Tính nhân văn trong chủ nghĩa Cộng sản không tưởng thế kỷ XVI- XIX

Đỗ Huệ Phương
SV Khoa Triết học, USSH-VNU
huephuong.k58triet@gmail.com

Bước sang thế kỷ XVI, tình hình châu Âu diễn ra những biến chuyển sâu sắc. Kinh tế phát triển nhanh chóng, giai cấp tư sản xuất hiện và phát triển nhanh chóng nắm giữ trong tay quyền lực về kinh tế. Kể từ đây, ở các nước Châu Âu đã xuất hiện nhiều cuộc cách mạng tư sản nhằm lật đổ sự thống trị của chế độ phong kiến và sự quyền uy của nhà thờ vốn được cho là nguyên nhân của sự trì trệ, lạc hậu. Tuy nhiên những thay đổi ấy không làm đời sống của đại bộ phận giai cấp công nhân và nhân dân lao động trở nên tốt đẹp hơn. Họ bị bóc lột sức lao động, phải lao động trong nhiều giờ liền trong những điều kiện làm việc hết sức tồi tàn với đồng lương rất ít ỏi…


Chứng kiến tình cảnh khốn cùng của quần chúng nhân dân lao động, nhiều nhà tư tưởng đã đưa ra những học thuyết của mình với mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Đây là điều kiện ra đời của một loạt các học thuyết của những nhà Cộng sản không tưởng. Đại diện tiêu biểu cho Chủ nghĩa không tưởng bao gồm: Thomas More, Tommanso Campanella, Jean Meslier, Gracchur Babeuf, Saint Simon, Charles Fourier, Robert Owen.

Hiểu một cách đơn giản thì Chủ nghĩa Cộng sản không tưởng là một hệ thống những quan điểm ,tư tưởng về giải phóng xã hội, giải phóng con người; xây dựng một xã hội mới tốt đẹp không có áp bức, bóc lột, đảm bảo cho mọi người thực sự có cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc, nhưng lại đưa ra con đường, biện pháp sai lầm, đó là bằng giáo dục, thuyết phục và tuyên truyền hòa bình… cho lý tưởng của họ. Mặc dù có nhiều hạn chế và sai lầm nhưng những học thuyết ấy lại chứa đựng tính nhân văn, nhân đạo hết sức sâu sắc.Thông qua các tác phẩm “ văn học nhân đạo” của mình, các nhà tư tưởng thời kỳ này đã lên án, phê phán chế độ xã hội dựa trên chế độ tư hữu, đòi hỏi phải thay thế chế độ xã hội đó bằng một xã hội mới thực sự công bằng, bác ái.

Tính nhân văn, nhân đạo trước hết được thể hiện ở việc những đại diện của chủ nghĩa không tưởng ra sức lên án chế độ xã hội mà họ đang sống - một chế độ xã hội gây ra những bất công, đau khổ cho quần chúng nhân dân lao động. Thomas More (1478 – 1535) đã kịch liệt phê phán chế độ phong kiến Anh và các nước phong kiến khác ở phương Tây lạc hậu đã đưa ra những chính sách hà khắc, phi lý của hoàng gia đó là hiện tượng tích lũy tư bản nguyên thủy cướp bóc ruộng đất của nông dân để biến thành đồng cỏ chăn nuôi cừu làm cho những người nông dân mất hết những điều kiện để sinh sống…Tommaso Campanella (1568 – 1639)  cũng đã vạch trần sự bóc lột dã man đối với những người lao động “bị kiệt quệ và còng lưng vì làm việc quá sức và liên tục ngày này qua ngày khác”, phơi bày hàng loạt những bất công trong xã hội Ý đương thời: các giá trị bị đảo ngược, coi trọng những kẻ chây lười, coi khinh người lao động và có tài…

Đến thế kỷ XVIII, tư tưởng về chủ nghĩa Cộng sản xuất hiện ở Pháp và các đại diện tiêu biểu cho những tư tưởng ấy cũng đã có thái độ phê phán gay gắt đối với chế độ phong kiến Pháp đương thời. Jean Meslier (1668 – 1733) là người kịch liệt phản đối chế độ chuyên chế phong kiến cấu kết với giáo hội phản động. Ông lên tiếng phê phán sự phân chia các đẳng cấp trong xã hội: những người quyền quý ăn bám, sống bằng mồ hôi nước mắt của người lao động đồng thời tố cáo tội ác của những ông vua tàn bạo,hiếu chiến gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu… Gracchur Babuef (1760 – 1797)  lại lên tiếng nhằm chống lại tính chất không triệt để của cách mạng tư sản Pháp. Ông phê phán xã hội đương thời Pháp là một thiết chế khủng khiếp, với những luật lệ nhẫn tâm, có tính ăn cướp…

Đầu thế kỷ XIX, Saint Simon (1760 – 1825) đã công kích gay gắt xã hội của chủ nghĩa tư bản là một hình thái “vô chính phủ”, “bất bình đẳng trong sở hữu” và “đặc quyền theo nguồn gốc xuất thân” đã sản sinh ra bất bình đẳng…  Một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán sau Saint Simon khác là Charles Furier (1772 – 1837). Tư tưởng nổi bật của ông là sự phê phán và lên án chế độ tư sản một cách sâu sắc. Furier đã thẳng tay lột trần cảnh khốn cùng,sự nghèo nàn về vật chất và tinh thàn của xã hội tư sản. Ông cho rằng, sự nghèo khổ sinh ra từ chính bản thân sự dồi dào,hạnh phúc của thiểu số người này gây nên sự đau khổ của số đông những người khác. Robert Owen (1771 – 1858) là người đại diện cho khuynh hướng phủ nhận và lên án gay gắt chế độ tư hữu về tư hữu coi đó là nguyên nhân của mọi tai họa trong xã hội tư bản vì nó là nguyên nhân đẻ ra lòng ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh,  tình trạng vô chính phủ trong sản xuất và phân phối… Ông là người có khuynh hướng phủ nhận và lên án chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất một cách toàn diện và sâu sắc nhất coi nó là nguyên nhân của gây ra sự lừa đảo, gian lận, mại dâm, đói nghèo, tội lỗi, đau khổ… Ông cho rằng chế độ tư hữu đã và đang là nguyên nhân của vô số tội phạm và tai họa mà loài người đã và đang phải gánh chịu.

Như vậy, mặc dù đối tượng của sự phê phán khác nhau: thế kỷ XVI-XVII là chế độ phong kiến châu Âu, sang thế kỷ XVIII-XIX lại là chế độ tư bản chủ nghĩa song các nhà Cộng sản Không tưởng đều kịch liệt phản đối chế độ xã hội hiện có gây nên những bất công, đau khổ cho quần chúng nhân dân lao động; đồng thời lên tiếng bênh vực, bảo vệ, đồng cảm đối với những bất công mà họ phải chịu đựng.

Không chỉ vậy, các nhà tư tưởng thời kỳ này còn muốn tìm cách xóa bỏ những bất công ấy trong xã hội ấy thể hiện những ước mơ, khát vọng của nhân dân lao động về một xã hội bình đẳng, bác ái. Họ đều nhận ra rằng, suy đến cùng thì nguồn gốc cho mọi sự bất bình đẳng trong xã hội đều do chế độ tư hữu. Vì vậy, muốn xóa bỏ bất công, bất bình đẳng cần phải xóa bỏ chế độ tư hữu, thành lập công hữu. Tại đó,tất cả đều phải lao động như nhau, của cải đều là của chung,mọi người cùng được hưởng những thành quả lao động như nhau. Đây là tư tưởng căn bản trong các học thuyết của Thomas More, Tomanso Campanella, Jean Meslier, Gracchur Babuef, Robert Owen… Bằng việc xây dựng mô hình xã hội tương lai tốt đẹp, đưa ra những nguyên tắc về một xã hội mới dựa trên những cơ sở khoa học: về tổ chức và phân phối sản phẩm công bằng, về  xóa bỏ sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động trí óc; về vai trò của công nghiệp…Tuy nhiên, Saint Simon và Furier đã cùng đi đến việc chủ trương xây dựng một xã hội còn chế độ tư hữu, mặc dù vẫn bày tỏ mong muốn xóa bỏ bất bình đẳng và áp bức bóc lột trong xã hội. Đây cũng là một trong những hạn chế rất lớn của cả hai nhà tư tưởng.

Bên cạnh đó, họ cũng xây dựng nên một mô hình xã hội lý tưởng cho tất cả mọi người. Đó là một xã hội mà tất cả mọi người đều được hưởng cơm no, áo ấm, lao động dựa theo năng lực và khả năng của mỗi người. Trong xã hội ấy sẽ không còn sự phân chia giàu - nghèo mọi người đều có quyền bình đẳng, hạnh phúc. Mỗi người đều có việc làm và điều kiện phát triển toàn diện. Thomas More cho rằng,  trong xã hội mọi người đều có việc làm, có điều kiện phát triển toàn diện, xã hội không có tệ nạn xã hội. Mỗi cá nhân đều có việc làm, chăm sóc sức khỏe được đảm bảo đối với mọi thành viên, giáo dục bình đẳng cả nam và nữ.  Trong khi đó, Tomanso Campanella muốn xây dựng thành phố Mặt Trời - nơi không có bạo lực, nhà tù. Mọi người trong xã hội đều bình đẳng, sống đúng đắn, nhã nhặn,đời sống mọi người luôn được đảm bảo.

Trong bối cảnh nước Pháp thế kỷ XVIII, một số nhà tư tưởng lại vẽ lên một bức tranh về một xã hội lý tưởng mới. Francois Morelly cho rằng, một xã hội lý tưởng là khi mọi người được sống bình đẳng, không có sự phân chia giai cấp, xã hội được quản lý bằng pháp luật. Babeuf lại muốn xây dựng nên một nhà nước mới dưới hình thức “chuyên chính cách mạng của những người lao động”, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một nhà tư tưởng đặt vấn đề xây dựng một nhà nước cho người dân lao động. 

Đến cuối thế kỷ XVIII, chủ nghĩa Cộng sản không tưởng - phê phán ra đời lại có những quan nét mới trong tư tưởng của các nhà triết học. Saint Simon chủ trương xây dựng một xã hội mà ông gọi là xã hội công nghiệp. Xã hội đó phù hợp với lợi ích của đa số nhân dân lao động, đảm bảo những điều kiện vật chất của con người. Trong học thuyết về xã hội mới, Saint Simon luôn luôn quan tâm tới giai cấp nghèo nhất và đông nhất. Ông công khai tuyên bố mục tiêu của xã hội mới là cần phải cải thiện số phận của giai cấp công nhân. Nguyên tắc mà ông nêu lên là: Mọi người đều phải lao động. Thông qua các tác phẩm của mình, Furrier  mong muốn xây dựng một xã hội tương lai - xã hội xã hội chủ nghĩa. Ở đó đời sống của nhân dân sã được cải thiện hoàn toàn, những tệ nạn của xã hội tư sản không còn nữa, chế độ dựa trên nền sản xuất tập thể - hiệp hội sản xuất. Ông cho rằng, xây dựng xã hội mới phải trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là “chủ nghĩa bảo đảm, nửa hiệp hội”; giai đoạn 2 là “chủ nghĩa xã hội, hiệp hội giản đơn”; giai đoạn 3 là “sự hòa hợp, hiệp hội phức tạp”. Trong đó, giai đoạn 1 và 2 là những giai đoạn chuẩn bị những điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết, là giai đoạn xây dựng một nền sản xuất lớn, phá vỡ sản xuất nhỏ. Giai đoạn 3 là giai đoạn phát triển cao nhất, ở đó mọi thành viên xã hội đều được phát huy đầy đủ mọi năng lực của mình. Robert Owen chủ trương xây dựng thị trấn công bằng mang tính chất hợp tác xã, mỗi thị trấn cộng đồng là một đơn vị kinh tế, là tổ chức cơ sở của xã hội mới tương lai.Ông coi nông nghiệp là cơ sở của các cộng đồng, nhưng sự tiến bộ của công nghiệp, khoa học kỹ thuật sẽ là nét chủ yếu của xã hội tương lai. Trong xã hội tương lai, không có sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động chân tay và lao động trí óc.Theo ông, việc chuyển lên “một tương lai sán lạn, hấp dẫn, có tổ chức và hạnh phúc”, không phải bằng những biện pháp bạo lực mà bằng “phương pháp hòa bình và hợp lý”.

Như vậy, có thể thấy các nhà không tưởng đã vẽ lên một xã hội lý tưởng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người lao động thì đây vốn là ước vọng, khao khát của họ dựa trên sự công bằng tuyệt đối với tất cả các thành viên. Mặc dù có động cơ và mục đích tốt đẹp song các nhà tư tưởng thời kỳ này vẫn rơi vào những bế tắc. Sở dĩ như vậy một phần là do bản thân các nhà tư tưởng, nhưng phần lớn là do các điều kiện kinh tế-xã hội lúc bấy giờ quy định. Đó là, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa phát triển đến độ chín muồi nên chưa bộc lộ rõ những mâu thuẫn kinh tế cơ bản trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Engels đã chỉ rõ: “ Hoàn cảnh lịch sử ấy cũng đã quyết định quan điểm của những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội. Tương ứng với một trình độ chưa trưởng thành của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với những quan hệ giai cấp chưa chín muồi, là một lý luận chưa chín muồi”. Tính chất “không tưởng” còn thể hiện ở chỗ, họ chủ trương xây dựng xã hội mới bằng con đường hòa bình như việc tuyên truyền, chờ mong vào lòng từ thiện của những nhà tư bản và sự giúp đỡ của nhà nước tư sản, coi tư tưởng về chủ nghĩa xã hội là tôn giáo mới. Babeuf là người duy nhất đặt vấn đề thực hiện một cuộc cách mạng nhằm xây dựng một nhà nước mới chứ không dừng lại ở việc xây dựng một hệ thống lý thuyết thuần túy như trước. Nhưng những cố gắng của ông đã không thực hiện được.

Như vậy có thể thấy, trong toàn bộ tư tưởng của các nhà Không tưởng mặc dù còn chứa đựng nhiều hạn chế nhưng đã thấm đẫm tính chất nhân văn, nhân đạo cao cả khi đã đứng về lợi ích của tầng lớp nhân dân lao động, cùng khổ. Họ đã nhìn thấy bản chất vô nhân đạo của xã hội tư bản, đã phê phán những khuyết tật của nó , đòi bình đẳng về mặt tài sản giữa những thành viên trong xã hội. Nhưng do họ chưa hiểu được các quy luật khách quan của lịch sử, nên không thể vạch ra những con đường và phương tiện thực tế để đi tới một xã hội công bằng. Mặc dù vậy, những đóng góp của họ đối với lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa là không thể phủ nhận. Đây là những tiền đề tư tưởng, lý luận quan trọng dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa xã hội khoa học do Marx và Engels khởi sướng.

(Tiểu luận)
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?