Chủ nghĩa cá nhân Mỹ

Nói tới nước Mỹ, người ta không thể quên được một nét đặc thù thuộc nhân cách của người Mỹ và đã trở thành một truyền thống sâu bền trong nền văn hóa Mỹ, đó là chủ nghĩa cá nhân. Ngay trong những năm đầu thế kỷ XIX, Alexis de Tocqueville (1805-1859) trong cuốn Nền dân chủ ở Mỹ, đã phát hiện ra cái “căn cước” đặc sắc đó của người Mỹ sau nhiều năm tháng “đi thực tế”. Ông dùng hình ảnh ẩn dụ “mệnh lệnh của trái tim” để nói về chủ nghĩa cá nhân Mỹ với một tấm lòng vừa khâm phục, vừa hoảng sợ.

Không chỉ có “phục” và “sợ” như nhà xã hội học Pháp, mà còn “lạ” bởi vì bên cạnh chủ nghĩa cá nhân, người ta còn bắt gặp trong nhân cách của người Mỹ một “ký ức công xã” hay là ký ức về “chủ nghĩa cộng đồng” đã nằm sâu trong truyền thống của nước Mỹ. Bộ phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên của Mỹ trước đây trên màn ảnh nhỏ đã thu hút sự chú ý của người xem Việt Nam về chủ nghĩa cá nhân và về sự hồi cố chủ nghĩa cộng đồng của người Mỹ.

Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng là một thể thống nhất, đồng thời lại là “khối mâu thuẫn”, một mớ nghịch lý. Người mang tư duy siêu hình say mê chuyên quyền thường thích cái gì là “nguyên khôi”, là “trong suốt”, trong khi biện chứng của tự nhiên cứ bướng bỉnh diễn ra như là mâu thuẫn quyết định sự phát triển của sự vật.

Bằng con mắt biện chứng, chúng ta thử tìm hiểu chủ nghĩa cá nhân Mỹ.

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?