Empeđốc, Anaxago và sự giải thích mới về bản nguyên thế giới
Các nhà duy vật thời sơ khai giải thích nguyên nhân thế giới dựa trên các yếu tố vật chất cụ thể hoặc giả định (đất, nước, lửa, khí, apâyrôn). Đó là phương án “nhất nguyên” của chủ nghĩa duy vật cổ đại. Tuy nhiên phương án đó không thỏa mãn khao khát nhận thức thế giới của người Hy Lạp vì thiếu tính khái quát và không phù hợp với bức tranh về tự nhiên. Phương án “nhất nguyên” được thay bằng phương án “đa nguyên”, mà Empeđốc và Anaxago là những người mở đầu.
Empeđốc (Empedocles, 490 - 430 TCN) sinh tại Agơrigen, đảo Xixin. Ông là nhà hùng biện, nhà tu từ học, nhà thơ, bác sỹ, kỹ sư, đồng thời là người ủng hộ nhiệt thành nền dân chủ chủ nô, căm ghét chế độ độc tài, vì vậy về cuối đời bị phái qúy tộc chủ nô, sau khi lên nắm quyền, trục xuất sang Pêlôpônét, mất tại đó, vừa kịp chứng kiến cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa các thị quốc Hy Lạp. Ông chọn cái chết theo lối “trở về kiếp xưa” để khỏi nhìn thấy cẢnh giết chóc, trả thù lẫn nhau của đồng loại. Quần chúng dựng tượng ông để tỏ lòng kính trọng người con của quê hương.
Trong bản thể luận Empêđốc cố gắng hợp nhất trường phái Milê, Hêraclít và trường phái Elê trong quan niệm về bản nguyên thế giớiỞ các nhà duy vật thời sơ khai bản nguyên thế giới được quy về một trong các yếu tố vậ chất, không có sự chuyển hóa vào nhau. Điều này, theo Empeđốc, là là thiếu sức thuyết phục, vì thứ nhất, sự thể hiện sinh động thế giới các sự vật chứng tỏ các hành chất (đất, nước, lửa, khí) là những yếu tố đồng cấp; thứ hai, nếu xem một trong các hành chất là bản nguyên thì việc giải thích các chu kỳ phức tạp trong vũ trụ sẽ trở nên bế tắc. Để khắc phục hạn chế đó Empeđốc đưa ra cùng lúc bốn hành chất vừa nêu như bốn cội nguồn của vạn vật, chỉ ra chu kỳ vận động, biến hóa của chúng. Sự kết hợp các hành chất theo các tỷ lệ khác nhau tạo nên các sự vật khác nhau. Chẳng hạn, xương gồm hai phần nước, hai phần đất, bốn phần lửa; thần kinh - hai phần nước, một phần đất, một phần lửa, máu - pha đều các hành chất. Empedocles cho rằng mình đã giải quyết xong bài toán về tính đa dạng trong sự thống nhất của thế giới, một bài toán mà Hêraclít (vạn vật biến dịch) và trường phái Elê (vạn vật đồng nhất thể) đưa ra các đáp số đối lập nhau.
Tồn tại xét như quá trình, như quan hệ giữa các sự vật, được Empeđốc diễn đạt bằng cặp khái niệm Tình yêu - Thù hận, động lực của sự hợp nhất và tách biệt. Philia - Tình yêu là sự hợp nhất, hay hòa lẫn các yếu tố khác nhau vào trong một, là bản nguyên của cái Thiện. Neikos - Thù hận, là tách biệt cái hợp nhất thành những yếu tố, cắt rời chúng,là cơ sở của sự đa tạp và cái Ac. Trong vũ trụ diễn ra thường xuyên sự thay thế nhau giữa Tình yêu và Thù hận, giữa hợp nhất và tách biệt. Quá trình ấy cũng chi phối đời sống sinh thể, từ sinh thể đơn giản đến con người. Tính biện chứng tự phát trong việc lý giải sự sống được thể hiện qua quan hệ Tình yêu - Thù hận, theo các nấc thang từ bộ phận đến toàn thể, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp: 1) Những sinh vật đơn giản, có một giác quan, sống dưới nước (khởi điểm Tình yêu). 2) Những sinh vật có cơ cấu phức tạp dần, nhưng không hoàn chỉnh, với những hình thù quái dị (Thù hận chớm nở). 3) Sinh vật bị dồn ép, không sinh sôi nảy nở được (Thù hận ngự trị). 4) Thực vật, động vật, con người xuất hiện một cách trật tự, hài hòa, bằng con đường hợp nhất cái không đồng nhất và tách rời hợp lý cái hợp nhất, đào thải và nhân giống (Tình yêu chiến thắng).
Trong lý luận nhận thức Empêđốc cho rằng đối tượng cao nhất của nhận thức là cái toàn thể, cái mà mắt không nhìn thấy, tai không nghe thấy, lý trí không bao quát hết. Nhận thức là quá trình thống cảm tính và lý tính. Lý tính sâu sắc hơn, nhưng cảm tính hiện thực hơn, là nguồn gốc của nhận thức cái toàn thể. Khác với Pácmênhít, là người xem nhẹ vai trò của cảm giác, Empêđốc cho rằng tư duy và cảm giác nương tựa, bổ sung cho nhau, thậm chí trong nhiều trường hợp chúng là một.
Triết học Empêđốc là sự dung hợp chủ nghĩa duy vật tự phát và thuyết nhân hình nguyên thủy, vận dụng các đặc tính tâm lý, tình cảm của con người (tình yêu, thù hận) vào việc giải thích quá trình vũ trụ. Ông cũng chịu Ảnh hưởng của thuyết luân hồi, vốn phổ biến trong triết lý phương Đông. Ông giải thích nhiều về sự đầu thai của linh hồn, về sám hối, thanh tẩy, số kiếp, về vòng luân chuyển triền miên của tồn tại như sự thử thách của thần linh:”Xưa ta là đứa trẻ vị thành niên, cũng có thể là thiếu nữ, thậm chí là cây cỏ, chim muông, là cá của đại dương câm lặng” (Empêđốc, Thanh tẩy, câu 117).
Anaxago (Anaxagoras, 500 - 428 TCN) sinh tại Cladômen, xứ Iônia, miền Tiểu Á, đến Aten theo đề nghị của Periclét, trở thành vị quân sư cho nhà lãnh đạo này. Song quan điểm tự do, có tính chất báng bổ thần linh, đã khiến 6ng suýt bỏ mạng, nếu không có sự can thiệp của Periclét. Bị đuổi khỏi Aten, Anaxago về quê mở trường dạy học. Sau khi ông qua đời cư dân Cladômen dựng bia tưởng niệm, lấy ngày giỗ hàng năm của ông làm ngày nghĩ của học sinh.
Vấn đề bản thể luận chiếm vị trí trung tâm trong triết học Anaxago, được ông trình bày trong tác phẩm Về tự nhiên, ở đó nhấn mạnh sự chuyển hóa về chất của các sự vật. Dù thừa nhận tư tưởng nền tảng của trường phái Elê về tồn tại (không có gì xuất hiện từ hư vô), song Anaxago bác bỏ cái gọi là tồn tại duy nhất, bất biến do Pácmênhít nêu ra (xem Anaxago: Về tự nhiên, câu 17). Bản nguyên, theo Anaxago, là những phần tử bé nhất, siêu cảm giác của các trạng thái vật chất (lửa, nước, vàng, máu…), những thứ mà Anaxago gọi là những hạt giống của muôn vật, những mầm sống, hay “những chất đồng nhất”, homoiomeria (xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ homoios là sự tương đồng). Những hạt giống của máu chứa đựng tất cả chất của máu như chất trội, chất căn bản, để ta gọi là máu. Tương tự như vậy với sắt, đồng… Hạt giống vĩnh cửu, bất biến, nhưng các sự vật liên kết với nhau, chuyển hóa vào nhau bằng con đường kết hợp và phân tích theo nguyên tắc “mọi thứ trong tất cả, và trong tất cả có một phần của tất cả”. Người ta không thể dùng rìu mà cắt rời nóng khỏi lạnh, lạnh khỏi nóng, càng không thể dùng sức mạnh phá vỡ toàn thể vũ trụ như một khối thống nhất, bao gồm v6 số càc sự vật, hiện tượng liên kết với nhau, hút nhau hoặc đẩy nhau, đan xen nhau. Tồn tại thống nhất, nhưng không thống nhất tuyệt đối như cách hiểu của trường phái Elê. Sự vật thống nhất trong tính toàn vẹn, nhưng những yếu tố cấu thành chúng hết sức đa tạp. Sự vật vừa vô cùng lớn, vừa vô cùng bé, vì “không có cái bé nhất, chỉ có cái bé hơn và bé hơn nữa”. Tuy nhiên quan niệm về chuyển hóa của Anaxago không phải là tư tưởng biện chứng thực sự về thế giới, vì ông bác bỏ sự chuyển hóa thường xuyên của các mặt đối lập. Ông nhấn mạnh:”Cái đồng nhất xuất phát từ cái đồng nhất, không thể có sự chuyển hóa vào mặt đối lập” (Hêghen: Toàn tập, t. 9, Nxb Chính trị, Mátxcơva, - Lêningrát, 1934, tr. 331, tiếng Nga). Mọi sự thay đổi đối với Anaxago chỉ là sự kết hợp và tách rời những cái đồng nhất, còn sự thay đổi đích thực thì bị coi như sự phủ định chính mình. Ông chỉ biết rằng “thịt chuyển thành thịt, vàng chuyển thành vàng, còn mọi sự kết hợp khác chỉ là một conglomeratus (kết hợp) gượng ép, vô trật tự, chứ không phải là phép cấu thành sống động” (Hêghen, sđd, t. 9, tr. 331).
Cũng như Empeđốc, Anaxago cần đến một bản nguyên tinh thần làm động lực cho quá trình thế giới. Bản nguyên đó là Nous, hiểu như trí tuệ bên ngoài, tác động đến vạn vật, khởi động và nhận thức thế giới, làm cho thế giới trở nên hoàn chỉnh, thoát khỏi trạng thái hỗn động ban đầu. Theo nghĩa hẹp nous là trí tuệ, trí năng, nhưng ở Anaxago nó được lý giải như bản chất tuyệt đối, đơn giản, duy nhất, vô hạn, tồn tại trong tất cả, mà lại không hòa lẫn với bất lỳ sự vật nào, là cái tinh khiết giữa lòng vạn vật, hiểu biết và thâu tóm tất cả, chi phối quá khứ, hiện tại, tương lai, làm cho thế giới trở nên một chỉnh rhể sống động. Nous - Trí tuệ vũ trụ. Nous là khái niệm nền tảng dùng để lý giải quá trình tự nhiên. Trước tiên Nous đưa hỗn hợp vật chất từ trạng thái hỗn mang vào vận động theo vòng trònCái lỏng lẻo tách khỏi cái đông đặc, nóng tách khỏi lạnh, sáng tách khỏi tối, khô tách khỏi ướt. Những gì đông đặc, ẩm ướt, tối và nặng tích tụ lại ở trung tâm vũ trụ, hình thành nên Trái đất. Những gì lỏng lẻo, khô, sáng, nhẹ và nóng thì nổi lên trên, tạo ra bầu trời. Ete, vốn hình thành trước đó, ôm lấy vũ trụ (Aither trong từ nguyên Hy Lạp được hình dung như tầng khí sáng rực trên cùng, nơi các vị thần cư ngụ. Trong triết học Hy Lạp cổ đại có hai cách hiểu về Aither: yếu tố vật chất ban đầu, hoặc vận động vĩnh cửu). Sự vận động tiếp theo làm cho đá tách khỏi đất. Đá bốc cháy, tạo nên các vì sao, Mặt trăng, Mặt trời. Mặt trời là một khối sắt, hay đá, bị đốt nóng, có kích thước to hơn xứ Pêlôpônét. Bầu trời dày đặt những khối đá, bám vào nó nhờ vận động theo vòng tròn với tốc độ cực lớn, song không sớm thì muộn cũng sẽ rơi, mà bằng chứng là những thiên thạch vẫn rơi đều đều, từ năm này sang năm khác. Nếu vận động dừng lại Trái đất sẽ bị vùi lấp bởi tất cả những thiên thạch cùng rơi một lúc. Mặt trăng có những đặc tính gần như Trái đất, cũng có bình nguyên, núi đồi, thung lũng, vực sâu, có cả cư dân nữa. Trái đất có dạng mặt phẳng, bồng bềnh trôi trên không khí, chứ không phải trên nước như Talét nghĩ. Như vậy dù nói đến bản nguyên Nous, song sự phân tích tiếp theo của Anaxago lại làm sáng tỏ “nguyên nhân tự nhiên” của thế giới. Xôcrát phàn nàn:”Thực tế càng đọc nhiều tôi càng thấy một người (Anaxago) không đếm xỉa gì đến Thần tính, hơn nữa không gán cho thần tính một vai trò nào trong các nguyên nhân riêng biệt của tổ chức các sự vật… khiến cho ta phải chưng hửng” (Platôn Phêđôn, bản dịch của Trịnh Xuân Ngạn, Nxb Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1961, tr. 249).
Đánh giá bài viết?