Gaxenđi (Gassendi, 1592 - 1655) - cầu nối giữa triết học Pháp và triết học Anh thế kỷ XVII

Xuất thân trong một gia đình nông dân, tốt nghiệp đại học và trở thành linh mục Thiên Chúa giáo, Pie Gaxendi chứng kiến nước Pháp thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản với những khám phá khoa học đan xen với những xung đột xã hội gay gắt. Tính chất đó được chuyển tải trong tư tưởng triết học của Đếcáctơ, Gaxenđi, Paxcan, các phong trào chính trị và tôn giáo. Khác với Đềcáctơ, Gaxenđi không trở thành nhà bác học chuyên nghiệp, tách khỏi chính trị, mà kết hợp sáng tạo lý luận, nghiên cứu khoa học (toán học, thiên văn học) với các hoạt động mang ý nghĩa thực tiễn. Gaxenđi từng đứng đầu một nhóm các nhà hoạt động tôn giáo chống một số quan điểm của phái tu sĩ dòng Tên, được coi là phái “chính thống” tại Pháp, nên bị phái này loại vào năm 1623. Năm 1626 được phong làm tu viện trưởng một nhà thờ. Từ năm 1643 Gaxenđi chuyển đến Paris, làm giáo sư toán học tại trường Hoang gia. Tại đây Gaxenđi có dịp tiếp xúc với nhiều tên tuổi lớn của tư tưởng triết học, chính trị Tây Au đương đại như T. Campanela (T. Campanella), H. Grốtxi (H. Grotius), Ph. Bêcơn (F. Bacon), T. Hốpxơ (T. Hobbes). Tác phẩm triết học đầu tiên của Gaxenđi được công bố vào năm 1624, với tên gọi khá dài “Những bài tập lạ thường chống lại phái Arixốtt, đã làm lung lay cơ sở của học thuyết Tiêu dao và phép biện chứng nói chung, và khẳng định hoặc nhữn quan điểm mới, hoặc có thể là những quan điểm đã lỗi thời của các nàh tư tưởng cổ đại”. Phải hai mươi lăm năm sau mới có tác phẩm lớn, gây tiếng vang, đó là “Hệ thống triết học Epiquya” (1649). Tác phẩm chính “Hệ thống triết học”chỉ được xuất bản sau khi ngày mất của Gaxenđi. Tác phẩm gồm ba phần - lôgíc học, vật lý học và đạo đức học. Lôgic học đề cập đến những nguyên lý cơ bản của duy cảm luận duy vật; vật lý học tìm hiểu kết cấu vật chất của thế giới, tính thống nhất vật chất của nó thông qua quá trình tương tác của các nguyên tử; đạo đức học nghiên cứu các giá trị đạo đức cơ bản theo truyền thống Epiquya, kết hợp với đạo đức Kitô giáo. 

Các tác phẩm của Gaxenđi được viết bằng tiếng Latinh, không dịch sang tiếng Pháp. Gaxenđi xem triết học của nguyên tử luận duy vật cổ đại, nhất là phương án nguyên tử luận của Epiquya, với sự kết hợp nguyên tử luận - duy cảm luận - chủ nghĩa hạnh phúc, là nguồn cảm hứng sáng tạo và tiền đề lý luận sâu xa của mình. Gaxenđi sử dụng chất liệu tư tưởng từ Epiquya trong cuộc đấu tranh chống triết học kinh viện và và đạo đức tôn giáo “chính thống” tại Pháp, nhưng không chấp nhận hoàn toàn chủ nghĩa vô thần đặc trưng của nhà triết học cổ đại này. 

Gaxenđi là đại diện tiêu biểu của duy cảm luận duy vật tại Pháp, đồng thời Ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành duy cảm luận tại Anh, nhất là duy cảm luận của Lốccơ (J. Locke). 


Trong lý luận nhận thức Gaxenđi theo khuynh hướng kinh nghiệm - duy cảm, với luận điểm chung do Hốpxơ nêu ra là “không có cái gì trong trí tuệ, nếu không có trước hết trong cảm giác”. Cũng như Môngten (Montaigne), Bêcơn, Đềcáctơ, Hốpxơ, Gaxenđi đề cao tinh thần hoài nghi và phê phán khoa học, chống triết học kinh viện, nhấn mạnh vai trò của kinh nghiệm trong nhận thức, tính hữu dụng của phương pháp quy nạp trong nghiên cứu khoa học. Duy cảm luận của Gaxenđi là một trong những tiền đề của duy cảm luận Lốccơ (Locke). Gaxenđi xem cảm giác là tiêu chuẩn kiểm tra tri thức. Bước đầu tiên và đáng tin cậy của nhận thức, theo Gaxenđi, là “tiếp cận sự vật”, chứ không phải suy tưởng bằng thủ pháp của lý trí tư biện. Mọi tri thức đều mang tính kinh nghiệm; tư duy (giác tính) là phương tiện gián tiếp của nó, dẫn từ cảm giác này sang cảm giác khác. Bác bỏ nguyên tắc “cogito” của Đềcáctơ, Gaxenđi cho rằngdo tác động trực tiếp với sự vật, nên nhận thức cảm tính là sự minh chứng cho tồntại của con ngườiđầy đủ hơn so với tính gián tiếp của trí tuệ. Nhận thức cảm tính về sự vật phong phú hơn tư duy về sự vật. 

Từ lập trường của duy cảm luận triệt để, Gaxenđi bác bỏ học thuyết của Đềcáctơ về tư duy như thực thể đặc biệt, về tính tiên nghiệm (apriori) và tính bẩm sinh của ý niệm. Tính rõ ràng, phân minh và xác thực mà Đềcáctơ trưng ra nhằm chứng minh chotri thức tiên nghiệm bị Gaxenđi cho là giả tạo và thiếu cơ sở hiện thực (xem G. , t/p, t. 2, tr. 418 - 427, 590 - 591, 592, 561, 670). Tương tự như vậy, không có ý niệm bẩm sinh như nhau ở tất cả mọi người. Ý niệm bẩm sinh về Thượng đế cũng vô nghĩa, bởi lẽ nó không dựa trên sự cảm nhận chung, mà được đem gán cho con người từ bên ngoài. Với cách hiểu như thế Gaxenđi phê phán các phương án chứng minh sự tồn tại về mặt bản thể luận của Thượng đế, vốn khá phổ biến từ thời trung cổ, và tiếp tục được duy trì trong thời đại mới, xem Thượng đế là thực thể tối cao, bản thể hữu vị, vượt lên trên thực thể vật chất và thực thể tinh thần trong thế giới. Tuy nhiên, việc bác bỏ tri thức xác thực ở trình độ khái quát hóa, trừu tượng hóa, đã dẫn Gaxenđi đến chủ nghĩa tương đối, và từ đó đến bất khả tri luận, bởi lẽ trong nhận thức luận của mình Gaxenđi chỉ thừa nhận tri thức do năng lực cảm giác đem đến, mà bỏ qua khả năng khám phá của trí tuệ đối với tự nhiên. Chân lý, do đó chỉ là tổng số các cảm giác, và dừng lại ở cấp độ tương đối, gần đúng, mà không bao giờ đạt đến chân lý tuyệt đối. 

Sau này Lốccơ đã kế thừa duy cảm luận của Gaxenđi, nhưng loại bớt những yếu tố cực đoan, dung hòa duy cảm luận với một vài nội dung của khuynh hướng duy lý, trong đó có học thuyết “ý niệm”, trên cơ sở giữ vững quan điểm nền tảng của mình. 

 Phương diện thế giới quan của triết học Gaxenđi thể hiện ở vật lý học nguyên tử do ông xác lập. Tuy nhiên nếu Epiquya thiên về nhân bản hóa nguyên tử luận, gắn các nguyên tắc của nguyên tử luận, trong đó có “dao động tự do”, “sự vận động đi chệch qũy đạo”, với khát vọng giải phóng “cá nhân tự ý thức”, thì Gaxenđi, tương tự như Đêmôcrít, phân tích trước hết khía cạnh vật lý của nó. Các nguyên tử là những phần tử bé nhất, bền vững, không phân chia, không xuyên thấu, và do đó đòi hỏi “”luận cứ của sự suy đoán” từ trực quan cảm tính. (xem P. Gaxenđi, tác phẩm, 2 tập, t. 1, M, 1966 - 1968, tr. 149, 151). Các nguyên tử chiếm vị trí nhất định trong không gian rỗng (hư không, trống rỗng), sắp xếp trật tự tùy theo hình dạng, kích thước, và trọng lượng của mình. Các vật thể, xuất phát từ các nguyên tử, mang tính vật chất, nhưng không như nhau, mà phụ thuộc vào điều kiện hình thành. Không gian rỗng, tức không gian như cái phi vật thể đặc biệt, là điều kiện tất yếu của sự vận động các nguyên tử. 

Như vậy, sự đối lập tính vật thể và trống rỗng tuyệt đối, có truyền thống từ thời cổ đại, đã được các nhà triết học cận đại, trong đó có Đềcáctơ, Gaxenđi, Niutơn (Newton), phục hồi, nhằm giải thích mối quan hệ giữa tính liên tục và tính gián đoạn của các quá trình vật chất. 

Gaxenđi xem thời gian như dòng chảy cân bằng, là thước đo diễn biến theo trình tự trước sau của sự vật. Vận động được ông giải thích theo quan điểm truyền thống, như sự chuyển dịch của vật thể từ vị trí này sang vị trí khác. Vận động là kết quả của sự tương tác giữa các nguyên tử, dựa trên những đặc tính cơ bản là trọng lượng, trọng lực, sức hút, sức đẩy, tạo nên các quá trình khác nhau trong thế giới. Những đặc tính này cũng hiện diện trong vật chất hữu, nhưng dưới hình thức sống động hơn. Tuy nhiên, khác với các đại diện của thuyết hữu cơ Phục hưng, Gaxenđi không đề cập đến linh hồn vũ trụ như nguồn gốc của linh hồn con người, mà đôi khi xem nó như một thực thể năng động, uyển chuyển, cũng với vận động của các nguyên tử làm nên “ánh sáng của mọi vật chất”. Các nguyên tử triển khai thành những cấu tố phức hợp, những phân tử, hay những hạt giống. Nhìn chung vật lý học của Gaxenđi là biểu hiện của chủ nghĩa duy vật máy móc, thống nhất với duy cảm luận, dựa một phần vào trình độ của khoa học tự nhiên đương đại. 

Tư tưởng đạo đức của Gaxenđi là sự kết hợp chủ nghĩa hạnh phúc (eudemonism) của Epiquya và các chuẩn mực đạo đức Kitô giáo, trong đó khoái lạc (thỏa mãn)được nâng lên thành nguyên tắc sống. Vấn đề đặt ra ở đây là khoái lạc nào cần thiết cho con người. Chủ nghĩa hạnh phúc nói chung thể hiện khát vọng hướng đến hạnh phúc, tránh khổ đau, song Gaxenđi (và Epiquya trước đó) xem tiêu chuẩn của hạnh phúc là sự khôn ngoan - mộ trong những phẩm hạnh cơ bản của con người Nói khác đi, lý trí điều khiển ý chí. “Triết lý hạnh phúc” của Gaxenđi khẳng định rằng khôn ngoan có nghĩa là biết điều tiết sự thỏa mãn ở mức tối thiểu, không bị cuốn hút vào những thú vui “phi nhân tính”. Con người cần biết đặt mình trong trạng thái thanh thản về tâm hồn, tránh mọi sự dằn vặt, khổ đau, không sơ hãi, nhất là sợ chết, bởi lẽ khi cái chết đến, cảm giác đã không còn tồn tại nữa. 

Là một linh mục, Gaxenđi cho rằng khoa học và tôn giáo không can thiệp vào công việc của nhau, nhưng đều cần thiết cho con người trong quá trình hoàn thiện cuộc sống của mình. Quan điểm “hai chân lý” của Gaxenđi chỉ rõ, triết học mang tính chất kinh nghiệm và duy lý, còn niềm tin tôn giáo thì thiêng liêng và duy phi lý. Các chuẩn mực đạo đức Kitô giáo được Thiên Chúa truyền cho con người cũng đáp ứng nhu cầu của con người không khác gì tri thức khoa học. Gaxenđi thừa nhận khái niệm Thiên Chúa duy nhất, xem Thiên Chúa là nguồn gốc của sự sinh thành và phát triển trong thế giới. Thiên Chúa tạo ra luật cho muôn đời, trong đó có luật về hạnh phúc. Linh hồn con người tiếp nhận luật ấy, vì thế nó đóng vai trò quyết định trong quan hệ với thân xác. Chân lý được khám phá nhờ hai nguồn sáng khác nhau - chứng minh và mặc khải; phép chứng minh dựa trên kinh nghiệm và lý trí, soi sáng các hiện tượng tự nhiên, còn mặc khải dựa trên uy quyền Thiên Chúa, soi sáng các hiện tượng siêu cảm tính (O. R. Bloch. La philosophie de Gassendi, La Haye, 1971, p. 101 - 109). Gaxendi phân chia linh hồn ra linh hồn cảm tính và linh hồn lý trí. Linh hồn cảm tính vẫn còn mối liên hệ với thế giới loài vật, nhưng linh hồn lý trí đã là ưu thế của con người. Nhờ linh hồn lý trí mà con người nhận thức được những gì linh hồn cảm tính chưa đạt đến. Chúng ta chỉ nhận biết được đầy đủ linh hồn cảm tính, vì nó mang tính vật thể, được kế thừa từ cha mẹ, còn linh hồn lý trí thì mang tính phi vật thể, do Thiên Chúa ban tặng, nên bất tử và không thể được nhận thức đầy đủ. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?