Trường phái triết học Pitago

Nước ở Talét không đơn giản là yếu tố vật lý, mà còn là yếu tố thần linh (“nước thiêng”, nước “thần”). Đối với ông tất cả sự vật đều sống động, có thần tính. Vật hoạt luận (Hylozoism, kết từ “hyle” - sự vật, và “zoe” - sự sống, học thuyết chủ trương tất cả các sự vật đều sống động, có linh hồn, hay thần tính) ẩn náu trong chủ nghĩa duy vật chất phác là đặc điểm của triết học Talét. Apâyrốt (apeiros) của Anaximen không chỉ là “không khí”, mà còn là “khí”, “sinh khí’ cuộc sống. Như vậy ngay trong các học thuyết được gọi là duy vật thì những mầm mống của chủ nghĩa duy tâm đã hình thành và phát triển khi có điều kiện thích hợp. Bản thân chủ nghĩa duy tâm cũng ra đời một cách tự phát, gắn với trình độ nhận thức chung của cổ đại Hy Lạp, song nó cũng là nỗ lực tìm kiếm lời đáp cho vấn đề quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh và với chính mình. Ở những nhà duy tâm đầu tiên việc đề cao “thần tính” của tồn tại, tính siêu việt của linh hồn so với thể xác cần đến một giá đỡ, cái tuyệt đối bên ngoài thế giới. 


Bên cạnh đó sự ra đời của chủ nghĩa duy tâm như một hệ thống lý luận có cội nguồn sâu xa từ thần thoại và tôn giáo nguyên thủy, thể hiện cả thái độ sống của con người, thái độ đối với thế giới mà mình còn chưa hiểu biết thấu đáo.

 Tư tưởng huyền học đan xen với tư tưởng khoa học là những biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa duy tâm như một học thuyết bản thể luận ở Pitago và trường phái Pitago

Ngay từ thời kỳ di thực vào cuối thế kỷ VI TCN trung tâm tri thức của người Hy Lạp đã chuyển dần từ vùng Iôni sang phía Tây, hay Đại Hy Lạp, bao gồm những vùng đất mà người Hy Lạp chiếm ở ven Địa Trung Hải và Biển Đen. Tại đây các trường phái triết học lần lượt xuất hiện, trong đó nổi lên trường phái Pitago, còn gọi là liên minh Pitago, xét theo phương thức tổ chức, tầm Ảnh hưởng, tính hỗn dung về tư tưởng và chiều dài lịch sử của nó. Đây là trường phái triết học tồn tại lâu nhất, kéo dài từ thế kỷ VI TCN đến khi kết thúc triết học cổ đại phương Tây. Giai đoạn giàu ý nghĩa nhất trong sự tồn tại của trường phái Pitago là giai đoạn sơ - trung kỳ (thế kỷ VI - IV TCN), khi nó đạt được những đỉnh cao đáng nhớ: đỉnh cao chính trị (nửa đầu thế kỷ V TCN), đỉnh cao triết học (nửa sau thế kỷ V TCN), đỉnh cao khoa học (nửa đầu thế kỷ IV TCN).

Liên minh, hay dòng tu Pitago hình thành trong bối cẢnh phực hưng tôn giáo và công cuộc di thực ồ ạt từ Iôni sang miền nam nước Ý và vùng Xixin hiện nay. Liên minh được tổ chức chặt chẽ theo hình thức khép kín, lấy quan niệm về sự hòa tiết và thanh tẩy linh hồn làm cơ sở đạo đức. Trong liên minh mọi thứ thuộc về của chung, mọi sinh hoạt đều tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt, theo một trình tự được các thành viên chấp thuận. . Nhưng liên minh Pitago không thuần về tôn giáo, mà chủ yếu là nơi tập hợp những người yêu thích hoạt động trí tuệ.

Pitago (570 - 496 TCN) sinh tại Xamốt, thuộc vùng Iôni, sau di cư sang Cơrôtôn, miền nam Ý. Là nhà toán học, Pitago đưa ra nhiều định lý có giá trị. Trong triết học Pitago là nhà duy tâm tôn giáo, xây dựng những tư tưởng huyền bí về ý nghĩa cuộc sống và bản nguyên vũ trụ, mang đậm dấu s61n huyền học phương Đông. Bản tính con người, theo Pitago, có tính chất nhị nguyên - thể xác khả tử, linh hồn bất tử. Ý nghĩa cao cả của cuộc đời là xuất hồn, thanh tẩy những cái nhơ bẩn, những điều ác trong lòng, hòa mình vào linh hồn vũ trụ, tránh kiếp luân hồi. Triết lý, vì vậy, là hành trình của sự giải thoát.

Trong tư tưởng của Pitago những con số chiếm vị trí đặc biệt. Triết lý về con số ở Pitago bắt đầu bằng mệnh đề “cái gì đo được thì tồn tại, cái gì tồn tại thì đo được”, vì thế những con số định hình nên thế giới, diễn đạt sự vật, thậm chí là bản chất và chuẩn mực của chúng. Triết lý là nhận thức quy luật vận động của vũ trụ thông qua những con số. Khi ta nói “linh hồn hòa điệu”, thì đó chính là quan hệ hòa điệu của các con số. Pitago dùng tương quan chẵn - lẽ, bộ mười và bộ bốn để giải thích tính thống nhất và đa dạng của tự nhiên, xã hội, con người, trong đó số 1 là đơn vị cơ sở, sau số 1 (lẽ) là số đối lập - số 2 (chẵn); lẽ là cái hữu hạn, chẵn là cái vô hạn. Số 1 là con số năng động nhất, Bản nguyên hoạt động, chi phối tất cả, nhưng con số kỳ diệu nhất là số 10, bao gồm 10 mối quan hệ của các mặt đối lập: hữu hạn - vô hạn, chẵn - lẽ, đơn - đa, phải - trái, nam - nữ, động -tĩnh, thẳng - cong, sáng - tối, tốt - xấu, tứ giác - đa diện. Trong sự liệt kê đơn giản, ngây thơ, ngẫu hứng và không mấy sắc sảo này đã thể hiện những phạm trù đầu tiên của tư tưởng, sự nỗ lực lý giải thực tại của Pitago - ông đã nâng con số lên trình độ khái niệm, hiểu nó như tồn tại tự thân “trong nó, cho nó và cho cái khác” (Hêghen). Từ các con số hình thành nên những vật thể, những hành chất (nước, không khí, lửa) và toàn thể vũ trụ. Vũ trụ được cấu thành từ 10 thiên hà, tạo nên sự hòa điệu thiêng liêng. Tuy nhiên không thể đưa lẽ công bằng, tự do về những con số, vì đó là những khái niệm trừu tượng, khó được cụ thể hóa, hiện thực hóa hoàn toàn trong cuộc sống. Lẽ công bằng không đo bằng các con số.

Bản tính con người, theo Pitago, có tính chất nhị nguyên, trong đó thể xác khả tử, linh hồn bất tử. Ý nghĩa cao cả của cuộc đời là xuất hồn, thanh tẩy những cái nhơ bẩn, những điều ác, hóa thân vào linh hồn vũ trụ, tránh kiếp luận hồi. Cách tiếp cận như thế cho thấy triết lý nhân sinh của Pitago mang đậm dấu ấn của huyền học phương Đông. Đánh giá Pitago, Hêraclít viết:”Pitago vượt xa những người khác về sự am hiểu khoa học, nỗ lực thâm nhập vào bản chất thế giới, tỏ ra uyên thâm trong mọi chuyện, nhưng xem ra chỉ hình thành được mớ kiến thức giả tạo” (Tản văn, Lôgót, câu17).

Thế hệ tiếp theo của trường phái Pitago gắn với tên tuổi của Philôlai (Philolaos, nửa sau thế kỷ V TCN), người tiếp tục huyền thoại hóa những con số. Những điểm không gian được biểu tượng thành những số đơn giản, từ đó nối thành đường - “những con số đường thẳng”. Những số triển khai ra thành hai số nhân bằng nhau là “những con số hình vuông” (số 4, số 9 … ); nếu thành hai số nhân không bằng nhau - “những con số hình chữ nhật” (số 6, số 12…); nếu thành ba số nhân - những hình Ảnh không gian (vật thể). Như vậy số 1 tương ứng với điểm không gian, số 2 - đường, số 3 - mặt phẳng, số 4 - khối vật thể đơn giản. Riêng số 10 Phillôlai không trình bày như con số hình chữ nhật, với các cạnh là 5 và 2, mà như hình tam giác cân với 10 chấm đen, xếp theo bốn dãy, lấy từ bốn số đầu của dãy số tự nhiên là 1,2,3,4 (1+2+3+4 = 10). Do chỗ số 1, số 2, số 3 và số 4 là sự thể hiện số học của điểm, đường thẳng, mặt phẳng và khối, nên số 10 chứa đựng trong nó cả bốn hình thức tồn tại của sự vật. Các số khác cũng mang những ý nghĩa tượng trưng, như số 5 - phẩm và sắc, số 6 - tính sống động, số 7 - trí tuệ, sức khỏe, ánh sáng, số 8 - tình yêu và tình bạn, sự mẫn tiệp và hào hoa. Nhờ những con số mà không gian vật thể được tổ chức lại. Trong vũ trụ luận Philôlai kế thừa quan điểm của Pitago về sự hòa điệu giữa các hành tinh, làm nên bản giao hưởng vũ trụ huyền bí, thiêng liêng, đồng thời liên kết Đại không gian với các nhân vật thần thoại. Khác với Pitago, Philôlai cho rằng Trái đất không phải là trung tâm vũ trụ, mà bay lượn như những hành tinh khác. Nếu Plà người tiên phong của thuyết Địa tâm, thì Philôlai đi theo hướng ngược lại, song chưa phải là người tiên phong của thuyết Nhật tâm, vì Mặt trời được hình dung chỉ như một khối tinh thể lạnh, phản chiếu ánh sáng từ nơi khác, từ Vòm lửa Olimpốt (Olimpos) xa xôi, nơi phát nguyên ngọn lửa trung tâm vĩnh hằng.

 Acsitốt (Archytos), học trò của Philôlai, nghiêng hẳn về tinh thần Hy Lạp phóng khoáng và yêu chuộng tự do, giảm dần các yếu tố bảo thủ, khổ hạnh, Ở Acsitốt tinh thần khoa học chẳng những vượt qua giáo điều, mà còn chiếm vị trí danh dự trong quan hệ xã hội, chẳng hạn luận điểm cho rằng một phép tính sòng phẳng ngăn ngừa đại họa cho muôn người. Triết học Acsitốt nhấn mạnh xu hướng duy lý hóa nhận thức; trong vũ trụ vắng dần hình Ảnh các vị thần, thay bằng những xét đoán kết hợp trực quan và tư duy, khả năng tri giác và trí tưởng tượng. Tuy nhiên nhìn chung trường phái Pitago Trung kỳ chưa thực sự chấm dứt những ràng buộc với tôn giáo, nhất là tôn giáo Ocphây (Orpheus)

Trường phái Pitago, nơi các yếu tố khoa học và các yếu tố tôn giáo đan xen nhau, phản ánh tính đa dạng và phức tạp của sinh hoạt tinh thần của thế giới Hy Lạp thời sơ khai, khi quá trình hình thành các thị quốc bị chi phối bởi những cuộc di thực và chiến tranh, còn nền văn hóa thì đang tìm kiếm những khả năng mới, thay thế các môtíp sáng tạo từ thời trước.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?