Biện chứng của tự nhiên - Phê phán những trào lưu tư tưởng tư sản
Theo “Đề cương chung” từ phần cuối cuốn sách, Ăngghen định để
phê phán từng trào lưu phản động của triết học tư sản đã thâm nhập vào khoa học
tự nhiên
l. Phê phán chủ nghĩa duy tân sinh lý học
Trước hết, Ăngghen phê phán phái chủ nghĩa duy tâm sinh lý học
Đức, phái này theo thuyết Cantơ mới, truyền bá tư tưởng sai lầm, cho rằng nhận
thức là có giới hạn gồm Đuy Boa Râymông, Nêgơli, Hemhôntxơ, nhất là phê phán tư
tưởng “không thể nhận thức được cái vô hạn” của Nêgơli.
Khi phê phán chủ nghĩa duy tâm sinh lý học, Ăngghen đặc biệt
nói nhiều về những kết quả của quang học và sinh lý học, tức là về hoạt động của
cơ quan thị giác của con người và động vật, kể cả côn trùng. Hồi đó, nhờ có sự
tiến bộ của khoa sinh vật học, người ta đã nghiên cứu kỹ con mắt của động vật,
côn trùng và thấy rằng mắt của động vật nhạy hơn mắt người. Người ta phát hiện
có nhiều loại thú và chim nhìn được xa hơn mắt người, các côn trùng nhìn thấy
được những cái mà con người không thấy được. Những kết quả đó đã chứng thực một
cách khách quan cho chủ nghĩa duy vật nhưng Hemhôntxơ lại giản thức các kết quả
đó theo tinh thần thuyết Cantơ, cho rằng thị giác của con người không được hoàn
thiện để đủ mức nhận thức được thế giới, nó có một giới hạn mà đi quá nữa thì
con người chẳng nhìn thấy gì nữa cả. Ăngghen đã phê phán quan điểm bất khả tri
và nêu lên quan điểm của mình: “Nhận thức. Kiến có mắt khác chúng ta, nó nhìn
được những tia sáng hoá học… Nhưng, trong sự nhận thức chính những tia mà chúng
ta không trông thấy ấy, chúng ta đã đi xa hơn kiến nhiều. Chỉ một việc giản đơn
là chúng ta có thể chứng minh được rằng kiến nhìn thấy những vật mà chúng ta
không nhìn thấy và sự chứng minh ấy chỉ có dựa vào những nhận biết của mắt
chúng ta thì cũng đủ chứng tỏ rằng, cấu tạo đặc biệt của mắt người không phải
là một giới hạn tuyệt đối với nhận thức của loài người”.
Ăngghen lại viết tiếp để khẳng định năng lực nhận thức của
con người “Cái mà tư duy của chúng ta có thể nhận thức được, là căn cứ cho
chúng ta thấy tư duy đã nhận thức và hàng ngày đang nhận thức. Và như thế là đủ,
cả về mặt lượng lẫn về chất”70.
Những người duy tâm sinh lý học tách rời nhận thức cảm tính
với nhận thức lô gích tư duy, vì họ không nhìn thấy sự liên hệ lô gích trong cảm
giác con người nêu cho nhận thức là có giới hạn. Ăngghen xét nhận thức trong sự
thống nhất của nhận thức cảm tính, lý tính và nhận thức lô gích. Ăngghen vạch
ra rằng, con người nhờ có nhận thức lô gích mới nhận thức được những cái mà cảm
giác không trực tiếp cảm thụ được, con diều hâu nhìn xa hơn người nhưng người
thấy được nhiều hơn con diều hâu. Nhờ có nhận thức lô gích, tư duy mà người ta
chế tạo được dụng cụ, máy móc để cảm thụ được những cái mà giác quan không nhận
thấy được, không cảm nhận được. Ví dụ: mắt con kiến có thể nhìn thấy những cái
nhỏ như tia sáng mà con người không thể thấy được, nhưng kiến không hiểu được
tia sáng ấy. Con người, nhờ dụng cụ máy móc, hoá học, lý học, v v. mà thấy được
tự nhiên một cách sâu sắc hơn những động vật, côn trùng. Do đó, Ăngghen nói:
Con người có đủ sức nhận thức được thế giới cả về chất cũng như về lượng.
Ăngghen đặc biệt đả kích mạnh cái thói thịnh hành lúc đó của
phái Cantơ mới là lắp lại “vật tự nó” của Cantơ. Ăngghen chế giễu thâm thuý những
kẻ theo phái Cantơ mới reo rắc cho các nhà khoa học tự nhiên sự hoài nghi đối với
hiểu biết của con người về thế giới bên ngoài. Ăngghen cho rằng, một trong những
nguyên nhân khiến các nhà khoa học tự nhiên dao động về vấn đề tính chân thực của
những hiểu biết của con người là ở chỗ thổi phồng một chiều yếu tố tính tương đối
trong nhận thức. Ăngghen viết: “Vì những nhà khoa học tự nhiên chưa được rèn
luyện về lôgích về phép biện chứng nên số lượng và sự thay đổi của các giả thiết
gạt bỏ lẫn nhau dễ tạo ra cho họ cái quan niệm cho rằng chúng ta không thể nhận
thức được bản chất của sự vật (Halơ và Gơtơ). Điều đó không phải chỉ riêng đối
với khoa học tự nhiên, vì nhận thức của loài người phát triển theo con đường
cong rất quanh co và những học thuyết cũng loại trừ nhau ngay cả trong những bộ
môn lịch sử, kể cả triết học, song không ai căn cứ vào điều ấy mà kết luận rằng
lô gích hình thức, chẳng hạn, là một điều vô nghĩa. - Hình thức cuối cùng của
quan điểm ấy: “vật tự nó”. Sự khẳng định cho rằng chúng ta không có năng lực nhận
thức được vật tự nó... thì một là, thoát ra khỏi lĩnh vực của khoa học và chuyển
vào lĩnh vực của ảo tưởng. Hai là, nó hoàn toàn không mang lại gì thêm cho tri
thức khoa học của chúng ta, vì nếu chúng ta không có khả năng nghiên cứu các sự
vật, thì chúng không tồn tại đối với chúng ta. Và ba là, sự khẳng định ấy chỉ
là một câu rỗng tuếch và không bao giờ có thể áp dụng được trong thực tế. Xét
nó một cách trừu tượng, thì nó có vẻ là hoàn toàn hợp lý. Nhưng ta hãy thử áp dụng
nó xem. Chúng ta sẽ nghĩ gì về một nhà động vật học nếu ông ta nói: Con chó có
vẻ có bốn chân, nhưng chúng ta không biết thực ra nó có bốn triệu chân hay chẳng
có cái nào”? Chúng ta sẽ nghĩ gì về nhà toán học nếu ông ta bắt đầu định nghĩa
hình tam giác là một hình có ba cạnh, rồi sau đó lại tuyên rằng không biết hình
tam giác ấy có 25 cạnh không? 2 x 2 có lẽ là 4? Nhưng các nhà khoa học tự nhiên
thường tránh áp dụng từ ngữ vật tự nó, trong khoa học tự nhiên, và chỉ cho phép
mình làm việc đó khi nào họ đi vào lĩnh vực của triết học. Đó là bằng chứng tốt
nhất nói lên rằng họ ít chú ý đến cái vật tự nó như thế nào, và bản thân cái đó
cũng ít có giá trị như thế nào. Nếu như họ thật sự chú trọng đến nó thì nói
chung, cần gì phải nghiên cứu bất cứ cái gì?
Đứng trên quan điểm lịch sử mà xét thì điều đó có lẽ có một
nghĩa nào đó: chỉ có trong những điều kiện của thời đại chúng ta, và trong chừng
mực những điều kiện ấy cho phép, thì chúng ta mới nhận thức được sự vật”71.
Các nhà duy tâm đó, vì có quan điểm siêu hình nên không hiểu
được quan hệ của chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối ở thế kỷ XIX xuất hiện
nhiều quan niệm về nhận thức thế giới đã phá bỏ nhiều quan niệm cũ về thế giới,
nên những nhà duy tâm đã rút ra kết luận sai lầm là người ta không thể nhận thức
được thế giới. Ăngghen vạch ra những nhà duy tâm sinh lý học không hiểu được
phép biện chứng nên cho nhận thức của con người là đi theo con đường thẳng. Khi
họ thấy rằng nhận thức đi theo con đường quanh co khúc khuỷu thì họ cho rằng nhận
thức không bao giờ đúng cả, mà một khi họ cho rằng nhận thức của con người
không hiểu biết được thế giới, và như vậy là đi đến thuyết của Cantơ về “vật tự
nó”, là không thể nhận thức được. Ăngghen vạch ra rằng, không có nhà sinh vật học
nào lại hoài nghi con chó có 4 chân, nhưng trong triết học thì họ lại nghi ngờ.
Đó là quan điểm dao động của họ.
Ăngghen phê phán thuyết không thể biết và đồng thời nêu lên
và giải quyết những vấn đề rất sâu sắc của lý luận duy vật về nhận thức, đặc biệt
trong vấn đề tác dụng của giả thuyết là một hình thức phát triển của khoa học tự
nhiên, vấn đề thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, của nhận thức và một số vấn
đề khác về lý luận nhận thức. Dựa vào việc thừa nhận tính khách quan của các
quy luật tự nhiên, Ăngghen đã bảo vệ một cách kiên quyết tính nhận thức được của
các quy luật đó. Quy luật không phải là giả thuyết, không phải chỉ là một sự thừa
nhận, mà trái lại chính giả thuyết là một giai đoạn để đi đến nhận thức quy luật,
vì giả định về sự tồn tại của tính quy luật khách quan trong tự nhiên bao giờ
cũng có trước việc phát hiện ra quy luật.
Ăngghen nêu lên con đường phát hiện và nhận thức quy luật mới
của tự nhiên: “Hình thức phát triển của khoa học tự nhiên, trong chừng mực mà
khoa học này tư duy, là giả thuyết. Sự quan sát khám phá ra một sự việc mới làm
cho không thể dùng được cách giải thích trước đây về những sự việc thuộc cùng
loại ấy nữa. Thế là xuất hiện sự cần thiết phải có những cách giải thích mới,
lúc đầu chỉ dựa vào một số lượng có hạn sự việc và những điều quan sát được.
Tài liệu kinh nghiệm sau này sẽ chọn lọc lại những giả thuyết ấy, gạt bỏ những
giả thuyết này, sửa đổi những những giả thuyết khác cho đến lúc, cuối cùng, quy
luật được xác định dưới hình thức thuần khiết. Nếu như chúng ta muốn đợi cho đến
khi những tài liệu cần thiết cho quy luật trở nên thuần khiết thì như thế có
nghĩa là tạm đình chỉ những sự tìm tòi của tư duy cho tới lúc đó, và như thế
cũng đủ để cho chúng ta không bao giờ có được quy luật”72.
Như vậy, ở đây Ăngghen vạch ra phép biện chứng của nhận thức,
rằng người ta ngay một lúc không thể nào nhận thức được chân lý tuyệt đối.
Chúng ta đi đến chân lý tuyệt đối thông qua các chân lý tương đối và đi đến bản
chất phải thông qua các hiện tượng bề ngoài của sự vật.
2. Phê phán thuyết cơ giới
Song song với việc phê phán chủ nghĩa duy tâm sinh lý học và
thuyết không thể biết, Ăngghen cũng phê phán thuyết cơ giới mà những đại biểu của
thuyết này định thay thế phép biện chứng cách mạng của Mác bằng “thuyết tiến
hoá tầm thường”, họ phủ nhận những cuộc cách mạng và những bước nhảy vọt trong
sự phát triển lịch sử, và coi những sự khác nhau về chất chỉ là những sự khác
nhau thuần tuý về lượng. Trong bài bút ký “Vận động cơ giới”, Ăngghen viết:
“Các nhà khoa học tự nhiên cho rằng vận động là đồng nhất với vận động cơ giới,
với sự thay đổi vị trí, và họ cho rằng đó là một điều dĩ nhiên. Điều đó là của
thế kỷ XVIII, cái thế kỷ chưa biết đến hoá học, truyền lại và điều đó gây khó
khăn lớn cho sự hiểu biết rõ ràng về các quá trình. Vận động, đem ứng dụng vào
vật chất, thì có nghĩa là sự biến hoá nói chung. Chính do cũng sự hiểu lầm ấy
mà có cái cuồng vọng muốn quy tất cả mọi cái thành vận động cơ giới... điều đó
đã làm lu mờ tính đặc thù của các hình thức vận động khác. Nói thế không có
nghĩa là một hình thức vận động cao không luôn luôn gắn liền với một vận động
cơ giới thật sự nào (vận động bên ngoài hoặc vận động của các phân tử), chẳng
khác gì các hình thức vận động cao cũng đồng thời sản sinh ra những hình thức vận
động khác và chẳng khác gì tác động hoá học là không thể có được nếu không có sự
thay đổi về nhiệt độ và về trạng thái điện, còn sự sống hữu cơ và không thể có
được nếu không có sự biến đổi cơ giới biến đổi phân tử, hoá học, nhiệt, và điện
v.v.. Nhưng trong mỗi trường hợp được xét tới, sự tồn tại của những hình thức vận
động phụ ấy không bao quát hết được bản chất của hình thức vận động chủ yếu. Chắc
hẳn là một ngày kia qua con đường thực nghiệm, chúng ta “sẽ quy” được tư duy
thành những vận động phân tử và hoá học ở trong óc; nhưng điều đó liệu có bao
quát được hết bản chất của tư duy chăng”73.
Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến đoạn văn này. Ở đây, Ăngghen
nêu lên định nghĩa, quan niệm khoa học rõ ràng, chính xác về vận động. Ăngghen
quan niệm một cách khác hẳn với những người siêu hình, máy móc, họ cho rằng vận
động là sự chuyển chỗ. Ăngghen chỉ ra rằng vận động là mọi sự biến hoá nói
chung. Ăngghen còn nêu lên mối liên hệ biện chứng của các hình thức vận động và
sự chuyển hoá giữa các hình thức đó. Mỗi vật thể đều đồng thời ở trong các hình
thức vận động và vận động có nhiều lớp. Không thể hình dung một hình thức vận động cô lập với
các hình thức vận động khác. Chúng ta đã thấy bất cứ hình thức vận động cao nào
cũng bao hàm những hình thái vận động thấp hơn. Nhưng hình thức vận động thấp
hơn ấy là hình thức vận động phụ không thể nào che lấp hình thức vận động chủ yếu
được. Nên chú ý câu cuối: “Chắc hẳn là một ngày kia... của tư duy chăng?”. Ở
đây, Ăngghen muốn nói rằng, nếu nhờ sự tiến bộ của khoa học một ngày kia người
ta dựa vào vật lý học, hoá học... để phân tích các quá trình diễn ra trong óc,
nhưng không thể nào xoá được hình thức tư duy, là một hình thức vận động cao cấp
của con người.
Ăngghen vạch ra rằng thuyết cơ giới của nửa sau thế kỷ XIX
là di sản của khoa học cơ giới và của chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII và vạch
ra tính chất hết sức phản động của “thuyết cơ giới” thế kỷ XIX, vì khoa học tự
nhiên thế kỷ XIX đã vượt khỏi phạm vi cũ
của thuyết cơ giới và những phát hiện của nó đã xác nhận quan điểm biện chứng về
tự nhiên. Những người theo quan điểm máy móc ngăn cản khoa học tự nhiên đi vào
con đường duy nhất đúng là nhận định những kết quả của khoa học tự nhiên với
quan điểm biện chứng duy vật và ra sức đẩy khoa học tự nhiên đi lùi lại với
thuyết máy móc của thế kỷ XVIII, do đó gây ra nhiều khó khăn lớn, dẫn khoa học
tự nhiên tới những mâu thuẫn không thể giải quyết được.
Những điều Ăngghen phê phán “thuyết cơ giới” đều tập trung
trong bài “Quan niệm “cơ giới” về giới tự nhiên”. Trong bài này, Ăngghen phê
phán những quan điểm máy móc của những nhà hoá học Kêculê và L.Mayê và của nhà sinh
vật học Hếchken. Ăngghen phê phán luận điểm máy móc mà Kêculê dựa vào đó coi vật
lý học là tĩnh học và động học về phân tử, và hoá học là tĩnh học và động học về
nguyên tử. Ăngghen cho rằng: theo tôi, sự quy kết một cách vô điều kiện ngay cả
những quá trình hoá học thành những quá trình thuần tuý cơ học như thế ít ra
cũng đã thu hẹp một cách không thích đáng lĩnh vực nghiên cứu của hoá học. Tuy
nhiên, điều đó đã trở nên rất hợp mốt đến nỗi Hếchken chẳng hạn, cũng luôn luôn
dùng chữ “cơ giới” và chữ “nhất nguyên” theo cùng một nghĩa và theo ông, “sinh
lý học hiện đại... chỉ dành chỗ... trong lĩnh vực của nó, cho những lực lý học,
hay lực cơ giới theo nghĩa rộng mà thôi”74.
Tiếp đó, Ăngghen trình bày quan điểm của mình về những hình
thức vận động cụ thể: “Nếu tôi gọi vật lý học là cơ học của các phân tử, hoá học
và vật lý học của các nguyên tử, và sau đó lại gọi sinh vật học là hoá học của
các anbumin, thì như thế là tôi muốn nói lên bước quá độ của một ngành khoa học
này sang một ngành khoa học khác - do đó nói lên mối liên hệ, tính liên tục
cũng như sự khác nhau và tính gián đoạn giữa hai ngành ấy. Đi xa hơn nữa mà
cũng gọi hoá học là một loại cơ học, thì tôi cho là không thể chấp nhận được.
Cơ học - dù theo nghĩa rộng hay theo nghĩa hẹp - chỉ biết có số lượng, chỉ sử dụng
những tốc độ và những khối lượng, nhiều lắm là những thể tích. Ở chỗ nào trên
đường đi của nó mà nó gặp chất lượng của các vật thể, tỉ dụ như trong thuỷ tĩnh
học và khí tĩnh học, thì nó không thể không nghiên cứu những trạng thái phân tử
và những vận động phân tử: bản thân nó, ở đây, chẳng qua chỉ là một khoa học
phù trợ, một tiền đề của vật lý học mà thôi”75.
Như vật lý học hiện đại đã xác nhận sự vận động của các hạt
nhỏ của vật chất (điện tử, prôtôn, v.v.) không theo quy luật của cơ học cũ, là
môn khoa học không thừa nhận các chất khác nhau mà theo quy luật cơ học lượng tử,
là môn khoa học có chú ý đến và phản ánh đặc điểm riêng về chất của các hiện tượng
thế giới vi mô. Nhưng điều đó tuyệt nhiên không làm giảm ý nghĩa quan trọng của
sự phê phán của Ăngghen đối với “thuyết máy móc”, với quan niệm sai lầm quy các
hình thức vận động cao thành những hình thức vận động thấp. Cơ học lượng tử có
đặc điểm khác với cơ học thông thường về các vật thể lớn, nhưng như vậy không
có nghĩa là cơ học lượng tử ra đời thì hoá học và sinh vật học mất đặc điểm
riêng về chất và cũng đều quy thành cơ học lượng tử cả, hoàn toàn không phải
như vậy.
Trong Biện chứng của tự nhiên, Ăngghen đặc biệt nhấn mạnh đặc
điểm về chất của các hình thức vận động của vật chất: “Chắc hẳn là một ngày kia
qua con đường thực nghiệm, chúng ta “sẽ quy” được tư duy thành những vận động
phân tử và hoá học ở trong óc; nhưng điều đó liệu có bao quát được hết bản chất
của tư duy chăng?”76.
Ăngghen vạch ra chủ nghĩa máy móc đưa tới chỗ toán học hoá
các khái niệm khoa học tự nhiên, quy bản chất vật chất của các vật thành những
quan hệ thuần tuý về số do đó xét cho cùng là đưa tới chủ nghĩa Pitago, tới chủ
nghĩa duy tâm toán học. Theo Ăngghen, thì quan niệm toán học phiến diện cho rằng
vật chất chỉ được quy định về số lượng, còn về chất thì xưa nay bao giờ cũng giống
nhau, “là một bước lùi về với Pitago là người đã quan niệm rằng số, tính quy định
về mặt số lượng, là bản chất của sự vật”77.
Pitago là một nhà triết học lớn người Hy Lạp (571 - 497 tr
CN), ông là một nhà toán học, cơ học nổi tiếng nhưng trong triết học ông đứng về
lập trường chủ nghĩa duy tâm, ông cho nguyên lý căn bản của thế giới là con số
và cho rằng toàn bộ thế giới có cái này và cái kia khác nhau chỉ về số đơn vị
đó thôi. Ông khẳng định tất cả những sự vật trên thế giới chỉ có khác nhau về số,
phủ nhận sự khác nhau về chất. Những người theo thuyết máy móc” thế kỷ XIX đã
quay lại với chủ nghĩa Pitago đó.
3. Phê phán chủ nghĩa Đácuyn xã hội
Đây là tiết cuối cùng của cuốn sách, Ăngghen định phê phán
tính chất phản động của chủ nghĩa Đácuyn xã hội tấn công vào chủ nghĩa Mác; đồng
thời, làm rõ những vấn đề xã hội và về chủ nghĩa xã hội. Nhưng Ăngghen chưa kịp
viết những nội dung trên đây theo như dự kiến trong “Sơ thảo đề cương”. Tuy vậy,
Ăngghen đã viết phần sau của tiết này mà trong “Sơ thảo đề cương” gọi là “Lao động
phân hoá con người”. Ăngghen bàn đến một vấn đề hết sức quan trọng, đó là “nguồn
gốc của con người”. Để có thể trình bày một cách hoàn chỉnh bức tranh biện chứng
về giới tự nhiên thì trên cơ sở nghiên cứu phép biện chứng của các hình thức vận
động của vật chất thì việc trình bày một cách khoa học vấn đề sự hình thành
loài người là một điều hết sức cần thiết. Ăngghen đã làm việc đó. Phần này được
gọi là “Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”.
“Lao động sáng tạo ra con người”, đó là cách diễn đạt vắn tắt
lý luận Ăngghen về nguồn gốc loài người. Ăngghen đã chứng minh phù hợp với tài
liệu khoa học tự nhiên rằng tổ tiên loài người là giống vượn người phát triển
cao, trong những điều kiện sinh sống nhất định đã phát triển thành con người hiện
đại.
Trong khoa học tự nhiên chúng ta thường nói: con người từ vượn
mà ra. Ở đây cách nói như vậy không hoàn toàn đúng, vì nói như vậy người ta hình
dung con người là do giống vượn ngày nay mà ra. Thực ra giống vượn hiện nay
không thể đẻ ra người được, nó khác với người, như chó sói khác chó thường. Có
thể nói, tổ tiên của các loài vượn hiện nay và tổ tiên của loài người giống
nhau. Đến một giai đoạn phát triển nào đó có sự nhảy vọt thay đổi về chất và từ
một tổ tiên chung đã đẻ ra giống vượn người và giống khỉ. Chính giống vượn người
ấy dần dần đã trở thành người.
Bước chuyển quan trọng từ vượn thành người là việc người đi
theo tư thế thẳng đứng, hai chi trước được giải phóng tự do hơn hai chi sau để
làm những chức năng khác. Khi việc đi thẳng trở thành thường lệ, và sau đó trở
thành tất yếu, thì nhờ có bàn tay con người quen làm được nhiều chức năng và chủ
yếu nhất trong việc chuyển từ vượn thành người là con người bắt đầu làm ra công
cụ. Nên đặc biệt chú ý điều này, bước nhảy vọt có tính quyết định trong việc từ
vượn thành người và con người biết làm công cụ, chứ không nên chỉ thấy rằng vượn
đi hai chân mà cho đó là một đặc điểm chuyển thành người. Thật ra con vượn khi
nào cũng có thể đi hai chân được và nếu chúng ta dậy cho nó thì nó cũng đứng thẳng
được. Nhưng không có một động vật nào có thể tự nó làm ra công cụ. Ăngghen khẳng
định: “Chưa hề có một bàn tay vượn nào có thể chế tạo ra được một con dao bằng
đá dù thô sơ nhất… Nhưng bước quyết định đã được hoàn thành: bàn tay đã được giải
phóng, từ đấy, nó có thể đạt được ngày càng nhiều những sự khéo léo mới, và sự
mềm mại hơn đã đạt được đó được di truyền lại và cứ tăng lên mãi từ thế hệ này
sang thế hệ khác.
Như vậy, bàn tay không những là khí quan của lao động, mà
còn là sản phẩm của lao động nữa. Chỉ nhờ có lao động, nhờ thích ứng được với
những động tác ngày càng mới, nhờ sự di truyền của sự phát triển đặc biệt đã đạt
được bằng cách đó của các cơ, của các gân, và sau những khoảng thời gian dài
hơn, cả của xương nữa, và cuối cùng, nhờ luôn luôn áp dụng lại sự tinh luyện thừa
hưởng được đó vào những động tác mới, ngày càng phức tạp hơn, - mà bàn tay con
người mới đạt được trình độ hoàn thiện rất cao khiến nó có thể, như một sức mạnh
thần kỳ, sáng tạo ra các bức tranh của Raphaen, các pho tượng của Tôvanxen và
các điệu nhạc của Paganim”78.
Như vậy, lao động là điều kiện chủ yếu tách con người ra khỏi
giới động vật về mặt sinh lý, nếu như ngày nay con người có một hình dạng khác
hẳn với loải vật thì cũng là do lao động, đó là một mặt của quá trình. Mặt khác
là sự tổ chức của con người về xã hội, về mặt này vai trò chủ yếu cũng là ở lao
động. Trong quá trình lao động nảy ra nhu cầu phải có tiếng nói, có âm tiết, do
đó hình thành ngôn ngữ. Ăngghen viết: “Sự phát triển của lao động đã đưa đến kết
quả tất yếu là thắt chặt thêm những môi liên hệ giữa các thành viên của xã hội,
bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để cho con người giúp đỡ lẫn nhau hợp tác
với nhau, và làm cho con người ngày càng có ý thức rõ rệt hơn về lợi ích của sự
hợp tác ấy đối với mỗi thành viên riêng rẽ. Tóm lại, những con người đang hình
thành ấy đã phát triển đến mức là họ thấy cần thiết phải nói với nhau một cái
gì đây. Nhu cầu đó đã tự nó tạo ra cho nó một khí quan: cái cuống họng chưa
phát triển của loài vượn, nhờ uốn giọng mà biến đổi, dần dần nhưng chắc chắn, để
có thể thích ứng với một lối phát âm ngày càng phát triển thêm mãi, và các khí
quản của mồm cũng dần dần luyện tập được cách phát ra những âm vận nối tiếp
nhau...
Trước hết là lao động; sau lao động và đồng thời với lao động
là ngôn ngữ; đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn,
làm cho bộ óc đó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người. Tuy hai bộ óc
có rất nhiều chỗ giống nhau nhưng bộ óc con người to hơn và hoàn thiện hơn bộ
óc loài vượn rất nhiều. Nhưng khi bộ óc phát triển, thì các công cụ trực tiếp của
bộ óc, tức là các giác quan, cũng song song phát triển theo. Sự phát triển của
bộ óc, nói chung, bao giờ cũng đi đôi với sự phát triển của tất cả các giác
quan, cũng như sự phát triển tuần tự của ngôn ngữ nhất thiết phải đi đôi với một
sự cải tiến tương đương của khí quan thính giác. Mắt chim đại bàng nhìn thấy xa
hơn mắt người rất nhiều, nhưng mắt người nhận thấy trong sự vật được nhiều hơn
mắt đại bàng rất nhiều. Con chó thính mũi hơn loài người rất nhiều, nhưng nó
không có mảy may khả năng phân biệt được những mùi đã giúp cho con người đoán
chắc được nhiều sự vật khác nhau. Và xúc giác mà con vượn chỉ mới có dưới hình
thức thô sơ nhất, thì nhờ lao động mà đã phát triển song song với sự phát triển
của bàn tay con người”79.
Tiếp đó, Ăngghen chỉ ra trong quá trình phát triển công cụ
lao động, con người ngày càng mở rộng sự chế ngự thiên nhiên. Những công cụ đầu
tiên là công cụ săn bắn và bát cá, có săn bắn và bắt cá cho phép con người dùng
cá và thịt làm thức ăn, đó là một bước quan trọng trong quá trình hình thành
con người và phát triển trí tuệ của con người.
Ăngghen đã giải thích ý nghĩa của việc này như sau: “Thức ăn
bằng thịt chứa đựng, dưới hình thức gần như có sẵn, những chất chủ yếu mà cơ thể
cần dùng để trao đổi chất; nó rút ngắn quá trình tiêu hoá, đồng thời cũng rút
ngắn cả thời gian của những quá trình thực vật (nghĩa là tương ứng với những hiện
tượng sinh hoạt của thực vật) khác trong cơ thể, do đó, mà tiết kiệm được nhiều
hơn thời gian, chất và năng lượng cho sự biểu hiện tích cực một đời sống động vật
theo đúng nghĩa của nó. Và con người đang hình thành càng cách xa loài thực vật
bao nhiêu, thì càng vượt lên trên loài vật bấy nhiêu”80.
Một bước quan trọng trong việc con người chinh phục thiên
nhiên, và cũng là bước tách con người ra khỏi giới động vật, là việc con người
biết dùng lửa và chăn nuôi súc vật: chế độ ăn thịt đưa đến hai tiến bộ mới, có
ý nghĩa quyết định là: dùng lửa và nuôi súc vật. Việc dùng lửa còn rút ngắn quá
trình tiêu hoá lại hơn nữa, vì thức ăn cho vào miệng có thể nói là đã được tiêu
hoá một nửa rồi; việc nuôi súc vật đã làm cho thức ăn bằng thịt dồi dào hơn nữa,
và ngoài nghề săn bắn ra, nó còn mở thêm một nguồn cung cấp mới, đều đặn hơn về
thức ăn bằng thịt; và ngoài ra, nó còn cung cấp một loại thức ăn mới, ít ra
cũng có những chất bổ như thịt, đó là sữa và các chế phẩm bằng sữa. Như vậy,
hai bước tiến đó đã trực tiếp trở thành những phương tiện mới để giải phóng con
người”81.
Con người càng chinh phục được thiên nhiên thì càng mở rộng
khu vực đất đai cư trú và bắt đầu cư trú ở những vùng có phân biệt mùa nóng và
mùa rét, do đó có thêm nhu cầu mới về quần áo và nhà ở, nảy ra nhiều lĩnh vực
lao động mới, nhiều hoạt động làm con người ngày càng khác xa loài vật.
Sau cùng, Ăngghen vạch ra chính nhờ lao động mà người ta
chuyển từ trạng thái sống bầy đàn của động vật lên tổ chức thành xã hội của con
người, và xã hội loài người càng phát triển thì cách tổ chức ngày càng phức tạp
hơn cho đến khi có tổ chức nhà nước ra đời. Sự phát triển cao nhất của con người
là hình thành bộ óc người biết tư duy, làm cho con người thoát ly hẳn giới động
vật và có vai trò tích cực tác động trở lại với giới tự nhiên.
Ăngghen tiếp tục phân tích về sự ra đời của bộ óc người. Ông
nêu lên trong điều kiện xã hội nhất định có thể có một ý nghĩa tiêu cực, đó là
việc lao động trí óc tách khỏi lao động chân tay cũng đưa tới chỗ đẻ ra chủ
nghĩa duy tâm. Do sự phát triển sức lao động nên phân chưa thành lao động chân
tay và lao động trí óc ở đây, Ăngghen vạch rõ nguồn gốc nhận thức luận của chủ
nghĩa duy tâm. Ăngghen chỉ ra chính việc lao động trí óc tách khỏi lao động
chân tay đã đủ ra quan niệm sai lạc về vai trò của lao động trí óc. Ăngghen nói
về quá trình lịch sử lâu dài ấy như sau: “Nhờ hoạt động phối hợp của bàn tay, của
các khí quan phát âm và của bộ óc, chẳng những mỗi cá nhân mà cả trong xã hội nữa,
loài người đã có đủ khả năng hoàn thành những công việc ngày càng phức tạp hơn,
có đủ khả năng tự đề ra và đạt được những mục đích ngày càng cao hơn. Từ thế hệ
này sang thế hệ khác, chính ngay lao động cũng ngày càng nhiều vẻ hơn, hoàn thiện
hơn, có nhiều mặt hơn. Thêm vào nghề săn bắn và chăn nuôi thì còn có nông nghiệp;
và tiếp theo đó, lại có thêm nghề kéo chỉ, dệt vải, nghề làm kim khí, nghề làm
đồ gốm và nghề hàng hải. Cuối cùng, nghệ thuật và khoa học ra đời bên cạnh
thương nghiệp và công nghiệp; các bộ lạc biến thành những dân tộc và quốc gia
pháp luật và chính trị phát triển, và song song với những các đó, cũng phát triển
sự phản ánh một cách ảo tưởng tồn tại của con người vào trong đầu óc của con
người tôn giáo đứng trước tất cả những cái đã được tạo thành ra đó, những các
biểu hiện ra trước hết và những sản phẩm của bộ óc và tựa hồ như đã thống trị
các xã hội loài người, thì những sản phẩm tầm thường hơn, do lao động của bàn
tay làm ra, đã rơi xuống hàng thứ yếu; và tình hình lại càng là như vậy khi bộ
óc biết đặt kế hoạch lao động lại có khả năng, ngay trong giai đoạn phát triển
rất sớm của xã hội (thí dụ như trong thị tộc nguyên thuỷ), buộc những bàn tay
khác, chứ không phải chính bàn tay mình, phải thực hiện công việc mà mình đã vạch
ra. Người ta quy cho bộ óc, cho sự phát triển và hoạt động của bộ óc, tất cả
công lao làm cho nên văn minh phát triển nhanh chóng; và đáng lẽ phải giải
thích hoạt động của mình từ nhu cầu của mình (những nhu cầu đó tất nhiên đã phản
ánh vào đầu óc của người ta và đã làm cho họ có ý thức về những nhu cầu đó),
thì người ta lại quen giải thích hoạt động của mình từ tư duy của mình, và
chính vì thế mà dần dần xuất hiện một thế giới quan duy tâm, nó thống trị đầu
óc con người, nhất là từ khi thời cổ đại suy tàn. Cho đến ngày nay, thế giới
quan duy tâm đó vẫn còn thống trị đầu óc con người, đến nỗi ngay cả những nhà
khoa học tự nhiên có xu hướng duy vật trong môn phái Đácuyn cũng còn chưa có thể
có một ý niệm rõ rệt về nguồn gốc của loài người, bởi vì do ảnh hưởng của cái
thế giới quan ấy, họ không nhận thấy tác dụng của lao động trong sự tiến hoá
đó”82. Ở đoạn cuối phần trích dẫn, Ăngghen đã nêu bật nguồn gốc nhận thức của
chủ nghĩa duy tâm.
Trong bài “Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến
từ vượn thành người”, Ăngghen đã phát triển lý luận cao hơn học thuyết của
Đácuyn để giải thích về nguồn gốc hình thành loài người. Trong cách giải thích
của Ăngghen về vấn đề nguồn gốc loài người thì vấn đề trọng tâm không phải “sự
đào thải tự nhiên” và cũng không phải là “cạnh tranh sinh tồn”, mà là ảnh hưởng quyết định của lao
động và của những điều kiện vật chất bên ngoài. Đácuyn đứng về khoa học tự
nhiên để giải quyết nguồn gốc con người và động vật nói chung. Nhưng Đácuyn giải
quyết vấn đề này bằng thuyết “đào thải tự nhiên” và “cạnh tranh sinh tồn”, tức
là cơ thể nào thích hợp với hoàn cảnh, mạnh hơn thì sống được, mà không thấy được
vai trò quyết định của lao động trong quá trình hình thành con người và quá
trình cải tạo tự nhiên.
Ăngghen đi sâu phân tích quá trình hình thành con người. Ông
cho rằng, con người phát triển lên từ giới động vật và trở thành một động vật
có tính xã hội về mặt tâm lý, tư duy con người và loài vật cao cấp cũng có những
nét tương đồng và những nét khác biệt. Ăngghen đã phân tích trong đoạn “Lý trí
và lý tính” của mục “Lô gích biện chứng”, làm rõ thêm sự khác nhau của con người
với loài vật: “Chúng ta và các loài vật đều có chung tất cả các phương thức hoạt
động của lý trí: quy nạp, diễn dịch, và do đó cả sự trừu tượng hoá nữa..., phân
tích những vật chưa biết…, tổng hệ và thực nghiệm với tính cách là sự tổng hợp
hai phương pháp trên.... Xét về bản chất thì tất cả những phương pháp ấy do đó
tất cả những phương pháp nghiên cứu khoa học mà lô gích thông thường thừa nhận
- đều hoàn toàn giống nhau ở loài người và ở các loài vật cao đẳng. Chúng chỉ
khác nhau về trình độ... Những đặc điểm cơ bản của phương pháp đều giống nhau ở
người và ở loài vật và dẫn tới những kết quả giống nhau chừng nào mà cả người lẫn
loài vật cũng vận dụng hoặc chỉ cùng thoả mãn với những phương pháp sơ đẳng ấy
thôi. Trái lại, tư duy biện chứng - chính vì nó lấy sự nghiên cứu bản chất của
ngay những khái niệm làm tiền đề - chỉ có thể có được ở con người; và chỉ ở con
người đã có một trình độ phát triển tương đối cao (những tín đồ Phật giáo và
người Hy Lạp), và chỉ đạt đến sự phát triển đầy đủ của nó mãi về sau này, trong
triết học hiện đại”83.
Khi làm rõ sự khác nhau về tâm lý, nhận thức của con người với
loài vật, Ăngghen chỉ ra một cách rõ ràng sự khác nhau giữa con người và loài vật
trong quan hệ với giới tự nhiên: “Tóm lại, loài vật chỉ lợi dụng giới tự nhiên
bên ngoài và gây ra những biến đổi trong giới tự nhiên, chỉ đơn thuần do sự có
mặt của nó thôi; còn con người thì do đã tạo ra những biến đổi đó, mà bắt giới
tự nhiên phải phục vụ những mục đích của mình, mà thống trị giới tự nhiên. Và
chính đó là sự khác nhau chủ yếu cuối cùng giữa con người và các loài vật khác,
và một lần nữa, chính cũng là nhờ lao động mà con người mới có được sự khác
nhau đó”80. Nói cách khác, động vật chỉ thích ứng với tự nhiên, còn con người
biến đổi tự nhiên và bắt tự nhiên phải phục vụ cho ý muốn của mình.
Đồng thời, Ăngghen cũng vạch ra sự hạn chế của quyền lực chế
ngự của con người đối với tự nhiên do sự nhận thức về các quy luật tự nhiên còn
ít ỏi và không dự đoán được hết những kết quả cuối cùng của sự tác động của con
người đối với tự nhiên.
Sau khi nêu lên những sự việc lịch sử cụ thể về việc con người
tác động vào giới tự nhiên, Ăngghen đã cảnh báo chúng ta rằng: “Chúng ta hoàn
toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc
khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng
ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên,
chúng ta, nằm trong lòng giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối
với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là
chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những
quy luật đó một cách chính xác” 84.
Ăngghen khẳng định rằng, do nhận thức được quy luật của tự
nhiên mà con người có thể dự báo được những hậu quả của sự tác động của con người
vào giới tự nhiên. Nhưng việc dự báo được những hậu quả của hành vi con người
trong xã hội còn khó khăn hơn nhiều.
Ăngghen viết: “Nhưng nếu chúng ta đã phải trải qua hàng
nghìn năm lao động mới có thể, trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được
những hậu quả tự nhiên xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta, thì
chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được
những hậu quả xã hội xa xôi của những hành động ấy” 85.
Khi nói đến việc nhận thức những quy luật trong xã hội tư bản,
Ăngghen đã nhắc nhở rằng: “... Trong lĩnh vực này, chúng ta cũng phải trải qua
một thời gian kinh nghiệm lâu dài và thường là gay go, và phải đối chiếu và
nghiên cứu những tài liệu lịch sử, mới có thể dần dần hiểu rõ được những hậu quả
xã hội gián tiếp và xa xôi của hoạt động sản xuất của chúng ta, và do đó mà có
được khả năng chi phối và điều tiết những hậu quả đó” 86.
Nhưng Ăngghen cho như vậy còn chưa đủ, để con người có thể
chi phối, điều tiết được hậu quả của hoạt động sản xuất của mình thì con người
phải cải tạo cái xã hội cũ và đặc biệt là xã hội tư bản hiện đại. Bởi vì, xã hội
đó xây dựng trên cơ sở tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, hoạt động sản xuất của
con người chỉ hướng vào lợi ích trực tiếp, trước mắt mà thôi. Với tinh thần
cách mạng, Ăngghen viết: “Nhưng muốn tiến hành sự điều tiết ấy cho được tốt mà
chỉ đơn thuần dựa vào nhận thức thôi thì chưa đủ. Cần phải có sự chuyển biến
hoàn toàn trong phương thức sản xuất đã tồn tại cho đến nay, và đồng thời,
trong chế độ xã hội hiện tại” 87.
Ăngghen đã nói tới hành động cách mạng xoá bỏ xã hội tư bản,
những hành động cách mạng đó dựa trên cơ sở nhận thức được sâu sắc về quy luật
phát triển của chủ nghĩa tư bản. Do đó, ở phần cuối cùng, Ăngghen đi sâu phân
tích vào phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ông cho rằng, những lý thuyết
kinh tế học tư sản chỉ là phản ánh lợi ích của giai cấp tư sản, và chỉ nhìn thấy
những kết quả gần nhất, rõ ràng nhất mà không hiểu được những hậu quả gián tiếp,
xa xôi.
Những nhà tư bản và những học giả của họ không hiểu được quy
luật phát triển của xã hội tư bản nên họ không hiểu được những hậu quả xa xôi của
những hoạt động sản xuất, không hiểu được nguyên nhân của cuộc khủng hoảng công
nghiệp và không hiểu được mâu thuẫn cơ bản ngày càng sâu sắc, là mâu thuẫn “người
lao động thì không có tài sản, còn tất cả của cải đều càng ngày càng tập trung
vào trong tay những người không lao động”88.
* *
*
Tác phẩm Biện chứng của tự nhiên là một tác phẩm triết học lớn
của Ăngghen, nó có giá trị về nhiều mặt. Qua tác phẩm này, Ăngghen đã vận dụng
phép biện chứng duy vật một cách tài tình sáng tạo để giải quyết những vấn đề
cơ bản của khoa học tự nhiên thời bấy giờ. Có thể nêu một cách cụ thể như sau:
Một là, Ăngghen đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật
biện chứng, phê phán các quan điểm tư sản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, bảo
vệ và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đó là các loại chủ nghĩa duy
tâm, như chủ nghĩa duy tâm sinh lý học, chủ nghĩa duy tâm trong toán học, chủ
nghĩa Đácuyn xã hội; đó là phương pháp siêu hình, chủ nghĩa máy móc; đó là thuyết
không thể biết.v.v.
Hai là, trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Ăngghen
đã đề ra cách thức, con đường giải quyết những vấn đề cơ bản của khoa học tự
nhiên, đồng thời cả một số lĩnh vực cụ thể trong khoa học tự nhiên.
Ba là, Ăngghen đã đưa ra những nhận xét xác đáng về quá
trình lịch sử của khoa học tự nhiên, đặc biệt là đã có những dự báo thiên tài,
những dự báo này lần lượt đã được sự phát triển của khoa học tự nhiên chứng thực.
Bốn là, những quan điểm của Ăngghen về giới tự nhiên và về
khoa học tự nhiên đã bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác, củng cố lập
trường duy vật biện chứng cho giai cấp công nhân và chỉ đạo sự phát triển của khoa
học tự nhiên.
Đánh giá bài viết?