Đỗ Minh Hợp - “Cuộc cách mạng nhân học” trong triết học tôn giáo phương Tây hiện đại

Một trong các đặc điểm, hay có thể nói, đặc điểm quan trọng nhất, của triết học tôn giáo phương Tây hiện đại chính là “cuộc cách mạng nhân học” đang diễn ra trong đó. Cuộc cách mạng này đã động chạm đến lĩnh vực được coi là khó tiếp cận nhất đối với nhận thức duy lý nhưng lại là quan trọng nhất đối với nỗ lực tinh thần – lĩnh vực ý thức tôn giáo. Đây không hẳn là vấn đề thế tục hoá xã hội, nhà nước hoá và thế tục hoá giáo hội, mà là vấn đề xuyên tạc ý thức tôn giáo khi xã hội gán cho con người một quan niệm về Thiên Chúa giáo không hẳn đã phù hợp với nội dung của “Tin lành”, mà chủ yếu là phù hợp với những tín ngưỡng đã hình thành trong lịch sử của các dân tộc khác nhau, ở các giai đoạn phát triển lịch sử sơ kỳ của họ.

Đây không phải là một đề tài hoàn toàn mới đối với truyền thống tư tưởng triết học lấy con người làm trung tâm ở châu Âu(1). Bởi lẽ, chính truyền thống này đã hình thành nên một antinomia mà nội dung của bài viết này đề cập tới – antinomia giữa “cái siêu việt” và “cái nội tại” mà việc giải quyết nó tạo ra một bước ngoặt trong nhận thức về con người trên bình diện triết học. Đây là một antinomia căn bản, vì nội dung của nó cho phép phân biệt tôn giáo của con người có văn hoá với tôn giáo của con người đại chúng mà chỉ có hình thức tôn giáo thứ nhất mới cho phép khắc phục được sự bóp méo nhân cách con người.

Mặc dù có cảm tưởng là giáo lý Ba Ngôi đã loại bỏ antinomia nêu trên, nhưng điều đó chỉ mang tính hình thức, vì Đức Chúa Cha thường xuyên thể hiện như là một bản chất riêng đặc biệt, ở bên ngoài con người. Kinh nghiệm sinh hoạt đã cho con người thấy tôn giáo hàng ngày của đại chúng chủ yếu tập trung vào chính Ngôi thứ nhất này của Chúa. Từ đó, nảy sinh những đặc điểm cơ bản của đức tin – chủ yếu tập trung vào lễ nghi tôn giáo; vào nhu cầu nhận được tình thương của Chúa và sự bảo vệ hay ban thưởng ở nơi Chúa, chứ hoàn toàn không phải là vào hoạt động tinh thần có định hướng rõ ràng; vào thái độ khắc kỷ đối với những biểu hiện của lực lượng tối cao, chứ không phải là nỗ lực của cá nhân có trách nhiệm đạo đức.
Đặc điểm cơ bản của trình độ ý thức tôn giáo nêu trên là việc con người tự giải phóng khỏi việc đánh giá một cách có trách nhiệm về những hành vi của mình từ lập trường của quy tắc đạo đức và chuyển trách nhiệm này cho các thế lực quyền uy ở bên ngoài(2). Nhưng, điều quan trọng đối với con người - hạnh phúc hay bất hạnh của con người - phải là kết quả của những hành vi của bản thân con người, chứ không phải là do một lực lượng xa lạ, thần bí nào đó ban tặng cho con người; đồng thời, ý thức được rằng, những gì đang diễn ra trong thế giới (thành công hay thất bại) đều phụ thuộc vào việc mà bản thân con người có thể làm, chứ không phải vào một trò chơi xa lạ nào đó(3).

Theo đó, antinomia “siêu việt – nội tại” đã thực sự đánh mất nghĩa khởi thuỷ đối với Thiên Chúa giáo trong sinh hoạt của đại chúng - đó là cái siêu việt được khẳng định nhờ dựa vào cái nội tại. Vậy, tình hình đối với ý thức tôn giáo phi truyền thống là như thế nào? Ý thức này rõ ràng có nhu cầu lĩnh hội sự siêu việt hoá một cách không phụ thuộc vào những quan niệm về Chúa như là về Đấng Sáng thế tồn tại ở bên ngoài, độc lập với con người. R.Bulltman đã viết về điều này như sau: “Chúng ta không thể nói vì Chúa cai quản thế giới, nên Chúa là Chủ nhân của tôi; ngược lại, chỉ trong trường hợp tôi hiểu mình như là con người mà Chúa hướng vào đó trong sự tồn tại của mình, thì việc nói về Chúa như là về chủ nhân của thế giới mới có nghĩa đối với tôi… Bàn luận về Chúa bao giờ cũng là luận bàn về con người. Do vậy, đối với câu hỏi “có thể nói về Chúa như thế nào” thì cần phải trả lời là “chỉ nhờ nói về con người”(4). Như vậy, có thể nói, bản thân hành vi siêu việt hoá luôn mang tính thần bí, bởi “con người không bao giờ coi một cái gì là Chúa, nếu trong bản thân nó không có lực lượng được coi là Chúa ở bên ngoài nó”(5). Rằng, phép mầu không phải là ở chỗ có cái siêu việt, mà là ở chỗ có sự siêu việt hoá.

Nếu chấp nhận quan niệm như vậy về Chúa, thì vấn đề mà dựa vào đó, có thể làm sáng tỏ bản chất của tôn giáo phi truyền thống cần phải được trình bày nhưsau: Chúa của riêng có thể trở thành Chúa của chung như thế nào? (Berdiaev). Đương nhiên, không nên hiểu vấn đề là mỗi người đều có Chúa của riêng mình. Hơn nữa, nếu Chúa mang tính nội tại đối với con người, thì điều này có nghĩa là tồn tại của Chúa luôn mang tính lịch sử theo một nghĩa nào đó, vì sự xuất hiện của ý thức đích thực con người cũng luôn được quy định về mặt lịch đại.

Nhà triết học Đức – K.Giaxpe (1883 – 1969) đã đưa ra quan niệm về sự siêu việt hoá với tư cách một hiện tượng của lịch sử theo “thời gian trục”. Theo ông, vào “thời gian trục”, lần đầu tiên, sự phản tư của con người đã mở ra cho chính con người những bình diện sâu xa đích thực có tính người(6). Con người có thể đạt được những bình diện này là con người đặc biệt, có năng lực cải biến, là con người với tư cách đại diện của tinh thần. Như vậy, vấn đề là ở chỗ, vào “thời gian trục”, loài người do những con người riêng biệt đại diện đã trưởng thành về mặt tinh thần; họ phát hiện ra và nhận thức được Chúa trong bản thân mình. Và, con người xã hội, lần đầu tiên, có khả năng trở thành con người tinh thần, có năng lực trở thành “thánh nhân”. Theo đó, con đường “thần thánh hoá” được mở ra cho mọi người và Chúa đã không còn rời bỏ loài người. Con đường dẫn đến Chúa là con đường chung cho mọi người và tinh thần của những người đi theo con đường này sáng tạo ra cái được gọi là văn hoá nhờ quá trình khách quan hoá. Được hiểu theo nghĩa đó, văn hoá là cái giúp cho con người phát hiện ra Chúa trong bản thân mình và tạo ra những điều kiện để họ có được năng lực loại bỏ bản nguyên tự nhiên của mình vì một bản nguyên thần thánh (có nhân tính). Chính điều này đã đem lại cho con người khả năng đối thoại với Chúa. Cuộc đối thoại này diễn ra trong bản thân con người với tư cách một cuộc đối thoại giữa nhân cách và nhân cách.

Điều nói trên hoàn toàn không động chạm đến quan niệm về tính bất khả tri của Chúa, mà chỉ đề cập tới khả năng nhận thức về Chúa trong cảm xúc tôn giáo trực tiếp. Tư tưởng về sự ra đời của Chúa trong ý thức loài người không những không mâu thuẫn mà ngược lại, còn hoàn toàn phù hợp với giáo lý về bản chất Ba Ngôi của Chúa. Tư tưởng này phản ánh vào ý thức cái siêu việt mà người ta chỉ đạt tới được bằng tư duy duy lý. Điều đó có nghĩa là, Chúa được mở ra cho loài người thông qua việc một con người riêng biệt phát hiện ra Chúa trong bản thân mình. Với nghĩa này, mọi kích thích bắt nguồn từ bên ngoài (giáo dục tôn giáo có quan hệ với giáo hội thông qua việc thực hiện nghi lễ tôn giáo) đối với việc thừa nhận Chúa đều chỉ đóng vai trò là cái giá đỡ cho sự kích thích nội tâm .


Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?