Khái niệm giai cấp


Trong chủ nghĩa Mac-Lênin, khái niệm giai cấp dùng để chỉ “những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật qui định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải ít hoặc nhiều mà họ được hưởng”.

Theo khái niệm trên đây, thực chất của sự phân hóa những con người trong một cộng đồng xã hội thành các giai cấp khác nhau, đối lập nhau chính là do có sự khác nhau và đối lập nhau về địa vị của họ trong một chế độ kinh tế-xã hội nhất định và do đó có khả năng khách quan dẫn đến một thực tế là “tập đoàn này có thể chiếm đoạt được lao động của tập đoàn khác”. Do vậy, theo Lênin: “gíai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định”. Cũng do đó, thực chất của sự phân hóa giai cấp trong xã hội chính là sự phân hóa những con người trong một cộng đồng xã hội thành những kẻ bóc lột và những người bị bóc lột. Thực tế lịch sử nhân loại mấy nghìn năm qua đã chứng minh điều này, đó là sự phân hóa những con người trong cộng đồng xã hội thành các giai cấp đối kháng nhau: chủ nô và nô lệ, chúa đất và nông nô, tư sản và vô sản.
 

Thực tiễn lịch sử cũng đã chứng minh: giai cấp nào nắm được tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì đồng thời có khả năng chiếm được địa vị làm chủ quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước, do đó có khả năng khách quan trở thành giai cấp thống trị xã hội, thực hiện được việc chiếm đoạt lao động của giai cấp khác và duy trì được tình trạng tương đối ổn định của xã hội trong điều kiện có đối kháng giai cấp.

Khái niệm giai cấp không đơn thuần là một khái niệm của khoa học chính trị mà đó còn là một khái niệm phản ánh mối quan hệ khách quan giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chính trị của xã hội; phản ánh mối quan hệ kinh tế - chính trị giữa các tập đoàn người trong một điều kiện lịch sử nhất định. Đó là mối quan hệ không chỉ có sự khác biệt mà còn có tính chất đối lập của họ trên phương diện kinh tế và chính trị. Từ đó cho thấy: việc phân tích những vấn đề về kết cấu chính trị cần phải gắn liền với việc phân tích kết cấu kinh tế của xã hội theo quan điểm lịch sử, cụ thể.

Để phân tích và xử lý chính xác những vấn đề về kết cấu chính trị xã hội không những cần nắm vững khái niệm giai cấp theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn phải nắm vững khái niệm tầng lớp xã hội. Khái niệm tầng lớp xã hội thường được sử dụng để chỉ sự phân tầng, phân lớp, phân nhóm giữa những con người trong cùng một giai cấp theo địa vị và sự khác biệt cụ thể của họ trong giai cấp đó như: tầng lớp công nhân làm thuê lao động giản đơn, lao động phức tạp, lao động chuyên gia,…; mặt khác, khái niệm này cũng còn được dùng để chỉ những nhóm người ngoài kết cấu các giai cấp trong một xã hội nhất định như: tầng lớp công chức, trí thức, tiểu nông,…

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?