Biện chứng của tự nhiên - Những cặp phạm trù
Chúng ta còn nhớ rằng các quy luật cơ bản đó cũng chỉ có thể
giải thích bức tranh của sự phát triển của thế giới về những nét chung chủ yếu
mà thôi. Muốn giải thích được tất cả các hiện tượng thì còn phải đưa vào các phạm
trù của phép biện chứng duy vật.
Ta hãy xem một số phạm trù phép biện chứng duy vật, trong
tác phẩm này Ăngghen nói đến một số cặp phạm trù như đồng nhất và khác nhau, tất
nhiên và ngẫu nhiên, nguyên nhân và kết quả. Đó là những cái đối lập chủ yếu và
nếu xét tách rời thì chuyển hoá cái này thành cái kia.
2.1. Đồng nhất và khác nhau
Quan điểm siêu hình thừa nhận khả năng có đồng nhất trừu tượng,
là đồng nhất hoàn toàn, tuyệt đối cứng nhắc giữa các vật thể. Phép siêu hình
coi các đối tượng vốn tự bên trong là bất biến và cho rằng hai trạng thái của một
đối tượng cũng có thể tuyệt đối đồng nhất: “Nguyên lý đồng nhất, theo nghĩa của
siêu hình học cũ, là nguyên lý cơ bản của thế giới quan cũ: a = a. Mọi vật đều
đồng nhất với bản thân. Mọi vật đều đã được coi như vĩnh viễn không thay đổi: hệ
thống mặt trời, các tinh tú, các thể hữu cơ. Khoa học tự nhiên đã lần lượt bác
bỏ từng điểm của nguyên lý ấy; nhưng trong lĩnh vực lý thuyết nó vẫn tiếp tục tồn
tại và những kẻ bênh vực cái cũ luôn luôn đem nó đối lập với cái mới: “một sự vật
không thể đồng thời vừa là bản thân lại vừa là cái khác với bản thân”31.
Các nhà siêu hình thường dựa vào kết cấu lô gích hình thức,
và cho rằng: Nếu a = a thì không thể a = a. Những người siêu hình quên rằng
trong toán học người ta trừu tượng hoá, gạt bỏ những sự khác nhau thực tế giữa
các vật. Còn nếu không gạt bỏ những sự khác nhau đó thì trong tự nhiên cũng như
xã hội, đều không có sự đồng nhất tuyệt đối. Ăngghen viết: “Khoa học tự nhiên gần
đây đã chứng minh một cách tỉ mỉ rằng, sự đồng nhất thật sự, cụ thể bao hàm
trong bản thân nó, sự khác biệt, sự biến đổi”32. Và, Ăngghen chứng minh bằng
thí dụ cụ thể: Cái cây, con vật, mỗi tế bào, trong mỗi lúc của đời nó và đồng
nhất với nó nhưng lại khác biệt với bản thân nó, do sự đồng hoá và bài tiết các
chất, do sự hô hấp, sự tạo thành và sự huỷ diệt các tế bào, do quá trình diễn
biến của sự tuần hoàn - tóm lại do tổng số các biến đổi không ngừng của các
phân tử, tức là các sự biến đổi đã tạo nên sự sống và những kết quả chung của
các sự biến đổi đó đã xuất hiện rõ ràng trong những giai đoạn của sự sống: thời
bào thai, thời thanh niên, thời phát dục, quá trình sinh sản, thời già nua, chết.
Sinh lý học càng phát triển, thì những biến đổi không ngừng, vô cùng nhỏ ấy lại
càng trở nên quan trọng hơn đối với nó; do đó cả việc nghiên cứu những khác biệt
trong nội bộ sự đồng nhất cũng trở nên quan trọng hơn đối với nó, và quan điểm
cũ, hình thức một cách trừu tượng về cái tính đồng nhất, theo đó phải coi vật
thể hữu cơ là một cái gì đồng nhất một cách giản đơn với bản thân vật thể đó,
là một cái gì bất biến, thì đã tỏ ra lỗi thời”33.
Như vậy là sự đồng nhất trừu tượng chỉ tồn tại trong đầu óc
con người do sự trừu tượng gạt bỏ những quá trình thực tế. Sự đồng nhất cụ thể
thì có thật trong tự nhiên, và sự đồng nhất cụ thể bao hàm cả sự khác nhau, sự
biến đổi. Phép biện chứng quan niệm đồng nhất và khác nhau là hai mặt thống nhất,
đan xen vào nhau.
2.2. Ngẫu nhiên và tất nhiên
Cặp phạm trù này trong Phép biện chứng của tự nhiên được
nghiên cứu tương đối đầy đủ. Những người siêu hình không hiểu phép biện chứng của
ngẫu nhiên và tất nhiên. Ăngghen cho rằng, phép siêu hình lúng túng vì sự đối lập
của ngẫu nhiên và tất nhiên và không thừa nhận cái ngẫu nhiên là có tính tất
nhiên và cái tất nhiên cũng có tính ngẫu nhiên, coi tất nhiên và ngẫu nhiên là
những tính quy định vĩnh viễn, gạt bỏ nhau, hoặc là ngẫu nhiên, hoặc là tất
nhiên, không thể vừa là thế này vừa là thế kia. Họ cho rằng trong tự nhiên hoặc
có những vật và hiện tượng ngẫu nhiên hoặc những vật và hiện tượng tất nhiên,
và không được lẫn lộn hai thứ đó.
Đối với lô gích biện chứng thì sự đối lập tất nhiên và ngẫu
nhiên (cũng như của các cặp phạm trù đối lập khác) chỉ có tính chất tuyệt đối
trong phạm vi rất hẹp, ngoài phạm vi đó thì không thể nói cái này hoặc là ngẫu
nhiên hoặc là tất nhiên vì nó vừa thế này vừa thế kia.
Phép siêu hình không hiểu phép biện chứng của tất nhiên và
ngẫu nhiên, do đó cho rằng chỉ có tất nhiên mới đáng được khoa học chú ý và vứt
bỏ cái ngẫu nhiên. Ăngghen vạch rõ quan niệm như vậy sẽ đưa tới thuyết định mệnh”,
vì như vậy có nghĩa là: “Cái mà người ta có thể quy vào những quy luật, tức là
cái mà người ta biết, thì mới là cái đáng chú ý, còn cái mà người ta không quy
được vào những quy luật, tức là cái mà người ta không biết, thì là cái không đáng
chú ý và có thể gác ra một bên. Nếu thế thì không còn gì là khoa học nữa, vì
khoa học phải nghiên cứu chính cái mà chúng ta không biết. Như thế có nghĩa là:
cái mà người ta có thể quy vào những quy luật chung thì được coi là tất nhiên,
còn cái mà người ta không quy được vào những quy luật đó thì được coi là ngẫu
nhiên. Thật dễ thấy rằng đó là cái thứ khoa học giống như cái khoa học coi cái
mà nó có thể giải thích được là tự nhiên, và coi cái mà nó không giải thích được
là do những nguyên nhân siêu tự nhiên sinh ra; rằng dù tôi có gọi nguyên nhân của
những hiện tượng không giải thích được, là ngẫu nhiên hay là trời, thì điều đó
cũng hoàn toàn không quan hệ gì tới bản chất sự vật. Cả hai tên gọi ấy đều chỉ
chứng tỏ tôi dốt và do đó chúng không có chỗ đứng trong khoa học”34.
Còn có một quan điểm siêu hình khác trái ngược hẳn lại, đó
là “thuyết quyết định”. Thuyết này nói chung phủ nhận ngẫu nhiên, cho rằng sở
dĩ một hiện tượng nào đó được gọi là ngẫu nhiên chỉ là vì chúng ta không hiểu
những nguyên nhân gây nên hiện tượng đó, còn hễ thấy rõ được nguyên nhân thì
không có ngẫu nhiên nữa. Thế là lẫn lộn hai khái niệm: tính nhân quả và tính tất
nhiên.
Tất cả những hiện tượng của tự nhiên đều không thể không có
nguyên nhân, nhưng không phải bất cứ hiện tượng nào cũng là tất nhiên cả. Vì vậy,
nếu ta tìm ra nguyên nhân của một hiện tượng ngẫu nhiên thì không phải hiện tượng
đó là tất nhiên. Ăngghen phê phán những kẻ máy móc và cũng vạch rõ quan điểm
sai lầm này như sau: “Theo quan điểm đó thì trong tự nhiên, chỉ ngự trị có sự tất
nhiên trực tiếp đơn giản thôi... Thừa nhận tính tất nhiên như vậy thì chúng ta
không bao giờ thoát khỏi quan niệm thần học về giới tự nhiên được. Dù chúng ta
gọi cái đó là mệnh trời vĩnh viễn như thánh Ôguyxtanh hay Canvanh, hay gọi là số
trời như người Thổ Nhĩ Kỳ, hay gọi là tất nhiên thì cũng chẳng quan hệ gì đối với
khoa học cả. Trong tất cả những trường hợp ấy, người ta không đặt vấn đề theo
dõi đến cùng cái chuỗi những nguyên nhân; vì thế mà trong bất cứ trường hợp
nào, chúng ta cũng chẳng tiến gì được hơn; cái gọi là tất nhiên vẫn chỉ là một
công thức rỗng tuếch do đó... cái ngẫu nhiên cũng vẫn như xưa. Chừng nào chúng
ta còn chưa chứng minh được số lượng hạt đậu trong quả đậu phụ thuộc vào cái gì
thì chừng đó nó vẫn là ngẫu nhiên; và nếu nói rằng sự việc ấy đã được dự kiến từ
trước trong sự cấu tạo nguyên thuỷ của hệ thống mặt trời thì chúng ta chẳng tiến
thêm được bước nào. Hơn nữa: cái khoa học định nghiên cứu trường hợp của quả đậu
cá biệt đó bằng cách đi ngược lại tất cả cái chuỗi những nguyên nhân của nó, sẽ
không còn là khoa học nữa mà chỉ còn là một trò trẻ con; vì bản thân quả đậu ấy
vẫn còn vô số những thuộc tính cá biệt khác, mới trông qua thì tưởng là ngẫu
nhiên, như sự khác nhau về màu sắc, độ dày và độ cứng của vỏ, độ to của các hạt,
đó là chưa nói đến những đặc tính cá biệt mà người ta còn tìm thấy qua kính hiển
vi. Do đó chỉ với một quả đậu đó chúng ta cũng đã phải nghiên cứu nhiều mối
liên hệ nhân quả đến nỗi tất cả các nhà thực vật trên thế giới cũng không
nghiên cứu xuể.
Như vậy là ở đây, tính ngẫu nhiên không được giải thích từ
tính tất nhiên, mà trái lại tính tất nhiên lại bị hạ thấp đến mức thành ra là sản
vật của tính ngẫu nhiên thuần tuý. Nếu một quả đậu nhất định có 6 hạt, chứ
không phải 5 hay 7 là một hiện tượng cùng loại với quy luật vận động của hệ thống
mặt trời hay quy luật chuyển hoá năng lượng, thì thực ra như thế không phải là
tính ngẫu nhiên được nâng lên trình độ tính tất nhiên, mà là tính tất nhiên bị
hạ xuống trình độ tính ngẫu nhiên. Hơn nữa. Người ta có thể tùy ý khẳng định rằng
tính nhiều vẻ của các giống và các cá thể hữu cơ và vô cơ tồn tại bên cạnh nhau
trong một vùng nhất định là dựa trên một sự tất nhiên bất khả xâm phạm; - đối với
cái giống và các cá thể riêng biệt thì tính nhiều vẻ đó vẫn như trước, nghĩa là
ngẫu nhiên. Đối với một con vật riêng lẻ thì chỗ nó đẻ, môi trường mà nó tìm được
để sống, những kẻ thù uy hiếp nó và số lượng kẻ thù đó là ngẫu nhiên. Đối với một
cây mẹ thì nơi mà gió mang hạt của nó đến là ngẫu nhiên; đối với cây con thì
nơi mà hạt giống sinh đẻ ra nó gặp miếng đất thuận lợi để nảy mẩm là ngẫu nhiên
và nếu tin rằng cả ở đây nữa, tất cả đều đưa trên một tính tất nhiên bất khả
xâm phạm, thì như thế chỉ là một sự an ủi yếu ớt mà thôi. Sự tụ tập hỗn tạp các
vật thể khác nhau của giới tự nhiên trên một vùng nhất định, thậm chí trên cả
trái đất, bất chấp mọi sự quy định nguyên thuỷ và vĩnh viễn, cũng vẫn như cũ...
vẫn là ngẫu nhiên”35.
Như vậy, Ăngghen đã nêu một số thí dụ cụ thể để chứng minh rằng
trong xã hội và trong tự nhiên đều có hiện tượng ngẫu nhiên. Tiếp theo, Ăngghen
dẫn ra Hêghen và trình bày quan niệm biện chứng về tất nhiên và ngẫu nhiên.
Ăngghen vạch rõ rằng, tính ngẫu nhiên của các hiện tượng cũng là chính đáng như
tính tất nhiên và nếu ta vứt bỏ tính ngẫu nhiên đi thì tính tất nhiên bị hạ xuống
thành ngẫu nhiên và như vậy là coi sự thống trị của ngẫu nhiên là quy luật duy
nhất của tự nhiên.
Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và
của nhà nước, Ăngghen viết rằng: “Ngẫu nhiên chỉ là một cực của sự phụ thuộc lẫn
nhau, mà cực kia của nó là tất yếu. Trong giới tự nhiên - ở đấy tựa hồ như tính
ngẫu nhiên cũng ngự trị - thì trong mỗi lĩnh vực riêng biệt, chúng ta đã từ lâu
chỉ ra tính tất yếu nội tại và tính quy luật nội tại, chúng tự khẳng định trong
tính ngẫu nhiên ấy”36.
Trong tác phẩm: Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học
cổ điển Đức, Ăngghen cũng nói ý rằng, cái tất yếu bao gồm vô số cái ngẫu nhiên
và cái ngẫu nhiên là hình thức che đậy cái tất yếu. Như vậy, Ăngghen cho rằng
ngẫu nhiên là hình thức thể hiện của cái tất nhiên, bản thân cái tất nhiên biểu
hiện ra xuyên qua vô số cái ngẫu nhiên. Hiểu ý đồ này như thế nào? Ăngghen đã nói
rõ: Ta lấy ví dụ về sự lan tràn các hạt giống của một thứ cây, ở đây cái gì là
tất nhiên? Cái tất nhiên ở đây là thứ cây đó tiếp tục bảo tồn nòi giống của nó.
Đó là một quy luật nhất định của tự nhiên mà bất cứ quy luật nào cũng biểu hiện
tính tất nhiên. Vì vậy, mỗi một cây đều có một phương thức nhất định riêng để
sinh sản. Nhưng việc một hạt của cây đó bay đi như thế nào, tìm thấy mảnh đất
nào để nảy mầm thì đó là ngẫu nhiên. Chẳng hạn, hạt của cây đó bay vào đường nhựa
thì sẽ hỏng, nếu một con vật tha hạt ấy ra cánh đồng, nó sẽ nảy mầm. Đó là một
trường hợp ngẫu nhiên, nhưng chính thông qua tính ngẫu nhiên mà hạt ấy bảo đảm
việc sinh sôi nảy nở của giống cây ấy. Hạt nào có đủ điều kiện thì nảy nở, hạt
nào không có đủ điều kiện thì chết. Như vậy, tất nhiên có được là qua nhiều ngẫu
nhiên.
2.3. Nguyên nhân và kết quả
Tiếp theo, Ăngghen nói về cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả,
đây là những mặt chủ yếu có chuyển hoá lẫn nhau.
Ăngghen vạch rõ thực chất của cặp phạm trù này và khẳng định
đó là mặt rất quan trọng của phép biện chứng trong tự nhiên. Khi xem xét vật chất
vận động ta thấy có sự liên hệ qua lại, quy định lẫn nhau giữa các sự vật mà
Ăngghen cho rằng mối liên hệ qua lại đó cũng có ở những hành động của con người.
Ăngghen viết: “Nhưng chúng ta không chỉ thấy rằng vận động này theo sau vận động
khác, mà chúng ta còn thấy rằng chúng ta có thể tạo ra được một vận động nhất định
bằng cách tạo ra những điều kiện nhờ đó mà nó diễn ra trong tự nhiên; thậm chí
chúng ta còn thấy rằng chúng ta có thể tạo ra được cả những vận động không hề
có trong tự nhiên (công nghiệp) - ít nhất cũng không theo cách ấy - và chúng ta
có thể cho những vận động ấy một hướng và một phạm vi định trước. Nhờ đó, nhờ ở
hoạt động của con người mà hình thành quan niệm về tính nhân quả, quan niệm về
một vận động này là nguyên nhân của vận động khác. Dĩ nhiên là tự nói sự kế tiếp
có quy tắc của một số hiện tượng tự nhiên nào đó cũng có thể tạo ra quan niệm về
tính nhân quả: nhiệt và ánh sáng xuất hiện cùng với mặt trời, nhưng đấy chưa phải
là một bằng chứng và trong phạm vi ấy, chủ nghĩa hoài nghi của Hium đã có lý
khi khẳng định rằng post hoc lặp lại một cách thường xuyên không tạo ta được
proter hoc. Nhưng hoạt động của con người là hòn đá thử vàng của tính nhân quả”37.
Chú ý một điểm mà Ăngghen nói ở đây khi chúng ta xét các vật
nối tiếp nhau thì không nên quan niệm cái trước là nguyên nhân của cái sau. Ví
dụ, sau mùa Đông là mùa Xuân, ta không thể nói mùa Đông là nguyên nhân của mùa
Xuân. Nguyên nhân của mùa Đông cũng như của mùa Xuân là do sự vận chuyển của quả
đất chung quanh mặt trời. Nguyên nhân cũng có nhiều loại, nguyên nhân trực tiếp
và nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài. Vì vậy,
phải làm thế nào để vạch ra được nguyên nhân căn bản.
Ăngghen vạch rõ mối liên hệ biện chứng của nguyên nhân và kết
quả, sự tác động qua lại giữa chúng: “Tác dụng lẫn nhau là điều thứ nhất mà
chúng ta thấy khi chúng ta đứng trên quan điểm của khoa học tự nhiên ngày nay
mà xem xét toàn bộ vật chất vận động. Chúng ta thấy hàng hoạt hình thức vận động:
vận động cơ giới, nhiệt, ánh sáng, điện, từ, hoá hợp và phân giải hoá học, những
sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các trạng thái liên kết, đời sống hữu cơ, tất cả những
hình thức ấy - nếu ta hãy tạm thời gạt bỏ đời sống hữu cơ ra - đều chuyển hoá lẫn
nhau, làm điều kiện cho nhau, ở đây là nguyên nhân, ở kia lại là kết quả, thế
nhưng trong tất cả những sự thay đổi hình thức ấy, tổng số vận động vẫn y
nguyên (công thức của Spinôda: thực thể là nguyên nhân của bản thân nó thể hiện
một cách rõ rệt sự tác dụng lẫn nhau”38.
Ở đây Ăngghen nói rõ rằng, nguyên nhân và kết quả có thể đổi
chỗ cho nhau, nghĩa là một hiện tượng nào đó chỗ này là kết quả chỗ khác lại là
nguyên nhân. Cuối cùng, Ăngghen kết luận: “Muốn hiểu được những hiện tượng
riêng biệt, chúng ta phải tách chúng ra khỏi mối liên hệ phổ biến và nghiên cứu
chúng một cách riêng rẽ, và như thế thì những vận động nối tiếp nhau sẽ biểu hiện
ra, cái là nguyên nhân, cái là kết quả”39. Vấn đề lô gích biện chứng
Ăngghen không những xem xét phép biện chứng khách quan của
các hiện tượng vật lý mà còn xét cả quá trình lịch sử của sự phản ánh phép biện
chứng ấy trong ý thức con người. Ăngghen nêu lên vấn đề lô gích biện chứng, đặc
biệt là vấn đề phân loại các phán đoán.
3.1. Phân loại các phán đoán
Để giải thích về biện chứng của tư duy, Ăngghen đã đi sâu
phân tích các loại phán đoán. Qua đó Ăngghen đã khái quát được quá trình lịch sử
nhận thức của con người.
Ăngghen xác định là nghiên cứu những sự việc cá biệt (đơn nhất)
rồi sắp xếp các sự việc theo từng ngành (đặc thù) và sau cùng là khám phá ra những
quy luật chung của tự nhiên (phổ biến). Ăngghen viết: “.. Cái mà Hêghen coi là
sự phát triển của hình thức tư duy của phán đoán với tính cách là phán đoán,
thì ở đây, đã thành ra sự phát triển của những tri thức lý luận của chúng ta về
bản chất của vận động nói chung, tri thức dựa trên một cơ sở kinh nghiệm. Chính
cái đó chứng minh rằng những quy luật của tư duy và những quy luật của tự nhiên
nhất trí với nhau một cách tất nhiên nếu như người ta hiểu chúng một cách đúng
đắn.
Chúng ta có thể coi phán đoán thứ nhất là phán đoán đơn nhất:
trong phán đoán ấy người ta ghi lấy sự việc đơn nhất là ma sát sinh ra nhiệt.
Phán đoán thứ hai có thể coi là phán đoán đặc thù: một hình thức vận động đặc
thù nào đấy (hình thức cơ học) đã bộc lộ đặc tính của nó là trong những điều kiện
đặc thù (bằng ma sát) chuyển thành một hình thức đặc thù khác của vận động
(thành nhiệt). Phán đoán thứ ba là phán đoán phổ biến: bất cứ hình thức vận động
nào cũng đều tỏ ra là có thể và phải chuyển thành một hình thức vận động khác.
Dưới hình thức này, quy luật đã đạt được sự thể hiện cuối cùng của nó”40.
Từ đó, ta thấy Ăngghen đã phê phán quan niệm duy tâm của
Hêghen về vấn đề này và đặt mối liên hệ của các phán đoán trên lập trường của
chủ nghĩa duy vật và Ăngghen đã phê phán sâu sắc thuyết không thể biết, thuyết
này coi cái phổ biến là không thể nhận thức được, vì họ đã tách rời cái đơn nhất,
cái cá biệt với cái phổ biến, theo họ giữa hai cái đó có một hố sâu ngăn cách
không thể vượt qua, con người chỉ có thể nhận thức được cái đơn nhất bằng nhận
thức cảm tính mà thôi, không thể nhận thức được cái phổ biến, quy luật của sự vật.
Đó là cách Ăngghen giải quyết một trong những vấn đề quan trọng
nhất của lôgích biện chứng, Ăngghen đã làm rõ mối liên hệ qua lại của các hình
thức phán đoán và các phạm trù lô gích. Điều rất quan trọng là không phải chỉ
giải quyết trong lĩnh vực lô gích thuần tuý, tức khoa học về tư duy, mà giải
quyết trong lĩnh vực hoạt động vật chất của con người, trong lĩnh vực thực tiễn.
3.2. Về phương pháp quy nạp
Trong giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ XIX, khoa học tự nhiên
đang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa kinh nghiệm, trào lưu này hướng vào quan điểm
của Hium, đi tới chủ nghĩa bất khả tri. Hium phủ nhận phương pháp quy nạp, cho
rằng phương pháp này không thể từ kinh nghiệm rút ra được quy luật và cái tất yếu.
Ăngghen cho rằng, sự phê phán của Hium có phần hợp lý, song ông cũng không tán
thành Hium hoàn toàn phủ nhận vai trò của phương pháp này. Ăngghen chỉ ra rằng,
vận dụng phương pháp quy nạp cần phải kết hợp với nhiều phương pháp khác, như kết
hợp với phương pháp phân tích, tổng hợp v.v. Đặc biệt quan trọng là phải gắn
phương pháp đó với hoạt động thực tiễn và thực nghiệm khoa học để đi đến chân
lý. Ăngghen viết: “Bằng chứng của tính tất yếu là ở trong hoạt động của con người,
trong kinh nghiệm, trong lao động: nếu tôi có thể tạo ra được post hoc, thì nó
sẽ trở thành đồng nhất với proter hoc”41, và Ăngghen lại viết: “Nhờ hoạt động của
con người mà hình thành quan niệm về tính nhân quả”42.
Như vậy, Ăngghen đã bác bỏ thuyết hoài nghi của Hium, và khẳng
định rằng con người thông qua hoạt động thực tiễn đã xác minh sự tồn tại khách
quan của tính tất yếu và quan hệ nhân quả.
Đánh giá bài viết?