Tóm tắt và đánh giá chủ nghĩa duy vật trong triết học Hy Lạp cổ đại

Sự đột phá trong ý thức của người Hy Lạp xưa trước hết gắn liền với nỗ lực vượt qua hình thức tư duy huyền thoại, thay câu hỏi “thế giới này do những vị thần nào tạo tác và cai quản ?” bằng câu hỏi “thế giới bắt đầu từ đâu và đi (quay) về đâu ?”, mong muốn truy tìm bản nguyên của thế giới thay vì tưởng tượng về một hay nhiều vị hóa công vũ trụ. Đó là biểu hiện của ý chí khám phá thế giới để khẳng định vị trí của con người trong thế giới. Không chấp nhận thói quen ý thức của đại chúng, phần lớn các triết gia đầu tiên đã thế tục hóa sự thông thái thần linh, đề cao lý trí con người, giải thích bản nguyên thế giới từ chính những chất liệu sẵn có của thế giới, những chất liệu mà con người có thể quan sát trực tiếp hoặc cảm nhận được: nước, lửa, khí, đất. Có thể hiểu vì sao sự ra đời của triết học Hy Lạp cũng là sự ra đời của triết học tự nhiên, và cũng là sự ra đời của chủ nghĩa duy vật một cách tự phát. Các nhà duy vật sơ khai là những nhà vật lý theo nghĩa trực tiếp của từ này (physis trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tự nhiên, tăng trưởng v. v. . ) 


Trong việc lý giải bản nguyên thế giới tồn tại hai phương án khác nhau - phương án “nhất nguyên”, căn cứ trên một yếu tố vật chất nhất định, và phương án “đa nguyên”, căn cứ trên nhiều yếu tố vật chất, chẳng hạn đất, nước, lửa, không khí đối với Empêđốc đều đáng được xem là bản nguyên thế giới, còn đối với các nhà nguyên tử luận thì đó là các nguyên tử vận động trong khoảng hư không. 

Chủ nghĩa duy vật Hy Lạp cổ đại, với tính cách là hình thức lịch sử đầu tiên của chủ nghĩa duy vật, mang tính chất trực quan, sơ khai và ngây thơ, vì phần lớn những nhận định của nó dựa vào sự quan sát trực tiếp, sự cảm nhận hay suy tưởng của các triết gia, mà chưa được thẩm định về mặt khoa học. Hơn nữa, như ta biết, trong triết học nói chung câu hỏi đúng vẫn tốt hơn là trả lời đúng cho câu hỏi sai. Bản thân cách đặt vấn đề về viên gạch đầu tiên xây nên tòa lâu đài vũ trụ, xét từ quan điểm vật lý học hiện đại, rõ ràng chưa phải là “câu hỏi đúng”. Ở chủ nghĩa duy vật Hy Lạp cổ đại bản nguyên đồng nhất với các yếu tố vật chất cụ thể (nước, lửa, khí, đất) hoặc giả định (apâyrôn, hômoiômeria, nguyên tử). Bên cạnh đó trong một số học thuyết được đời sau gọi là duy vật các yếu tố của tư duy huyền thoại vẫn còn, dù không đóng vai trò chính trong thế giới quan chung. Trong thời kỳ đầu tiên các nhà triết học vẫn cần đến một giá đỡ thần linh để chuyển tải ý tưởng mới lạ của mình mà không quá xa cách với trình độ nhận thức chung của thời đại. Nước ở Talét được nâng lên cấp độ nước “thần” (liên tưởng hình Ảnh thần Đại dương trong thần thoại), là biểu tượng của sự nhất trí và hòa hợp; apâyron là nguyên lý sinh hóa của vạn vật; “khí” không chỉ là yếu tố vật lý, mà còn biểu thị sức sống năng động của vũ trụ và con người, là “sinh khí”; quan niệm về ngày tận thế là sự vận dụng luật bù trừ trong thiên nhiên để giải thích quy luật biến thiên của các hiện tượng; kiếp người thường được liên tưởng tới kiếp của muôn loài - có sinh có diệt, tội ác phải đền bằng cái chết…Yếu tố vật hoạt luận (tất cả các sự vật đều có linh hồn, có thần tính), nhân hình hóa hiện diện ở các học thuyết duy vật thời kỳ muộn hơn. Lôgốt của Hêraclít là sự kết hợp thần linh - vũ trụ - con người. Empêđốc gán các đặc tính tâm lý, tình cảm của con người cho các quá trình bên ngoài con người, theo đó khi Tình yêu chiến thắng vũ trụ đi đến sự hợp nhất, ngược lại, khi Hận thù chiếm lĩnh khắp nơi, vũ trụ bị chia cắt, phân ly. Chịu Ảnh hưởng của thuyết luân hồi và thanh tẩy của phái Oocphây (Orpheus) và huyền học phương Đông, Empêđốc cho rằng linh hồn có thần tính, do phạm tội mà chịu kiếp đọa đày vào thân xác, đầu thai, luân hồi “ba lần mười ngàn năm”, nhờ sám hối, thanh tẩy mới trở lại nơi cư ngụ thần linh của mình trước kia. Anaxago thì cần tới trí tuệ vũ trụ (Nous) để lý giải các quá trình tự nhiên, mặc dù cái bản nguyên tinh thần ấy bị chìm lấp giữa các yếu tố “không can hệ gì đến thần linh” 

Tuy nhiên giới hạn của trình độ nhận thức không ngăn cản một số nhà duy vật vượt qua cái cụ thể, cảm tính, mong muốn đi tìm cái chung nhất của tồn tại (apâyrôn của Anaximăngđơ, homoiômeria của Anaxago, và cả “cái không phân chia”, tức nguyên tử, của Lơxíp và Đêmôcrít). Có thể nói các nhà duy vật cổ đại, từ Talét trở đi, đã cố gắng tìm kiếm dấu hiệu tổng quát để diễn đạt bản nguyên thế giới, nghĩa là họ vươn dần đến trình độ khái niệm, trình độ thực thể trong cách hiểu về cơ sở của tồn tại. 

Trong sự phát triển của chủ nghĩa duy vật Hy Lạp cổ đại nguyên tử luận chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, là điển hình cho tư tưởng duy vật thời bấy giờ. Tính chất điển hình đó được thể hiện ở mấy nét sau: thứ nhất, bằng việc xác định các nguyên tử (tồn tại) và khoảng không (hư vô) là bản nguyên của thế giới, các nhà triết học thuộc nguyên tử luận đã xác lập bức tranh vật lý độc đáo, theo đó tính đa dạng, muôn vẻ của thế giới vật chất xuất phát từ sự khác nhau của các nguyên tử về hình dáng, kích thước, trật tự, vị trí và một số đặc tính khác. Như vậy thế giới tồn tại tự thân, tuân theo quy luật nội tại của mình. Thứ hai, các sự vật, hiện tượng tồn tại và vận động theo tính tất yếu tự nhiên, không chịu sự can thiệp của các lực lượng siêu nhiên. Quan niệm về tính tất yếu tự nhiên của phái nguyên tử mang tính chất máy móc (không thừa nhận vai trò của cái ngẫu nhiên trong tiến trình sự vật), nhưng đã chứa đựng yếu tố tích cực vì thông qua đó bác bỏ thuyết định mệnh, mở đường cho sự giải thích quá trình tự nhiên một cách phi nhân hình, thuần túy vật lý. Thứ ba, các nguyên tắc của thuyết nguyên tử còn được Đêmôcrít vận dụng vào việc giải thích đời sống xã hội và con người. Chẳng hạn Đêmôcrít cho rằng nền dân chủ là chế độ nhà nước ưu việt nhất, vì ở đó quyền lực thuộc về nhân dân mà ông gọi là “những nguyên tử xã hội”. Thứ tư, quan niệm về cái bé nhất (nguyên tử) không đơn giản là kết quả của sự quan sát trực tiếp, mà đòi hỏi óc suy tưởng, trực giác trí tuệ cao, đề vượt qua tính trực quan, vươn đến nấc thang lý trí, đến trình độ khái niệm. Theo Đêmôcrít, chúng ta không quan sát các nguyên tử, mà quan sát các sự vật, từ đó suy niệm về sự hiện diện của chúng Atômốt (Atomos) của Lơxíp và Đêmôcrít trong nhiều thế kỷ đã kích thích sự tìm tòi, khám phá của các nhà khoa học và triết học. 

Cuối cùng, so với các nhà triết học tự nhiên sơ khai (Talét, Anaximăngđơ, Anaximen, thậm chí Anaxago, Empêđốc…) triết học tự nhiên của Đêmôcrít đã không còn thuần túy tự nhiên nữa, mà nhân hóa hơn. Epiquya là người đã phát triển nguyên tử luận và nhân bản hóa nó. Thay vì nhấn mạnh tính tất yếu của sự vận động các nguyên tử, Epiquya nhấn mạnh “đao động tự do”, “sự vận động đi chệch quỹ đạo” của chúng, qua đó, theo Mác, nhấn mạnh “tự ý thức tự do”. Nguyên tử luận ở Epiquya còn gắn liền với chủ nghĩa vô thần, duy cảm luận và chủ nghĩa vô thần đặc trưng. 

Chủ nghĩa duy vật trong triết học Hy lạp cổ đại không chỉ bàn đến bản nguyên thế giới, mà bước đầu đến vấn đề nhận thức, nhân sinh, đặt nền móng cho sự phát triển triết học Hy Lạp ở các thời kỳ sau. Trong lý luận nhận thức, các nhà duy vật chỉ ra mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, trong đó xem nhận thức lý tính như nhận thức “chân thực”, khác với nhận thức cảm tính như nhận thức “mờ tối” (Đêmôcrít), song khẳng định cơ sở hiện thực, vật chất của quá trình nhận thức, khác với cách hiểu của chủ nghĩa duy tâm Platôn. Các vấn đề đạo đức, thẩm mỹ, chính trị, xã hội cũng được đặt ra và giải quyết, dù không thành hệ thống quan điểm như ở các nhà triết học Platôn, Arixtốt. 

. Sự phát triển của chủ nghĩa duy vật trong triết học Hy Lạp cổ đại gắn liền với thực trạng của tri thức về tự nhiên, những mầm mống của khoa học chuyên biệt. Nhiều luận điểm của triết học duy vật, dù mang tính tự phát, bẩm sinh, đã đem đến cho con người những gợi mở tích cực, kể cả định hướng thế giới quan và phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy chủ nghĩa duy vật tự phát góp phần tạo nên “vòng khâu” đầu tiên của lịch sử nhận thức. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?