Tâm lý học - học thuyết về linh hồn của Platon

Linh hồn con người cũng tương tự như linh hồn vũ trụ, nghĩa là có chức năng vận hành thân xác, làm cho thân xác trở nên sống động, hoạt động. Thân xác khả tử, linh hồn bất tử. Thân xác được tạo thành từ các hành chất vũ trụ. Chúng trở về vũ trụ sau khi thân xác phân rã. Chức năng của thân xác là trở thành bể chứa tạm thời và nơi cư ngụ của linh hồn. Linh hồn con người là sự thừa hưởng những gì còn sót lại sau công cuộc tạo dựng vĩ đại của thần linh ra linh hồn vũ trụ. Hoá công nhào nặn linh hồn vũ trụ từ hỗn hợp cái đồng nhất, cái khác và hòa lẫn cái đồng nhất - cái khác. 


Phần còn sót lại đối với con người là phần cao cả nhất của linh hồn con người, thừa hưởng từ linh hồn vũ trụ - phần lý trí, tiếp đó - ngoài lý trí. Nhưng ngay ở phần “phi lý” này cũng được phân chia thành ý chí và dục vọng. Trong Nhà nước và Timeus Platôn đã cụ thể hóa sự phân chia ba phần của linh hồn, theo đó phần hạ đẳng, hay dục vọng, gắn với bản năng, là nơi xuất phát những ước muốn hạ đẳng. Phẩm hạnh cần có để chế ngự bản năng thấp hèn là tiết độ. Phần ý chí là nguồn suối phát sinh những đam mê, lòng nhiệt thành, gắn với sự can đảm như phẩm hạnh căn bản của nó. Phần lý trí, hay tinh thần, là phần duy nhất của linh hồn bất tử, với phẩm hạnh căn bản là khôn ngoan, sáng suốt. Từ phần cuối vươn lên cao tức là vươn lên phần thần linh, còn ngược lại - phần thú tính. 

Phẩm hạnh cao quý nhất của mỗi cá nhân trong quan hệ xã hội là công bằng. 

Linh hồn vũ trụ sai khiến những linh hồn vật vờ, bị giằng xé trong xung đột triền miên giữa thần tính và thú tính trở về với thế giới siêu việt. Vì lẽ đó chết không có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại, mà là hóa thân, trở về với vĩnh hằng. Nêu ra huyền thoại ấy, Platôn dành trọn tình cảm của mình cho người thầy bất hạnh Xôcrát. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?