Tư tưởng thẩm mỹ - nghệ thuật của Platon

Đề cao lý trí và sức mạnh sáng tạo của con người đã trở thành truyền thống trong triết học Hy Lạp cổ đại. Platôn có thể thủ tiêu con người cá nhân, nhưng không hạ thấp hình Ảnh con người sáng tạo. 

Tư tưởng thẩm mỹ của Platôn thể hiện trong quan niệm về nghệ thuật. Nghệ thuật là mô phỏng sự mô phỏng: các sự vật mô phỏng các ý niệm, con người mô phỏng các sự vật để làm nên các công trình nghệ thuật. Nhưng mô phỏng trong nghệ thuật không đơn giản là bản sao các sự vật, mà gắn liện với hoạt động có mục đích của con người, biến cái thô thiển, xù xì của thế giới các sự vật thành sản phẩm đầy chất sáng tạo. Nghệ thuật trước hết là giá trị do con người làm ranhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp và hoàn thiện năng lực nhận thức thế giới. 


Nghệ thuật bắt đầu khi con người bị ám Ảnh, điên loạn, bị đặt trong tình thế giằng co giữa hai thế giới - thế giới mà ta đang sống và thế giới mà ta chưa biết, nhưng khao khát hướng đến. Am Ảnh và điên loạn, theo Platôn, là khí chất tạo ra nguồn lực mạnh mẽ, thúc đẩy con người hành động. Trong học thuyết về linh hồn Platôn xếp hai đặc tính này vào phần ý chí. 

Đối tượng của thẩm mỹ là cái Đẹp. Thẩm mỹ học Platôn là bản thể luận đã được huyền thoại hóa về cái Đẹp, tức học thuyết về tồn tại của cái Đẹp, chứ không phải triết học nghệ thuật theo đúng nghĩa của từ đó. Với tính cách là những mệnh đề xuất phát, cái Đẹp vượt khỏi khuôn khổ của nghệ thuật, đứng cao hơn cả nghệ thuật - trong lĩnh vực của tồn tại bên ngoài thế giới (xem V. Ph. Axmút: triết học cổ đại, Nxb Khoa học, Mátxcơva, 1976, tr. 189 - 192, tiếng Nga). 

Cái Đẹp không có tính hữu dụng và chuẩn mực. Không là hữu dụng, vì cái hữu dụng chỉ xét trong tương quan nào đó, do vậy không thể là cái tuyệt đối được; không là chuẩn mực, vì nó không buộc các sự vật luôn đặt mình trong một mô thức cứng nhắc, giả tạo. Không nên xem xét cái Đẹp ở vẻ ngoài, mà ở toàn thể, ở ngay tồn tại của nó. Đó là cái Đẹp tự thân bên trong, kết hợp với cái Thiện. Đó cũng là cái Đẹp mang sức mạnh, thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật. Chính nó gợi lên ở linh hồn những xung động, đam mê. Cảm thức cái Đẹp là khởi điểm của sự phát triển tinh thần. Platôn hiểu sự “yêu mến cái Đẹp” như quá trình con người đến gần với thực tại (thế giới các ý niệm), như cuộc hnàh trình đi lên theo những nấc thang vươn cao mãi. Nấc thang đầu tiên - cái Đẹp thân xác, đầy dục tính; nấc thang tiếp theo - cái Đẹp tinh thần; nấc thang cuối cùng - cái Đẹp tự tại, hay ý niệm cái Đẹp. 

Quan điểm nghệ thuật của Platôn có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng. Nghệ thuật được xem như phương tiện giúp xây dựng hình Ảnh con người kiểu mẫu, nơi đạo đức và thẩm mỹ, phẩm hạnh và cái Đẹp liên hệ hữu cơ với nhau. Nghệ thuật không đem đến tri thức chân lý, nhưng tác động lên tình cảm và hành vi con người. Trong mô hình nhà nước lý tưởng do Platôn xác lập các hoạt động nghệ thuật phải được đặt dưới sự kiểm soát khắt khe của chính quyền, nhằm tránh cho trẻ thơ sớm bị sa ngã “theo gương những vị thần láu cá, độc ác, tàn bạo, dối trá” (xem Platôn: Nhà nước, quyển X, 601b). Platôn hạ thấp vai trò của nghệ thuật tạo hình, vì theo ông, thứ nghệ thuật này không có khả năng phản ánh chân lý, là lĩnh vực không phải của hiện thực, mà của vẻ ngoài lừa dối. Ông phê phán thơ Hôme vì sự báng bổ thần linh. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?