Kim Định: Cuộc đời và tư tưởng (P.1)

Hồ Phú Hùng 
Văn hóa Nghệ An 
Nguồn: http://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/kim-dinh-cuoc-doi-va-tu-tuong.html

Giáo sư Kim Định tên thật là Lương Kim Định, là triết gia, linh mục Công giáo. Sinh ngày 15/6/1915 tại địa phận Bùi Chu, làng Trung Thành, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông là con trai út trong gia đình, thân phụ mất từ khi ông mới một tháng tuổi. Nhờ công dưỡng dục và nhìn xa trông rộng của người mẹ hiền, ngay từ thưở còn nhỏ, ông được gửi vào chủng viện Bùi Chu.

Tại chủng viện Bùi Chu, ông được hưởng một nền giáo dục toàn diện, về đạo đức cũng như về học vấn. Với bản tính ham tìm tòi học hỏi, ngoài những môn học khác và ngôn ngữ La Tinh, ông đã tự học thêm chữ Nho và Pháp văn. Sau những năm tháng say mê và miệt mài học tập, ông được bề trên phân công giảng dạy tiếng La Tinh tại Tiểu chủng viện Ninh Cường, Bùi Chu từ năm 1937 đến năm 1939.

Từ năm 1939 đến năm 1943, ông học thần học tại Đại chủng viện Quần Phương, Bùi Chu và triết học tại Giáo hoàng Học viện Saint Albert le Grand, Paris. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp triết học, ông được thụ phong linh mục và giảng dạy triết học tại Đại chủng viện Quần Phương, Bùi Chu đến năm 1946. Năm 1947, ông sang Pháp 10 năm để nghiên cứu về triết học, xã hội học và văn minh Pháp tại Institute Catholic de Paris. Trong quãng thời gian này, ông còn theo học về Nho giáo tại Institute des Hautes Études Chinoise (Viện Cao học Hán học).

Trong thời gian ở Paris, nhiều bạn bè người Pháp đã đặt ra những câu hỏi cho ông: “Việt Nam có triết lí không?”,“Các anh có nghĩ đến việc thiết lập một nền Thần học Việt Nam chăng?”… Vào thời điểm này, một số linh mục người Pháp cũng đưa ra vấn đề tìm hiểu và giải nghĩa Kinh Thánh theo tinh thần của của triết học Á Đông. Đại diện cho xu hướng này là linh mục Folliet thuộc dòng Oratorie. Sau này, trong bài Để tiến tới một nền Thần học Việt (Dân Chúa, 12/1982), ông đã kể lại lời phát biểu của linh mục Folliet viết trong cuốn Monsieur Pouget như sau: “Hiện nay người Âu Tây chưa hiểu đúng Kinh Thánh. Sách Thánh xuất phát từ Á Đông, phải do người Á Đông giải nghĩa thì mới mong đúng tinh thần của sách”.

Trong bầu không khí tinh thần này, ông đã âm thầm nuôi dưỡng một hoài bão lớn là thu thập tất cả tinh hoa của Đông - Tây, hòng xây đắp một nền Triết lí Việt Nam và một nền Thần học Việt Nam. Sau một thời gian tìm tòi và nghiên cứu, ông nhận ra rằng, muốn giải quyết vấn đề Thần học Á Đông thì trước tiên phải tìm cho ra cái tinh thần Á Đông rồi mới mong giải thích Kinh Thánh theo tinh thần Á Đông, và xa hơn nữa là thiết lập một nền Thần học Việt Nam. Vì lí do này, ông đã quay về nghiên cứu tư tưởng Phương Đông: đầu tiên là triết học Ấn Độ, triết học Phật giáo và cuối cùng là Nho giáo. Riêng về Nho giáo, ông đã nghiên cứu thấu đáo về Hán Nho, cho đến Nguyên Nho (Nho giáo Nguyên thủy) và cuối cùng là Việt Nho (Nho của người Lạc Việt). Nhờ có thời gian rộng rãi, nhờ vào nguồn tư liệu phong phú và quý báu từ Thư viện Quốc gia Paris, Văn khố sử liệu về Việt Nam tại Mission Eutrangères de Paris và tư liệu có sẵn tại Viện Cao học Hán học, ông đã lần mò và tìm ra được kho tàng chôn dấu triết lí và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Con đường tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo của ông về triết lí Nho giáo, về văn hóa và triết lí Việt Nam được thai nghén từ khi ông còn ở Paris, thực hiện khi về lại Việt Nam và sau đó là kéo dài cho đến khi ông về cõi vĩnh hằng. Sinh thời ông bảo rằng, khi còn ở Paris, học giới đã tặng cho ông danh hiệu là Petit Confucius (ông Khổng Tử Nhỏ).

Năm 1957, ông về nước với tâm nguyện đem những chất liệu đã thâu thái xây đắp một nền triết lí hoàn toàn Việt Nam. Từ năm 1957 đến năm 1960 ông dạy triết học Đông tại Học viện Lê Bảo Tịnh, Sài Gòn. Khi Học viện Lê Bảo Tịnh được sáp nhập vào địa phận Sài Gòn thì ông bơ vơ không chỗ dựa, bởi sở học của ông không cho phép ông đi làm linh mục ở một xứ đạo. Trong giai đoạn này ông phải nhờ một số học trò cưu mang mình.

May mắn thay, cũng vào năm 1960, ông được Đại học Văn Khoa Sài Gòn mời dạy triết học Đông Phương. Lúc đó triết Đông chưa được chính thức thừa nhận ở bậc đại học, nên trong ba, bốn năm đầu ông chỉ hưởng lương theo giờ dạy. Giai đoạn này, ông vừa giảng dạy theo giáo trình hàn lâm về Nho giáo vừa cho xuất bản những tác phẩm của mình.

Tại Đại học Văn khoa, dòng tư tưởng của ông đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với sinh viên, sinh viên đã theo học ông rất đông. Ông đã dùng ánh sáng mới lạ của những ngành triết học và khoa học nhân văn hiện đại để soi rọi tận nẻo âm u của kho tàng cổ học Việt Nam. Những nguồn ánh sáng của Triết học Hiện sinh của Nietzsche, Jaspers và Heidegger, Phân tâm học miền sâu của Carl Jung, Cơ cấu luận của Levis Strauss, Khảo cổ học… đã được ông sử dụng thành những công cụ hữu hiệu cho công cuộc khai sơn phá thạch này.

Nhận thấy công việc đánh giá lại triết thuyết của Khổng Tử là một tình thế hết sức cấp bách nên năm 1965 ông đã cho xuất bản tác phẩm Cửa Khổng (Nguyên Nho). Trong lời tựa của Cửa Khổng, ông cho biết: “Nếu đúng theo dự tính của tác giả thì chúng còn bị cất kín trong tủ dăm mười nămnữa để được suy tư cho thành thục rồi mới nghĩ tới xuất bản. Bởi viết triết lý đòi hỏi phải như thế. Hiếm vì số sách tham khảo về triết Đông còn nghèo nàn và hiếm hoi thái quá nên tôi đành thể theo lời yêu cầu khẩn khoản của một số sinh viên và bạn hữu cho xuất bản với những khuyết điểm của chúng để góp tài liệu vào một bộ môn mà chúng tôi có tham dự, một phần hướng dẫn sinh viên trong việc nghiên cứu.”(1)

Cửa Khổng đã đưa ra những kiến giải mới mẻ và tiến bộ về triết lí Nho giáo mà trước nay ở Việt Nam người ta chỉ gọi học thuyết này là Nho học hoặc Khổng học. Ông cho rằng, triết lí là một nỗ lực tinh thần để con người thoát khỏi tình trạng vong thân và thâu hồi lại quyền tự chủ của mình trước các thế lực thần quyền cũng như thế quyền ở bên ngoài. Triết lí Nho giáo đã đạt được mục đích là giải quyết được những vấn đề căn bản trên, vì vậy nó là một nền triết lí nhân bản tâm linh trung thực nhất.

Thật là chí lí khi ông cho rằng triết lí Nho giáo luôn luôn xem trọng yếu tố con người và đạo làm người: “Sự thường người ta không ý thức nổi tầm cao trọng của con người cho nên chưa coi đạo nhân là cao trọng và xa vời đủ, bởi vậy thường quay ra tìm hiểu về trời đất quỷ thần vốn chiếm chỗ cao hơn trong óc của họ, vẫn được suy tôn là xa vời và thần diệu hơn người nhiều, vì thế số phục vụ cho con người trọn vẹn từ đầu đến cuối trở nên hiếm hoi so với số người phục vụ cho thế lực khác…”(2).

Trước trào lưu phát triển mạnh mẽ và thành công của thế giới phương Tây, nhiều trí thức thuộc thế hệ trước của Trung Hoa vô cùng oán hận Khổng giáo, họ cho rằng sự thất bại của đất nước Trung Hoa trong thời cận đại là do di sản của Khổng Tử nên đã đổ tất cả tội lỗi lên đầu ông. Bằng những lập luận vững chắc và hết sức thuyết phục của mình trong Cửa Khổng, ông đã minh oan được cho Khổng Tử và Khổng giáo. Để minh chứng điều này, ông dành nguyên một chương có nhan đề “Những ấn tích Triết lý Khổng lưu lại trên đời sống hiện đại của Tây Âu”. Trong chương này, ông cho biết các học giả có uy tín tại Tây Âu từng nói về sự ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử đối với công cuộc giáo dục và sự tiến bộ trong xã hội của họ - bắt đầu từ thế kỉ XVIII.

Năm 1965 Nhân Bản ra đời nhằm đặt nền móng và khơi lại lòng mến mộ cho đạo làm người. Đây là tác phẩm mở đầu cho lộ trình tư tưởng của ông trên con đường sáng tạo ra nền Triết lí An Vi. Cũng bắt đầu từ đây, ông âm thầm khai quật, hệ thống hóa và liên tục công bố những công trình triết lí cũng như văn hóa Việt Nam trong suốt giữa thập niên 1960 cho đến đầu năm 1975.

Nhân Bản tiếp tục đề cao địa vị và cứu cánh của con người trong vũ trụ nhân linh, một ngôi vua trong ba ngôi vua “Thiên - Địa - Nhân” (Tam Tài). Ông đưa ra khái niệm thiên khởi, địa khởi và nhânkhởi để đối chiếu, so sánh về vấn đề quan tâm của các nền văn hóa khác nhau như Hi Lạp, Âu Tây và Viễn Đông. Ông đi từ thần thoại Hi Lạp, đến triết học duy lí của Âu Tây, cho đến nhân thoại của Viễn Đông để cuối cùng đưa ra kết luận rằng, không có ở đâu mà con người được đề cao như ở Viễn Đông, quê hương của nền triết lí nhân bản tâm linh. Ông đã mượn bài thơ Vịnh Tam Tài của nhà Nho, nhà cách mạng Trần Cao Vân để lập luận của mình thêm phần mạnh mẽ. Trước khi bàn về bài Vịnh Tam Tài, ông đã đánh giá bài thơ như sau: “Quả là một bài thơ triết lý có tầm xích mênh mông như vũ trụ. Cái tài tình của bài thơ là tự đầu chí cuối Trời, Đất, Người luôn luôn cùng xuất hiện “ba mặt một lời xoắn xuýt trong nhất thể u linh”(3)

Tại sao nền triết lí mà ông xiển dương được gọi là An Vi? Ông cho biết: “Thuật ngữ an-vi không có trong triết Đông, nhưng chúng ta có thể dùng tài-liệu như những câu: “thân lao nhi tâm an, vi chi”身勞而心安爲之(Tuân Tử: thân xác nhọc mà lòng an thì cứ làm) để đưa ra thuật ngữ an-vi, tương đương với an hành. Vô vi sẽ là đối cực với hữu vi, cả hai còn ở trong bình diện nhị nguyên, còn an vi sẽ chỉ tâm thức nhất-nguyên lưỡng-cực vượt ra khỏi nhị-nguyên, không hữu cũng như vô, không chống đối nhưng là thâu hóa. Nói an-vi là trong trường hợp đi với hữu vi vô vi. Còn nói chung thì nó là đợt trung dung: “hữu nhược vô, thực nhược hư” (LN. VIII. 6) 有若無實若虛 có mà như không, thực mà như giả. Đấy là một đợt phải tế vi lắm mới đạt được, vì nó rất mong manh bé nhỏ vô ý một chút là ngả sang hữu hoặc vô.”(4). Như vậy, An Vi chính là quân bình động đích giữa Hữu Vi và Vô Vi.

Nốitiếp công việc chưa làm xong của Nhân Bản, năm 1967 ông cho xuất bản Chữ Thời. Chữ Thời là tác phẩm bàn về siêu hình Kinh Dịch. Ông cho rằng siêu hình Tây Phương là hoàn toàn trừu tượng, siêu hình Viễn Đông tuy cũng trừu tượng nhưng lại đâm rễ cụ thể xuống các thể chế như lịch pháp, thiên văn… Đó là phương thức đem triết lý vào cấu trúc của xã hội và cải hóa tâm tính con người. Lời giới thiệu sách của ông tuy ngắn đã nói lên được cốt tủy của Chữ Thời, vì vậy tôi trích dẫn lại hoàn toàn:

“Muốn hiểu biết thêm về con người, cần phải biết địa vị của con người trong trời đất, trong vũ trụ, hay nói theo tiếng mới trong không thời gian.

Nhận thấy cơ cấu thời-không cũ đang sụp đổ, tác giả đi gõ cửa những nhà khoa học lớn như Einstein với thuyết tương đối trình bày thời gian như chiều kích thứ tư của vạn vật… rồi đi gõ cửa các triết gia hiện đại nhất là Heidegger tác giả cuốn “Hữu thể và Thời gian”. Sau đó trở lại với Đông Phương khảo sát quan niệm Chữ Thời trong Kinh Dịch, Kinh Thư. Chúng ta sẽ được thích thú nhận ra sự gặp gỡ Tây Đông trên cấp bậc tối thượng. Chúng ta sẽ hào hứng khi khám phá ra nền siêu hình sâu thẳm tiềm ẩn trong Tam Tài, Ngũ Hành, Hồng Phạm, Thái Thất… với nền triết lý của lịch pháp Đông Phương…đặt nền móng cho huyền sử, cung ứng chìa khóa để mở kho tàng bí ẩn của Văn hóa nước nhà hầu xây đắp một nền triết lý Việt Nam mới hợp cho cảm quan của con người thời đại.”(5)

Đây là một cuốn sách mang tính hàn lâm và thuộc vào loại khó đọc nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông. Về sau, trong lời bạt của tác phẩm Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, ông bảo rằng, cuốn này là cuốn sách dễ nhất, ông hoàn thànhtrước kì hạn để bù lại cho Chữ Thời - một cuốn sách khó nhất trong bộ sách.

Tuy vậy, tác phẩm này cưu mang một sức mạnh tâm linh to lớn, nó đã làm thay đổi nhận thức của nhiều độc giả. Ông từng cho biết, nhiều người nhờ đọc Chữ Thời vài lần mà tự nhiên cảm thấy an nhiên, thanh thoát, và những biến cố ở đời hay cả vấn đề sinh tử cũng không còn nặng nề với họ như trước đây.

Năm 1969 ông cho xuất bản Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây. Với ông, tác phẩm này ghi lại kỉ niệm về một chặng đường mà ông đã đi qua mảnh đất Vô Vi của Ấn Độ. Mục đích của Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây là đánh động tâm thức người đọc để họ nhìn nhận lại giá trị tinh thần của Đông Phương.

Ở đây, ông đã đưa ra những nét đặc trưng của hai nền triết lý Đông - Tây, phân biệt rõ ràng giữa minh triết, triết lí, triết học và cho rằng triết học là cấp bậc thấp nhất về triết. Ông đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, Đông Phương thiên về minh triết và triết lí, còn Tây Phương thì thiên về triết học. Ông đã đề cao sứ mệnh của Triết Đông trước sự đổ vỡ của nền triết học cổ điển Tây Phương, và cho rằng một triết gia Tây Phương ngày nay mà không biết gì đến triết Ấn Độ và Trung Hoa - ít ra về lập trường chung, thì bị coi là thuộc vào thời kì trước khi Colombo tìm ra Châu Mỹ.

Ông đã nêu cao địa vị của triết lí và văn hóa của Ấn Độ trong tư tưởng Tây Phương hiện đại. Từ cuối thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX, những tác phẩm kinh điển của Ấn Độ được lần lượt dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Những dịch phẩm này đã được giới trí thức, học giả, văn sĩ của Tây Phương đón nhận một cách nồng nhiệt, và nó đã ghi lại dấu ấn trên tâm thức của con người đương đại.

Tuy là linh mục Thiên Chúa giáo nhưng ông đã đề cao Tâm Đạo và cho đó là chìa khóa để mở kho tàng truyền thống. Ông cũng là người đã say mê truyền thống tâm linh của Đông Phương, đoạn trích dẫn dưới đây sẽ cho thấy điều này:

“Bỏ Triết học Âu Châu bước vào Triết lý Đông Phương độc giả thường bị kích động do một bầu không khí mới mẻ gây ra do chữ Vô. Chữ Vô thường được nhắm như một lý tưởng, khác hẳn với triết học Thái Tây nhắm hữu vi. Vô vi của Lão Trang đã trở thành nhãn hiệu của đạo học. Dấn thân vào đời đến như Khổng mà còn tiếc xót cái “vô vi chi trị” và “Dư dục vô ngôn” coi như một lý tưởng cao hơn hữu vi, và Khổng Tử đã tu luyện cho đạt tới tứ vô (Tử tuyệt tứ: “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”). Bước vào Phật giáo lại càng rõ ràng: ở đây vô ngã được đẩy xa đến nghĩa bản thể, nghĩa là phủ nhận cái tự ngã. Và Phật Đại thặng còn đi xa hơn, không những thoát chấp ngã như Tiểu thặng, mà còn thoát luôn cả chấp Pháp nữa. Hàng trăm quyển “Minh triết siêu việt” (Prajna Paramita) đều xây trên chữ vô, bản “bát nhã tâm kinh” tóm lại cái tinh túy của bộ sách khổng lồ kia vào chừng hai trăm chữ thì trong số đó đã có tới ba chục chữ rồi. Cho nên người ta nói quyển kinh “Bát nhã” vắn nhất, chỉ có một vần (ekaksari) đó là vần A (VÔ). Thật là một kiểu tóm tài tình: Vì luận đề nòng cốt vẫn xoay quanh chữ VÔ ( A).

Thế nghĩa là cái phần đặc sắc và quý nhất của Triết Đông lại là cái học lấy VÔ làm hồn sống. Vô cực đặt trên thái cực. Nhân sinh lý tưởng con người đặt ở VÔ: “Thánh nhân vô công, vô kỷ, vô danh” “Xử dân vô tri vô dục” (LÃO). “Đại nhân vô tư, dĩ đạo vi thể” (Nho: quẻ Kiền). Thánh Gandhi: “Tôi tự diệt cho đến số không” (Je me réduis à zéro) là âm hưởng hiện thời lắp lại Ấn Độ giáo xưa xây trên Neti, Neti: không phải là cái này, không phải là cái kia. Bên SAT (hữu) còn có Asat: Vô hữu, cũng như trong phương pháp hành đạo lấy tĩnh lặng làm chủ.”(6)
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?