính cách gì tuyệt đối
nhất định cả. Trong phái này
còn có Milhaud, Edouard le Roy nữa. Học thuyết của Edouard le Roy có
khuynh hướng về đạo đức tôn giáo.
Đến như Liard thì muốn điều hòa cái học siêu hình với cái học
thực nghiệm khiến cho tư tưởng người ta được quân bình. Fouillée cũng theo một
tôn chỉ như thế. Ông là nhà tâm lý học, xã hội học, lại vừa là nhà luận lý có
tài, đã từng xướng ra một cái thuyết gợi là “ý lực thuyết” (théorie des idées
forces), lấy rằng phàm lý tưởng thâm thiết đều tự nó có sức mạnh thực hành ra được.
Sự học của ông rộng lắm, không có một vấn đề nào thuộc về lý tưởng hay thuộc về
thực tế mà ông không từng xét đến, phát minh được nhiều ý kiến mới lạ. Học trò
ông là Guyau lại là một nhà tư tưởng đại tài. Guyau lập thuyết rằng người ta phải
phát triển cái sức sinh hoạt trong người cho cực hoàn toàn, thời tự nhiên đến
được cõi tuyệt phẩm trong đạo lý.
Mấy nhà ấy là những nhà triết học cận thời. Nay gọi là kể
qua mà thôi, không thể nói về mỗi nhà cho tường tận được. Trong thế kỷ thứ 19
còn hai nhà trứ danh nữa chưa kịp nói đến là Renouvier và Cournot.
Renouvier thời khởi điểm tự chủ nghĩa phê phán (criticisme)
của Kant, rồi tiến lên mãi mà kết luận đến nghĩa tự do, dựng ra một nền luân lý
rất có ảnh hưởng đến tư tưởng đương thời.
Cournot thì bắt đầu tự số học, rồi đặt ra một chủ nghĩa phê
phán lối mới, khác với Kant vì lối này vừa xét cả hình, và xét cả chất của trí
thức, nghĩa là cả phương phép, cả kết quả của sự học nữa. Nhờ chủ nghĩa phê
phán ấy mà ông đã phát minh ra được nhiều tư tưởng mới lạ sâu sắc, thực có thể
liệt vào bậc các nhà triết học đại danh đời nay.
Sau hết cũng nên nói mấy lời về triết học của tác giả bài
này (tức là ông Bergson). Tác giả có soạn sách “Sáng tạo đích tiến hóa luận”
(l' Evolution créatrice) muốn đem siêu hình học vào trường thực nghiệm, vừa
dùng thực học vừa dùng ý thức, vừa dùng cái sức trực giác (intuition) của người
ta để mong dựng nên một nền triết học mới, có thể 1ý hội được vừa các 1ý tưởng
phổ thông, vừa những sự là thực đặc biệt. Triết học mà được như thế thì cũng
đích xác bằng khoa học, chẳng kém gì; cũng mỗi ngày một tiến lên như khoa học,
mỗi ngày thêm những kết quả mới vào kết quả cũ đã tính. Nhưng triết học ấy còn
có một mục đích nữa, bởi đó mà phân biệt với khoa học, là muốn cho trí biết người
ra mỗi ngày một rộng thêm ra, phá cả lề lối khuôn phép sẵn mà khuếch trương mãi
ra, khiến cho tư tưởng người ta có thể bồng bột đến vô cùng.
IV
Nay đã lược thuật các nhà triết học pháp, cốt tiêu biểu là
phần mới lạ trong học thuyết của mỗi nhà, cho biết mỗi người đã cống hiến cho
cái công tư tưởng chung của nhân loại được những gì. Bây giờ lại thử xét xem
các nhà ấy có những tính cách gì giống nhau, những tính cách ấy gồm lại tức là
phần đặc sắc của triết học nước Pháp.
Tính cách rõ rệt hơn cả là đọc sách vở các nhà ấy thấy lối
văn thật giản dị. Trừ về nửa sau thế kỷ thứ 19, trong một khoảng hai ba mươi
năm, có mấy nhà triết học chịu ảnh hưởng ở ngoài, dùng một lối văn kỳ khu trắc
trở, thực là trái với đặc tính sáng sủa của quốc văn, còn thì suốt triết học nước
Pháp từ xưa đến nay vẫn lấy một điều này làm tôn chỉ, là không có một lý tưởng
nào, dù sâu sắc, dù nhiệm màu đến đâu mà lại không thể đem ra diễn bằng lời nói
thường của mọi người được. Nhà triết học Pháp không phải chỉ làm sách cho một hạng
chuyên môn xem: thực là muốn nói cho cả mọi người đều hiểu. Muốn thấu triệt căn
để tư tưởng của các bậc ấy, cố nhiên phải là nhà triết học, tay bác học mới được;
nhưng muốn đọc được những sách cốt yếu của các bậc ấy để lấy bổ ích cho tư tuởng
riêng của mình, thì phàm người học thức là có thể hiểu được. Mỗi khi các bậc ấy
phải dùng lời văn mới để diễn tư tưởng mới, thì không như ở các nước khác đặt
ra những danh từ riêng, cách đặt chữ mới ấy chẳng qua là dùng những tiếng còn sống
sượng để chỉ những tư tưởng còn mập mờ, nhưng lấy những tiếng thông thường mà
khéo xếp đặt thành ra nghĩa mới, khá diễn được những tư tưởng thâm trầm huyền
diệu. Bởi thế mà nhưng danh gia như Descartes, Pascal, Rousseau kể đại khái mấy
nhà đó thôi dù nghiên cứu lý tưởng (như Descartes), hay dù dào dạt cảm tình
(như Pascal, Rousseau), thực đã có công to với quốc văn, giúp cho tiếng Pháp được
thêm sắc xảo mạnh mẽ ra. Vì một tư tưởng nẩy ra trong trí não tất phải phân
tích ra cực tinh vi, mới có thể phô diễn ra bằng lời nói được. Các nhà triết học
Pháp, kẻ ít người nhiều, đều có tư cách riêng biết phân tích tư tưởng như thế cả.
Tư cách ấy cũng tức là một đặc tính của triết học pháp từ
xưa đến nay.
Những lời văn mới là hình thể ở ngoài, xét đến cốt cách ở
trong thì thấy triết học Pháp còn có những đặc tính khác nữa như sau này:
- Trước hết triết học Pháp bao giờ cũng có quan hệ mật thiết
với các khoa học thực nghiệm. Ở các nước khác thi thảng hoặc có nhà triết học
kiêm khoa học, hay nhà khoa học kiêm triết học, nhưng những người như thế, thực
là ít lắm, họa may mới có một đôi người, như ở nước Đức, tuy có ông Leibniz vừa
là nhà đại triết học vừa là nhà số học có tài, nhưng xét ra sự tiến hóa của triết
học Đức trong tiền bán thế kỷ thứ 19 không có quan hệ gì với các khoa học thực
nghiệm khác. Triết học nước Pháp thì không thế; triết học với khoa học vẫn là
liên tiếp với nhau, nương tựa lẫn nhau. Như trong học thuyết của Descartes, phần
triết học với phần số học thực đã hóa hợp với nhau, khó phân biệt được kỷ hà học
của ông là bởi siêu hình học mà ra, hay là siêu hình học của ông là bởi kỷ hà học
mà ra, Pascal thì nguyên là nhà số học tuyệt luân, nhà lý học đại tài, rồi mới
thành nhà triết học lỗi lạc. Triết học Pháp về thế kỷ thứ 18 phần nhiều là châu
tuần trong phạm vi số học, lý học, y học (như d’Alembert, La Mettrie, Bonnet,
Cabanis, v.v...) Về thế kỷ thứ 19, mấy nhà đại tư tưởng như Auguste Comte,
Cournot, Benouvier v.v... cũng là xuất thân số học rồi mới đến triết học. Henri
Poincaré thì thực là một tay số học tuyệt luân. Lại Claude Bernard đã dựng ra
triết học về phép thực nghiệm chính là người sáng lập ra khoa sinh lý học. Đến
những nhà triết học trong thế kỷ mới rồi, chỉ chuyên quan sát về nội tâm người
ta, cũng thấy thường tham bác các khoa thực học khác, như sinh lý học, thần
kinh bệnh học v.v... để chứng nghiệm không phải học những sự huyền ảo vô bằng.
Maine de Biran là người khởi xướng ra phép nội quan cũng thấy chuộng thực học
như thế. Nói rút lại thì ở nước Pháp triết học với khoa học rất có liên lạc với
nhau, đó là một sự thường từ xưa đến nay; tức cũng lại là một đặc tính của triết
học Pháp.
- Còn một tính cách nữa, tuy không phải riêng cho triết học
nước Pháp, nhưng rõ ràng hiển nhiên hơn ở các nước, là tính chuộng tâm lý học,
ưa quan sát về nội tâm người ta. Một tính đó, chắc chưa đủ tiêu biểu được học
thống nước Pháp, vì cái tư cách biết tự cứu xét tâm tính mình, rồi nhân cứu xét
tâm tính người, thì người Anh người Mỹ cũng có bằng người Pháp, nhưng ví so
sánh với các nhà triết học Đức, thì thấy các nhà ấy, dù những danh gia (như
Leibniz, Kant), cũng chưa từng thấy sở trường về tâm lý, họa chỉ là trừ một
Schopenhauer là nhà thuần lý học mà có kiêm cả tâm lý học nữa. Đến như các nhà
triết học Pháp, thì không có một bậc đại danh nào là không tỏ tường về khoa tâm
lý. Chẳng cần phải nói ai cũng biết trong sách Descartes, Malebranche có lắm đoạn
nghiên cứu về tâm lý rất tinh vi, xen lẫn với những đoạn thuyết lý về siêu hình
rất màu nhiệm. Lại xem như Pascal, dù nghiên cứu về vật lý số học, triết học,
hay quan sát những chốn u ẩn trong tâm tính người ta, cũng là sáng suốt mà sâu
sắc cả. Con dillac thì vừa là nhà luân lý học, vừa là nhà tâm lý học. Đến những
bậc như Rousseau, Maine de Biran thì đã là những tay phá thiên hoang về tâm lý,
sáng tạo ra các phương pháp nội quan. Suốt thế kỷ thứ 17, 18, cái công của triết
học Pháp cứu xét về nội tâm người ta, thực là mở đường sẵn cho các khoa tâm lý
thực nghiệm về thế kỷ thứ 19 sau này. Đến thế kỷ ấy nữa, những nhà có công gây
dựng ra các khoa ấy cũng là người Pháp cả (như Moreau de Tours, Charcot,
Ribot). Vả phương pháp của các nhà ấy, chính nhờ phương pháp ấy, tâm lý học đời
nay mới phát minh được nhiều điều quan trọng cũng là do phép nội quan của các
tiền triết suy rộng ra mà thôi. Vì phàm tâm lý học bao giờ cũng phải dùng đến
“ý thức” là cái trí biết của người ta, nhưng tâm lý học ngày nay khác xưa là
không những xét người ta khi bình thường mạnh khỏe, mà xét cả trong khi bệnh trạng
nữa, để biết cái tâm lý lúc biến, lúc thường thế nào.
Đó là hai đặc tính cốt yếu của triết học nước Pháp.
Hai đặc tính ấy điều hòa với nhau mà gây cho triết học Pháp
một cái hình dung riêng. Nhờ đó mà triết học Pháp thu gồm được cả cái chân tướng
bề ngoài là chân tướng của vật lý học cùng cái chân tướng bề trong là chân tướng
của tâm lý học. Cũng bởi đó mà triết học Pháp không ưa kết cấu tư tưởng thành
“hệ thống” cho chủ nghĩa độc đoán cùng chủ nghĩa phê bình của triết học Đức là
những lý thuyết sai lầm quá đáng cả. Không phải rằng người pháp không có tài kết
cấu khéo. Nhưng các nhà triết học Pháp dường như tự nghĩ rằng cái công tổ chức
học thuyết thành hệ thống không có gì, vì lấy một lý tưởng suy cho đến cùng tưởng
cũng dễ lắm, khó ấy là biết suy đến đâu là nên thôi, đi đến đâu là nên rẽ, mà
biết thế thì tất phải nghiên cứu sâu các khoa thực học, tiếp xúc luôn với cõi
thực tế mới có thể được. Pascal đã từng nói người ta có một cái “trí khúc triết”
(esprit géomestrique) không đủ, nhà triết học phải có thêm cái “trí tinh nhuệ”
(esprit de finesse) nữa mới được. Descartes là nhà siêu hình học lỗi lạc như vậy
cũng tự nói bình sinh không có để tâm chuyên trị về siêu hình học, là có ý nói
không có dụng tâm về việc tổ chức, kết cấu trong lý tưởng, việc ấy là tự nhiên
nó thành, hoặc giả nói: triết học mà không dựng thành “hệ thống” thì chẳng phải
là sai mục đích ư? Vì mục đích của triết học tức là bao gồm, thống nhất cả sự
thực.
- Xin đáp rằng: triết học bao giờ cũng chủ sự thống nhất.
Duy chỉ không nên dùng lối thường, là cái lối lấy một lý tưởng tiêu biểu lên,
làm như cái khung cái khuôn, rồi miễn cuỡng thu cả sự vật vào trong đó, gọi thế
là một hệ là thống, không biết rằng mình lấy lý tưởng ấy, người ta cũng có thể
lấy 1ý tuởng khác đối lại được, mà cứ dùng cách đó cũng dựng thành một học thuyết
có hệ thống chẳng kém gì; hai học thuyết có thể đem ra đối nhau vô cùng, khó
phân biệt được phải trái, vì không bằng cứ vào đâu mà kiểm điểm được. Như vậy
thì triết học thành một trò du hí, một cuộc không đàm, một đám những nhà thuyết
lý ngồi cãi xuông với nhau, không bổ ích gì. Lại phải biết rằng lý tưởng là một
phần tử của trí thức người ta, mà trí thức người ta cũng lại là một phần tử của
toàn thể vũ trụ; lấy một bộ phận của một bộ phận, gồm sao được toàn thể sự vật?
Thống nhất sự vật là một việc khó khăn, lâu dài và phiền phức: trí tư tưởng của
người ta không phải là đem chân tướng mà rút lại cho vừa khuôn một lý tưởng
riêng của mình, nhưng phải tự khuếch trương ra cho mỗi ngày gồm được một phần
to hơn trong chân tướng. Nhưng muốn được thế, phải công phu tích lũy trong mấy
mươi đời. Hiện nay, chức vụ của mỗi nhà triết học là phải gây lấy một quan niệm
về vạn vật ; trong quan niệm ấy, có thể đúng được một vài phần, còn ngoại giả
là tạm thời giả thiết cả mà thôi. Quan niệm đó muốn gọi là một “hệ thống” cũng
được, nhưng nguyên tắc của nó không thể nhất định được, phải là một nguyên tắc
nhất định, phải là một nguyên tắc uyển chuyển, có thể khuếch trương đến vô cùng
được. Thiết tưởng tôn chỉ của triết học Pháp là thế. Tôn chỉ ấy mãi đến sau này
mới công nhiên phát biểu ra. Nhưng sở dĩ xuất hiện chậm thế, chính là bởi có mật
thiết với tinh thần nước Pháp, mà tinh thần nước Pháp thì vốn uyển chuyển hoạt
động, không có tính cách cứng cỏi như cái máy vô hồn; tinh thần ấy lại có tính
“vị tha” nữa, không ưa những công cuộc kết cấu riêng của từng người mà chỉ vị
công lý công nghĩa cả loài người.
Bởi mấy tính cách vừa kể đó mà triết học Pháp tự xưa đến nay
vẫn có tài sáng nghĩ, sáng tạo ra tư tưởng mới. Bởi triết học Pháp xưa nay bao
giờ cũng dùng lời nói thường của mọi người, nên không thành ra như cái độc quyền
của một phái chuyên môn ; người thường ai cũng có thể kiểm xét, nên không thể
cách tuyệt với cái tri thức thông thường trong xã hội. Nhà triết học lại thường
là nhà tâm lý, sinh lý, vật lý, số học, nên triết học vẫn liên tiếp với thực học,
mà không cách biệt với việc đời. Vì không xa cách với việc đời, thường liên tiếp
với thực học không cách tuyệt với tri thức thông thường, nên triết học ấy thường
được dồi dào phong phú; cũng vì thế mà khỏi thành một món không đàm cho các cao
sĩ lấy lý tưởng siêu hình mà kết cấu lại thế giới hữu hình. Nhưng nếu triết học
Pháp đã tẩm thấm tinh thần nước Pháp mà sinh hoạt được thì chẳng là tinh thần ấy
cũng có khuynh hướng riêng về đường triết lý dư? Thực thế, ở nước Pháp, không
có mấy nhà bác học, nhà văn học, nhà mỹ thuật là chỉ chăm chăm về phần hình thức
của nghề mình, không biết quan niệm về nghề ấy để lập thành một “triết học”
riêng của mình. Cử quốc đều có tính ham chuộng triết lý: phàm nghị luận việc
gì, dù việc buôn bán nữa, cũng bàn cao lên đến nguyên lý nguyên tắc của nó. Cái
tính hiếu triết học đó thực là tiêu biểu cho tính tình cao thượng của người
Pháp, chỉ ưa những nghĩa lý công minh chính đại ở đời. Như vậy thì hồn nước
Pháp với hồn triết học tất có thanh khí với nhau, không phải không.
(Dịch theo Pháp văn của H. Bergson 1918)
(1) Người ta thường tự cao tưởng rằng lấy lý tính của mình
mà quán thông được cả sự vật, không biết rằng tạo vật cũng có lý của tạo vật,
có cần gì đến cái lý của người ta. Người ta phải tùy theo sự thực của tạo vật,
tạo vật chưa từng tuỳ theo tư tưởng của người ta bao giờ. Nên các nhà thực học
không thể dự tưởng về sự vật, chỉ đợi cho sự vật phát hiện rồi nhân đấy mà suy
diễn ra thôi. Lấy lý suy mà nói rằng trời tròn hay trời vuông thì trời đất có hề
chi, trời đất không có bao giờ theo ý của ta mà đường tròn hóa ra vuông, đường
vuông hóa ra tròn được. Cho nên nói người với lý trời không giống nhau là thế.
Người ta cho lý của mình phải là khi nào nó tiện cho mình đó mà thôi.
Đánh giá bài viết?