Khái niệm nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
Cũng như mọi hiện tượng xã hội khác, văn hóa luôn trong quá trình phát triển và có sự biến đổi không ngừng theo qui luật vận động, phát triển từ thấp đến cao. Sự thay đổi từ một nền văn hóa này bằng một nền văn hóa khác luôn diễn ra và là một hiện tượng thường xuyên trong lịch sử xã hội. Sự ra đời của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là một tất yếu trong quá trình phát triển của lịch sử.
Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là sự phát triển tự nhiên, hợp qui luật khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời và phương thức sản xuất mới xã hội chủ nghĩa đã hình thành. Theo Lênin, “văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản phát minh ra. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp qui luật của tổng số những kiến thức mà loài người tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu”.
Chế độ mới xã hội chủ nghĩa được xác lập với hai tiền đề quan trọng là tiền đề chính trị ( sau khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền ) và tiền đề kinh tế ( chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất chủ yếu được thiết lập ). Từ hai tiền đề chính trị và kinh tế đó, tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực đời sống tinh thần và nền văn hóa vô sản hay còn gọi là nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa được xây dựng.
Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là nền văn hóa được xây dựng và phát triển trên nền tảng hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, do Đảng cộng sản lãnh đạo nhằm thỏa mãn nhu cầu không ngừng tăng lên về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đưa nhân dân lao động trở thành chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa… chính vì vậy, Lênin đã khẳng định sự thay thế nền văn hóa tư sản bằng nền văn hóa vô sản là một sự thay đổi lớn về tư tưởng, “lịch sử tư tưởng là lịch sử của quá trình thay thế của tư tưởng, do đó là lịch sử của đấu tranh tư tưởng”
Đánh giá bài viết?