Giai đoạn Lênin trong sự phát triển của triết học mácxít

1. Một số đặc điểm của giai đoạn Lênin 
Xét từ bình diện kinh tế, chính trị, xã hội, triết học Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản đang ở thời kỳ phát triển ổn định - thời kỳ cạnh tranh tự do. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đã thúc đẩy nhịp độ phát triển của xã hội, tạo nên những biến đổi căn bản trong lực lượng sản xuất. Các nhà tư tưởng tư sản tuyên bố rằng cách mạng xã hội không còn cần thiết, thay vào đó là đẩy mạnh những cải cách mang tính cách mạng trong kinh tế, khoa học, văn hóa, củng cố nhà nước pháp quyền tư sản và hệ tư tưởng của nó. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một xã hội có các giai cấp đối kháng nào, xã hội tư sản đến lượt mình lại đối mặt với những mâu thuẫn nội tại, mà việc giải quyết chúng đòi hỏi một lực lượng xã hội đại diện cho xu thế phát triển tiến bộ của lịch sử. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự áp bức tư sản trở nên tất yếu, mở ra triển vọng cải tạo xã hội hiện tồn bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân rộng rãi, liên minh với giai cấp tiên phong ấy. Là dự báo khoa học về tương lai của nhân loại, dựa trên sự phân tích các chất liệu sống động của thời đại tư bản, rút ra các quy luật khách quan của tiến trình lịch sử - xã hội, chủ nghĩa Mác cần được tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện trong những điều kiện lịch sử khác. 


Trên thực tế ngay từ những năm 80 của thế kỷ XIX, khi thay Mác gánh vác công việc tổ chức và lãnh đạo phong trào công nhân, Ăngghen đã tiên đoán về khả năng đổi mới một số luận điểm của chủ nghĩa Mác, nhận thức lại con đường và phương thức tiến hành cách mạng vô sản, như hai ông từng nêu ra trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, đào sâu hơn nữa các vấn đề của phép biện chứng và lý luận nhận thức. Ăngghen cũng phê phán cả chủ nghĩa giáo điều (dogmatism) lẫn chủ nghĩa xét lại (revisionism) trong phong trào công nhân như hai thái cực của sự xa rời chủ nghĩa Mác. Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa giáo điều là tinh trừu tượng, phi lịch sử và gắn liền với phương pháp tư duy siêu hình. Chủ nghĩa giáo điều xem các nguyên lý đã được xác lập là nhữn chân lý tuyệt đỉnh, bất biến, luôn luôn phù hợp với mọi điều kiện, không cần bất kỳ sự phát triển nào. Chủ nghĩa xét lại, xuất hiện trong phong trào công nhân từ những năm 50 - 60 cả thế kỷ XIX, đòi hỏi “xét lại” cơ sở kinh tế, chính trị và triết học của chủ nghĩa Mác, bác bỏ hàng loạt luận điểm nền tảng của nó. Hoạt động của Ăngghen góp phần phổ biến một cách sâu rộng chủ nghĩa Mác vào nhiều nước châu Au và cả bên ngoài châu Au. Khi chủ nghĩa Mác được truyền bà vào nước Nga, nó được những người dân chủ - xã hội Nga làm sâu sắc thêm bằng thực tiễn cách mạng Nga và phong trào dân tộc của các nước thuộc địa. 

 Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn cạnh tranh tự do chuyển sang giai đoạn độc quyền với những thay đổi trong hoạt động kinh tế và tổ chức quản lý, quá trình tập trung sản xuất. Sự xuất hiện các tập tư bản xuyên quốc gia, đa quốc gia tạo ra khả năng hình thành hệ thống kinh tế thế giới mới. Tính chất đế quốc và tính chất phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản giai đoạn này thể hiện ở những cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ thế giới ngày càng quyết liệt về mức độ, mở rộng về quy mô. Mâu thuẫn giữa các cường quốc tư bản “trẻ” (Đức, Nhật…) và các nước phát triển sớm hơn, có một khu vực thuộc địa rộng lớn, đã đưa đến chiến tranh thế giới, biến hàng triệu người lao động, cả ở “chính quốc” lẫn ở thuộc địa, thành nạn nhân của nó. Giời đây cuộc đấu tranh cải tạo xã hội gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa; đặc điểm này khiến cho khả năng cách mạng (của giai đoạn Mác - Ăngghen) chuyển thành hiện thực cách mạng trong phạm vi lớn, lôi cuốn nhiều nước, nhiều dân tộc, nhiều lực lượng xã hội tham gia. Bức tranh lịch sử mới đã được xác lập, cần có những lý giải khác với trước đây. 

Cùng với những chuyển biến kinh tế, chính trị, xã hội, trong khoa học và triết học thời kỳ này cũng diễn ra những thay đổi bước ngoặt. 

 Khoa học từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi phát triển như vũ bão, những thành tựu của khoa học không chỉ giải phóng sức lao động, mà còn thay đổi cả phương thức tư duy của con người. . Tuy nhiên những khám phá trong khoa học tự nhiên, nhất là trong vật lý học lại kéo theo các biểu hiện khủng hoảng về thế giới quan, nghĩa là chúng phá vỡ những quan niệm lỗi thời, song những quan niệm phù hợp chưa kịp xuất hiện ngay trong đầu các nhà khoa học - chủ thể của những phát minh. 

+ Sự bùng nổ hàng loạt học thuyết triết học phi cổ điển - hiện đại phương Tây với những nhãn mác khác nhau, từ khuynh hướng phi duy lý đến khuynh hướng duy lý khoa học, từ chủ nghĩa thực dụng đến chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, từ những mầm mống của chủ nghĩa hiện sinh đến thuyết Freud…

+ Tính chất phức tạp của bức tranh triết học phản ánh những diễn biến của đời sống chính trị - xã hội ở lằn ranh giữa hai thế kỷ. Chủ nghĩa phiêu lưu không tưởng đan xen với chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa bi quan lich sử; chúng cần được phê phán và khắc phục từng bước trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của triết hoc duy vật biện chứng. 

Lenin và những người đồng chí của ông một mặt kiên trì các luận điểm nền tảng của chủ nghĩa Marx, mặt khác phát triển, bổ sung và điều chỉnh một số nội dung của nó cho phù hợp với điều kiện lịch sử thế kỷ XX, trước hết là điều kiện lịch sử nước Nga. 

 2. Ba thời kỳ nhỏ của giai đoạn Lênin 
a) Thời kỳ 1893 - 1907
Nội dung chủ yếu là chống phái dân túy và những đồng minh của nó, vạch ra những sai lầm về thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa cộng sản nông dân, chủ nghĩa duy kinh tế, chủ nghĩa Marx hợp pháp, từ đó tiếp tục phát triển những luận điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về tự nhiên lẫn xã hội. Một số tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này: Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao ? (1894), Chúng ta từ bỏ di sản nào ?(1897),Làm gì ? (1902)… 

b) Thời kỳ từ 1907 đến trước Cách mạng tháng Mười 1917 
+Sau thất bại của cách mạng 1905 - 1907 tình hinh nươc Nga trở nên phức tạp. Sự thoái trào của cách mạng và sự trỗi dậy của các lực lượng phản động và cơ hội là hai vấn đề nổi bật nhất. Năm 1914 chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra. Cuộc chiến tranh góp phần làm cho nươc Nga, khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản trở nên kiệt quệ. Những mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa các lưc lượng xã hội đã làm dấy lên cao trào cách mạng mới của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích. Cách mạng tháng Mười nổ ra và thành công vào ngày 7/11/1917. 

+Một số tác phẩm chủ yếu: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (viết 1908, xuất bản 1909); Bút ký triết học (tập ghi chép trong khoảng thời gian từ 1914 - 1916); Chủ nghĩa đế quốc với tính cách là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản (19160; Nhà nước và cách mạng (1917)…

c) Sau cách mạng tháng Mười
Lenin tiếp tục phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chú trọng nhiều đến biện chứng của sự phát triển xã hội. Sau khi đưa ra NEP (chính sách kinh tế mới) nước Nga hứa hẹn những bước phát triển phù hợp với điều kiện của mình và bối cẢnh chung của thế giới. Lenin tuyên rằng “toàn bộ quan niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản”. Một số tác phẩm tiêu biểu: Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản (1920), Về chính sách kinh tế mới (1921), Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu (1922) … 

Triết học Marx - Lênin là một hệ thống mở, cần được tiếp tục bổ sung, phát triển theo tinh thần kế thừa và cả “lọc bỏ” biện chứng. Mọi ý đồ tầm thường hóa triết học Marx - Lênin bằng sự phân tích một chiều, mang nặng tính giáo huấn, là trái với con đường biện chứng vốn có của nó. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?