Vài nét về Tân-phân tâm học

Ngoài K. Jung (1875 - 1961), A. Adler (1870 - 1937), K. Horney (1885 - 1953), phải kể đến W. Reich (1897 - 1957) với học thuyết tình dục - kinh tế. Đặc trưng của tư tưởng Reich là không chú trọng đến từng cá nhân riêng lẻ,mà lấy lĩnh vực chính trị - xã hội làm đối tượng nghiên cứu. Reich chỉ giữ lại quan điểm nền tảng của phân tâm học Freud: bên ngoài ý thức tồn tại một hiện thực tâm lý, vô thức. 

Reich đưa ra phương án lý giải mới về “cơ cấu tâm lý - sinh học của cá thể”: 1)tầng bề mặt, tức tầng liên kết xã hội, tầng “xã hội - hư ngụy” (liên tưởng hố sâu ngăn cách giữa “vật tự nó” và “hiện tượng”); 2) tầng trung gian, tầng chống đối xã hội (liên tưởng vô thức của Freud), tổng số những xung động bậc hai - những cuồng vọng ngu xuẩn hung bạo, những hành vi dâm đãng; 3) tầng đáy sâu, hạt nhân sinh học, những tố chất tự nhiên - xã hội tiềm tàng nơi con người như trung thực, yêu lao động. Tiếc thay khi đi qua tầng trung gian những tố chất bị xuyên tạc, nhiểm bẩn, khúc xạ. 

Trong quan điểm chính trị Reich phê phán “chủ nghĩa cực quyền”, chủ nghĩa phát xít. 


Reich không phủ nhận sự hiện diện của năng lực libido trong cơ cấu tâm lý cá nhân, hơn nữa lại phân tích nó dưới góc độ xung đột xã hội. Tác phẩm nổi tiếng - “Cách mạng tinh dục” (1936,The Sexual Revolution) - trong đó sự giải phóng con người được xem xét ở khía cạnh tự do tình dục. Đây là tác phẩm gây sốc cho xã hội một thời. 

H. Sullivan (1892 - 1949) cũng là tên tuổi nổi bật của phân tâm học sau Freud, với học thuyết liên cá thể về tâm thần học. Theo học thuyết này đời sống con người diễn ra trong những tình thế liên cá thể, do đó để hiểu phức hợp các vấn đề gắn với quá trình tâm lý bên trong đời sống cá thểvà các quá trình bên ngoài của sinh hoạt cộng đồng - xã hội, cần thiết phải làm sáng tỏ giá trị và ý nghĩa của hành vi liên cá thể. ”Hệ thống tự hữu” là thứ phẩm hàm đặc trưng của cá thể nhằm chống lại những bất ổn, xao xuyến, vốn có ở con người ngay từ lúc chào đời. Có thể liên tưởng “hệ thống tự hữu” với “Siêu ngã” của Freud. 

E. Fromm (1900 - 1980) được giáo dục theo truyền thống phân tâm học, nhưng về sau đã bác bỏ khá nhiều luận điểm của nó. Ông xem các quá trình xã hội, chứ không phải các yếu tố sinh học, là những môtíp kích thích con người. Tư tưởng nổi bật: nhị phân hiện sinh và nhị phân lich sử. 

Nhị phân hiện sinh biểu hiện ở nhị phân giữa sống và chết, giữa khả năng tiềm tàng của mỗi cá nhân với tính hữu hạn của cuộc sống. 

Nhị phân lịch sử gắn với những điều kiện xã hội nhất định, do đó có thể khắc phục được bằng nỗ lực của nhiều thế hệ, hướng đến thiết lập một xã hội nhân đạo, tạo nên sự ổn định tâm lý - tinh thần cho cá nhân. 

H. Marcuse (1898 - 1979) đặt vấn đề về văn minh ‘không có tính đàn áp”, đem quan điểm kinh tế - xã hội của Marx kết hợp với Freud, xem sự kết hợp này là phương án tốt nhất giải quyết xung đột giữa con người và nền văn minh. Các khái niệm “đàn áp thặng dư” và “nguyên tắc năng xuất” chỉ ra những giới hạn của con người do các chế độ xã hội thiết lập, sự thống trị của quá trình lao động bị tha hóa, và do đó, mâu thuẫn giữa lao động bị tha hóa và Eros. Chỉ khi nào đạt tới “văn minh không có tính đàn áp”, sức mạnh của Eros mới được phát huy, nhờ đó bản năng gây hấn, bản năng chết mới bị đẩy lùi. Lao động sẽ không còn bị tha hóa nữa, mà biến thành trò chơi tự do, phù hợp với bản tính con người. 

Tư tưởng cải cách và mang tính phản kháng của Marcuse được một bộ phận giới trẻ có học thức ở phương Tây đón nhận, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ XX. 



Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?