Những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết vấn đề dân tộc

Cùng với vấn đề giai cấp, vấn đề dân tộc luôn luôn là một nội dung quan trọng có ý nghĩa chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giải quyết vấn đề dân tộc là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự ổn định, phát triển hay khủng hoảng, tan rã của một quốc gia dân tộc.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, vấn đề dân tộc là một bộ phận của những vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Do đó, giải quyết vấn đề dân tộc phải gắn với cách mạng vô sản và trên cơ sở của cách mạng xã hội chủ nghĩa. chủ nghĩa Mác-Lênin cũng nhấn mạnh rằng, khi xem xét và giải quyết vấn đề dân tộc phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân. Điều đó có nghĩa là phải trên cơ sở và vì lợi ích cơ bản lâu dài của dân tộc.

Giải quyết vấn đề dân tộc, thực chất là xác lập quan hệ công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc trong một quốc gia, giữa các quốc gia dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ngôn ngữ.

Trên cơ sở tư tưởng của Mác, Ăngghen về vấn đề dân tộc và giai cấp; cùng với sự phân tích hai xu hướng của quá trình dân tộc, Lêninđã nêu ra “cương lĩnh dân tộc” với ba nội dung cơ bản: các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại. Đây được coi là cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin, của Đảng Cộng sản.

Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin là một bộ phận không thể tách rời trong cương lĩnh cách mạng của giai cấp công nhân, là tuyên ngôn về vấn đề dân tộc của Đảng Cộng sản trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc. cương lĩnh đã trở thành cơ sở lý luận cho chủ trương, đường lối và chính sách dân tộc của các Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa.

- Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng.
Đây là quyền thiêng liêng của các dân tộc. Tất cả các dân tộc, dù đông hay ít người, có trình độ phát triển cao hay thấp đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, không có đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngôn ngữ cho bất cứ dân tộc nào.

Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc phải được pháp luật bảo vệ và trong thực tế phải được thực hiện, trong đó việc khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc do lịch sử để lại có ý nghĩa cơ bản.

Trong quan hệ giữa các quốc gia – dân tộc, quyền bình đăng dân tộc gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa sôvanh nước lớn, chống sự áp bức, bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước lạc hậu, chậm phát triển về kinh tế. Mọi quốc gia đều bình đẳng trong quan hệ quốc tế.


- Các dân tộc được quyền tự quyết.
Về thực chất, quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc, quyền tự quyết định con đường phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của dân tộc mình. Quyền dân tộc tự quyết bao gồm quyền tự do phân lập thành cộng đồng quốc gia dân tộc độc lập ( vì lợi ích của các dân tộc, chư không phải vì mưu đồ và lợi ích của một nhóm người nào ) và quyền tự nguyện liên hiệp lại với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng.

Khi xem xét giải quyết quyền tự quyết của dân tộc cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân: ủng hộ các phong trào tiến bộ, kiên quyết đấu tranh chống lại những mưu toan lợi dụng quyền dân tộc tự quyết làm chiêu bài để can thiệp vào công việc nội bộ các nước, đòi ly khai chia rẽ dân tộc.

- Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc.
Đây là tư tưởng, nội dung cơ bản trong cương lĩnh dân tộc của Lênin. Tư tưởng này là sự thể hiện bản chất quốc tế của giai cấp công nhân, phong trào công nhân và phản ánh tính thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp.

Đoàn kết giai cấp công nhân các dân tộc có ý nghĩa lớn lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nó có vai trò quyết định đến việc xem xét, thực hiện quyền bình đẳng dân tộc và quyền dân tộc tự quyết. Đồng thời, đây cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh đảm bảo cho thắng lợi của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.


Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?