Triết học xã hội - mô hình nhà nước lý tưởng của Platon

Cũng như Xôcrát, mối quan tâm hàng đầu của Platôn trong triết học xã hội là vấn đề phẩm hạnh. Bốn phẩm hạnh thường xuyên được nhắc đến là tiết độ, can đảm (gan dạ), khôn ngoan, công bằng, dựa theo cách phân tầng linh hồn, phân tầng xã hội và quan hệ giữa người với người. 

Tiết độ là phẩm hạnh cần có đối với tất cả các công dân, không phân biệt địa vị xã hội. 

Can đảm không nhất thiết là phẩm hạnh phổ biến. Chỉ cần một bộ phận công dân (các chiến binh) có được nó để bảo vệ an ninh quốc gia. 

Khôn ngoan có thể hiện diện ở tất cả, song xét thực chất nó là đặc quyền phẩm hạnh của các triết gia. 
Có thể gọi công bằng là “đức hạnh xã hội”, vì nó thể hiện trong đời sống của cá nhân lẫn cộng đồng, đóng vai trò thước đo của chế độ chính trị. 


Platôn đưa ra các kiểu thị quốc Hy Lạp cổ đại sau đây: 1) quân chủ - sự cai trị của một người tốt, và hình thức xuyên tạc của nó - bạo chính; 2) quý tộc - sự cai trị của một số người tốt, và hình thức xuyên tạc của nó - hoạt đầu (quả đầu), hay tập đoàn thống trị bằng những phương tiện không hợp lòng dân; 3) dân chủ - sự cai trị của nhiều người, hay của toàn thể dân chúng. Có thể phân chia theo ba nhóm và các hình thức tương ứng với chúng: 1) quân chủ, gồm có quyền lực của nhà thông thái (hay quý tộc), hoặc quyền lực của kẻ độc tài (tyrannia); 2) quả đầu, hay quyền lực chính trị của những nhóm, tập đoàn nhất định, gồm có phú hào (tymokratia), quả đầu (oligarchea), và cộng hòa; 3) dân chủ (demokratia). Điều đặc biệt là Platôn không nêu lên hình thức xuyên tạc của dân chủ, mà cho rằng bản thân nó, một nền dân chủ “thuần tuý”, đã là hình thức cai trị tồi tệ nhất từ tất cả các hình thức hiện tồn (Platôn. Tác phẩm chọn lọc T. 4, M, 1994, tr. 74). Tất cả những hình thức nhà nước tốt đẹp nhất trong lịch sử vẫn chưa phải là những nhà nước công bằng lý tưởng. 
Thế nào là một nhà nước công bằng lý tưởng? 
 Trước hết nhà nước đó phải được xây dựng từ những thành tố công dân khác nhau, chiếm những địa vị xã hội khác nhau, thực hiện đúng những chức phận của mình tùy theo năng lực cá nhân. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, mà “phù hợp với trật tự tự nhiên” của sự vật. Sự xác định các đẳng cấp của xã hội dựa trên sự phân chia cơ cấu linh hồn: a) các triết gia - cai trị gia,hay đẳng cấp vàng, tương ứng với phần lý trí của linh hồn; b) các chiến binh, hay đẳng cấp bạc, tương ứng với phần ý chí của linh hồn; c) những người lao động chân tay và buôn bán, hay đẳng cấp đồng và sắt, tương ứng với phần dục vọng của linh hồn. 

Sự phân chia đẳng cấp không chỉ dựa trên phẩm chất đạo đức, trí tuệ, mà còn nhất trí với sự phân công lao động - nền tảng của đời sống xã hội. Trong nhà nước lý tưởng quyền lực tập trung vào tay “những bậc thông thái”, những người đại diện cho trí tuệ của cộng đồng. Tính bền vững của nhà nước đạt được “khi bằng thuyết phục, khi bằng gươm đao”. Luật pháp đưa các vĩ nhân vào bộ máy quyền lực “không phải để dành cho họ đặc quyền muốn đi đâu làm gì tuỳ thích, mà để sử dụng họ cho công cuộc kiến thiết nhà nước” (Platôn, Nhà nước, quyển VII, 520a). Về tổ chưc đời sống xã hội, trong nhà nước lý tưởng mọi người sống có kỷ luật, các chiến binh tập trung trong các doanh trại, tách phụ nữ và trẻ em ra riêng. Gia đình theo nghĩa truyền thống không còn, mà chỉ là sự liên kết nhất thời giữa nam và nữ để sinh con (Platôm, Nhà nước, quyển V, 460c - 461e, 462 ab). Mọi tài sản của các chiến binh đều là của chung, không có tư hữu. 

Chiến binh chỉ có quyền sử dụng những gì thiết yếu nhất cho cuộc sống, sức khỏe và sự hoàn thành tốt nhất các chức năng của họ trong nhà nước. Họ không có nhà cửa riêng, không tài sản, không của quý. Platôn lập luận rằng, nếu chiến binh có được nhiều tiền của, họ sẽ bị cuốn theo cơn lốc của sự tư lợi, khó hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc; họ sẽ biến thành người chiếm hữu ruộng đất, thành những ông chủ, gây thù chuốc oán đối với các công dân khác. Về giáo dục, Platôn chủ trương một nền giáo dục có tính định hướng nghiêm túc, tính sàng lọc, toàn diện và liên tục, hướng con người đến lẽ công bằng và cái thiện tối cao. Giáo dục bắt đầu ngay từ lúc trẻ biết nói đến trên ba mươi tuổi. Từ ba đến sáu tuổi trẻ được giáo dục bằng những câu chuyện thần thoại, nhằm đánh thức tính tò mò, tính hiếu động, sáng tạo. 

Từ bảy đến mười tuổi - thể thao, từ mười một đến mười ba tuổi - tập đọc, tập viết, từ mười bốn đến mười sáu tuổi - thi ca, âm nhạc, từ mười sáu đến mười tám tuổi - toán học, từ mười tám đến hai mươi tuổi - quân sự, từ hai mươi đến ba mươi tuổi - tuyển chọn lần thứ nhất; một số thực sự có năng khiếu cầm quân được đào tạo thành các tướng lĩnh, một số khác có tư chất thông minh được đào tạo làm nhà cai trị, đồng thời tiếp tục học tập và nghiên cứu khoa học. Từ ba mươi tuổi trở đi - tuyển chọn lần thứ hai trong số những người làm khoa học. Một số không xuất sắc lắm thì an phận làm viên chức, mô5t số khác được đào tạo tiếp, đặc biệt môn biện chứng và môn đạo đức để thấm nhuần tinh thần triết lý và cái thiện. 

Như vậy nhà nước lý tưởng mà Platôn hình dung là một tổ chức đạo đức - chính trị hoàn hảo, giải quyết các nhiệm vụ cơ bản như đảm bảo an ninh xã hội và chủ quyền thị quốc, các nhu cầu vật chất thiết yếu và phúc lợi cho xã hội, định hướng hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nguyên lý của nhà nước lý tưởng là Công bằng, mục tiêu của nó - cái thiện, phương tiện của nó - giáo dục. Platôn chủ trương một nền văn hóa đề cao cái đẹp tinh thần, lý tưởng. Có thể nhận thấy trong nhà nước lý tưởng của Platon tư tưởng nhân văn - khai sáng đan xen với một số yếu tố của chủ nghĩa cộng sản không tưởng thô thiển và chủ nghĩa quý tộc thượng lưu. Platôn phê phán nền dân chủ trong thời kỳ khủng hoảng của nó, với bốn biểu hiện là tính mâu thuẫn, tính man rợ hóa, tính thiếu quyết đoán và tính thái quá, đồng nhất bản chất của dân chủ với những biểu hiện nhầt thời, đối lập dân chủ với mô hình nhà nước lý tưởng mà thực chất là sự dung hợp tinh thần Hy Lạp thời đại anh hùng ca với chế độ quả đầu quân sự hóa tại Xpáctơ. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?