Sự chuyển biến của Xôcrát từ triết học tự nhiên sang triết lý học đạo đức

Xôcrát (Socrates, 469-399 TCN) sinh tại Aten, trong một gia đình mà cha làm nghề điêu khắc, mẹ là bà đỡ. Thời trẻ Xôcrát theo phái biện thuyết, chịu Ảnh hưởng của nó trong việc xác định đối tượng triết học và cách thức truyền đạt tư tưởng. Tuy nhiên sau đó ông rời bỏ trường phái này để tránh, như ông nói, sa vào những cuộc tranh luận vô bổ. Xôcrát vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân của nền dân chủ Aten. Năm 399 TCN ông bị chính quyền Aten, do lân bang Xpáctơ, kẻ thắng trận trong cuộc chiến Pêlôpônét dựng nên, kết án tử hình vì ba tội - bài xích thần linh, chống đối chế độ và hủ hóa giới trẻ, buộc uống thuốc độc tại nhà tù. 

Triết học, theo Xôcrát, không phải là sự nghiên cứu tự nhiên một cách tư biện, mà là học thuyết dạy con người sống tốt và sống đẹp. Con người chỉ có thể nhận biết những gì nằm trong quyền hạn của mình, tức linh hồn mình. “Hãy nhận biết chính mình”, nghĩa là nhận biết mình như thực thể xã hội và thực thể đạo đức. Ông phê phán triết học tự nhiên vì nó không xem con người là đối tượng, mà hướng đến nghiên cứu cái cao siêu, “xúc phạm đến thần linh” nhưng lại xa lạ với con người, do đó rơi vào bế tắc. 


Sự quan tâm đến con người có thể được xem như bước ngoặt từ triết học tự nhiên sang triết học đạo đức, từ nguyên lý vũ trụ sang nguyên lý nhân sinh. Xixêrôn cho rằng Xôcrát đã đưa triết học từ trên trời xuống dưới đất. Ở Xôcrát triết học được quy về đạo đức học duy lý. Theo Xôcrát, triết học là tri thức về con người, dành cho con người, nói cách khác, là tri thức về cái thiện. Hiểu biết về cái thiện sẽ hành động theo cái thiện. Cái ác nảy sinh là do sự dốt nát, thiếu hiểu biết. Thiện và ác không phải là hai căn nguyên tách biệt nhau, mà là sự hiện diện hay thiếu vắng một căn nguyên - tri thức. Xôcrát quy mọi hành động xuẩn ngốc, cái ác nói chung, về sự dốt nát, còn cái thiện, sự mẫn tiệp - về tri thức, bởi lẽ “không ai biết thế nào là tốt mà làm điều ngược lại”. Tuyên bố đó làm nên nội dung cơ bản của đạo đức học duy lý. Nhưng đó cũng là đạo đức học hướng đến cái lý tưởng, chứ không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, với những biến thái phức tạp của nó. 

 Luận điểm cơ bản của đạo đức học duy lý cũng được vận dụng vào lĩnh vực chính trị. Phẩm hạnh (đức hạnh) chính trị là cách diễn đạt khác của tri thức về chính trị. Với phẩm hạnh “không cần những kẻ vô học; nếu khác đi thì nhà nước cũng chẳng nên có làm gì” (V. S. Niersesian. Xôcrát. Nxb Khoa học, Mátxcơva, 1977, tr. 44, tiếng Nga). Vì lẽ đó Xôcrát đã phê phán nền dân chủ chủ nô từ lập trường của giới quý tộc, chứ không phải là “sự phê phán có tính chất dân chủ”, “tạo nên bản chất của nền dân chủ”, như C. Pốpơ (K. Popper) đánh giá (xem C. Pốpơ. Xã hội mở và những kẻ thù của nó. gồm 2 tập, t. 1, Trung tâm sang kiến văn hóa, Soros Foundation, Mátxcơva, 1992, tr. 238, bản tiếng Nga). Thêm nữa, Xôcrát muốn duy lý hóa nhà nước, muốn những người điều hành công việc quốc gia phải có tri thức, hiểu biết. Nhưng chẳng lẽ chính thể dân chủ không hướng đến điều đó? Đêmôcrít ủng hộ nền dânchủ, nhưng không hề hạ thấp vai trò của lý trí. 

Phương pháp của đạo đức học duy lý được gọi chung là phương pháp đỡ đẻ. Theo lập luận của Xôcrát, chỉ có thể sống lương thiện nếu được trang bị một phương pháp hướng dẫn con người đến với chân lý, tức cái Thiện và lợi ích cao nhất, phổ biến nhất. Xuất phát điểm của phương pháp đó là thái độ hoài nghi tích cực, sự tự tra vấn và cầu thị: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả”. Từ điểm “không” này đến chân lý trải qua 4 bước: 1) mỉa mai (thể hiện tinh thần đối thọai tích cực và khoáng đạt); 2) đỡ đẻ (người thầy không chỉ “mỉa mai” về sự kém hiểu biết của học trò, mà như một bà đỡ giúp học trò “đẻ” ra đứa con tinh thần của mình, tức tri thức, trước hết là tri thức về cái Thiện); 3) quy nạp, nghĩa là tri thức chỉ có thể trở nên chắc chắn nếu được thẩm định bởi cuộc sống, bắt đầu từ sự quan sát những hiện tượng đơn lẻ đến sàng lọc, tổng hợp, khái quát hóa; 4) xác định, hay định nghĩa (đích đến trong cuộc sống là xác định đúng bản chất sự vật, gọi đúng tên của nó, chỉ ra đúng vị trí cần có của nó, để hành xủ tốt theo quy luật của cái Thiện). 

“Bước ngoặt Xôcrát” là cách gọi của các nhà nghiên cứu lịch sử triết học phương Tây về thời kỳ diễn ra sự định hướng lại đối tượng và chức năng của triết học, đánh dấu bước phát triển mới, hài hòa và vững chắc hơn, của triết học Hy Lạp cổ đại. Sự phân kỳ triết học Hy Lạp theo chủ đề cũng dựa trên cơ sở này (thời kỳ “trước Xôcrát”, thời kỳ “Xôcrát” hay thời kỳ “hậu Xôcrát”). 

Cùng với quá trình “đưa triết học từ trên trời xuống dưới đất”, Xôcrát đã nâng sự lý giải vấn đề đạo đức - chính trị lên trình độ khái niệm, chứng minh về mặt triết học tính chất khách quan của phẩm hạnh, chính trị, pháp quyền, đối lập với chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa chủ quan của phái biện thuyết. Xôcrát có lẽ là người đầu tiên trong lịch sử triết học phương Tây đã phân biệt quyền tự nhiên và quyền công dân, khẳng định sự thống nhất hai quyền đó, chứ không tách rời nhau, như Prôtago quan niệm. Phương pháp tiếp cận chân lý do Xôcrát xây dựng chứa đựng yếu tố biện chứng, theo cả nghĩa cũ lẫn nghĩa mới. Theo nghĩa cũ, đó là nghệ thuật tranh luận để đạt đến chân lý bằng khả năng luận chứng, thuyết phục của người tham gia tranh luận; theo nghĩa hiện đại, đó là mầm mống của biện chứng chủ quan, biện chứng của các khái niệm. 

 Đạo đức học Xôcrát sùng bái lý trí, nhưng sự sùng bái thái qaú tất yếu dẫn tới sự cực đoan về thế giới quan. Bước ngoặt Xôcrát đồng thời là bước ngoặt từ thế giới quan duy vật tự phát trong triết học tự nhiên sang chủ nghĩa duy tâm. Chủ nghĩa duy tâm tự phát Xôcrát thể hiện trước hết ở việc tách các khái niệm ra khỏi chủ thể nhận thức. Khái niệm, theo Xôcrát, chỉ là kết quả của những nỗ lực tinh thần, không đơn giản là hiện tượng chủ quan, mà là một hiện thể khách quan siêu thoát nào đó của lý trí. Khái niệm tồn tại tự thân, không lệ thuộc vào tồn tại của sự vật, con người. Chẳng hạn, khái niệm “đẹp” tồn tại tự thân, có trước những sự vật cụ thể, ban cho chúng ý nghĩa “đẹp”. Xôcrát là người phác thảo những nội dung cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa duy tâm khách quan, chứ không phải duy tâm chủ quan, như một số nhà nghiên cứu nhận định. Là nhà duy tâm, Xôcrát khẳng định quan điểm linh hồn bất tử. Trong chứng lý “linh hồn bất tử” Xôcrát đã cắt nghĩa vấn đề này: nếu truy đến cùng nguyên nhân của sinh khí cuộc sống, thì đó là linh hồn. “Linh hồn, hơn mọi sự vật, là một sự vật không chết và không thể bị tiêu diệt…Tin ở sự bất tử của linh hồn là sự mạo hiểm đẹp đẽ và nên có” Linh hồn, do vậy, đối lập với thể xác, là “cái thuộc về nhân gian, phải chết” (Platôn: Pheđôn, Bản dịch của Trịnh Xuân Ngạn, SG, 1961, tr. 269 - 270, 273, 295). Linh hồn cải tạo thể xác, nên tự nó phải luôn luôn trong sạch và chừng mực, tẩy uế những gì nhơ bẩn trong con người (xem Platôn, sđd, tr. 277 - 278). Xôcrát lý giải nguồn gốc linh hồn (ý thức) theo các thứ bậc của linh hồn vũ trụ - cái siêu việt, lý tưởng, vượt lên trên tồn tại hữu hạn của con người. Linh hồn sau khi thoát khỏi thể xác sẽ cư ngụ ở dinh thự của thần Hađết (Hades). 

Chủ nghĩa duy tâm, một mặt, là sự ngạc nhiên thú vị trước năng lực nhận thức của con người, thần thánh hóa nó, mặt khác, là “sự phát triển phiến diện, thái qaú của một trong những đặc trưng, của một trong những mặt, của một trong những khía cạnh của nhận thức thành một cái tuyệt đối, tách khỏi vật chất, khỏi giới tự nhiên” (V. I. Lênin: toàn tập, t. 29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr. 385). 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?