Đặc điểm chính của triết học Kytô giáo Trung cổ
Tên gọi “triết học Kytô giáo” đã cho thấy liên minh giữa triềt học và tôn giáo, sự chi phối của tôn giáo đối với tư duy triết học. Triết học Kytô giáo, do đó, là triết học chịu sự chi phối của tư tưởng Kytô giáo, là công cụ của thần học Kytô giáo, giải quyết các vấn đề triết học theo các chuẩn mực của nó. Tư tưởng Kytô giáo chi phối toàn bộ diện mạo tinh thần xã hội, trong đó có triết học. Sự độc tôn này thể hiện trong thái độ đối với di sản cổ đại. Nhà thờ chỉ cho phép truyền bá những tư tưởng phù hợp hoặc gần với hệ thống nhất thần và đạo đức Kitô giáo như học thuyết duy tâm của Xôcrát, Platôn, nhị nguyên luận duy tâm của Arixtốt, chủ nghĩa khắc kỷ, trường phái Platôn…Một khi đa thần giáo bị bài xích thì tinh thần đa nguyên triết lý cũng không còn, vì theo quan điểm của các Giáo phụ tinh thần ấy gây chia rẽ con người và bất ổn xã hội. Khát vọng khám phá cái mới bị thay bằng sự tuân phục Lời thiêng. Là “người phụng sự trung thành” nhà thờ Ky tô giáo, liên minh chặt chẽ với thần học, triết học có nhiệm vụ chứng minh cho chân lý đã có sẵn theo sự dẫn dắt của niềm tin.
Triết học trung cổ kết hợp chặt chẽ với ý thức hệ tôn giáo, được xây dựng trên nguyên lý mặc khải (revelation) và nhất thần (monotheism), là nguyên lý chung của Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo… nhưng tỏ ra xa lạ với thế giới quan tôn giáo - thần thoại của Hy Lạp - La Mã cổ đại.
Kinh thánh Kytô giáo chi phối triết học ở cả ba bình diện - bản thể luận, nhận thức luận và đạo đức. Thần học cần đến các hệ thống các khái niệm triết học. Trong phạm vi thần học tư duy triết học chủ yếu hoàn thành vai trò “kẻ phụng sự”, bởi lẽ nó chỉ tiếp nhận, chú giải, phân tích “Lời thiêng”. Kinh Thánh Kitô giáo chi phối triết học thông qua những tư tưởng cơ bản sau đây:
- Bản thể luận: thuyết Thần là trung tâm (Theocentrism) và thuyết Sáng tạo (Creationism) làm nền tảng. Tất cả mọi thứ đều từ Chúa, do Chúa và thông qua Chúa. Trong Sách sáng thế, thuộc phần Cựu ước, vấn đề Chúa Trời sáng tạo ra Sự sáng và Sự sống trên trái đất đã được trình bày theo trình tự “sáu ngày sáng thế”.
- Nhận thức luận: Tư tưởng Kitô giáo nhấn mạnh ưu thế của niềm tin trước lý trí. Là đại diện của chủ nghĩa sùng tín, Téctuliêng (Tertullien) tuyên bố “Tôi tin, vì đó là điều phi lý”. Một Giáo phụ Latinh khác, Láctanxi (Lactantius), cho rằng, để lý trí đi đúng hướng cần quàng cho nó một cái ách, ngầm hiểu là niềm tin.
- Thuyết nhân bản và đạo đức học: Con người là khâu trung gian đặc thù giữa vương quốc tinh thần và vương quốc tự nhiên. Cuộc đấu tranh, sự giằng co giữa cái thiện và cái ác, giữa phần “thần” và phần “thú” trong con người là một quá trình gắn với tồn tại trần gian của con người. Các khái niệm “nguyên tội tổ tông”, “chuộc lỗi”, “cứu rỗi” và “phục sinh” thường được nhắc đến trong đạo đức học Kitô giáo, nhằm nhắc nhở con người luôn biết tự kiểm điểm về những hành vi của mình, vươn đến cái thiện. Đối với con người trung cổ chết không phải là sự kết thúc hoàn toàn, mà chỉ là sự chấm dứt một cuộc sống (cõi trần), chờ phán xử để đón nhận cuộc sống khác ở Cõi vĩnh hằng.
Triết học duy lý chỉ đóng vai trò “người phiên dịch” những hình Ảnh, biểu tượng của Kinh thánh ra ngôn ngữ lôgíc và những khái niệm trừu tượng.
Như vậy đặc điểm cơ bản của triết học trung cổ Kitô giáo là sự liên minh của nó với thần học và chịu sự chi phối của thần học thông qua chú giải, chứng minh cho Kinh Thánh như chân lý duy nhất và “cái vòm của sự uyên bác”. Chính vì thế mà triết học Kitô giáo là thứ triết học mang nặng tính nệ cổ, tính giáo huấn và bảo thủ, hay chủ nghĩa truyền thống.
Đặc điểm tiếp theo là thái độ thù địch đối với phần lớn các giá trị văn hóa và khoa học cổ đại. Các nhà tư tưởng trung cổ kết án Hy Lạp - La Mã cổ đại là đã tạo nên những bất ổn xã hội, chia rẽ con người, không biết hướng họ đến chân lý thống nhất và phổ biến. Tinh thần đa nguyên triết lý - một trong những biểu hiện của tư duy Hy Lạp - La Mã - bị thay thế bằng độc quyền tư tưởng, vì nhà thờ trung cổ không muốn xã hội bị xáo trộn bởi sự xung đột về lý luận, dẫn đến xung đột trong thực tiễn. Nhà thờ Trung cổ chỉ tiếp thu những tư tưởng có lợi cho việc truyền bá tín điều của Kinh thánh Kitô giáo và các Giáo phụ. Những gì xa lạ với tôn giáo nhất thần, mang ý nghĩa khám phá, “lệch chuẩn”, đều bị xem là biểu hiện của tà giáo. Chủ nghĩa phổ quát Kitô giáo không dành chỗ cái mới, cái độc đáo; cá nhân bị “hòa tan” vào xã hội ngày càng rơi vào trạng thái trì trệ, ngưng đọng.
Đặc điểm thứ ba - triết học trung cổ là triết học của chế độ phong kiến châu Au, mặc dù chế độ đó ra đời sau sự hình thành phong cách tư duy trung cổ. Nó đồng thời phản ánh nhịp độ phát triển hết sức chậm chạp, thậm chí ngưng đọng, của xã hội phong kiến trong mười thế kỷ. Ở bình diện chính trị thời trung cổ được xác định bằng sự liên minh giữa thần quyền và thế quyền, nhà thờ và nhà nước, trong đó nhà thờ chiếm ưu thế. Chính triết học đã thực hiện chức năng bảo vệ, củng cố về mặt tinh thần sự liên minh ấy. Ở bình diện đạo đức triết học Kitô giáo khẳng định những giá trị đạo đức của thời trung cổ, chứa đựng trong Kinh Thánh. Bên cạnh đó không thể phủ nhận một số tư tưởng dân chủ, bình dẳng, tình yêu con người, sự trung thực…trong Kitô giáo, nhất là Kitô giáo sơ kỳ. Tư tưởng đó bị biến dạng, bị xuyên tạc chỉ khi nào trở thành công cụ phục vụ cho lực lượng thống trị xã hội, nô dịch quần chúng và cản trở sự tiến bộ khoa học. Yếu tố phản nhân văn được xem xét từ góc độ này. Sự ngự trị của “nền chuyên chính tinh thần” trên thực tế đã làm nảy sinh cả chủ nghĩa thầy tu khổ hạnh lẫn tầng lớp tăng lữ nhiều đặc quyền. Để tư tưởng nhân văn Kitô giáo sơ kỳ được phục hồi cần có một phong trào rộng lớn đấu tranh đòi giải phóng cá nhân và quyền tự do tín ngưỡng. Phong trào này, được biết đến dưới tên gọi “Phục hưng”, bùng nổ vào cuối thời trung cổ.
Như vậy hình thức tư duy trung cổ xuất hiện trước khi chế độ phong kiến hình thành, và ra đi trước khi nó sụp đổ. Đó là biểu hiện của tính độc lập tương đối của ý thức.
Đánh giá bài viết?