Đại cương lịch sử mỹ học Trung Quốc
Cuốn sách: "Đại cương lịch sử mỹ học Trung Quốc" của GS.Diệp Lang (Đại học Bắc Kinh), do Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, xuất bản lần đầu năm 1985, đến nay (2013) đã tãi bản lần thứ 18, là một trong những cuốn sách được sử dụng chính thức như một tài liệu tham khảo quan trọng trong các trường đại học, viện nghiên cứu, của ngành nghiên cứu mỹ học và khoa học xã hội ở Trung Quốc.
Lịch sử văn học nghệ thuật Trung Quốc có nhiều thành tựu, nhưng có lẽ dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm từ thời kỳ Tiên Tần cho đến thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh là lịch sử đã để lại nhiều trước tác và học thuật. Giáo sư Diệp Lang đã chắt lọc, lựa chọn nhiều tư liệu về các ngành khác nhau như: Văn học, sử học, nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, kiến trúc… đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu có thể tin cậy được. Tuy phải đi sâu vào lịch sử văn hóa, văn học và nghệ thuật Trung Hoa, sách vẫn đi sâu vào hai hướng mỹ học chính;
Bìa cuốn sách "Đại cương lịch sử Mỹ học Trung Quốc" (Ảnh: Thành Long)
Hướng thứ nhất: Đó là hướng cầu kỳ mà Trung Hoa gọi là hướng đi vào cái đẹp “khắc vàng vẽ nét” và hướng biểu hiện nghệ thuật theo cáp đẹp tự nhiên, chân chất, mộc mạc nhưng vẫn sâu xa, ý vị. Mỹ học Trung Quốc gọi là khai thác cái đẹp theo kiểu “phù dung mới nhú”, tự nhiên đáng yêu. Theo hướng thứ nhất, tác giả lưu ý đến cái đồ án nước Sở, Sở từ, Hán phú, văn biền ngẫu thời Lục Triều, Đường thi, đồ gốm Minh-Thanh, các trang phục nữ đài của kinh kịch… tác giả cho răng đều được sáng tác theo kiểu “khắc vàng vẽ nét”, “Chạm trổ lóa mắt”…
Hướng thứ hai: Hướng mỹ học ảnh hưởng của Ngụy-Tấn, Lục Triều. Ngay các đồ đồng thời Hán, thư pháp của Vương Hy Chi, họa của Cổ Khởi Chi, đồ sứ đời Tống cho đến thơ của Đào tiềm đều theo cái đẹp tự nhiên mà không đẽo gọt cầu kỳ. Tác giả Diệp Lang cho rằng: Mỹ học Trung Quốc còn có một vấn đề cơ bản nữa là “hư” và “thực”. Mỹ học Trung Quốc cho rằng: Từ trong cuộc sống nghệ thuật tạo nên hình tượng và hình tượng bao giờ cũng có hai mặt: mặt “thực” sát gần với cuộc sống được phản ánh và mặt “hư” là cõi “Thần du” được tạo bởi tài năng của nghệ sĩ. Một tác phẩm mà bám sát quá đời sống thì đó là tác phẩm sao chép. Ngược lại, nó tưởng tượng hư ảo nhiều, xa đời sống thì dễ trở thành bịa đặt. Cho nên, mỹ học Trung Hoa yêu cầu nghệ sĩ phải kết hợp giữa “hư” và “thực” để người đọc có thể hòa đồng với hình tượng thì đó mới có thể được coi là tác phẩm xứng đáng. Vì thế, mỹ học Trung Hoa dễ tạo ra hiện tượng “Khoảng không trắng”. Tề Bạch Thạch vẽ ngựa chỉ vẽ một góc, vẽ tôm, cua bao giờ cũng vẽ một góc nhất định. Chính những khoảng không trắng này tạo ra “Cõi thần du” của người xem.
Tóm lại, cuốn sách: Lịch sử mỹ học Trung Quốc của Giáo sư Diệp Lang là một cuốn sách rất cần cho việc so sánh mỹ cảm của Việt Nam đồng thời nó cũng gợi ý cho những nhà văn hóa và nghệ thuật Việt Nam cách sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Sách cũng giúp cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy mỹ học ở Việt Nam có thể tìm hiểu mỹ cảm Trung hoa suốt chiều dài lịch sử nhưng lại được thâu tóm và diễn giải một cách công phu trong tác phẩm này.
Đánh giá bài viết?