Vũ trụ luận của Aristoteles
Quan điểm nhị nguyên vật chất - mô thức là cơ sở để xác lập học thuyết về bốn nguyên nhân cơ bản của vận động và biến đổi trong thế giới, đó là nguyên nhân vật chất, nguyên nhân mô thức, nguyên nhân vận động, nguyên nhân, ục đích. Arixtốt viết:”Nguyên nhân được gọi là: 1)cái hàm chứa bên trong sự vật, cái mà từ đó nó xuất hiện, chẳng hạn đồng là nguyên nhân của pho tượng, bạc là nguyên nhân của cái đĩa, 2) mô thức, hay khuôn mẫu, cái xác định bản chất sự vật, 3) cái mà từ đó bắt đầu sự thay đổi hay chuyển hóa vào trạng thái cân bằng, chẳng hạn người thầy là nguyên nhân (của học trò tốt), người cha - nguyên nhân của đứa con; nói chung cái tạo ra là nguyên nhân của cái được tạo ra, cái làm biến đổi - nguyên nhân của cái biến đổi, 4) mục đích, nghĩa là cái-vì-nó, chẳng hạn mục đích của đi dạo là sức khỏe. Do đâu con người đi dạo? Vì muốn được khỏe mạnh. Hẳn khi nói như thế chúng ta nghĩ rằng mình đã chỉ ra nguyên nhân” (Arixtốt, sđd, quyển 5, chương 2 1043a 28 - 35).
Nguyên nhân mô thức: mọi vật trong thế giới có thể vận động là nhờ mô thức của chúng; do mô thức là tính quy định căn bản của tồn tại, nên nó là nguyên nhân quan trọng nhất.
Nguyên nhân vật chất: vật chất là cội nguồn của thế giới các sự vật. Trong uan hệ giữa vật chất, hay tiềm thể (dynamis), và mô thức, hay hiện thể (energeia) vận động đóng vai trò cái làm chosự thống nhất các mặt đối lập thành hiện thực.
Nguyên nhân mục đích: tính mục đích vừa đồng nhất với tính tất yếu, vừa được xem như vận động hướng tới mục đích tối cao là cái Thiện, hạnh phúc, và theo nghĩa đó nó bao trùm toàn thể vũ trụ lẫn đời sống con người, chi phối tất cả các sự vật, các hiện tượng và các quá trình diễn ra trong thế giới.
Nguyên nhân vận động: Arixtốt không thừa nhận sự tự vận đông, mà xem vận động là do sự tác động của vật này lên vật khác. Arixtốt nhấn mạnh:”Dưới mọi sự biến đổi một cái gì đó biến đổi nhờ một cái gì đó và vào một cái gì đó” (Arixtốt, sđd, quyển 12, chương 3 1070a 1 - 2). Sau cùng ông hướng đến Động cơ đầu tiên như nguồn gốc và nguyên nhân vận động.
Học thuyết về bốn nguyên nhân được Arixtốt phân thành bốn nhóm, trong đó nhóm nguyên nhân vật chất tách riêng, còn nhóm nguyên nhân mô thức - mục đích - vận động chỉ là một. Trong quan niệm về vật chất vận động Arixtốt đến gần với chủ nghĩa duy vật.
Trong Bảng phân loại khoa học vật lý học được xem như khoa học về các hiện tượng của tự nhiên. Tự nhiên ở Arixtốt là thứ tự nhiên có hai mặt - vật chất và mô thức, vì thế ắt phải đặt ra câu hỏi: vật chất có thể được xem là tự nhiên trong chừng mực nào? Trả lời: nó trở thành tự nhiên chỉ khi nào có thể được xác định thông qua bản chất. Tự nhiên theo nghĩa đầu tiên và riêng có của nó là bản chất, mà chính là bản chất của cái có khởi nguyên vận động tự thân. Vật chất được gọi là tự nhiên vì nó có khả năng đạt tới bản chất này” (Arixtốt, sđd, quyển 5, chương 4, 1015a 14 - 15). Như vậy có thể nói tự nhiên là nguồn lực bên trong của sự tự vận động và phát triển của các sự vật.
Arixtốt trình bày học thuyết về vận độnt (kinèsis) cả trong Siêu hình học lẫn Vật lý học. Trong Siêu hình học Arixtốt chỉ ra bốn dạng vận động có thể là: 1) tăng và giảm; 2) biến đổi về chất, hay chuyển hóa; 3) xuất hiện và diệt vong; 4) chuyển dịch vị trí trong không gian (vận động cơ học). Trong bốn hình thức đó Arixtốt xem vận động trong không gian là hình thức chủ yếu, điều kiện của tất cả các hình thức vận động còn lại. Arixtốt chia vận động cơ học như thế thành vận động theo vòng tròn, vận động thẳng, sự kết hợp vận động vòng tròn và vận động thẳng, theo đó vận động theo vòng tròn là vận động có tính liên tục, còn vận động thẳng có tính gián đoạn.
Sau khi định nghĩa và phân loại vận động Arixtốt tìm hiểu các khái niệm khác của vật lý học.
Không gian theo cách hiểu của Arixtốt đồng nghĩa với vị trí - giới hạn của vật thể. Đai thiên cầu không có vị trí, không nằm ở đâu cả, vì không có cái gì vây bọc nó. Vị trí không phải là mô thức lẫn vật chất, vì cả hai không thể đứng tách biệt với đối tượng, còn vị trí thì có thể (Arixtốt, Vật lý học, quyển 4, 209b 20 - 32). Vị trí cũng không phải là sự vật đơn nhất, vì nếu nói như vậy ta phải chấp nhận trong một vị trí có hai vị trí. Vị trí là bể chứa các vật thể.
Khác với không gian, thời gian không liên kết với các vật thể, mà với vận động. Thời gian không phải là vận động, nhưng nó không tồn tại thiếu vận động, bởi lẽ nó là “số lượng vận động xét theo quan hệ với quá khứ và tương lai”, là sự tuôn chảy. Vị trí thế giới là hữu hạn, một khi nó được giới hạn bởi bầu trời, do đó có thể có vận động tuyệt đối và đứng im tuyệt đối, có trên tuyệt đối và dưới tuyệt đối. Thời gian thì vô hạn, vì nếu như tất cả các quá trình đơn nhất đều hữu hạn, và độ dài lâu của chúng được đánh giá bằng thời gian, thì thế giới thống nhất và vĩnh cửu phải có độ dài lâu vô hạn. Thời gian không phải là vận động, vì vận động thì có vận động nhanh, vận động chậm, còn thời gian thì đâu đâu cũng vậy. Nhờ đặt tính ấy mà thời gian là thước đo của vận động. Ngược lại vận động cũng đo lường được thời gian, khác chăng ở đây là không phải bất kỳ vận động nào, mà chỉ vận động cân bằng theo vòng tròn của Đại thiên cầu mới là thước đo thời gian, “vòng thời gian”. Thời gian là số lượng vận động liên tục; thời gian “trở thành vận động chỉ bởi vì vận động có số lượng” (xem Arixtốt, sđd, quyển 4, 223a, 223b).
Arixtốt không nhất trí với Platôn vì đã quy các yếu tố tự nhiên về những dạng thức hình học. Giả thiết ấy, theo Arixtốt, không thể lý giải trọng lượng của các hiện tượng vật lý, do đó khó tìm ra nguyên nhân vận động của chúng. Ông thay phương án dạng thức hình học bằng phương án xác định vị trí. Nếu vật thể nằm ở vị trí cố hữu tự nhiên của mình thì nó đứng im; nếu bị đẩy sang vị trí khác không tương xứng, thì nhất định nó phải chuyển dịch trở về vị trí tương xứng tự nhiên ban đầu. Trái đất đứng im vì tọa lạc ở vị trí tự nhiên của mình, tức ở trung tâm Đại thiên cầu. Nếu ném hòn đất lên trên, nó sẽ rơi trở lại, tức hướng về vị trí tự nhiên.
Quan niệm về vận động của các hành chất tự nhiên ở Arixtốt có những cải biến nhất định. Bốn hành chất truyền thống - đất, nước, lửa, khí - đều vận động theo đường thẳng: đất, nước - từ trên xuống, hướng về tâm; lửa, khí - từ dưới lên, hướng ra ngoại diên. Thế giới được tạo nên từ sự kết hợp các hành chất ấy. Arixtốt còn đưa ra hành chất thứ băm - ête (aither), có đặc tính bất biến, hình thành nên nhữnh vật thể bầu trời.
Vật lý học và vũ trụ luận của Arixtốt chứa đựng yếu tố mục đích luận. Toàn bộ tự nhiên là một cơ thể sống động thống nhất, nơi mà “cái này xuất hiện vì cái kia””Do chỗ tự nhiên có tính chất hai mặt: một đằng nó là vật chất, đằng khác - như mô thức, mà mô thức lại là mục đích, mà toàn bộ những gì khác đều tồn tại vì mục đích, nên nó (mô thức) cũng sẽ là nguyên nhân của sự “vì cái gì” (Arixtốt, Vật lý học, quyển 2, 199a 30 - 32). Bên cạnh đó Arixtốt cũng phân biệt tính mục đích và tính tất yếu, mặc dù chưa rõ ràng.
Đánh giá bài viết?