Tính tất yếu của sự thay đổi các chủ đề tư tưởng triết học

Trong sự phát triển tư tưởng triết học, các chủ đề thường xuyên trải qua  thay đổi, bổ sung, mở rộng nhằm lý giải một cách kịp thời các quá trình thực tiễn xã hội. Có những chủ đề tư tưởng hôm qua là chủ đạo, hôm nay chỉ còn đóng vai trò thứ yếu; ngược lại, cái mà hôm qua ở dạng phôi thai, thì hôm nay trở thành trung tâm, thành điểm nóng của sự tranh luận. Trong điều kiện chủ nghĩa phổ quát Kytô giáo thống trị vào thời trung cổ vấn đề con người hầu như không được quan tâm, bị hòa tan vào cái phổ quát bao trùm là sự tồn tại của Đấng tối cao. 

Cuộc tranh luận giữa duy danh luận và duy thực luận chỉ đơn giản xoay quanh tính xác thực của khái niệm “đơn nhất” và “phổ quát”. Song đến thời Phục hưng chủ đề tranh luận đã vượt qua khuôn khổ của hệ chuẩn tư duy trung cổ, mang đậm ý nghĩa của cuộc đấu tranh vì giá trị người, vì sự giải phóng con người cá nhân, thay thế từng bước thuyết thần là trung tâm (theocentrism) bằng thuyết con người là trung tâm (homocentrism, hay anthropocentrism), thay sự thống trị của Thượng đế (regnum Dei) bằng sự thống trị của con người (regnum hominis). Phục hưng là bước chuẩn bị cho thế kỷ XVII – XVIII, tức thời đại của khám phá và phát minh, của “tư duy thiết kế” sáng tạo (chứ không phải tư duy minh họa, chủ giải cho những chân lý đã có sẵn)  Tương tự, nếu trào lưu chủ đạo trong thời Phục hưng là tư tưởng nhân văn với sự tôn vinh hình ảnh con người vươn đến tự do, thì tư tưởng chính trong thế kỷ XVII – XVIII là triết học, chính trị, khoa học. Về triết học chủ nghĩa duy vật chiếm vị thế áp đảo trước chủ nghĩa duy tâm. Về chính trị tư tưởng chính trị thế tục, quan điểm “xã hội công dân” và nhà nước pháp quyền, có mầm mống từ thời Phục hưng, tiếp tục phát triển, làm giàu và sâu sắc thêm thông qua quan điểm của những nhà lý luận kiệt xuất, từ Lốccơ (Locke), Hốpxơ (Hobbes), đến Môngtéxkiơ (Montesquieu), Vônte (Voltaire), Rútxô (Rousseau)… 

Về khoa học thế kỷ ấy chứng kiến nhiều khám phá, phát minh khoa học được ứng dụng vào thực tiễn, lý trí trở thành lý trí có định hướng thực tiễn, với sự thống trị của cơ học. Các nguyên lý của nó tác động đến cả tư duy triết học và chính trị, đưa đến chủ nghĩa máy móc và phương pháp tư duy siêu hình. Các nhà tư tưởng Đức (nửa sau thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX) không chỉ đem đến sự kết thúc đầy ý nghĩa của truyền thống cổ điển trong tư tưởng, mà còn khắc phục những hạn chế trong nhận thức luận thế kỷ trước. Và chính họ, đặc biệt các nhà triết học cổ điển Đức, điển hình là Hêghen và Phoiơbắc (Feuerbach), tạo nên một trong những tiền đề lý luận của chủ nghĩa Mác. Với C. Mác và Ph. Ăngghen, bước ngoặt cách mạng trong tư tưởng đã được thực hiện. Khác hẳn với các nhà tư tưởng cùng thời, những người hoặc đem đối lập khuynh hướng phi duy lý với truyền thống duy lý (Kiếckego chẳng hạn), hoặc chỉ dám “cách tân” một phần học thuyết Hêghen (phái Hêghen trẻ), C. Mác và Ph. Ăngghen thể hiện thái độ văn hóa đối với các vấn đề truyền thống, đồng thời làm cho hệ tư tưởng mang chức năng cải tạo cách mạng đối với đời sống xã hội.

Như vậy, phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể, các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng xác định chủ đề chính, tập trung khai thác, phân tích chúng, nhằm phản ánh trung thực những biến đổi của thực tiễn, đồng thời định hướng cho hoạt động thực tiễn. Theo C. Mác, không phải thực tiễn cần phải diễn ra theo các đồ thức luận tư duy, mà ngược lại, các đồ thức luận tư duy cần thường xuyên được điều chỉnh để không bị lạc hậu trước thực tiễn. Vì thế mọi mưu toan giới hạn các nội dung cần nghiên cứu trong phạm vi chật hẹp, xơ cứng, bất biến đều đồng nghĩa với sự bóp chết năng lực sáng tạo của chính tư duy. Không phải hệ thống tư tưởng nào ở thời đại nào cũng chỉ quanh quẩn ở cùng một đối tượng nghiên cứu. Quy luật phát triển của tư tưởng là thường xuyên diễn ra sự đấu tranh, tác động hỗ tương, đan xen nhau, bổ sung và chi phối lẫn nhau, làm cho mỗi hệ thống trong số chúng mang tính độc lập tương đối, tính đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Sự phát triển của tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng triết học, phản ánh trình độ tư duy chung của nhân loại. Thực tiễn khách quan, hoạt động nhận thức và khoa học của con người quy định vị trí của mổi quan điểm, học thuyết. Chẳng hạn trong xã hội chiếm hữu nô lệ chưa hình thành các ngành khoa học độc lập, chuyên biệt về tự nhiên và xã hội, về các hình thức vận động của vật chất, nên triết học thời bấy giờ là kiến thức lý luận nói chung, trên thực tế là dạng kiến thức duy nhất. Dần dần các khoa học chuyên biệt ra đời, ranh giới giữa chúng với triết học được xác lập. Sự phát triển phong phú tri thức loài người và quá trình phân loại, “cá thể hóa” đưa đến chỗ triết học không còn đóng vai trò “khoa học của các khoa học” nữa, mà chỉ nghiên cứu những vấn đề chung nhất của tồn tại và nhận thức.

Sinh hoạt tư tưởng trong thời đại hôm nay phản ánh một thế giới mở, sự bùng nổ các khám phá khoa học, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, kinh tế tri thức và sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc vì những mục tiêu nhân loại chung; song đó cũng là một thế giới phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ xung đột giá trị, trong đó có giá trị tư tưởng, tinh thần. Nhận diện các trào lưu tư tưởng hiện đại, giải thích một cách khách quan, khoa học nội dung và thực chất của chúng góp phần làm sáng tỏ những đặc điểm của thời đại, dự báo xu hướng vận động của lịch sử.

Ba nguyên tắc cần nắm trong quá trình tìm hiểu một học thuyết, một trào lưu tư tưởng trong lịch sử là: thứ nhất, nguyên tắc lịch sử cụ thể, nghĩa là cần đặt đối tượng nghiên cứu, xem xét trong những điều kiện lịch sử nhất định, phù hợp với trình độ nhận thức của thời đại đó, đánh giá một cách nghiêm túc, trung thực những thành tựu, đóng góp của các nhà tư tưởng vào kho báu tư tưởng nhân loại. Không nên áp đặt một cách chủ quan những tính quy định của thời đại hôm nay đối với quá khứ, buộc quá khứ làm được những điều mà thời ấy chưa thể biết đến. Nói khác đi, quan điểm lịch sử cụ thể đòi một thái độ văn hóa đối với những di sản do nhiều thế hệ nhân loại đã tạo nên, tích lũy, sàng lọc qua các thời kỳ phát triển. Thứ hai, xác định cái cơ bản nhất, cốt lõi nhất, hay điểm nhấn trong toàn bộ bức tranh tư tưởng với tính cách là đối tượng nghiên cứu. Chỉ có như vậy mới hiểu biết một cách sâu sắc và cô đọng cái “hồn” sống động nhất của từng thời đại, hiểu được “trục chính” trong sinh hoạt tư tưởng thời đại ấy. Thứ ba, kết hợp hai cách đánh giá, đánh giá từ góc độ thế giới quan và đánh giá từ góc độ giá trị đối với từng học thuyết, vừa làm nổi bật tính đảng phái, vừa chỉ ra vai trò, vị trí của từng học thuyết trong đời sống xã hội, trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng. Thứ tư, chỉ ra mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, nghĩa là rút ra ý nghĩa và bài học lịch sử của việc nghiên cứu một học thuyết, tư tưởng trong quá khứ đối với thời đại chúng ta
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?