Nguyễn Tiến Dũng - Gia đình: những nẻo đường gập ghềnh ở phương Tây

Kể từ thế kỷ XVII, chủ nghĩa công nghiệp ra đời ở Châu Âu đã tạo nên một môi trường công nghiệp. Môi trường công nghiệp ấy cần một môi trường xã hội tương ứng với những hình thức cơ bản mới về tổ chức xã hội. Gia đình hạt nhân, một thể chế xã hội, cùng với hai thiết chế khác là nhà trường và công ty mang đầy đủ những đặc điểm của chủ nghĩa công nghiệp.


Khi chủ nghĩa công nghiệp xuất hiện thì cũng là lúc gia đình truyền thống bị chao đảo: quyền lực phụ hệ bị tấn công, quan niệm về sở hữu thay đổi, quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng lần lượt bị vỡ tung ra. Trong nền kinh tế xã hội, nhà máy đã thế địa vị cho đồng ruộng. Để mọi người có thể tham gia sản xuất trong nhà máy, những nhiệm vụ của gia đình được chuyên môn hóa: giáo dục trẻ con được chuyển giao cho trường học, chăm sóc người già được chuyển giao cho nhà dưỡng lão. Gia đình truyền thống bị xẻ nhỏ, chỉ còn một hạt nhân gồm cha mẹ và con cái. Cái đình trở nên gọn nhẹ, cơ động đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của sản xuất cơ giới. Gia đình hạt nhân trở thành mô hình hiện đại, được coi là chuẩn mực về thẩm mỹ, đạo đức và được khắp hành tinh thừa nhận vì cấu trúc của nó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu sản xuất hàng loạt, với giá trị và lối sống đã được phổ biến rộng rãi, với một loại quyền lực đẳng cấp và quan liêu, với sự phân công rõ ràng giữa cuộc sống làm việc. Nhưng, bước sang thế kỷ XX này, chủ nghĩa công nghiệp đã sa vào khủng hoảng mà cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930 là một dấu hiệu. Các thiết chế xã hội, trong đó có gia đình, trở nên rệu rạo đến sụp đổ, báo hiệu rằng một môi trường xã hội khác phải được thay thế.

Gia đình hạt nhân được mấy thế kỷ lý tưởng hóa đã bị thách thức lớn. Người ta đau khổ, than vãn về sự biến mất bộ mặt đoan trang đến linh thiêng của nó. Không chỉ luyến tiếc mà họ còn không ngần ngại dùng cả biện pháp chính trị và kinh tế hòng cứu nguy cho gia đình hạt nhân. Họ cố công duy trì công nghệ cũ, dè dặt với computer, để tiếp tục kiểu sản xuất hàng loạt phù hợp với gia đình hạt nhân. Họ phong tỏa sự gia tăng khu vực dịch vụ trong kinh tế vì nó sẽ dẫn đến sự xa lìa gia đình hạt nhân và thực hiện quy trình năng lượng tập trung cao hơn nữa, vì gia đình hạt nhân phù hợp với xã hội tập trung hơn là xã hội phân tán, tích cực hạn chế các loại thông tin phi đại chúng hóa, bởi gia đình hạt nhân chỉ hoạt động tốt ở nơi có sự nhất trí quốc gia về thông tin và giá trị chứ không ở xã hội dựa trên sự đa dạng. Lớn tiếng yêu cầu phụ nữ quay về với bếp núc, giảm lương thanh niên để tuổi trẻ không thoát ra khỏi sự kiểm soát của gia đình. Người ta cấm việc ngừa thai và cấm nghiên cứu sinh học sinh sản, vì những việc đó làm cho phụ nữ độc lập với sự ràng buộc của hạt nhân.Cuối cùng đến mức người ta muốn giảm mức sống ở trình độ xã hội công nghiệp bởi vì gia đình hạt nhân chỉ tồn tại trong xã hội chưa dư thừa... Tất cả mọi viên gạch tạo nên thành lũy bảo thủ đó cư rã rời từng mảnh và gia đình phi hạt nhân bất chấp tất cả, cứ mở đường đi lên.

Trước làn sóng vỡ bờ của gia đình cổ điển, một cuộc khung hoảng tinh thần về gia đình đã xảy ra. Gia đình vẫn được coi là “bộ giảm sóc khổng lồ” giờ đây bị những “bộ giảm sóc” khác tấn công. Người bị quan cho rằng thế là hết gia đình, gia đình đi vào cõi lãng quên. Người lạc quan thì cho rằng gia đình vĩnh viễn tồn tại, hơn nữa nó còn đi vào “thời đại hoàng kim” bởi vì giải trí trong xã hội tăng thì thời gian dành cho gia đình cũng tăng theo. Một quan điểm không hoàn toàn bi quan hoặc lạc quan mà là “biết điều” ở chỗ cho rằng xã hội “duy lý hóa” nào cũng vừa bị gò bó, vừa là rối loạn, cho nên con người càng cần có chỗ trú chân là gia đình, càng cần có một cấu trúc ổn định. Gia đình là “gốc rễ di chuyển” của mọi người để chống lại mọi bão tố của sự thay đổi. Tóm lại, xã hội càng nhanh, càng mới, càng tạm thời, thì gia đình càng cần để giảm các cơn sốc kinh người đang rình rập.

A.Toffler cho rằng, khi làn sóng thứ ba tràn qua xã hội thì cùng với hêk thống sản xuất và hệ thống thông tin thành phi đại chúng hóa, cấu trúc gia đình trở nên đa dạng cho nên không hình thức gia đình nào trị vì được lâu. Hình thức gia đình hạt nhân gắn với một phương thức sản xuất lấy nhà máy và văn phòng làm cơ sở. Trong xã hội hâu công nghiệp, công việc được dịch chuyển về nhà của gia đình. Người ta gọi là “ngôi nhà điện tử”. Để sản xuất, xã hội không lấy nhà máy, xí nghiệp mà lấy nhà làm trung tâm. Sự dịch chuyển hình thức sản xuất trên biến đổi cấu trúc gia đình từ tính hạt nhân sang tính phi hạt nhân, đồng thời làm biến đổi các mối quan hệ trong gia đình từ “lạnh”, từ ít quan hệ sang “nóng” tức sang nhiều, sang tính phức tạp của các mối quan hệ ấy. Các dạng gia đình phi hạt nhân hiện nay ở phương Tây sặc sỡ nhiều màu, tuy vậy cũng có thể chia thành các loại như:

Gia đình độc thân: 1/5 dân số Mỹ thuộc các gia đình độc thân. Người ta lựa chọn có ý thức về kiểu gia đình này. Cũng có người đã có vợ, có chồng những cũng chọn cách sống ấy cho khác đời. Có cả một dịch vụ và sản phẩm dịch vụ cho khối lượng lớn của những gia đình độc thân. Trong hình thức gia đình độc thân lại có dạng độc thân mà có con. Kỹ thuật sinh đẻ mới ra đời đã dẫn đến những gia đình độc thân có con. Khả năng chọn giống một đứa trẻ, chương trình hóa chỉ số thông minh (IQ), hình thức và cả cá tính của đứa trẻ, tất thảy đều là khả năng có thực của con người. Cấy phôi, trẻ con có mẹ thế, mẹ mang trẻ con nuôi trong ống nghiệm, khả năng uống thuốc sinh đôi, sinh ba v.v... tất cả đều vượt qua kinh nghiệm sinh sản vốn có của loài người. Không ít người cho rằng những vấn đề rùng rợn như ác mộng đang được đặt ra: về đạo đức, con người có còn tình mẫu tử, phụ tử nữa không? Ngoài “cha mẹ sinh học” còn “cha mẹ chuyên nghiệp”, phận làm con phải sao đây? Về pháp lý, phôi có thể mua bán như các món hàng khác, phải chăng đó là hình thức mới về nô lệ ở kỷ nguyên kỹ thuật cao này?


Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?