Vấn đề tiến bộ xã hội qua hình ảnh “Tôn giáo không có Chúa”, hay “Tôn giáo của tình yêu” trong triết học Feuerbach

Tác phẩm “Bản chất Kytô giáo” (1841) của Feuerbach đưa thế giới tôn giáo về cơ sở trần tục, bản chất tôn giáo về bản chất con người. Phân tích nguồn gốc tâm ly của tôn giáo, Feuerbach cho rằng cảm giác phụ thuộc của con người tạo nên cơ sở của tôn giáo. Tôn giáo là hình thức sinh hoạt tinh thân phổ biến đối với nhiều dân tộc, là liệu pháp tinh thần giúp con người tạm vơi bớt đi những nỗi đau thân xác và sự dằn vặt tinh thần. Chúa. hay Thượng đếđược tưởng tượng ra trong khổ đau và bất hạnh của đời sống con người, là khát vọng hoàn thiện của con người, nói cách khác, Thượng đế là cái mà con người muốn trơ thành, là nhân cách đã thần thánh hóa. Nguồn gốc tâm lý của tôn giáo là ở chỗ, con người càng tha hóa khỏi giới tự nhiên thì thế giới tinh thần của họ càng trở nên chủ quan và đối lập với giới tự nhiên, còn bản thân họ ngày càng sợ hãi, cường điệu các sức mạnh mù quángcủa tự nhiên, khiến cho nó trở nên huyền bí, khó hiểu. 


Feuerbach vạch ra ba điểm cần phê phán của tôn giáo(trong trường hợp này là Kytô giáo): một là, tôn giáo trái với khoa học, niềm tin tôn giáo trái với lý trí. Ngay cả vào thời kỳ tiến bộ và cải cách nhất của mình, tôn giáo cũng vẫn tỏ thái độ thiếu thiện cảm với tri thức khoa học. Ta cần phải chọn một trong hai - hoặc hy sinh tri thức khoa học để củng cố đức tin, hoặc đấu tranh vì sự chiến thắng của tri thức khoa học. Feuerbach không thừa nhận quan điểm “hai chân lý”(chân lý khoa học và chân lý thần học), vốn khá phổ biến trong thời gian dài ở quảng đại quần chúng lẫn giới trí thức Tây Âu. Hai là, sự chia cắt thế giới hiện thực ra hai thế giới, đảo lộn thực chất của chúng (thực biến thành ảo, ảo biến thành thực ) đã dẫn đến sự tha hóa ý thức, làm cho con người bị mất phương hướng trong họat động sống, bị lạc lối. Thần học tha hóa con người, tôn giáo thủ tiêu ý chí sáng tạo của cá nhân. Ba là, về mặt lịch sử, không ít lần sinh họat tôn giáo bị lợi dụng nhằm phục vụ cho quá trình nô dịch con người. Trong trường hợp đó cái ác chẳng những không bị trừng phạt, mà còn được hợp pháp hóa nhân danh giáo lý. 

Để khắc phục tôn giáo, theo Feuerbach, trước hết cần phân biệt “tình yêu chân chính” với tình yêu Thượng đế, thứ tình yêu mang tính biểu tượng, hình thức, thay nó bằng tình yêu con người. Tình yêu tự nó không cần đến tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ nó xuất phát từ bản chất con người. Vạch ra những mặt trái của tôn giáo, cụ thể là Kytô giáo, Feuerbach hướng đến “tôn giáo không có Chúa”, tôn giáo của tình yêu vĩnh cửu theo nguyên lý con người với con người là Chúa. Tôn giáo mới là tôn giáo của tinh thần nhân văn, tôn trọng con người, là biểu hiện đặc trưng của tiến bộ xã hội, nơi mỗi cá nhân tìm thấy mình trong sinh hoạt cộng đồng mang ý nghĩa thiêng liêng. 

Như vậy trong quan điểm tôn giáo Feuerbach không đặt vấn đề thủ tiêu, xóa bỏ tôn giáo, mà chủ trương thay thế hình thức sinh hoạt tôn giáo này bằng hình thức sinh hoạt tôn giáo khác. Feuerbach đến gần với cách tiếp cận giá trị về tôn giáo, nhưng chưa làm sáng tỏ cơ sở xã hội của nó, chưa nắm bắt tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội, mặc dầu sống trong thời đại đầy biến động. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?