Bản thể luận - học thuyết về ý niệm của Platon
Platôn (Platon, Plato. 427 - 347 TCN) tên thật là Arixtôclét (Aristokles) sinh tại Eginơ (Egine) một hòn đảo không xa Aten, trong gia đình thuộc dòng dõi quý tộc. Thời trai trẻ Platôn là con người vừa thông minh, vừa khoẻ mạnh, từng hai lần đaọt danh hiệu vô địch điền kinh của thị quốc, được người đời đặt cho cái tên Platon, tức “vạm vỡ”, “vai rộng”. Thời thanh niên (409 - 400) Platôn chịu Ảnh hưởng trực tiếp của Xôcrát. Thời viễn du (400 - 389)Platôn bắt đầu xây dựng quan điểm riêngSau khi Xôcrát bị kết án tử hình Platôn rời Aten, sang Mêga, làm bạn với Ơcơlít (Euklides), người sáng lập trường phái Mêga với chủ trương dung hòa Xôcrát và trường phái Elê. Sau đó Platôn sang Xiren, làm bạn cùng Arixtíp, rồi chu du khắp nơi, từ Ai Cập đến Phênixi, Ba Tư, BaBilon. Năm 389 TCN Platôn tham gia làm cố vấn chính trị cho bạo chúa Đênít (Denys), vua xứ Xiracút (Syracuse), nhưng sau một thời gian bị chính Đênít bán làm nô lệ do mâu thuẫn cá nhân. Anikêrít (Annikeris), môn đệ Arixtíp, chuộc ông, rồi giải phóng. Thời chín muồi về tư tưởng, hay thời Viện hàn lâm, được đánh dấu bằng việc thành lập trường phái riêng tại bắc Aten, trong khu vườn mang tên Akademos, là tên một nhân vật thần thoại. Trong gần 50 năm sáng tác Platôn để lại một di sản đồ sộ, nhưng việc tập hợp và sàng lọc thật khó khăn, vì ngoài những tác phẩm được thừa nhận do ông viết, vẫn còn một số là giả mạo (mạo văn). Số lượng các tác phẩm gồm 1độc thoại (lời bào chữa của Xôcrát), 34 đối thoại (cả chính văn và mạo văn), 13 bức thư (mạo văn), trải đều những thời gian khác nhau. Trong nhiều đối thoại, nhất là những đối thoại thời trẻ, Xôcrát thường là nhân vật trung tâm, nên khó xác định đâu là quan điểm của Xôcrát, đâu là quan điểm của Platôn mượn danh Xôcrát. Điều chắc chắn là thế giới quan của Xôcrát và thế giới quan của Platôn thống nhất với nhau.
Hạt nhân bản thể luận của Platôn là học thuyết về ý niệm (idea). Trong học thuyết này Platôn không những nâng tư tưởng duy tâm về tồn tại lên thành hệ thống, mà còn khẳng định tính tất yếu của sự đối đầu duy vật - duy tâm (lẽ cố nhiên lúc ấy chưa xuất hiện thuật ngữ “chủ nghĩa duy vật” và “chủ nghĩa duy tâm”).
Nội dung cơ bản trong bản thể luận của Platôn là vấn đề tồn tại. Ông đặt ra và giải quyết hàng loạt câu hỏi: Thế nào là tồn tại đích thực? Thế nào là cái bòng của sự tồn tại đích thực, và thế nào là “tồn tại khác” ? Mối quan hệ giữa chúng với nhau nên được hiểu như thế nào? “Theo tôi, - Platôn viết,- trước tiên cần phân biệt cái gì luôn luôn tồn tại và không bao giờ sinh thành và cái gì luôn luôn sinh thành nhưng không bao giờ tồn tại” (Platôn: Timeus, đoạn 270). Tồn tại đích thực phải là tồn tại vĩnh cửu, bất biến, tự thân đồng nhất, bền vững, siêu cảm tính, bất khả phân, vĩnh cửu. “Cái bóng” của tồn tại đích thực là sự sinh thành, tính nhất thời, khả biến, có khả năng trở thành cái khác (không đồng nhất tự thân), luôn chịu sự quy định của điều kiện không - thời gian, cảm tính, khả phân, khả hủy. Tồn tại đích thực được Platôn quy về thế giới các ý niệm, còn “ cái bóng của tồn tại” - thế giới các sự vật. Một bên là thế giới bản chất, được lý trí nhận thức, bên kia là thế giới hiện tượng, tác động lên các giác quan con người; một bên là thế giới lý tưởng, cái thiện, lợi ích, bên kia là thế giới pha tạp, phân hủy. Ý niệm về cái thiện, hay lợi ích, hạnh phúc, do đó, trở thành “ý niệm của mọi ý niệm”. “Cái thiện, - Platôn viết,- không phải là bản chất, mà xét về đặc tính và phẩm hạnh thì nó đứng cao hơn những bản chất” (Platôn, Nhà nước (Nền cộng hòa), quyển VI, 508e). Sự khác nhau giữa hai thế giới được Platôn mô tả bằng phép ẩn dụ qua huyền thoại về cái hang: triết gia khác với đại chúng là ở chỗ biết phân biệt đâu là cuộc sống đích thực, đâu là cái bóng mờ nhạt, dơn điệu của nó, chỉ có triết gia mới vượt lên ý thức đời thường, vươn đến chân lý, đồng thời chỉ ra sự khác nhau giữa hai thế giới ấy (Platôn, Nhà nước (Nền cộng hòa), quyển VI, 509d, quyển VII, 514a - 517). Khác với trường phái Elê, Platôn thừa nhận tính đa dạng, muôn vẻ của tồn tại, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ý niệm và sự vật, từ đó đi đến tiên đoán về quá trình vũ trụ nói chung. Theo ông, có bao nhiêu ý niệm thì có bấy nhiêu phức hợp của các sự vật, hiện tượng, quá trình, các quan hệ đồng nhất căn bản. Trong tác phẩm đối thoại Pácmênhít Platôn nêu ra ba phương án quan hệ giữa ý niệm và sự vật, đó là mô phỏng, thông dự, hiện diện. Thứ nhất, các sự vật hướng đến các ý niệm như khuôn mẫu của mình (mô phỏng). Thứ hai, trong quá trình đó, sự vật gia nhập vào một chủng loại ý niệm ý niệm nhất định để được mang một tên gọi (thông dự). Thứ ba, nhờ gia nhập vào thế giới ý niệm mà các sự vật tương đồng với các ý niệm, thể hiện diện mạo của mình (hiện diện).
Tóm lại, theo Platôn, ý niệm đóng vai trò vừa là khuôn mẫu của các sự vật, vừa là mục đích mà các sự vật hướng đến, vừa là khái niệm về cơ sở chung của các sự vật trong thế giới cảm tính.
Nhưng đến đây một vấn đề khác được đặt ra: đâu là nguyên nhân của tình trạng khả biến, nhất thời, phân tán của các sự vật cảm tính? Nguyên nhân ấy được Platôn gán cho chora, tạm gọi là vật chất - bản nguyên thứ hai của vũ trụ. Chora là một không gian giả định, “một số tiểu loại không nhìn thấy, không tìm ra, không có hình hài”. Theo cách hiểu ấy chora chẳng khác nào cái không-tồn-tại, hay không-là-gì-cả, nhưng theo Platôn, nó có thực, có vai trò to lớn đối với thế giới các sự vật; nó là tồn tại khác, không đồng cấp và đồng lực với ý niệm như tồn tại, mà đi sau ý niệm. Như vậy chora khác với vật chất vật lý, tức bốn dạng hành chất truyền thống trong triết học Hy Lạp cổ đại. Thế giới các sự vật - sự sinh thành - là kết quả của thế giới ý niệm và thế giới chora. Nếu thế giới các ý niệm là bản nguyên đàn ông tích cực, thế giới chora - bản nguyên đàn bà thụ động, thì thế giới các sự vật - đứa trẻ của hai thế giới, nó đồng thông dự vào tồn tại và tồn tại khác, hòa lẫn trong mình những tính quy định đối lập nhau.
Ngoài cho ra - vật chất như trung gian giữa ý niệm và thế giới các sự vật cảm tính còn có một linh hồn vũ trụ như sinh lực năng động và sáng tạo, nguồn gốc của vận động, sự sống và nhận thức. Linh hồn vũ trụ gồm có ba phần: đồng nhất, cái khác, sự hòa lẫn cả hai. Ở đó cái đồng nhất tương ứng với ý niệm, cái khác - vật chất, sự hòa lẫn - các sự vật. Cả vũ trụ lẫn linh hồn vũ trụ do vị kiến trúc sư, hay Hóa công (demiurgos) (một cách hiểu khác về Thượng đế của người Hy Lạp) nhào nặn ra theo những môtíp và mục đích nhất định.
Chủ nghĩa duy tâm Platôn là một trong những biểu hiện điển hình của triết học duy tâm trong lịch sử. Nó vừa là chủ nghĩa duy tâm chiến đấu, vừa là chủ nghĩa duy tâm thông minh.
Đánh giá bài viết?