Cách nhìn mới về tư tưởng triết học phương Đông

1. Triết học là môn khoa học chung nhất, nghiên cứu về các sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội, nhằm tìm ra quy luật của các đối tượng nghiên cứu. Mục đích của triết học là giải quyết các vấn đề cơ bản của bản thể luận và nhận thức luận. Vấn đề cơ bản của triết học là vấn đề về mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, giữa vật chất và ý thức. Nó là vấn đề cơ bản vì việc giải quyết nó sẽ quyết định cơ sở để giải quyết những vấn đề khác của triết học. Trên một phạm vi rộng, triết học ban đầu nghiên cứu về siêu hình học, logic, nhận thức luận, luân lý học, mỹ học, về sau mở rộng đối tượng nghiên cứu đến chính trị học, vật lý học, địa chất học, sinh học, khí tượng học và thiên văn học. Trên chặng đường phát triển, ở mỗi quốc gia khác nhau, triết học lại mang một màu sắc khác nhau tạo nên bức tranh đa hình cho bộ môn khoa học này. Trong khuôn khổ nghiên cứu về lịch sử triết học phương Đông, các tác giả cuốn “Lịch sử triết học phương Đông” đã phân tích, khái lược những nét đặc sắc nhất của triết học phương Đông.

Cuốn sách được một tập thể tác giả là những Phó Giáo sư, Tiến sỹ đầy tâm huyết - những người trực tiếp nghiên cứu và giảng dạy bộ môn lịch sử triết học biên soạn do PGS.TS Doãn Chính làm chủ biên. Nội dung gồm ba phần trình bày tương ứng với ba nền triết học: Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.  

Trong phần thứ nhất, cuốn sách nghiên cứu về lịch sử triết học Ấn Độ. Triết học Ấn Độ (tiếng Sanskrit có nghĩa là Darshanas) đề cập đến vài hệ thống tín ngưỡng hoặc tôn giáo về tư tưởng triết học bắt nguồn từ tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm triết học Hindu, triết học Phật giáo và triết học Jain. Triết học Ấn Độ không chỉ dựa trên lý luận, mà còn dựa trên darshana. Điều đó tập trung vào sự đối mặt với sự thật tuyệt đối mà cách giải quyết vấn đề chính là tìm sự giải thoát trong triết lý đạo đức nhân sinh. Đã có nhiều công trình, tài liệu nghiên cứu về lịch sử triết học Ấn Độ, phần lớn đều đi từ điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội đến sự hình thành các trường phái triết học cụ thể. Song ở đây, tập thể tác giả khái lược những nét cơ bản nhất của tình hình kinh tế, chính trị - xã hội Ấn Độ, còn lại dành dung lượng đi vào chiều sâu nội dung tư tưởng triết học Ấn Độ qua các thời kỳ. Người đọc được cung cấp tư liệu quý về những biểu tượng linh thiêng trong tư tưởng triết học của người Ấn Độ như hình ảnh con sông Hằng chảy qua 3 thế giới: trên trời, trần gian và địa ngục để trở thành dòng sông linh thiêng chảy vào tận sâu thẳm linh hồn con người mà theo họ, chỉ khi tắm trên dòng sông này, con người mới gột rửa được mọi bụi trần; hay hiểu được “Từ sự giải thích các sự vật, hiện tượng riêng lẻ của thế giới qua biểu tượng các vị thần có tính chất tự nhiên, người Ấn Độ cổ đã đi tới phát hiện ra cái chung, cái bản chất, là bản nguyên tối cao của thế giới, qua biểu tượng về “Đấng sáng tạo tối cao” Prajapati, Brahma, Purus’a hay “Tinh thần vũ trụ tối cao” Brahman” trong kinh Veda; được biết về quá trình “cố gắng vạch ra những nguyên lý tối cao tuyệt đối, bất diệt là bản thể của vũ trụ vạn vật, lý giải về thực chất bản tính con người và mối quan hệ giữa đời sống tinh thần con người với nguồn sống bất diệt của vũ trụ, từ đó chỉ ra con đường, cách thức giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của thế giới sự vật hiện tượng hữu hình, hữu hạn như ảo ảnh, phù du này” trong kinh Upanishad…

Sang phần thứ hai, cuốn sách đề cập đến các vấn đề thuộc lịch sử triết học Trung Quốc. Nếu như triết học Ấn Độ hướng tới vấn đề giải thoát trong triết lý đạo đức nhân sinh thì triết học Trung Quốc lại ghi dấu ấn bởi các phương pháp, đường lối trị nước khác nhau trong các học thuyết chính trị - xã hội. Từ chủ nghĩa duy vật chất phác và tư tưởng vô thần thời kỳ Ân Thương - Tây Chu cho đến tư tưởng pháp gia trị nước “không phân biệt thân sơ, không phân biệt quý tiện, nhất định ở pháp,… nghiêm khắc mà ít ân đức” (Sử ký Tư Mã Thiên) của thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc làm tiền đề cho phương pháp trị nước của các thời kỳ sau, tư tưởng triết học Trung Quốc như một mạch nguồn thống nhất xuyên xuốt qua các thời kỳ. Có thể nói, thời kỳ Minh - Thanh xuất hiện nhiều nhà tư tưởng nhất, nhưng thời kỳ trung cận đại mới là thời kỳ để lại nhiều tư tưởng triết học nhất làm cội rễ cho đường lối đối nội, đối ngoại ngày nay của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa. Chính Lâm Tắc Từ, Củng Tự Trân manh nha cho khuynh hướng tư tưởng cách tân của những nhà công thương nghiệp đang lên trong xã hội Trung Quốc đương thời, về sau Ngụy Nguyên phát triển, kết hợp với tư tưởng bình quân chủ nghĩa của Hồng Tú Toàn, Hồng Nhân Can đã dấy phong trào duy tân biến pháp cuối thế kỷ XIX ở Trung Quốc. Điều đặc biệt là nhiều nhà tư tưởng của Trung Quốc cũng đồng thời là lãnh tụ, là người đứng đầu các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân hoặc là vị quan tướng chỉ huy của các triều đại. Chính vì thế, ở họ có sự thống nhất giữa tư tưởng và phương châm hành động.


Các tác giả dành dung lượng phần thứ ba để tìm hiểu về lịch sử triết học Việt Nam, cố gắng làm rõ nét khác biệt của triết học Việt Nam với hai nền triết học nói trên. So với một số nước có nền văn minh phát triển sớm như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Tây Âu thì Việt Nam không có những học thuyết tư tưởng lớn có vai trò chi phối sự phát triển xã hội như Nho gia, Đạo gia... Xét về mặt lịch sử, nền triết học Việt Nam ra đời muộn hơn so với triết học Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng tư tưởng triết học Việt Nam không phải là hình ảnh thu nhỏ của triết học Trung Quốc hay Ấn Độ, cũng không phải là bản sao rời rạc của hai nền triết học trên. Có thể nói lịch sử triết học Việt Nam có sự tiếp thu, ảnh hưởng từ nhiều hệ tư tưởng triết học của Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị - xã hội nước ta nên mang những nét đặc sắc riêng, gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Tư tưởng chủ đạo của triết học Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước, những vấn đề về chính trị, xã hội bao gồm hệ thống những quan điểm lý luận về dựng nước, đánh giặc giữ nước, dân giầu, nước mạnh. Phạm trù "nước" xét trên bình diện triết học của người Việt, là những cộng đồng người, là dân tộc, quốc gia. Do đó yêu nước trong tư tưởng triết học chính là ý thức trách nhiệm với giống nòi, với cộng đồng dân tộc được nêu lên thành lý luận. Tính đặc thù của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là tinh thần đoàn kết, bảo vệ bờ cõi lãnh thổ và nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Ngay từ buổi sơ khai, những câu chuyện thần thoại Việt Nam như “Thần trụ trời”, “Họ Hồng Bàng”, “Đẻ người”… kể về khởi nguyên của vũ trụ, sự ra đời của các vị thần, cỏ cây, giống nòi… chính là sự ý thức về cội nguồn, về tổ tiên, nòi giống của mình. Trải qua bao biến cố của lịch sử, bao lần thay vua đổi tướng, nhưng tư tưởng xuyên suốt vẫn là tư tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, quan niệm về đạo làm người, về triết lý sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Thông qua việc phân tích, nêu bật những nét đặc trưng nhất trong tác phẩm của những tên tuổi lớn đại diện cho từng giai đoạn lịch sử nhất định, các tác giả chỉ ra rằng: Việt Nam tuy không có những triết gia, triết thuyết và trường phái chính tông nào, song hệ thống tư tưởng triết học của Việt Nam vẫn hình thành và phát triển như một quy luật tất yếu và nó song hành cùng lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi nhà tư tưởng có cách thể hiện quan điểm mang tính triết học khác nhau: Nguyễn Trãi đề cao chữ “Nhân” trong mối quan hệ với thiên nhiên, với dân chúng, với vua, thậm chí với kẻ thù vẫn đầy lòng nhân ái, lấy “Nhân” để trị ác tà; Hồ Quý Ly thể hiện chữ “Trị” bằng các biện pháp cải cách tiến bộ và táo bạo; Quang Trung - Nguyễn Huệ trị quốc bằng tư tưởng quân sự độc đáo kết hợp với quan hệ bang giao đầy tiến bộ, chỉ tiếc rằng ông ra đi khi những ý định này còn chưa được thực hiện… Điểm hội tụ, giao thoa của những tư tưởng này chính là sự tập trung hướng vào giải quyết các vấn đề về con người dù con người có ở các giai tầng khác nhau.

2. Triết học vốn chứa đựng những kiến thức khoa học uyên bác mà không phải cách diễn đạt nào cũng có thể dễ dàng truyền tải đến với bạn đọc. Nhưng ở đây, “Lịch sử Triết học phương Đông” vừa phản ánh thực trạng đời sống kinh tế, chính trị, xã hội Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam, nơi ươm mầm của các hệ tư tưởng triết học ở các quốc gia này đến cung cấp các hệ tư tưởng chính trong từng thời kỳ lịch sử trong dung lượng 1.395 trang sách khổ 16 x 24cm mà vẫn lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc. Cách viết lịch sử - xã hội như kể chuyện, miêu tả trào lưu tư tưởng triết học như một bài bình luận khoa học khiến cho tác phẩm có sự đan xen hài hòa tính lịch sử và khoa học của một tác phẩm nghiên cứu.

 Nhìn trên tổng thể, cuốn sách như một bức tranh toàn cảnh về xã hội và tư tưởng triết học phương Đông rộng lớn với phông nền là điều kiện đời sống vật chất, còn họa tiết là đời sống tâm hồn (hay còn gọi là đời sống tâm linh). Với mỗi thời kỳ ở từng quốc gia, các tác giả vừa lựa chọn những hệ tư tưởng triết học chủ đạo làm điểm nhấn, vừa đi sâu tìm hiểu các hệ tư tưởng tuy không mới, nhưng người đọc ít được tiếp cận do ít tài liệu nghiên cứu.

Cũng trong công trình này, thông qua sự trình bày một cách hệ thống, sâu sắc và sinh động quá trình phát sinh, phát triển của ba nền triết học ở phương Đông, nêu bật nội dung tư tưởng qua các vấn đề về bản thể luận, nhận thức luận, vấn đề về đạo đức nhân sinh trong các trường phái, các nhà triết học, các tác giả đã chỉ ra được nét độc đáo, khác lạ của triết học phương Đông so với triết học phương Tây: nếu như triết học phương Tây chú ý cố gắng lý giải tự nhiên bằng tư duy logic, làm tiền đề cho các bộ môn khoa học tự nhiên thì triết học phương Đông nhấn mạnh thế giới nội tâm con người trong sự hòa hợp với bản thể vũ trụ bằng tâm thức, làm nền móng cho sự ra đời các bộ môn khoa học xã hội. Trên nền chung ấy, các vấn đề trung tâm nhất của ba nền triết học được khẳng định sắc nét: với triết học Ấn Độ là sự giải thoát, với triết học Trung Hoa là vấn đề “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” và với Việt Nam là vấn đề triết lý về đạo làm người.

Xét về mặt ý nghĩa xã hội, cuốn sách đã góp một tiếng nói quan trọng trong việc luận bàn về lịch sử triết học Việt Nam, đã đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi: Việt Nam có triết học không? Nếu có thì đó là triết học gì? Nguồn gốc ra đời, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của nó đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của dân tộc ta như thế nào? Liên hệ với câu nói nổi tiếng của Engels trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”: "Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận…", nhưng muốn hoàn thiện tư duy lý luận thì "không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước". Điều này đồng nghĩa với việc khẳng định một cách mạnh mẽ vị trí, vai trò và hệ thống quan điểm triết học của nước ta.

3. Tuy nhiên, thuật ngữ “phương Đông” được dùng để chỉ các nước châu Á có nền văn minh trên ba lưu vực sông lớn: sông Nin, sông Hằng và sông Hoàng Hà với các quốc gia lớn như Ai Cập, Ả Rập, Ấn Độ và Trung Hoa. Hầu hết các nền tôn giáo lớn xuất hiện ở đây. Chính vì vậy, nếu thiếu lịch sử triết học Ai Cập và Ả Rập thì bức tranh toàn cảnh về tư tưởng phương Đông đã khuyết đi một phần quan trọng. Thêm vào đó, xét về mặt cấu trúc, đành rằng việc khẳng định vai trò, vị trí của triết học Việt Nam là một việc vô cùng cần thiết, song nếu dành hơn một nửa dung lượng cuốn sách (736 trang) để phản ánh riêng về triết học Việt Nam (trong khi phần dành cho triết học Ấn Độ là 207 trang, phần dành cho triết học Trung Quốc là 435 trang) đã vô tình làm mất đi tính cân đối của tác phẩm, tạo ra tâm lý chủ quan dân tộc cho người đọc. Ngoài các yếu tố nói trên, 1.395 trang sách đều được tập thể tác giả biên tập chính xác về nội dung và được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật biên tập kỹ lưỡng về hình thức, là một tài liệu quý để bạn đọc có thể nghiên cứu, tra cứu và tham khảo.

Nguyễn Phương Thảo
Vụ Tổ chức - Cán bộ
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?