TS. Dương Quốc Quân - Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay
TS. Dương Quốc Quân
Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay
Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Kế toán, số 05/2016
Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Kế toán, số 05/2016
Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986-2016), cùng với các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã đã có bước phát triển tích cực. Hầu hết các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được đổi mới về tổ chức, hình thức hoạt động, ngày càng phù hợp hơn với cơ chế thị trường và theo Luật hợp tác xã. Tuy vẫn còn một số hợp tác xã chưa dứt hẳn tư tưởng và cách làm kiểu cũ, song đa phần hợp tác xã đã bước đầu cho thấy rõ nét hơn vai trò kinh tế ở nước ta trong bối cảnh đất nước còn đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, hệ thống thể chế thị trường chưa phát triển, chính sách nhà nước còn đang trong quá trình điều chỉnh phù hợp, v.v. Vai trò xã hội - văn hóa của kinh tế tập thể ngày càng quan trọng hơn, phát huy tinh thần "hợp tác", góp phần phát triển đời sống văn hóa và tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, hiện thực hóa các giá trị đạo đức cao đẹp và nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, cung cấp dịch vụ xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trên đây, khu vực kinh tế tập thể cũng còn nhiều tồn tại: Số hợp tác xã mới thành lập chưa nhiều, số lượng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao còn hạn chế; Hợp tác xã phát triển chưa đều ở các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; Thu nhập của người lao động thường xuyên trong hợp tác xã còn thấp; Trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chủ chốt hợp tác xã còn hạn chế; Vốn của hợp tác xã ít; Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, hiệu quả hoạt động chưa cao. Các hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau: Lý luận và nhận thức về hợp tác xã tuy đã được phát triển một bước cơ bản so với giai đoạn trước khi có Luật hợp tác xã năm 1996 nhưng vẫn còn chưa đủ rõ; Khung khổ pháp luật, chính sách về hợp tác xã nói riêng và khu vực kinh tế tập thể nói chung còn nhiều bất cập; Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước chưa kịp thời, kiên quyết và đồng bộ, nhất là ở cấp địa phương; Năng lực của tổ chức hợp tác xã còn yếu, trong đó có năng lực quản trị và khả năng tài chính, công nghệ, kỹ thuật; Tâm lý xã hội nói chung còn e ngại đối với tổ chức hợp tác xã.
Để sớm củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhằm đưa kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, theo chúng tôi khu vực kinh tế tập thể cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, phải xác định đúng vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, đặc biệt chú trọng đáp ứng lợi ích thiết thực của thành viên; Thứ hai, đổi mới, phát triển hợp tác xã đúng bản chất, nguyên tắc và chú trọng hiệu quả, không chạy theo hình thức; Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các hợp tác xã; Thứ tư, đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng trong việc hướng dẫn và thực thi các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với khu vực hợp tác xã; Thứ năm, nâng cao tính linh hoạt, sáng tạo trong việc học tập và vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam./.
Đánh giá bài viết?