Nguyên tử luận duy vật trong lịch sử triết học

Nguyên tử luận là chương mới trong triết học tự nhiên của Hy Lạp cổ đai, do Lơxíp (Leucippos, 500 - 440 TCN) sáng lập, Đêmôcrít (Democritos, 460 - 370 TCN) phát triển, Vào thời kỳ Hy Lạp hóa Epiquya (Epicuros, 342/341 - 271/270 TCN) điều chỉnh và nhân bản hóa theo xu hướng thống nhất với duy cảm luận, chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa khoái lạc. 

Đêmôcrít sinh tại Apđerơ (Abdere), thuộc xứ Tơraxơ (Thrace). Dù lớn lên trong gia đình giàu có, nhưng Đêmôcrít từ bỏ cuộc sống an nhàn để chu du khắp nơi. Ông từng có mặt ở Ai Cập, Ba Tư, An Độ, Babilon, tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích về toán học, thiên văn. Trở lại Hy Lạp, ông đến Aten, tham dự các buổi thuyết giảng của Anaxago, gặp gỡ Xôcrát, nhưng không tán thành quan điểm của ai cả. Đêmôcrít viết khoảng hơn 70 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm còn được lưu giữ qua những trích đoạn như Về tư6 nhiên, Về lý trí, Về trạng thái cân bằng của tinh thần, Về bản tính con người, Về hình học, Về nhịp điệu và hòa hợp, Về thi ca, Về hội họa, Về binh nghiệp, Về khoa chữa bệnh …

Ở khía cạnh bản thể luận thuyết nguyên tử được xây dựng trên cơ sở thừa nhận nguyên tử, với tính cách là tồn tại, và khoảng không, hay hư không, hư vô, là những bản nguyên thế giới. Arixtốt viết về cách hiểu này trong Siêu hình học:”…Lơxíp và người kế tục ông, Đêmôcrít, thừa nhận cái đầy đặn - nén chặt và cái trống rỗng - phân tán như những bản nguyên, một gọi là tồn tại, một gọi là không tồn tại…[rằng cái tồn tại tồn tại không nhiều hơn cái không tồn tại, cũng do vậy nên vật thể tồn tại không nhiều hơn khoảng không], còn nguyên nhân vật chất của cái đang tồn tại thì họ quy về cái này lẫn cái kia” (Arixtốt. Siêu hình học, Q. 1, chương 4, 985b 4 - 9). 

Ý tưởng về các nguyên tử như những phần tử bé nhất, không phân chia (atomos theo tiếng Hy Lạp là cái bé nhất, không phân chia được nữa), không xuyên thấu, bất biến, không phẩm tính, siêu cảm giác, bền vững và vĩnh cửu, tạo nên cơ sở của mọi tồn tại cụ thể, đồng thời cũng chính là tồn tại, không ngẫu nhiên xuất hiện, mà gắn liền với những quan sát trực tiếp và suy đoán của các triết gia về các biến đổi diễn ra ở các sự vật, các hiện tượng xung quanh con người, chẳng hạn sự đông đặc và nóng chảy, sự ăn mòn, sự bốc hơi …Có vô số các hiện tượng diễn ra mà ta không nhìn thấy, nhưng chúng có khắp mọi nơi, làm nên tính phổ biến của vũ trụ. Trực quan sinh động và suy tư triết học đã đưa các nhà nguyên tử luận đến quan điểm sau: sự khác nhau của các nguyên tử về hình dáng, kích thước, trật tự, vị trí …là sự lý giải đầy đủ và xác đáng nhất tính đa dạng của thế giới vật chất. Đêmôcrít xem vận động là thuộc tính của các nguyên tử, nó vĩnh cửu và không do ai sinh ra, cũng như các nguyên tử. Các nguyên tử vận động trong không gian, chúng “bay lượn như những hạt bụi li ti, mà ta thường nhìn thấy dưới nắng mai”, “chúng va chạm nhau, đẩy nhau, rồi lại xoắn vào nhau, tan hợp hợp tan theo những trình tự nhất định, tạo ra những hướng vận động trái chiều nhau” (Hợp tuyển triết học thế giới, t. 1, phần 1, Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1989, tr. 311, tiếng Nga). Tuy nhiên Đêmôcrít chưa phân tích sự tự vận động, nguyên nhân tự thân của vận động vật chất, do đó bị Arixtốt phê phán, một sự phê phán, như ta biết, cũng chỉ nhằm chứng minh cho “Động cơ đầu tiên”, tức Thượng đế. 

Quan niệm về nguồn gốc vũ trụ và sự sống được giải thích trên cơ sở thuyết nguyên tử. Vũ trụ là cái toàn thể rộng lớn, do các nguyên tử tạo nên. Chúng bố trí không đồng đều trong không gian, chỗ dày chỗ thưa, chỗ đầy chỗ khuyết. Ở đâu mật độ dày đặc, các nguyên tử đẩy nhau, làm thành cơn lốc vũ trụ. Những nguyên tử lớn và nặng tụ lại ở trung tâm, những nguyên tử nhẹ và bé hơn, hình cầu và trơn trượt, bị đẩy ra ngoại biên. Bầu trời do lửa, khí, các tinh tú, những thứ bị cơn xoáy lốc đẩy ra, tạo thành. Trung tâm vũ trụ là trái đất bất động, các vì sao vận động xung quanh nó với vận tốc như nhau, hợp nên võ bọc vũ trụ to lớn. Trong nguyên tử luận của mình Democritos đề cập đến nhiều thế giới với những khác biệt về kết cấu, hình dáng, tính chất, quá trình xuất hiện và diệt vong v. v. . Sự sống bắt đầu ngay trên trái đất, chứ không phải do những cơn mưa hạt giống từ hành tinh khác rơi xuống, như Anaxagoras hình dung. Hỗn nguyên tĩnh mịch vừa nứt ra, không khí xuất hiện, bên dưới nó lềnh bềnh lớp đất nhão và nhẹ, tựa bùn. Từ lòng đất nổi lên những màng mỏng, giống bọc mủ hay quả bong bóng nước. Chúng được mặt trời làm khô dần, mặt trăng ấp ủ hằng đêm, cho đến khi vỡ tung; từ trong bọc con người và loài vật bước ra, mỗi loài sở hữu một yếu tố chiếm ưu thế giữa bốn hành chất quen thuộc - đất, nước, lửa, khí. Hành chất trội là cơ sở để phân biệt các loài sống trên mặt đất, dưới nước, trong lòng đất, hay bay trên trời. Lúc mặt đất khô ráo hẳn, các sinh thể trưởng thành, bắt đầu công việc tự tạo tự sinh. Quan hệ giữa con người, loài vật và toàn thể vũ trụ là quan hệ giữa tiểu thế giới và đại thế giới. Sự giống nhau giữa hai thế giới chính là ở chỗ cả hai đều cấu thành từ các nguyên tử. 


Quan niệm về nguồn gốc loài người của Đêmôcrít tỏ ra ấu trĩ. Theo ông, con người có ưu thế hơn loài vật vì chứa tích nhiều lửa, với những nguyên tử khác thường, hình cầu, trơn trượt, năng động. So với loài vật con người sở hữu nguồn vật chất tinh khiết hơn, hấp thụ nguồn chất liệu từ bên ngoài nhiều hơn. Các nhà tư tưởng thuộc nguyên tử luận không xem linh hồn như thực thể phi vật chất, mà quy nó về bản chất vật lý, xem như sự liên kết các nguyên tử hình cầu năng động và dễ phát tán. Sự thở là trao đổi thường xuyên các nguyên tử linh hồn và ngoại cẢnh. Thở và ngừng thở được xem như dấu hiệu đặc trưng của sự sống và c1i chết. Chết đồng nghĩa với sự phân giải các nguyên tử linh hồn ra khỏi cơ thể, phát tán trong không khí. 

Nguyên tử luận cũng được triển khai vào việc giải thích mối quan hệ tất nhiên - ngẫu nhiên, một trong những mối quan hệ cơ bản của các sự vật, hiện tượng, quá trình. Đêmôcrít không bác bỏ khái niệm cái ngẫu nhiên, mà chỉ phê phán những ai dùng nó làm chiếc lọng che đậy sự nông cạn, phi lý của mình. Sự đối lập tất nhiên - ngẫu nhiên, xét cho cùng, là sự đối lập cái xảy ra “theo tự nhiên” với cái xảy ra “không theo tự nhiên”, “không chủ đích”. Vũ trụ xuất hiện, có nghĩa là tính quy luật, tính tất yếu tự nhiên thay thế trạng thái hỗn độn, ngẫu nhiên. Bản thân từ “vũ trụ” (theo tiếng Hy Lạp - “kosmos”) đã hàm chứa một cái gì đó chuẩn xác, trật tự, là môi trường rộng lớn, nơi mỗi thực thể đều chiếm một vị trí nhất định. Không có sự chệch hướng, mọi thứ diễn ra theo tính tất yếu tự nhiên; chúng ta truy tìm nguyên nhân của vạn vật, và hiểu rằng vạn vật tồn tại như thế mà không khác đi. Ngẫu nhiên, do đó, bị đồng nhất với phi nhân quả. Tính chất máy móc và mâu thuẫn trong lập luận của Đêmôcrít về quan hệ nhân quả đã rõ. Chỉ nắm vững phương pháp biện chứng thực sự mới tìm hiểu một cách sâu sắc mối quan hệ, liên hệ và chuyển hóa sâu sắc giữa tất nhiên và ngẫu nhiên, đồng thời chỉ ra giới hạn của chúng. 

Bản thể luận và vũ trụ quan của Đêmôcrít ở một khía cạnh nào đó là sự dung hòa giữa Hêraclít và Pácmênhít, theo đó thế giới các sự vật luôn tuôn chảy, nhưng đồng thời là thế giới bền vững, hài hòa, hoàn hảo, được cấu thành từ các nguyên tử. Cách diễn đạt như vậy chưa hẳn chính xác, bởi lẽ trên thực tế sự biến đổi mang tính tuyệt đối, sự bền vững về kết cấu vật chất của sự vật là tương đối, có điều kiện. Các nguyên tử tạo nên sự vật lẽ cố nhiên bền vững, theo quan niệm của các nhà nguyên tử luận, song bản thân sự vật, hình thành từ sự kết hợp các nguyên tử, thì biến đổi tự tại. Đêmôcrít mong muốn đứng giữa hai thái cực trong đánh giá các hiện tượng của thế giới, song không biết kết hợp cái hay, cái hợp lý từ lập luận của cả Hêraclít lẫn nhân vật lớn của phái Êlê. 

Trong lý luận nhận thức Đêmôcrít phân biệt nhận thức mờ tối và nhận thức chân thực, tương ứng với hai nấc thang cảm tính và tư duy trừu tượng. Cảm giác đem đến cho con người những chất liệu thô, thiếu chọn lọc. Nhận thức mờ tối, hay nhận thức cảm tính, chỉ hướng đến tồn tại bề ngoài của sự vật, mà chưa đi sâu vào bản chất của nó, chưa phân tích nguyên nhân của những cái được tri giác. Những chất liệu thô được tư duy xử lý, cải biến, trở nên hoàn thiện hơn về mặt tri thức, bởi lẽ nó vạch ra tính quy luật bên trong, cơ bản của sự vật. Như vậy nhận thức lý tính là nấc thang cao nhất của “cây thang” nhận thức. 

Đêmôcrít chưa phải là người sáng lập lôgíc học, nhưng ông đã đặt nền móng cho nó, xem nó như công cụ giải thích tự nhiên. Arixtốt xem Đêmôcrít như bậc tiền bối của lôgíc quy nạp, để phân biệt với lơgíc diễn dịch của mình. Sau này, vào thế kỷ XVII, Ph. Bêcơn (F. Bacon), người chủ trương phương pháp thực nghiệm - quy nạp, đánh giá cao Đêmôcrít khi cho rằng nhà triết học cổ đại này đã “đi vào tận chiều sâu thăm thẳm của giới tự nhiên”. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?