Triết học trong “thế giới phẳng”
Khi đưa ra và luận giải một số quan niệm đang nhận được những ý kiến đánh giá, bình phẩm khác nhau về vị trí và vai trò của triết học trong kỷ nguyên toàn cầu của một số nhà triết học có tên tuổi trên diễn đàn triết học quốc tế, như J.Habermas, S.P.Huntington, W.L.Mcbride, T.Friedman, E.Le Boucher... trong bài viết này, tác giả đã đưa ra những suy tư của mình về diện mạo của triết học trong kỷ nguyên toàn cầu này. Đó là: Tại sao triết học, trong khi vẫn có đầy đủ uy tín của mình trên diễn đàn quốc tế, lại kém đi vào cuộc sống đến thế. Một khi các nhà triết học không biết cách ngăn chặn cái ác, cái xấu thì khi đó, tiếng nói nhân đạo, những định hướng giá trị sáng suốt sẽ ra sao. Liệu triết học trong kỷ nguyên toàn cầu có đủ khôn khéo để nhắc nhở loài người tôn trọng những giá trị quý báu của những bài học đã từng phải trả giá cho quá khứ. Trong một “thế giới phẳng" (thuật ngữ do T.Friedman đưa ra), triết học sẽ mang diện mạo nào…?
Tháng 8/2003, tại diễn đàn danh tiếng nhất của triết học nhân loại - Đại hội triết học thế giới lần thứ XXI, Jurgen Habermas - nhà triết học cũng danh tiếng đến mức gần như bất cứ ai hiện đang làm triết học trên thế giới đều biết tên tuổi, đã trình bày tham luận về những vấn đề nóng bỏng của luật pháp quốc tế. Không hề né tránh những gai góc chính trị, J.Habermas đã bàn đến những bài học đắt giá của quá khứ và khả năng định hướng của triết học đối với tương lai của luật pháp quốc tế. Viện dẫn I.Cantơ để thẳng thắn chỉ trích các thế lực coi thường luật pháp quốc tế, ông nói: "Luật pháp quốc tế còn có ý nghĩa gì nữa khi mà một siêu cường tự do và gây chiến khắp toàn cầu đem những luận điệu có tính chất đạo đúc của nó thay thế cho các tiến trình của luật pháp quốc tế”.
Nơi Habermas lên tiếng là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sát nách Iraq, địa danh có thể gọi là nhức nhối của thế giới đầu thế kỷ XXI. Những luận điệu có tính chất đạo đức mà Habermas nói đến là những thứ biện hộ cho các chuẩn mực đạo đức độc đoán và vụ lợi. Những tưởng tiếng nói của Habermas sẽ làm cho nhân loại, mà trước hết là các chính khách có vai trò dẫn dắt bàn cờ chính trị thế giới phải lên tiếng hoặc có phản ứng. Nhưng không, sự phản tư triết học được coi là sâu sắc ấy cũng chỉ để bản thân giới triết học tự chiêm nghiệm với nhau. Tiếng vang của những mệnh đề triết học đã Habermas đưa ra, trên thực tế không làm rung động thế giới hơn những tiếng nói khác. Triết học, trong trường hợp này, không thể nói là không đủ uy tín, thế nhưng câu hỏi đặt ra vẫn là, tại sao nó lại kém đi vào cuộc sống đến thế.
Một trường hợp khác, có thể coi là trái ngược về mức độ ảnh hưởng tới dư luận xã hội so với trường hợp Habermas vừa nêu - lý thuyết về sự đụng độ của các nền văn minh của Samuel P.Huntington. Đây là một mô hình lý thuyết đầy tham vọng lý giải và dự báo sự biến động chính trị - xã hội của thế giới từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Mô hình này, như một số nhà lý luận đánh giá, có nhiều điểm không đáng phải bàn luận về phương diện triết học: không ít nhà triết học Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Châu Âu và các nước phương Tây khác đã chỉ ra những lập luận khiên cưỡng và tâm lý tiêu cực trong cách hiểu của Huntington về văn hóa và trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh. Nhưng điều trớ trêu là, đông đảo dân chúng Mỹ và cả ở những nước khác chẳng những không tính đến lời phê phán về sự bất hợp lý của quan niệm về sự đụng độ của các nền văn minh, mà ngược lại, còn tỏ ra ngưỡng mộ Huntington một cách thời thượng và tin rằng, sự kiện 11/9/2001 là một xác nhận cho dự báo chủ quan của Huntington. Với trường hợp này, vai trò của lý luận triết học trong kỷ nguyên toàn cầu có nhiều điểm đáng phải bàn luận.
Chúng ta đều biết, sự đụng độ của các nền văn minh và việc thiết lập trật tự thế giới là cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1996, nhưng quan điểm cốt lõi của nó thì đã được công bố trước đó ba năm, trên tờ Tạp chí Foreing Affairs, số 3 năm 1993 dưới tiêu đề Sự đụng độ của các nền văn minh: thông qua những kỳ thị tâm lý cộng đồng phức tạp, Huntington cố chứng minh rằng, ngày nay, kể từ sau chiến tranh lạnh, nguồn gốc cơ bản của các xung đột trên thế giới sẽ không còn là hệ tư tưởng hay kinh tế nữa. Ranh giới quan trọng nhất chia rẽ loài người và là nguồn gốc của các xung đột sẽ là văn hoá. "Sự đụng độ giữa các nền văn minh sẽ trở thành nhân tố chi phối chính trị thế giới. Ranh giới giữa các nền văn minh sẽ là chiến tuyến tương lai". Theo Huntington, hiện nhân loại có khoảng bảy hoặc tám nền văn minh lớn: phương Tây, Không giáo, Nhật Bản, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Slave Đông chính giáo, Mỹ latinh và có thể cả châu Phi nữa. "Những xung đột quan trọng nhất trong tương lai sẽ nổ ra dọc theo các đường ranh giới phân cách các nền văn minh này".
Trong số những đánh giá về Huntington, chúng tôi muốn dẫn ra một ý kiến mà theo chúng tôi, là điển hình cho cách nhìn tỉnh táo trước quan niệm về sự đụng độ của các nền văn minh - đánh giá của William L.Mcbride, Giáo sư Đại học Perdu, Mỹ, Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế các hội triết học (FISP). Tại Hội thảo Toàn cầu hóa và sự đối thoại giữa các nền văn hóa ở Mátxcơva, tổ chức vào tháng 6/2002, William L.Mcbride đã trực diện phê phán cách cảm thụ thế giới của Huntington là "dung tục và kém tinh tế”. Ông nhận xét: "Rất tiếc là Huntington, một nhà tư tưởng theo nghĩa xấu của từ này, như người ta đã nói, lại có ảnh hưởng lớn như thế đến lối suy nghĩ của các nhà ngoại giao và những người tham gia vào tương tác toàn cầu. Tác phẩm của ông ta là thí dụ điển hình cho sự thu hút của lối suy nghĩ tầm thường, nhưng bề ngoài có vẻ như sáng sủa".
Công bằng mà nói, Iý thuyết về sự đụng độ của các nền văn minh có một số phân tích sắc sảo và xét trên câu chữ trong tác phẩm thì Huntington không chủ tâm kích động các nền văn hoá hay văn minh xung đột với nhau. Nhưng điều đáng ngại ở Hunlington chính là quan điểm triết học của ông. Trong cuốn sách viết năm 1996, Huntington đã vô tình để lộ ra giá trị định hướng đối với toàn bộ suy nghĩ của mình mà ông thích gọi bằng một thuật ngữ tiếng Đức là Weltanschauung, nghĩa là thế giới quan về văn minh, vũ trụ và các mối quan hệ cua con người. Khi nói về chủ đề cuốn sách đó là văn hóa, bản sắc văn hóa mà ở mức độ rộng nhất là bản sắc văn minh", Huntington viết: "Một Weltanschauung ảm đạm cho kỷ nguyên hiện đại này được thể hiện sinh động bằng triết lý của nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc người Venesie trong tiểu thuyết Vũng biển chết của Michael Dibdin: Người ta chẳng bao giờ có bạn mà lại không có kẻ thù, người ta ghét cái không giống mình, nghĩa là người ta yêu cái giống mình. Đây chỉ là những chân lý cũ mà chúng ta đang cố gắng khám phá lại sau một thế kỷ loanh quanh lảng tránh".
Huntington không ngớt lời ca ngợi quan điểm này và rất vô tư khi coi đó là thế giới quan chủ đạo cho tư tưởng của mình. Có cảm giác giật mình khi đông đảo người đọc mê cái triết lý đầy cực đoan này. “Người ta ghét cái không giống mình, nghĩa là người ta yêu cái giống mình". Có đúng là nhân loại vẫn thường cư xử với nhau như vậy hay không? Thật khó tin. Lập luận của Huntington đã chọc vào tâm lý đố kỵ của con người như những lời xúc xiểm. Dĩ nhiên, một vài cá nhân cụ thể thì có thể cư xử với nhau như vậy. Thậm chí, có thể có những chính khách nào đó vì đầu óc cuồng tín hay không bình thường mà cũng cư xử như vậy. Nhưng chẳng lẽ các dân tộc và toàn nhân loại lại cũng thiếu sáng suốt như thế. Thật điên rồ nếu sự đụng độ thực tế của các nền văn minh lại bắt đầu từ đây (Ai dám chắc rằng những kẻ cướp máy bay trên bầu trời nước Mỹ ngày 11/9/2001 lại chưa đọc sách của Huntington?).
Vấn đề đặt ra đối với vai trò của triết học trong kỷ nguyên toàn cầu là ở chỗ, ngày nay, có thể có những thứ lý luận dung tục, sai lạc, tầm thường lại chiếm được vũ đài thông tin và định hướng dư luận theo những giá trị kém cỏi. Trong khi đó, có những tư tưởng sáng suốt, những triết lý lành mạnh, những giá trị cao đẹp lại không tìm được chỗ đứng trong đời sống tinh thần nhân loại. Trước đây, khi Internet chưa phổ biến, những lý luận tầm thường, những giá trị lệch lạc của tâm lý con người khó tìm được đồng minh và do vậy, chỉ có ảnh hưởng một cách cục bộ trong một số cá nhân hoặc trong một vài cộng đồng đơn lẻ nào đó. Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã đủ khả năng lôi kéo toàn bộ những thứ không bình thường của cư dân trên trái đất vào một "góc tối chung" của toàn nhân loại. Điều kiện đó là mảnh đất màu mỡ cho những lý thuyết dị dạng xuất hiện và được phổ biến rộng rãi, nhanh chóng. Không loại trừ khả năng là, tới đây, sẽ có những lý thuyết quái thai xuất hiện.
Nêu lúc đó các nhà triết học và những đầu óc lành mạnh khác không biết cách ngăn chặn cái ác, cái xấu thì tiếng nói nhân đạo, những định hướng giá trị sáng suốt rất có thể sẽ rơi vào thiểu số và trở thành trò cười trước đám đông dung tục và thô lỗ. Mà thời nào cũng vậy, cái xấu, cái ác đường như bao giờ cũng tinh vi, thủ đoạn hơn còn cái đẹp, cái thiện thì lại thường ngờ nghệch, cả tin hơn.
Dĩ nhiên, trong lịch sử văn minh nhân loại cũng đã từng xuất hiện những tư tưởng không bình thường, thậm chí những lý luận sa đọa, tư tưởng Quốc xã Đức hồi đầu thế kỷ XX là một thí dụ. Nhưng ngày đó chưa có Internet và Multimedia, chưa có blog-online và nhạc hip-hop, chưa có HIV/AIDS và virus H5N5, chưa có chủ nghĩa khủng bố và sự tàn bạo kiểu Al Queda... nghĩa là chưa có sự hỗn loạn kiểu toàn cầu hóa - sự xáo trộn giá trị toàn cầu khi thế giới chỉ còn là một cái làng bé nhỏ (trong đó, theo hình dung của Thomas Friedman, Tây âu chỉ là một trại dưỡng lão, Mỹ Latinh là một khu phố vui nhộn, nơi ngày làm việc mãi 10 giờ tối mới bắt đầu, Ả Rập là con hẻm tối tăm ít người dám dấn thân vào, còn châu Phi là con phố bị phong toả, nơi tuổi thọ giảm sút, những toà nhà mới đều là những phòng khám bệnh. Trong một không gian chật chội và bức bối như thế, ngày nay, hàng triệu người hàng ngày muốn giãi bày mọi đầu trên blog-online, từ triết lý nghiêm túc đến những tâm tư bệnh hoạn - Jim Chisholm, cố vấn của Hiệp hội báo chí thế giới (WAN) đã than phiền như vậy tại Hội thảo cấp cao của giới báo chí gồm hơn 60 quốc gia, tổ chức tại Athen, Hy Lạp hồi tháng 11/2005. Cũng tại đây, Eric Le Boueher, Tổng biên tập tờ Le Monde còn nhận xét rằng, thanh niên bây giờ đọc sách báo không giống như bố mẹ chúng, nghĩa là rất có thể cách tiếp thu các giá trị triết học cũng đã khác trước, dù chỉ mới cách nhau có một thế hệ. Nếu bầu không khí tinh thần của thế kỷ XXI đúng là như thế thì vai trò của triết học đang đứng trước một thách thức lớn. Dự báo của Lucien Seve về một ngày mà triết học trở thành thổ ngữ của một nhóm thổ dân sống trong một vùng ngoại vi hẻo lánh của xã hội phải chăng đã đến rồi?
Chưa bao giờ như lúc này, tiếng nói triết học có trọng trách rất lớn nhưng lại thật khó tìm được vị trí đáng phải có của nó trong việc dẫn dắt dư luận xã hội. Những kinh nghiệm đắt giá của quá khứ dường như chưa được con người thực sự chú ý. Bài học về sự cuồng tín, cực đoan của tư tưởng Holocaust trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, bài học về sự không đánh giá đúng vai trò của ý thức dân tộc trong chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975, bài học được Hội nghị thượng đỉnh trái đất Reo - 91 cảnh báo về sự lãng quên vai trò của tự nhiên trong các tham vọng phát triển kinh tế, bài học được UNESCO nhắc nhở về tinh thần duy khoa học (seientism) thái quá đến mức lãng quên vai trò của văn hóa và con người trong các thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước… - đáng ra phải là "sự trừng phạt thấm đòn" để con người học được từ đó nhiều hơn. Rất tiếc, triết học trong kỷ nguyên toàn cầu, hoá ra, vẫn không đủ khôn khéo để nhắc nhở loài người tôn trọng giá trị quý báu của những bài học đã từng phải trả giá trong quá khứ và tỉnh táo với những tham vọng của mình. Nói như Habermas, triết học đã không đủ làm cho "các tiến trình của luật pháp quốc tế có hiệu lục và điều đó khiến cho "những luận điệu có tính chất đạo đức" vẫn có ảnh hưởng quá lớn so với vai trò thực của nó trong thế kỷ XXI. Nên chú ý rằng, những tín điều đạo đức mà Habermas nói tới là những tín điều đạo đức của "một siêu cường gây chiến khắp toàn cầu”, nghĩa là thứ đạo đức được quan niệm, sử dụng và định hướng hành vi theo những cách hoàn toàn chủ quan. Thật đáng suy nghĩ khi Mahathir Mohamad, nguyên Thủ tướng Malaysia, tại Hội nghị Châu Á - Thái Bình Dương, Kham Lumpur, ngày 13/01/2003, đã không ngần ngại phê phán cách mà nhân loại đang hành xử với chủ nghĩa khủng bố. ông nói: "Động cơ của chủ nghĩa khủng bố chắc chắn không phải là tôn giáo, mà rất có thể là lãnh thổ. Tình hình thế giới hiện không quá xấu, nhưng thế giới đã xử lý sai tình hình".
"Động cơ của chủ nghĩa khủng bố là lãnh thổ điều này thì còn phải bàn. Song, "tình hình thế giới không đến nỗi quá xấu, nhưng thế giới đã xử lý sai về nó" thì hẳn là một ý tưởng không tồi. Triết học ngày nay có vai trò gì và nhà triết học đã trốn đi đâu nếu Mahathir Mohamad nói đúng?
Quả thực, W. Mcbride đã không quá khi cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, các nhà tư tưởng sáng suất và vị tha có lẽ vì quá khiêm tốn nên đã không lên tiếng. Người có tiếng nói khả dĩ làm thay đổi được thế giới như Habermas thì lại "duy tâm thái quá đến mức đề ra một thứ đạo đức vừa không thể có được, lại vừa đi quá xa khỏi thế giới hiện thực sang thế giới trừu tượng”. Những lý thuyết "dung tục", những quyết sách vĩ mô vụ lợi trắng trợn, những cách hành xử thiếu tư duy triết học sáng suốt... vì thế có cơ hội để nảy nở.
Vậy, trong kỷ nguyên toàn cầu, triết học sẽ có bộ mặt như thế nào? Theo quan sát của chúng tôi, bức tranh triết học những năm tới đây phải chăng sẽ tiếp tục định hình theo cách nó đã thể hiện hơn một thập niên qua: trong khi tiếng nói của các nhà triết học có danh tiếng và thường được đánh giá cao trên các Tạp chí triết học hay tại các hội nghị, hội thảo quốc tế (chẳng hạn, Jurgen Habermas, Peter Kemp, Tomonobu Imamichi, Edgar Mong, Michei Vadee, Jacques Derrida...) không ảnh hưởng nhiều đến công chúng ngoài giới triết học, thì tiếng nói của các nhà lý luận kiểu như Samuel Huntington, Franeis Fukuyama, Alvin Tofler… lại có ảnh hưởng mạnh hơn đáng kể trong nhiều tầng lớp xã hội, từ các chính khách có trọng trách lớn đến sinh viên tại các Trường Đại học?
Có thể Samuel Huntington, Francis Fukuyama, Alvin Tofler... là những nhà lý luận tài ba. Song, dẫu vậy cũng vẫn cần phải xem xét nghiêm túc vai trò của dòng các sản phẩm lý luận có chất triết học nhưng lại không trình bày tư tưởng theo kiểu hàn lâm. Với các tác phẩm của S Huntington, F.Fukuyama, A.Tofler (chẳng hạn, Sự đụng độ của các nền văn minh và việc thiết lập trật tự thế giới, Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng, Làn sóng thứ ba, Cú sóc tương lai..., rõ ràng, sẽ là thiếu hụt và hẹp hòi nếu loại bỏ chúng ra khỏi phạm vi những tác phẩm triết học. Gọi đó là triết học, không có gì sai. Nhưng nếu gọi lối tiếp cận của các tác phẩm đó không phải là tiếp cận triết học, mà là tiếp cận liên ngành hay tiếp cận đa ngành thì cũng vẫn đúng. Vấn đề là ở chỗ, những tác phẩm đó được đông đảo người đọc đón nhận.
Ngày nay, những suy tư triết học của những người không làm triết học, kiểu như Thomas Friedman (nhà báo, người đã đoạt giải Pulitzer, nổi tiếng với các tác phẩm về toàn cầu hóa như Chiếc xe Lexus và cây Ôliu, Thế giới phẳng) đôi khi lại gợi mở ra những vấn đề đích thực triết học. "Thế giới phẳng” là thuật ngữ do Friedman sáng tạo ra với hàm ý là, ngày nay, toàn cầu hoá đã làm cho đời sống nhân loại không còn "lập thể" hay "stereo" như trước kia nữa. Tuy bị chê là hàm hồ, song thuật ngữ này lại khá đắt để chỉ thế giới toàn cầu hóa. Trong thế giới này, giảng đường của các Trường Đại học sẽ là mảnh đất sống còn của những dòng triết học hàn lâm - những tư tưởng kinh điển của tất cả các trường phải có uy tín, còn mạng toàn cầu là nơi trôi nổi của hầu hết những suy tư triết học thứ cấp. Nhưng càng ngày, những tư tưởng thực sự có giá trị về phương diện triết học đã xuất hiện càng nhiều trên mạng.
Tình huống của triết học trong thế giới ngày nay gần giống như tình huống trong câu chuyện ngụ ngôn về nhà thông thái và anh lái đò: trên con sông nước chảy xiết với những đợt sóng dữ dằn, khi biết anh lái đò ngốc nghếch về triết học, nhà thông thái bèn cất lời khuyên: nếu không biết triết học là gì, coi như anh đã mất nửa cuộc đời. Những tưởng anh lái đò đau khổ vì sự thất học của mình, nhưng không, anh ta vẫn yêu đời mà chọc lại nhà triết học: nếu không biết bơi, có thể ngài sẽ mất cả cuộc đời (khi cơn sóng toàn cầu hoá ập đến?).
Phải chăng cuộc sống vẫn đi về phía trước với tất cả sự vô tư của nó, còn nhà triết học thì không hiếm khi lại bi quan hơn hoặc ảo tưởng hơn về vai trò và vị thế của mình? Vẫn biết rằng, nếu thiếu hụt về triết học, người ta sẽ phải trả giá. Nhưng, trong kỷ nguyên toàn cầu mà ảo tưởng về vị thế của triết học thì cũng nguy hiểm không kém.
Nếu trong kỷ nguyên toàn cầu, thế giới ít nhiều đã "phẳng” hơn, theo đúng hình dung của Thomas Friedman, thì triết học chắc cũng không thể "tròn" như trước được nữa.
Nguồn
Hồ Sĩ Quý, Tạp chí Tia sáng
Đánh giá bài viết?