Chủ nghĩa duy vật của Francis Bacon

Học thuyết “hai chân lý” và mối liên hệ của nó với thần học là hiện tượng khá phổ biến vào thế kỷ XVI - XVII. Tuy nhiên ở Bacon việc thừa nhận hai chân lý và xem Thượng đế là đối tượng triết học chỉ có thể giải thích từ quan điểm lịch sử cụ thể. Vào thời Bacon tôn giáo là hình thức sinh hoạt phổ biến, chi phối các lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, chíhn trị của xã hội với những mức độ khác nhau. Vấn đề là ở chỗ trong bối cẢnh chung đó Bacon đã tự vượt lên, thể hiện mình như một nhà cách tân khoa học, người sáng lập chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh như thế nào.

Chủ nghĩa duy vật của Bacon tập trung chủ yếu trong triết học tự nhiên. Bacon đánh giá cao chủ nghĩa duy vật tự phát cổ đại, nhất là nguyên tử luận Leuccippos và Democritos, là học thuyết xem các nguyên tử - những phần tử bé nhất, không phân chia - như bản nguyên thế giới. Tính vật chất của bản nguyên thế giới, được khẳng định trong triết học tự nhiên Hy lạp cổ đại, từ Thales đến Epicuros, theo Bacon, là bước đi đầu tiên trong công cuộc khám phá cõi bí hiểm của tự nhiên (xem F. Bacon, tác phẩm, t. 1, Moscou, Tư tưởng, 1977, tr. 181).

Điểm xuất phát trong triết học tự nhiên của Bacon là quan niệm về nguồn gốc vật chất của sự hình thành vũ trụ. Theo Bacon, ngay từ trong thần thoại đã xuất hiện mầm mống của cách hiểu như thế dưới những suy luận về cái vô hạn, bất định, bất phân, hay hỗn mang (chaos). Song ông lưu ý rằng, hỗn mang không phải là thứ vật chất phi hình thức, mà là vật chất đã định hình, đã được tổ chức ở trình độ thấp, từ trạng thái vô định của thế giới. Các nhà nguyên tử luận trên cơ sở đúc kết các khám phá về tự nhiên đã trừu tượng hoá chúng bằng khái niệm nguyên tử, và từ sự suy tưởng về vận động của các nguyên tử mà đưa ra nguyên tắc tính nhân quả và tính tất yếu. Dù tuyên bố mình là người đi theo Democritos, Bacon không vì thế mà chịu Ảnh hưởng của chủ nghĩa máy móc triệt để, là đặc điểm phổ biến của triết học châu Au thế kỷ XVII - XVIII. Bacon khác xa T. Hobbes và R. Descartes ở điểm này.

Cũng như các nhà duy vật cổ đại, Bacon khẳng định tính vĩnh cữu và tính vô hạn của vật chất đang vận động, trong đó diễn ra sự đấu tranh của các lực đối lập, chẳng hạn giữa “bất hoà” và “hoà giải”, phân rã và liên kết. v. . v. . Bacon tán thành quan điểm của Heraclitos về thế giới như quá trình trải qua sinh thành, phát triển và diệt vong.

Quan niệm về nguồn gốc vật chất của sự hình thành thế giới ở Bacon gắn với quan niệm về tính thứ nhất và tính tích cực nội tại của vật chất. Vật chất, theo Bacon, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là cái tự thân tồn tại, không chịu sự chi phối của bất kỳ nguyên nhân nào khác. Cách hiểu như thế ã phần nào khắc phục chủ nghĩa máy móc trong lý luận nhân quả, quan hệ tất nhiên - ngẫu nhiên. Chủ nghĩa máy móc xem xét sự vận động của sự vật ở bình diện lực hút - lực đẩy đơn giản, do đó không tránh khỏi rơi vào vòng luẩn quẩn của “cú hích của Thượng đế” khi giải thích nguyên nhân vận động của toàn thể vũ trụ. Bacon nhậnt hấy rằng, chuỗi nguyên hnân trong tự nhiên, xuất phát từ cái riêng đến cái chung, được hoàn thiện ở khái nhiệm “nguyên nhân vật chất” phổ quát ban đầu.

Bacon không đưa ra định nghĩa vật chất; ông làm sáng tỏ khái niệm vât chất trong mối liên hệ và sự tác động lẫn nhau giữa các hiện tượng vật chất, giữa vật chất với vận động và hình thức, nghĩa là dựa một phần vào học thuyết của Aristoteles về bốn nguyên nhân, song loại bỏ những yếu tố duy tâm và mục đích luận. Khái niệm “hình thức” được lý giải khá đa dạng: bản chất sự vật, nguyên nhân và nguồn gốc bên trong, cái xác định hay phân biệt các sự vật, tính quy luật vận động thuần túy của vật chất. Song ở cách lý giải nào hình thức vẫn là cái mang tính vật chất, tính khách quan. Bacon phân biệt hình thức của các sự vật cụ thể (thực thể) và hình thức của các thuộc tính đơn giản, hay của cái bản chất.

Trong khi đánh giá cao lập trường của các nhà duy vật cổ đại Bacon nhận thấy hạn chế cơ bản của họ ở sự đồng nhất bản nguyên thế giới với các yếu tố vật chất cụ thể - cảm tính, đồng thời chỉ ra sự cần thiết khái quát hóa vấn đề bản nguyên, nhằm nêu bật tính phổ biến và tính không thể hủy diệt của vật chất. “Vật chất trừu tượng” như kết quả của lý trí con người được Bacon phân tích từ lập trường duy vật, phê phán sự tách rời “ý niệm” khỏi cơ sở trần tục, hiện thực, do phái Platon chủ trương. Ong cũng phê phán cách hiểu sai lầm của phái Aristoteles về “vật chất thụ động”, hay “vật chất trong khả năng”, tiềm thể. Theo Bacon, “vật chất trừu tượng” chỉ tỏ ra hợp lý như ý niệm mà nhờ đó chúng ta có thể bao quát một cách có ý thức và xác định bản tính của các sự vật hiện thực. Vật chất trừu tượng và thiếu tính tích cực không nên xem như bản nguyên, bởi lẽ không thể xác lập các sự bật hiện thực từ các sự vật do tưởng tượng mà ra.

Bacon là một trong những nhà triết học đầu tiên khẳng định nguyên lý về tính không thể bị hủy diệt của vật chất. Theo ông, tổng số vật chất là vĩnh cửu, không tăng không giảm, nhờ đó vật chất được bảo toàn cả về lượng lẫn về chất, thông qua sự đa dạng các hình thức tồn tại và phát triển của các vật thể. Quan niệm về tính không thể bị hủy diệt của vật chất tạo nên sự kết nối tư tưởng giữa Bacon với nguyên tử luận Lecippos - Democritos và Epicuros; sự kết nối ấy cho thấy một quá trình lâu dài của nhận thức đi từ suy tưởng đơn giản đến khoa học tự nhiên thực nghiệm, trong đó sự suy tưởng được thay bằng các minh chứng kha học thực sự. Bacon không dừng lại ở tư duy trực quan - suy tưởng chấc phác về vận động của các nguyên tử, mà làm sáng tỏ tính tích cực nội tại của chúng thông qua công cụ khoa học, thông qua thực nghiệm, thí nghiệm. Bacon cũng vạch ra sự mâu thuẫn của nguyên tử luận, thể hiện ở việc thừa nhận hư không với tính cách là cái không tồn tại và sự liên kết thuần tuý bên ngoài của các nguyên tử, sự hợp nhất hay phân rã về lượng của chúng. Ong cho rằng, cách tiếp cận tương tự sẽ mở đường cho quan niệm máy móc về vận động như sự chuyển dịch, sự thay thế vị trí của các vật thể trong không gian.

Bacon liên kết quan điểm về tính không bị hủy diệt của vật chất với quan điểm về sinh thành và phát triển phổ biến trong tự nhiên, mặc dù ông chỉ trình bày chúng ở những nét sơ khởi, chưa đầy đủ. Theo ông, quy luật và trật tự của các biến đổi là thường xuyên và vĩnh cửu, nhưng bản chất thì không thường xuyên và khả biến. Trong thế giới không có cái gì bất biến, mọi thứ đều “trải qua”, tổng thể vũ trụ là cái toàn thể vận động. Có thể nhận thấy ở đây nguyên tắc “vạn vật biến dịch” của Heraclitos. Tuy nhiên nhà triết học cổ đại Hy Lạp không chỉ ra tính tương đối của đứng im, do đó đã bị trường phái Elea phê phán, và thay nguyên tắc “vạn vật biến dịch” bằng nguyên tắc “vạn vật bất biến” và “vạn vật đồng nhất thể”, với 40 luận chứng bác bỏ vận động. Khắc phục khiếm khuyết này, Bacon một mặt thừa nhận vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất, mang tính phổ biến, nghĩa là bao quát toàn bộ sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất, kể cả đời sống xã hội; mặt khác, xem đứng im như mặt đối lập của vận động, thậm chí là một dạng vận động đặc biệt, “vận động của nghỉ ngơi”. Vận động tuyệt đối, đứng im tương đối - quan điểm đó, nếu được triển khai và phân tích sâu sắc thêm, sẽ trở thành quan điểm biện chứng thực sự về vận động.

Bacon đặt ra nhiệm vụ của khoa học là tìm hiểu các quy luật của tự nhiên, hay các “hình thức”, thể hiện tính thống nhất và đa dạng của các sự vật, hiện tượng. Hiểu được các ‘hình thức ‘ nghĩa là có được cái cẩm nang để thâm nhập vào giới tự nhiên, khám phá những đặc tính bản chất của nó trong các sự vật. Giới tự nhiên đa dạng và luôn phân chia ấy được Bacon hình dung như hình chóp nhọn, xuất phát từ các hiện tượng đơn nhất, thông qua tiểu loại và chủng loại đến cái chung nhất, từ nấc thang thấp đến sự thống nhất cao hơn (xem Bacon, toàn tập, t. 1, M, 1971, tr. 192). Bacon đôi khi còn sử dụng yếu tố nhân hình hoá để giải thích nguồn gốc của tự vận động trong tự nhiên, chẳng hạn xem nguồn gốc của vận động trong vật thể cảm tính là tinh thần. Tuy nhiên đối với Bacon tinh thần, cũng như hình thức, lại có tính vật thể, cố hữu ở tính tích cực nội tại của nó, đồng nghĩa với “vật thể tự nhiên”. Lối lý giải lạ lùng này chứng tỏ sự lúng túng của Bacon trong quan điểm tự nhiên, nhưng cũng cho thấy nỗ lực của ông muốn vượt qua thần học chính thống và nhị nguyên luận kiểu Descartes sau này. Trong triết học tự nhiên Bacon đến gần với quan niệm về sự chuyển hoá từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất. , khi nhấn mạnh khả năng của con người nhận thức về tính thống nhất lẫn tính đa dạng của các sự vật, hiện tượng, sự chuyển hóa của mọi cái đang tồn tại từ tính đa dạng đến sự thống nhất và từ tính thống nhất đến tính đa dạng.

 Vận động của các vật thể, theo Bacon, cũng phức tạp như chính vật thể. Thế giới vật chất hàm chứa nhiều chất; vật chất có thể đông đặc hay lỏng nóng hay lạnh, nặng hay nhẹ, khô hay ẩm, đơn giản hay phức tạp, cảm tính hay phi cảm tính, thậm chí hợp lý hay bất hợp lý, …Rõ ràng cách hiểu như thế về đa dạng các hình thức vận động của vật chất còn mang tính ấu trĩ, và chưa vượt ra khỏi phương phpá tư duy siêu hình. Song mặt tích trong việc phân loại vận động của Bacon là ở chỗ, bằng cách đó ông muốn khắc phục sự suy diễn thuần túu lôgíc và tư biện của Aristoteles trong quan điểm vận động thông qua các phạm trù phổ biến như xuất hiện, trải qua, tăng, giảm, biến đổi, luân chuyển, có thể áp dụng cho mọi hình thức vận động, mà không tính đấn đặc thù của từng chủng loại sự vật. Trong cách phân loại vận động của mình Bacon chú ý trước tiên đến các hình thức vận động đã được khoa học tự nhiên nghiên cứu, trong đó có vận động tự quay của các hành tinh, vận động từ tính và trường hấp dẫn (gravitation), vận động chống lại áp lực, vận động nhiệt, vận động ánh sáng, vận động xung động, vận động mô tả, vận động sản sinh, vận động theo hương tập hợp quy mô lớn, vận động theo hướng tập hợp quy mơ nhỏ, vận động tỉnh tại, hay đứng im, vận động vượt thoát…Bacon liệt kê khoảng trên 20 hình thức vận động, song theo ông, trên thực tế số lượng vận động là vô hạn. Tinh vô hạn ấy của vận động chứng mính tính đa chất trong tự nhiên. Bên cạnh các chất sắn có trong tự nhiên, con người tạo ra những chất mới, phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình. Bacon hpê phán quan điểm máy móc, tức quan điểm quy giản các chất về cái gọi là những “chất có trước”, hay những chất nền tảng đầu tiên. Thế giới đa chất, không có chất nào là đơn giản - tuyên bố đó của Bacon mở đường cho quá trình tìm hiểu tự nhiên như chỉnh thể thống nhất trong tính đa dạng. Mối liên hệ giữa các chất được thực hiện bằng con đường chuyển hoá lẫn nhau của các vật thể trên cơ sở “vận động phổ quát (xem Bacon, tác phẩm, t. 1, M, 1971, tr. 192 - 195). Các vật thể trong tự nhiên không bị huỷ diệt, mà chuyển hoá. Quá trình này được bacon phân tích trong nhóm các phạm trù lượng - chất - độ, trong đó độ là “liều lượng của tự nhiên”, nó chỉ ra giới hạn và khả năng chuyển hoá của các sự vật, sự tổng hợp chất và lượng diễn ra như thế nào.

Tóm lại, thông qua triết học tự nhiên, Bacon thể hiện mình như một nhà duy vật, hơn nữa, là cha đẻ của chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh thế kỷ XVII. Điều này cũng có nghĩa là chủ nghĩa duy vật Bacon gắn liền với phương pháp luận của ông, đồng thời chứa đựng một số yếu biện chứng theo cách hiểu hiện đại. Để có được những yếu tố tích cực đó Bacon biết cách kế thừa có chọn lọc tư tưởng cổ đại, nhất là chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng tự phát. Ngay cả khi phê phán tam đoạn luận Aristotelesvà “nền quân chủ khoa học” do triết học kinh viện tạo ra, dựa vào uy quyền Aristoteles, Bacon vẫn dành cho nhà triết học này sự đánh giá trân trọng, nhất là ở cách tiếp cận về quá trình nhận thức và nội dung tri thức. Các yếu tố biện chứng trong thế giới quan của Bacon phản ánh khát vọng cách mạng của một bộ phận tầng lớp xã hội vào đêm trước cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII, những biến đổi to lớn trong hoạt động thực tiễn và trong khoa học, mà Bacon là nhân chứng lịch sử. Tuy nhiên, xét chung cuộc, Bacon, cũng như J. Locke sau này, là những nhà tư tưởng đã chuyển phương pháp tư duy siêu hình từ khoa học tự nhiên sang triết học, khi đòi hỏi tìm hiểu các sự vật đơn nhất, cụ thể, nhưng lại không vạch ra bằng cách nào các sự vật ấy nằm trong mối liên hệ, tác động lẫn nhau, chế ước nhau, chuyển hoá vào nhau. Vì thế những yếu tố biện chứng ở Bacon vẫn chỉ dừng lại dưới hình thức “dự báo thiên tài”. Ngoài ra, cần thấy rằng, vào thời Bacon thuật ngữ “phép biện chứng”vẫn còn được hiểu theo nghĩa truyền thống, do người Hy lạp khởi xướng. Trong hệ thống khoa học “phép biện chứng” là đối tượng của lôgíc học và tu từ học, các yếu tố cần thiết của khoa học nhân văn như triết học và luật học. Bacon quy phép biện chứng về nghệ thuật thông báo, truyền dẫn tin tức và xác lập luận cứ. Tiếp theo phép quy nạp (hay phép biện chứng) của Platon, Bacon xác định nhiệm vụ của “phép biện chứng” là khám phá hình thức của phép chứng minh nhằm tránh cho lý trí những sai lầm ngẫu nhiên. Phải đến thế kỷ XIX phép biện chứng theo cách hiểu hiện đại mới hình thành.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?