Biện chứng của tự nhiên - Bối cảnh ra đời của tác phẩm
Cuối thế kỷ XIX giai cấp công nhân Pháp đã nổi lên làm cuộc
khởi nghĩa với khí thế xung thiên, thành lập Công xã Pari (1871), tuy nhiên vì
điều kiện khách quan chưa cho phép, cộng với những yếu kém về mặt chủ quan, cuộc
khởi nghĩa đã bị thất bại. Sau khi Công xã Pari thất bại, giai cấp tư sản nhận
ra sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, cho nên một mặt tìm mọi cách duy trì sự
thống trị của chúng, và mặt khác chúng tấn công vào phong trào của giai cấp
công nhân, tấn công vào chủ nghĩa Mác. Nhiều học giả tư sản đã lợi dụng những
thành quả mới của khoa học tự nhiên để chống lại chủ nghĩa Mác, nhất là chủ
nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử trong triết học Mác.
Chủ nghĩa Đácuyn xã hội lúc đó đã bị các học giả tư sản lợi
dụng để chống lại chủ nghĩa Mác. Những học giả tư sản cho rằng xã hội cũng là một
cơ thể như cơ thể của động vật, xã hội cũng phát triển theo những quy luật của
sinh vật. Từ đó họ loại bỏ những quy luật xã hội mà chủ nghĩa Mác phát hiện ra,
nhất là quy luật đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Theo họ, chủ nghĩa
tư bản cũng như là một cơ thể sinh vật, nó tồn tại như một hiện tượng tự nhiên,
nên không cần phải đấu tranh để tiêu diệt nó.
Chủ nghĩa Đácuyn xã hội còn mang tính chất siêu hình, nó cho
rằng hình thức vận động của sinh vật có thể quy vào hình thức vận động cơ học.
Vào thời thuyết máy móc rất phổ biến, những nhà học giả có tư tưởng siêu hình đều
quy mọi hình thức vận động vào hình thức vận động máy móc, họ phủ nhận sự khác
biệt giữa những quy luật của xã hội và những quy luật của tự nhiên, họ phủ nhận
những bước nhảy vọt và những cuộc cách mạng. Như vậy, mũi nhọn của họ là hướng
vào phép biện chứng mang tính cách mạng của chủ nghĩa Mác. Tư tưởng máy móc này
cũng được các nhà xã hội học tư sản những năm 50-60 thế kỷ XIX như Xpenxơ truyền
bá để chống lại phép biện chứng cách mạng.
Tình hình phát triển của khoa học tự nhiên như thế nào cũng
là điều mà những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác rất quan tâm. Đặc điểm nổi bật của
tình hình lúc đó của khoa học tự nhiên là chủ nghĩa duy tâm và phương pháp luận
siêu hình đang chiếm địa vị chi phối.
Trên lĩnh vực sinh vật học thịnh hành chủ nghĩa duy tâm sinh
lý học, đại biểu lúc đó là Muynle và Hemhôntxơ. Những nhà sinh vật học người Đức
này lợi dụng thành tựu nghiên cứu về các giác quan mà cho rằng cảm giác của con
người chỉ là những ký hiệu ước lệ, không phải là sự phản ánh sự vật khách quan.
Trong hoá học những năm 50 thế kỷ XIX, người ta phủ nhận việc con người có thể
nhận thức được những kết cấu của phân tử, và từ đó họ cho rằng chỉ cần nghiên cứu
những biến hoá có tính chất kinh nghiệm là được.
Trong vật lý học thì “thuyết chiết nhiệt” lan tràn rộng rãi.
Thuyết này cho rằng tất cả các quá trình trong thế giới đều “giảm bớt” năng lượng
theo một hàm số đặc biệt, gọi là “hàm số nhiệt cơ học”. Khi hàm số này đạt tới
số tối đa trong toàn thế giới thì bấy giờ vũ trụ sẽ chết đi về nhiệt, sẽ có “sự
diệt vong về nhiệt của vũ trụ”. Hàm số cơ học là một đại lượng vật lý đặc biệt
để nói lên một hiện tượng thông thường là sự tan nát, giảm sút năng lượng: tất
cả các loại năng lượng chuyển thành nhiệt và nhiệt độ được phân phối đều cho tất
cả các vật thể của tự nhiên. Theo thuyết này, sự san bằng nhiệt độ là dựa vào định
luật thứ hai của nhiệt động học, định luật này nói rằng nhiệt truyền từ vật có
nhiệt độ cao hơn đến những vật có nhiệt độ thấp hơn. Do đó, các nhà duy tâm,
siêu hình rút ra kết luận, thế giới đi dần đến chỗ nhiệt độ trong vũ trụ trở
nên hoàn toàn đều nhau, nên không thể tránh khỏi tới ngày giới tự nhiên sẽ có
“sự diệt vong về nhiệt” và mọi sự phát triển sẽ dừng lại, tựa hồ như một hồ nước
phẳng lặng hoặc như một con sông mà nước không chảy nữa. Như vậy, trong hoá học
đã xuất hiện chủ nghĩa duy tâm nhiệt động học.
Những người duy tâm đã lợi dụng toán học làm công cụ để chống
chủ nghĩa duy vật, họ lợi dụng tình hình là các phép tính và kết luận của toán
học có tính chất trừu tượng, xa rời thực tại đến một mức nhất định để che đậy mọi
sự liên hệ của toán học với thực tại, phủ nhận mối liên hệ đó và coi toán học
như là một sản phẩm thuần tuý của tư duy không có một chút nội dung khách quan
nào, đây là “chủ nghĩa duy tâm toán học”.
Ngoài những hình thức chủ nghĩa duy tâm về tự nhiên như trên
đã nói, những năm 70 thế kỷ XIX ở châu Âu còn thịnh hành phong trào đồng bóng,
một trong những hình thức mê tín mông muội nhất, ai cũng biết rõ đó là trò bịp
bợm. Nó lợi dụng sự “u mê” của người ta để lừa đảo, tác phẩm này của Ăngghen
cũng góp phần đả kích lại chủ nghĩa duy tâm đó.
Cuối cùng, vào những năm 70 thế kỷ XIX đã bắt đầu xuất hiện
một xu hướng chống chủ nghĩa Mác thâm nhập vào phong trào cách mạng của giai cấp
công nhân. Đó là chủ nghĩa cơ hội: núp dưới chiêu bài chủ nghĩa xã hội, nhưng
thực ra tìm cách thay thế lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác bằng
các loại lý luận chủ nghĩa xã hội giả hiệu, phản động của giai cấp tư sản. Một
trong những đại biểu của chủ nghĩa cơ hội đó là Đuyrinh.
Tóm lại, giai cấp tư sản đã tiến hành một cuộc tấn công rộng
rãi vào lý luận chủ nghĩa Mác, bằng cách lợi dụng tất cả các trào lưu chống duy
vật phản khoa học.
Một nhiệm vụ bức thiết đề ra trước các nhà sáng lập chủ
nghĩa Mác là phải đập tan tất cả các trào lưu ấy vạch rõ rằng các trào lưu ấy
không dựa vào những tài liệu khoa học về tự nhiên, mà trái lại mâu thuẫn với mọi
thành tựu của khoa học tự nhiên thời bấy giờ.
Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ăngghen vạch trần mọi
xu hướng xa rời chủ nghĩa duy vật và phê phán triệt để những người theo “chủ
nghĩa Đácuyn xã hội”, “chủ nghĩa duy tâm sinh lý học”, “chủ nghĩa duy tâm toán
học” v.v cùng với những người theo “thuyết không thể biết”, “chủ nghĩa máy móc”
và “phép siêu hình”. Ăngghen vạch rõ sự liên hệ trực tiếp của những trào lưu
triết học phản động đó với tình hình chính trị lúc bấy giờ và mục đích nhằm phục
vụ lợi ích của giai cấp tư sản.
Sự cần thiết phải phát triển phép biện chứng duy vật cũng
còn do đòi hỏi của chính bản thân sự phát triển của khoa học tự nhiên. Có thể
thấy rằng tiền đề khoa học tự nhiên cho sự ra đời của triết học Mác là ba phát
hiện khoa học vĩ đại: thuyết tế bào, định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng
và thuyết tiến hoá của Đácuyn. Trong nửa sau thế kỷ XIX, khoa học tự nhiên lại
tiếp tục phát triển rất mạnh, đặc biệt đáng chú ý tác dụng to lớn của Menđêlêép
đối với sự phát triển của khoa học tự nhiên. Dựa vào định luật này, vào khoảng
cuối năm 1860, người ta bắt đầu phát hiện mối liên hệ giữa mặt cơ học và mặt
hoá học của vật chất và của vận động (thuộc tính hoá học có liên quan với khối
lượng nguyên tử). Định luật tuần hoàn của các nguyên tố hoá học do Menđêlêép
phát hiện năm 1809 đã chuẩn bị điều kiện cho những sự thay đổi căn bản về sau;
trong học thuyết về kết cấu vật chất.
Tuy quan niệm máy móc về thế giới đã hình thành từ thời
Niutơn vẫn còn thống trị như trước, nhưng đã bắt đầu hình thành quan niệm mới về
thế giới, đó là quan niệm điện tử. Nhờ có thuyết điện tử về ánh sáng của
Mácxoen và những công trình Hécsơn, vật lý học đã tiến được một bước dài từ
quan niệm máy móc về thế giới để tiến tới quan niệm biện chứng.
Đặc biệt cần chú ý là Ăngghen chưa hoàn thành tác phẩm này.
Bắt đầu từ năm 1883, sau khi Mác mất, Ăngghen phải gián đoạn việc soạn Biện chứng
của tự nhiên để chuẩn bị đưa in những bản thảo của bộ Tư bản (tập 2, 3 và 4).
Vì vậy, Ăngghen không có đủ thì giờ để theo dõi sự phát triển của khoa học thế
giới. Còn những phát hiện quan trọng gây nên cách mạng trong khoa học tự nhiên
(quang tuyến X, nguyên tố phóng xạ, điện tử thuyết lượng tử…) thì sau khi
Ăngghen mất mới có, cho nên không được nói đến trong Biện chứng của tự nhiên.
Quan điểm của khoa học tự nhiên cuối những năm 70 đầu những
năm 80 thế kỷ XIX cho rằng hình thức vận động cơ học của vật chất là hình thức
đơn giản nhất, đó là hình thức khởi đầu trong sự phát triển của tất cả các hình
thức vận động của vật chất đã biết thời bấy giờ, thể hiện sự vận động cơ học là
những vật thể quay trong không gian (ví dụ hành tinh quay quanh mặt trời theo một
quỹ đạo nhất định).
Trong thế giới vi mô cũng vậy, nguyên tố, phân tử được coi
như hình ảnh thu nhỏ của những vật thể, thế giới vĩ mô như những quả cầu nhỏ có
thuộc tính cơ học và chuyển động theo những quỹ đạo giống như những vật thể vĩ
mô. Những quan niệm này còn tồn tại trong vật lý học cho đến thế kỷ XX và chỉ bị
đập tan về căn bản sau khi dựng nên cơ học lượng tử; môn học này nghiên cứu đặc tính và sự vận
động của các đối tượng của thế giới vĩ mô có vận động cơ học.
Vào những năm 70, 80 thế kỷ XIX, Ăngghen coi những hiện tượng
điện, ánh sáng,... là kết quả sự vận động của những hạt nhỏ, lúc đó gọi là ête.
Các nhà vật lý học bấy giờ quan niệm ête, ánh sáng là một môi trường hết sức động,
không có trọng lượng, choán đầy cả không gian vũ trụ. Quan niệm đó phản ánh
trình độ phát triển của khoa học tự nhiên thời bấy giờ. Về sau khoa học phát
triển thêm thì quan niệm đó không còn phù hợp nữa và trở thành lỗi thời. Lúc bấy
giờ Ăngghen đã vận dụng khái niệm về ête, về sau khoa học tự nhiên đã phát triển
lên chứng minh rằng không có ête như khoa học tự nhiên lúc trước đã quan niệm.
Khái niệm về ête đã được thay thế bằng khái niệm về trường điện từ. Nhưng vào
thời Ăngghen, lý luận này chưa được phát triển nên Ăngghen không đề cập đến
trong tác phẩm này.
Khi nghiên cứu Biện chứng của tự nhiên ta cần phân biệt
phương pháp chung của Ăngghen nghiên cứu các vấn đề khoa học tự nhiên tức là
phương pháp nghiên cứu duy vật biện chứng với những nguyên lý khoa học tự nhiên
riêng biệt phản ánh trình độ phát triển của khoa học tự nhiên mà Ăngghen đề cập
đến. Phương pháp chung mà Ăngghen vận dụng xuất phát từ thế giới quan duy vật
biện chứng thì không hề cũ đi vì nó dựa vào những quy luật biện chứng cơ bản của
sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, trái lại những quan niệm riêng biệt
của khoa học tự nhiên có thể cũ đi và không thể tránh khỏi trở nên lỗi thời.
Quan niệm duy vật biện chứng của Ăngghen về các vấn đề khoa
học tự nhiên cho phép các nhà khoa học tự nhiên khắc phục và thoát khỏi những
mâu thuẫn gặp phải trong quá trình nghiên cứu. Mâu thuẫn đó là những thành tựu
của khoa học tự nhiên ngày càng chứng thực phép biện chứng duy vật mà bản thân
các nhà khoa học tự nhiên cứ tìm cách giải thích những phát hiện của mình theo
phép siêu hình, mà chính những phát hiện của họ đã bác bỏ phép siêu hình ấy. Do
đó, đã làm sai lệch bản chất của những phát hiện đó. Các phát hiện của các nhà
bác học chứng minh cho quan điểm duy vật về thế giới, nhưng bản thân họ lại sa
vào chủ nghĩa duy tâm của “thuyết không thể biết”, thuyết thần bí theo lối đồng
bóng. Đó là sự mơ hồ, lệch lạc nghiêm trọng trong khoa học tự nhiên lúc bấy giờ.
Đánh giá bài viết?