Triết học cổ điển Đức - Những nội dung cơ bản nhất

1. Triết học cổ điển Đức là đỉnh cao của triết học Tây Âu ở ngưỡng cửa của thế giới hiện đại. Trước hết các đại biểu của nó, bắt đầu từ Kant, đã mở đột phá khẩu vào cách hiểu nghiêm túc, nhưng siêu hình của thời đại trước về bức tranh của thế giới. Sự phân cực đơn giản “khoa học - không khoa học”, ‘đúng - sai”, “động - tĩnh”…đã không còn phù hợp trước đòi hỏi thâm nhập vào những mối liên hệ có chiều sâu, bên trong sự vật. Phương pháp biện chứng, dù còn sơ lược và mang tính chyển tiếp như ở Kant,hay thiên về chủ thể tính tương liên như ở Fichte, đã cố gắng đem đến lời giải thích đúng đắn đối với các sự vật, hiện tượng, quá trình trong thế giới. Hegel, tên tuổi kiệt xuất nhất của triết học cổ điển Đức, phát triển phép biện chứng từ tự phát thành tự giác, từ tản mạn thành hệ thống, đem đến cách hiểu hiện đại về phép biện chứng, vượt qua khuôn khổ chủ quan của “nghệ thuật đối thoại”, xuất phát từ người Hy Lạp. Phép biện chứng duy tâm Đức là hình thức lịch sử thứ hai của phép biện chứng, đồng thời là một trong những nguồn gốc lý luận cơ bản của triết học mác-xít. 

2. Đóng góp đáng kể của triết học cổ điển Đức vào lý luận nhận thức thể hiện ở chỗ họ không chỉ tiếp tục truyền thống đề cao vai trò của tư duy lý tính, mà còn khắc phục cả chủ nghĩa duy lý lẫn chủ nghĩa duy nghiệm trong triết học thế kỷ XVII- XVIII, tìm hiểu một cách biện chứng quá trình nhận thức, phát thảo những cơ sở đầu tiên của học thuyết về chân lý. Tuy nhiên việc đề cao tuyệt đối vai trò của tinh thần, ý thức, sự cường điệu một mặt, một khía cạnh của quá trình nhận thức, làm nảy sinh các phương án khác nhau của chủ nghĩa duy tâm và thần bí, mà điển hình là chủ nghĩa duy tâm Fichte (duy tâm chủ quan), chủ nghĩa duy tâm Hegel (duy tâm khách quan ),khuynh hướng thần bí, phi lý tính thời kỳ cuối của Schelling. Tính chất phức tạp của đời sống xã hội,sự chậm phát triển của hiện thực tại Đức cũng tạo điều kiện cho yếu tố bất khả tri và tính chất nước đôi, thiếu nhất quán xuất hiện trong một số hệ thống triết học, từ Kant đến Hegel. 


3. Trong triết học xã hội các đại diện của triết học cổ điển Đức một mặt kế thừa truyền thống nhân văn, khai sáng trong lịch sử, nhất là tư tưởng Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, mặt khác đào sâu nhiều vấn đề mà vào thời đại trước chưa đặt ra, hoặc chưa được phân tích sâu sắc, như các lĩnh vực triết học văn hóa, triết học lịch sử, và các tri thức khoa học nhân văn khác. 

4. Feuerbach, đại biểu cuối cùng của triết học cổ điển Đức,đã đem đến sự kết thúc vinh quang cho tòan bộ nền triết học tư sản cổ điển. Quan niệm về triết học như “khoa học của các khoa học”đã đạt tới điểm hoàn mỹ của nó trong hệ thống Hegel, đồng thời dự báo cách hiểu hiện đại về triết học. Sau họ, triết học phương Tây chuyển sang khúc quanh khác, theo xu hướng “phi cổ điển”, xu hướng phổ biến trong điều kiện mới. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?